Langven.com Forum

Full Version: Trên giá sách
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: [<<], [<], 6, 7, 8, [9], 10, 11, 12, [>], [>>]
yuyu
QUOTE(K. @ Sep 15 2003, 04:47 PM)
QUOTE(K. @ Sep 14 2003, 10:21 PM)

Quả đã có thời mà việc đọc sách được hình dung chỉ với một thái độ: cực kỳ nghiêm túc. Và thời sự văn hoá là thời sự của những cuốn sách văn học. Thập kỷ 80 chẳng hạn, ai cũng đọc Gienny Ghechac, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Mùa tôm, Jên Erơ, Đồi gió hú, Ngôi nhà của những hồn ma , Tê-rê-da, Thao thức, Trò đùa...



Ông Dương Phương Vinh này cũng mắc cười không kém w00t.gif. Thứ bảy rồi K. mới tậu cuốn "Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma", nguyên tác của Isabel Allende, bản dịch Việt ngữ của Mạnh Tứ, Đòan Đình Ca. Bây giờ đang dòm cái trang sau cùng, thì thấy là:

Nhà Xuất Bản Văn Nghệ T. P. Hồ Chí Minh
In 1000 cuốn, GPXB số 380/1397/XB-QLXB ngày 20/11/2000.
In xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2001.

Trong trang đầu, phần giới thiệu thì: đây là lần đầu tiên tác phẩm này đựơc dịch ra xuất bản ở Việt Nam, tức là tháng 4/2001.

w00t.gif w00t.gif


K.

Ông Dương Phương Vinh này viết về văn học mà dùng tiếng Việt cũng không sạch nước cản Thập kỷ 80
Là lỗi rất phổ biến trên sách báo Việt Nam và cửa miệng của nhiều nhà phát ngôn thuộc giới trí thức hoặc lãnh đạo văn hóa
Thập kỷ là danh từ Hán Việt chỉ một thời kỳ 10 năm, cũng như Thế Kỷ là thời kỳ 100 năm, Thiên Kỷ 1000 năm v.v...
Do đó 1 thế kỷ chỉ có 10 thập kỷ.
Nói thập kỷ 80 có nghĩa 1 thế kỷ có 100 thập kỷ ?
Chỉ có thể nói thập kỷ 8, thập kỷ 9 v.v...( đúng ra là Thập kỷ thứ 8, thứ 9 )
( Tất nhiên có thể coi 80 như một tính từ chỉ những năm 80) Nhưng tốt nhất không nên sính nói chữ Hán khi chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó. Nên thuần Việt : Những năm 80 , hoặc cùng lắm vẫn thích nói chữ thì Thập Niên 80....
TanNg
QUOTE(yuyu @ Sep 15 2003, 11:19 PM)
Các đây 15 năm thì Sơn mới chỉ là cậu bé choai  choai, biết quái gì mà nói thay  các cụ đọc sách hồi ấy ? Lại còn dám nói về trung học Pháp với đại học Mỹ ?

Tôi nghĩ không dứt khoát là phải trưởng thành cách đây 15 năm mới có thể đánh giá những vấn đề cách đây 15 năm. Người ta chẳng đánh giá lịch sử cách đây cả nghìn năm đấy sao, đâu cần phải sống trong thời đó. Thanh Sơn có thể dựa trên những trao đổi, hoặc thông tin ở nguồn khác. Nói chung là tôi cũng cảm giác là so sánh VN với Pháp, Mỹ thì đúng là không ổn, vì để đánh giá chĩnh xác đòi hỏi phải có các nghiên cứu kỹ lưỡng.
n/a
Bây giờ ở nhà chịu dịch sách nhưng vẫn chỉ những cuốn "an toàn" thôi . Tại sao Camus và Sartre cổ xưa thế mà người ta vẫn phải mua sách cũ của miền Nam, Sholzhenytsin, Orwell, Koestler... tuy cũng cũ rồi nhưng làm gì có bán.
Mr. Smith
Trước nghe nói Trung tâm Đông Tây chuẩn bị in Tuyển tập Camus, không rõ đã in trưa?
Hưng
Em thì lười đọc văn học cho nên văn học Pháp hiện đại coi như em chưa đọc chữ nào. Nhưng em nhớ mang máng Camus hay Sartre không phải là những cái tên mới ở VN từ thời mở cửa. Có lẽ người ta đã biết rõ hai ông này kể từ thời các cụ như Trần Đức Thảo, Hòang Xuân Hãn về VN rồi. Em về VN được anh bạn kể rằng bọn được gọi là trí thức ở VN tay nào cũng phải vào đúng thư viện quốc gia ở Hà Nội, copy đúng cái bản dịch cuốn "Buồn nôn" của Sartre về gối đầu giường mới được coi là trí thức ( nhất định không chịu mua một cuốn mới! ). Tin này thế nào, liệu có phải anh bạn em nói đùa không các bác nhỉ?
Ngòai ra về chủ nghĩa hiện sinh, em nghe ông Nguyễn Văn Trung nói chuyện hồi từ Canada sang Berlin thì có vẻ như ở VN người ta biết rất rõ. Ông Trung thuộc thế hệ giáo sư ở miền Nam từ ngày xưa đi học ở Pháp, Bỉ trở về dạy tổng hợp Sài Gòn.
Sách triết học và văn học thế giới giai đọan sau thế chiến thứ 2 ( và cả những luồng tư tưởng trước thế chiến thứ 2 như bọn Husserl, Heidegger..) có lẽ trong Nam vẫn lưu truyền- chỉ có miền Bắc là không có sách để đọc mà thôi. Em có nói chuyện với mấy đứa bạn ở miền Nam- thấy chúng nó cũng có sách của mấy ông này để đọc, chứ không như ngòai Bắc.
Phó Thường Nhân
Đúng là Sartre và Camus không có gì mới với cụ Trần Đức Thảo, vì bản thân cụ còn đấu võ bút với Sartre từ hồi những năm 50 cơ mà. Nhưng với công chúng ngoài Bắc thì Sartre là mới. Ở miền Nam, thì người ta đã biết tới Sartre từ những năm 60, nhưng không rõ có dịch ra tiếng Việt hay không.
Quyển "Buồn nôn" đọc chán lắm. Vì nó là chuyện không có cốt chuyện. Một dạng minh họa triết học. Nếu đọc được bằng tiếng Pháp và thưởng thức câu cú, văn phong của nó thì còn thấy hấp dẫn, còn đọc bằng tiếng việt thì không biết thế nào
Mr. Smith
Các cuốn Buồn nôn, Dịch hạch, Người xa lạ... đều có in ở ngoài Bắc đấy chứ (và một số cuốn tái bản gần đây). Năm ngoái cũng nhìn thấy ngòai Nguyễn Xí có cuốn Heidegger của Bùi Giáng thì phải.
yuyu
Các chú nói chuyện sau Đổi Mới thì nói làm gì ? Sau 1990 thì vỡ tổ sách, gần đây loạn sách là khác....Tuy vậy vẫn làm gì có Alexandre Soljenitsyne, George Orwell ....?
Đây mình đang phê phán đoạn trích lời nhận định bốc phét của Nguyễn Thanh Sơn khi phán là " trước đây 15 năm" thì độc giả VN nắm vững văn học hiện đại Nga , trong khi đến nay vẫn chưa in Soljenitsyne ( prix Nobel văn chương 1970), còn trong Từ Điển Văn Học xuất bản 1988 thi thậm chí không có cả tên ông này và Boris Pasternak , prix Nobel văn chương từ 1958.
Còn độc giả bình thường miền Nam cũng chỉ biết nhiều đến Camus, Sartre từ 1970, cuốn Buồn Nôn của nhà Khai Trí in lần đầu năm 1970 , vì Sartre trở nên nổi tiếng với công chúng hơn, nhất là công chúng ngoài châu Âu như Việt Nam từ sau vụ ông từ chối nhận prix Nobel văn chương năm 1968 và đứng về phía cánh tả trong cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp mùa hè 1968, dẫn đến sự từ chức của De Gaulle ....Trước đấy thì dĩ nhiên Sartre nổi bật trong giới trí thức cấp cao thì không nói làm gì .....
Mr. Smith
Hì hì, Solijenitsyn, Orwell đều có những tác phẩm chống cộng trực tiếp hay gián tiếp, lên án chế độ chuyên chính vô sản thì tất nhiên không thể được in ở Việt Nam rồi. Chúng ta vẫn đang là nền dân chủ chuyên chính vô sản mà. ;-).
Trước có thấy Solijienitsyn có được giới thiệu và in một số tác phẩm trên Tia sáng hay là Văn nghệ nhưng mà là mấy bài thơ của ông này, hi hi, vô hại về chính trị.
Mr. Smith
Tự do hít thở
Alexander Solzhenitsyn

(Trần Tuệ Minh dịch)


Cơn mưa rào rơi trong đêm và giờ đây những đám mây xám trôi ngang trời, thỉnh thoảng rắc một làn mưa bụi.

Tôi đứng dưới cây táo đơm bông và hít thở. Chẳng riêng gì cây táo mà vùng cỏ quanh đó cũng loang loáng hơi nước; không từ ngữ nào có thể diễn đạt hương vị ngọt ngào lan toả trong không gian. Hít vào thật sâu, mùi hương tràn ngập hiện hữu tôi; hô hấp với đôi mắt mở, hô hấp với đôi mắt nhắm -- không biết điều nào mang đến cho tôi niềm hoan lạc mênh mông hơn.

Tôi tin rằng chỉ có thứ tự do này là quý giá nhất mà ngục tù đã tước đoạt của chúng ta: tự do hít thở thư thái, như tôi trong giây phút này đây. Không có thức ăn nào trên trần gian, không có loại rượu nào, và ngay cả không có nụ hôn của một người đàn bà nào khả dĩ làm tôi ngây ngất hơn không khí đẫm hương hoa và tươi mát này.

Chẳng hề gì nếu đây chỉ là một khu vườn nhỏ với những toà nhà năm tầng như chuồng thú vây quanh. Tôi không còn nghe tiếng xe cộ gầm rú, tiếng đài phát thanh lải nhải, tiếng loa sắt rền rĩ nữa. Chừng nào còn được hít thở không khí trong lành dưới một cây táo sau cơn mưa rào, chừng đó chúng ta còn sống sót.

Nguyên tác: "Freedom to Breath", trong Alexander Solzhenitsyn, Matryona's House and Other Stories
(Ringwood, Vic.: Penguins Books Australia Ltd.: 1985)
Pages: [<<], [<], 6, 7, 8, [9], 10, 11, 12, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.