Langven.com Forum

Full Version: Trên giá sách
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: [<<], [<], 44, 45, 46, [47], 48, 49, 50, [>], [>>]
TươngGiang
Lâu không đọc được một tác phẩm ưng ý nào, cảm thấy trong người rất bức bí. Càng bức bí hơn, bởi vì người ta viết dở thế mà mình có muốn viết dở như người ta cũng chẳng được leuleu.gif

May mắn và cảm ơn bạn, đã tặng cho cuốn Những giấc mơ của Einstein. Một cuốn sách mỏng, nhẹ nhàng nhưng chất chứa bao điều đáng để đọc, để suy ngẫm và để... hưởng thụ. Chứ sao nữa...

Hưởng thụ chất hài hước tinh tế trong từng phân cảnh của câu chuyện, trong từng tình huống, từng giả định trong những câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, không cố đánh lừa hay mị người đọc bởi những ngoa ngôn, điêu ngữ.

Hưởng thụ những suy luận chính xác về thời gian, những quan điểm khoa học về thời gian và không gian được giải thích một cách giản dị, đạt tới mục tiêu thuyết phục được người đọc.

Hưởng thụ một cấu trúc truyện đặc biệt, không phải vì sự khiên cưỡng trong việc làm mới, cố tạo ra một cái gì lạ lẫm, mà chỉ là sự thể hiện mới mẻ trong tính cô đọng và súc tích gây được hiệu quả cao nhất tới độc giả.

Thật là thú vị khi kết thúc một năm cũ bằng một cuốn sách có thể gây nhiều cảm tình đến vậy! Cho dù bạn là người ham thích hay không quan tâm gì tới khoa học, không cần biết tới sự già nua của con người và ngắn ngủi của kiếp sống trong sự lẳng lặng của thời gian, thì vẫn nên một lần đọc Những giấc mơ của Einstein. Hy vọng, bạn cũng tìm được một điều thú vị nào đó, trong những câu văn giản dị mà vô cùng xúc động của cuốn sách mỏng này!
Thị Anh
he, còn chị thì vứt Thủy Hử đấy, mặc dù cũng rất thích đọc. Nhưng giờ đang mê mệt với Totem Sói.
Lâu rồi, mới có một cuốn sách hay như vậy, chả có cố ý gài tí sex nào. Nhưng thật là đọc đáng gọi là "hay", đọc đến đâu, suy nghĩ đến đó.
Tuongcuop
Các cụ đọc nhiều thật. Son rỗi sướng thế.

Tướng cướp giờ chả được đọc nhiều. Nên phục, vì sợ bọn ấy lắm, như thằng em vừa đi làm bằng Tiến sĩ văn chương dang dở từ Pháp, kiêm làm thư viện ở Mĩ cải thiện tiền cho vợ đẹp con xinh, về khoe cùng mụ Thi Anh đọc một ngàn cuốn sách nguyên bản từ tiếng Anh. Lại dọa mình, về VN viết "Chiết" học.

Đêm về không ngủ được, vì sự ngu dốt ko chụ đọc sách của chính mình. Tính ra, hắn đọc ba cuốn một ngày vì hắn ở Mĩ hơn một năm.
Siêu thật. Siêu ơi là siêu. Chả bù cho con cái ông Lê Đức Thọ. Cả hai vợ chồng đều tiến sĩ triết, sang Đức về già còn tu nghiệp nữa, đọc Hê Ghen bốn năm nay, chưa xong một cuốn. Gạch gạch xóa xoá, tra tra, giở giở dăm cuốn sách..

Cái sự đọc của thằng bạn nói trên khác quái gì thằng cha chuyên dịch tiếng Nga bỗng dưng giở rói, năm kia viết mười truyện ngắn trong một tuần.Cả năm viết cả trăm TN. Có lẽ tới khi mình toi hắn sẽ giật giải NOben vì viết nhiều sách. Nghe nói, sắp cóp Giải NOben cho ai đọc nhiều nhất các Châu Lục. VN ko có giải NOben văn chương nhunưg chắc thể nào cũng có đứa giật giải Noben đọc sách.

Cái mục này, ai đặt tên hay thật giởi thật. Trên giá sách!

NHớ lại xưa mình toàn mua sách chật cứng, lại đóng một cái giá và chụp ảnh mang tới tới đây là giấ sách của tao với Con bạn gái đẹp nhất trường... Sung sướng thế. Bạn gái nhìn mình đến tê tê cả gân mặt...Lại hỏi, bạn đọc "Lép sờ ông tôi sơ toi" chưa. Mặt vênh lên khoe luôn Bông hồng vàng của Pau...Mặt cửng lên. Ưỡn rộng ngực ra cho không khí căng phồng tư thế của thằng nhiều khoái cảm...

Bây giờ mắt kém đọc tị đã buồn ngủ...

Thú thật hơi phục các Đại giang hồ cao thủ võ lâm làng ven.

Nhưng thua thằng em nói trên nhé. Nó đọc cả ngàn cuốn một năm cơ mà.


Chả có cuốn nào mà Hội nhập khoe với mụ THị Anh để loe ngoe với mụ cả.

Em xin các chị, cắn rơm cắn cỏ với các bà...

mục này đọc cuốn nào, tóm tắt kì tẹo, hay thê nào...dài hơi một tí. Cho em đỡ đọc một cuốn. Hoặc là thực thấy hay qua lời dẫn tìm mua mà tránh các cuốn dở phí tiền nhậu...


Buồn muốn ra cầu Long Biên, đâm đầu xuống hàng bún ốc mạn trái tự tử. Hoặc để ốc bnó bức tử, nói mò... một câu.
TươngGiang
Lần này là lần thứ hai quảng cáo về Totem sói rồi đấy nhé, ok, để mua ủng hộ nhà Đông A một cuốn leuleu.gif
Bác Tuongcuop ạ, đúng là son rỗi nó chỉ hơn mỗi thế đấy. Mà đọc nhiều thì có gì mà bác phải phục, đọc để mà làm gì, để được cái gì, để ra cái gì nó mới quan trọng; chứ còn như em, thì đọc chỉ là... để đọc thôi, TA nhỉ? lala.gif

Mà bác cứ hồn nhiên đi, già hồn nhiên cho nó dễ sống, băn bó suy nghĩ lắm làm gì hả bác? (may mà em ngộ điều này sớm wacko1.gif )
Phó Thường Nhân
Giời này mà còn có người đọc Hegel cơ ạ. Sợ thật. Mà nếu vừa đọc vừa tẩy tẩy xoá xoá thì có nghĩ là huặc không biết tiếng Đức huặc định dịch ra tiếng Việt. Trong cả hai trường hợp đều mất công cả.

Hegel cổ rồi, và thực tế cũng không có hậu duệ, tức là có trường phái, nên ảnh hưởng chẳng có là bao. Được có một trường phái ngược, thì đó là Marx. Nhưng Marx cũng là một trường phái riêng, không cần ngược dòng tới Hegel để hiểu. Thế giới của ông Hê(gel) tức là nước Phổ, cũng đã sụp từ đời nào, còn người đại diện lớn nhất cho triết học Đức có lẽ là Nieztsch(chẳng biết viết tên ông ta có đúng không ? Vì có nhiều phụ âm quá), hiện đại thì có Hedegger (có lẽ tên ông này cũng viết sai chính tả). Ai còn chịu khó đọc Hegel bây giờ đúng là phải bái phục. Nên mấy năm đọc không hết một quyển có lẽ cũng hiểu được.

Nói chung trời rét thì dễ đọc sách, vì thế nên kỳ nghỉ Nô en vừa rồi, 3 ngày đọc được những 4 quyển. So với kỷ lục ngày 3 cuốn thì còn thua, nhưng có lẽ có người có thể đọc được nhanh hơn thế nữa.

Bắt đầu bằng quyển Bất tử của Milan Kundera. Mua đã lâu, nhưng chưa có duyên để đọc. Sau khi đọc được đến gần phần cuối, tức là phần tác giả nói đến nhân vật Ruben thì « ngã ngựa », tức là thấy bứ đến cổ, không thể đọc được nữa, giống như người ăn cơm nếp bị nghẹn. Đành phải bỏ dở. Chuyển sang nhà văn thời thượng, đang được các blogger ở VN yêu mến, đó là ngài Murakami. Nhưng do không kiếm được quyển xôn xao dư luận nhất là cuốn Novergian Wood, nên đành đọc tạm cuốn « phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời ». Cũng là một quyển mua theo phong trào, chưa kịp đọc. Văn của Murakami đọc dễ như ăn ...bún, trôi tuồn tuột, nên đọc hết một quyển chưa thấy no. Vớ tiếp quyển nữa « những người tình của sputnik », nhưng phàm cái gì trôi tuồn tuột thì đọc cũng chóng chán. Giống như ăn bún nhiều thì no nhanh nhưng óc ách nước trong bụng. Kết quả vẫn đọc được hết, vì bún vẫn trơn. Nhưng đến cuối quyển thứ hai của Mu(rakami) thì cảm giác như đang đọc truyển Kim đồng, hay tuổi hồng. Tự nhiên muốn tìm cái gì ăn nặng hơn, có chất hơn. Thế là lại quay lại Kundera, với quyển « Điệu van giã từ ». Có lẽ trong 4 quyển thì quyển này ưng ý hơn cả. Nhưng nó lại hơi cổ. Tâm tư của Ku(dera) gắn nhiều với những suy nghĩ của ông về thời nước Tiệp còn trong vòng tay Liên Xô. Nhưng điều Ku muốn, bây giờ đã thành hiện thực. Nhưng cái nước Tiệp của ông cũng không khá hơn. Tự nhiên đọc quyển sách thấy nó mất hương vị. Có lẽ vì thế mà cái chủ điểm ngán ngẩm nhân tình thế thái, và cái banalité của cuộc sống của Ku,vốn được coi là gắn liền với nước Tiệp cũ mất đi sự hấp dẫn. Điều này thì Mu lại hơn, vì ông ta đề cập tới một thế giới có một tí nội tâm, một tí sex, một tí bình thường... có lẽ rất giống như xã hội thành thị VN hiện tại. Có thể vì thế mà Mu(rakami) làm xôn sao dư luận Blogger, tức là những ê lít (Elite) của VN ngày nay ?

Quả thật các nhân vật của Mu rất thời thượng, do có một cái gu « Ê lít phương Tây » rất cao. Khi đọc Mu, người ta có thể lập ra được một danh sách của những tác giả nhạc cổ điển phương Tây,từ cổ chí kim được. Không những thế, họ còn thưởng thức tuỳ theo người biểu diễn. Trong sách có thể có những câu đối thoại như thế này (Nói đại khái như thế, tôi không thể trích dẫn chính xác). « Chị mở nhạc Brams có được không ? Trả lời : được chị ạ, Brams em có thể nghe cả ngày không chán ». Tôi , trình độ nhạc vốn có thể đạt tới Modern Talking là kịch bến, không thể không hoảng sợ trước cáigu hết sức « ê lít » của các nhân vật Mu dựng. Mà họ cũng chỉ là những người bình thường, một cô thư ký, một anh giáo viên, một thương gia...tức là những người trong cuộc sống, chẳng liên quan gì đến thời thượng văn hoá cả.

Các nhân vật của Mu cũng mặc hàng hiệu, ăn đồ phương Tây. Trong hai cuốn tôi đọc, nếu nhớ không nhầm thì chưa có ai ăn Sushi . Họ uống rượu vang sành điệu, ăn pizza, spagetti. Nếu bịt cái tên đi thì có lẽ không ai biết họ là người Nhật.

Tất cả những điều đó, khiến Mu có lẽ gần gũi đặc biệt với thái độ tiêu thụ « theo danh sành điệu » ở VN ngày nay. Văn hoá phương Tây như vậy với Mu là một thứ chuẩn. Ông ta không chán.

Ngược lại các nhân vật của Ku(dera), dù có là nhạc sĩ (ví dụ nhân vật thổi kèn trompette) trong điệu van giã từ, không ai bàn về âm nhạc một cách sành điệu. Đọc xong (hay gần xong) hai cuốn của Ku, cũng không giúp tôi lập được một danh sách các tác phẩm cổ điển nổi tiếng nhất. Đừng nói gì đến chuyện bình về âm nhạc một cách sành điệu, như một thứ hàng hoá tiêu thụ.

Có lẽ Ku mù âm nhạc. Điều đó khó có thể tưởng tượng được, vì ông ấy chủ chương viết tiểu thuyết, cấu trúc nó ... như một bản giao hưởng. Có lúc ông ta nói nhân vật của ông « cao giọng hơn một octave », vốn là thước đo âm độ trong nhạc lý. Vậy Ku chắc chắn am hiểu âm nhạc, có lẽ còn chơi được nhạc cụ. Nhưng trong tác phẩm của ông không có một lúc nào ông thể hiện sự sành điệu của mình cả.
Thái độ của Ku với văn hoá phương Tây là một thái độ hoài nghi, diễu cợt, chán ngán...Cũng có thể vì thế ông ấy mê những nhân vật đối nghịch với nó, như Đông ki sốt.

Mặc dù vậy cả Ku và Mu đều có thể nói đến sex một cách dễ dàng, nhưng Sex của Mu là một cách tỏ thái độ tình cảm, còn Ku thì nặng về tìm một triết lý, một nghịch lý thông qua tâm lý. Dù sex và nhưng điều liên quan tới nó (tinh cảm, hoàn cảnh, xung đột...) đều được hai người sử dụng để dẫn truyện tạo tình tiết.

Cấu trúc tiểu thuyết của Mu có lẽ không vượt quá truyện của « tự lực văn đoàn ». Có nghĩa là nó rất cổ điển. Thậm chí nó còn lược giản và tiết kiệm nhân vật, nhưng tình tiết lại tinh tế, tỉ mẩn. Ngược lại cấu trúc truyện của Ku là cả một vấn đề. Và có lẽ ngoài các nghịch lý triết lý trong tình tiết, cấu trúc truyện của Ku thật sự đặc sắc. Bản thân nó đã là một chủ điểm, khiến người ta phải để ý, ngoài nội dung. Truyện của Mu không có điều đó. Đọc đến quyển thứ 2 của ông, tôi cảm giác như đang đọc truyện Kim đồng. Điều không thể xẩy ra với Ku.

Có lẽ vì thế mà đọc Mu là ăn bún (ít chất, nhiều nước, dễ trôi, đói nhanh). Còn đọc Ku là ăn xôi (nặng bụng, khó nuốt, khó tiêu).

tanlangtu
QUOTE
Nhưng do không kiếm được quyển xôn xao dư luận nhất là cuốn Novergian Wood, nên đành đọc tạm cuốn « phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời ».


Em có bản tiếng Anh, gửi bác Phó
http://files.myopera.com/tanlangtu/blog/Norwegian_Wood.pdf

Một vài cuốn khác
Murakami Collection Works
The Wind Up Bird Chronicle
Tuongcuop
Một trong các tật xấu của dân ta là thích nói phét. Thích tỏ ra cao đạo.

Ở Đức, nôi của He Ghen vẫn bán sách của cụ. Như ở ta vẫn tái bản Kiều và vẫn tranh biện quanh ngôi mộ bốn trăm năm của Kiều...

Đấy là cái nôi của một xứ triết học mà còn vậy, xong ở ta, vừa xấu hổ là từ bàn cổ tới giờ chưa có một danh nhân nào được liệt vào hạng triết học gia đề ra một tư tưởng lớn, nhưng rất nhiều đứa xem cái này là cũ cái kia là cổ cái này là mới...Moden thật! Đọc cũng moden, váy cũng moden cũng như sành điệu mà ngoắt đổi điện thoại cầm tay từ năm ngoái sang năm nay Sony thay thế cho Samsung...Con gái Hà Nội thay thế xi líp trắng hồng bằng loại đen có ren sành điệu năm 2007...Ông Thảo được ca ngợi ngất trời, nhưng cũng chỉ ba cái tiểu luận tranh biện khơi khơi mới hơi chạm tới triết...

1000 cuốn sách nhân loại cho người Việt. Sáng kiến ấy của Ngô Tự Lập lăng quăng là một ý kiến đúng và tâm huyết (đôi khi Lập giữ lại cái tử tế của người cầm bút).

Thế nên dầu đi ra ngoài nhiều, thông minh lỏi mà chả khá được. Âm thầm vượt lên làm danh sĩ xứ người đếm chưa hết tiếng vỗ tay đã hết, hỏi gì tới dân trí trong nuớc hở trời.
NguoiVN
bác tướng cướp đổi avatar đi, phù đổng thiên vương đâu có nhậu w00t.gif
Bến
Tuần trước đâm bổ ra Fahasa Nguyễn Huệ tìm cuốn Hạt căn bản định đem về nhá ngày nghỉ lễ. Hỏi khắp các quầy chả ai biết cả nên hậm hực ra về, định bụng lần sau lại ra kiếm. Đùng một phát báo Tuổi Trẻ đăng bài giới thiệu, tịt luôn ý định mua vì sợ bị buông một câu "Bà lại vác dâm thư về đấy à" (Hậu quả của Bóng Đè lần trước).
Hôm nay quyết mua bằng được Totem Sói, ai nói gì cũng mặc.
Lại nhớ có lần lão L hâm chửi mình "Cái Totem nhà bà! = Tổ tiên nhà bà!"
Phó Thường Nhân
Lâu rồi, lang thang vào tiệm sách VN ở đây, thấy có quyển « Nguyễn Quang Bích , tác phẩm, sự nghiệp », có cả hội thảo về ông ấy nữa,xuất bản cũng gần đây thôi, khoảng cuối những năm 90.Thế là mua. Nguyễn Quang Bích là ai ? Đó là một lãnh tụ Văn thân chống Pháp ở miền Bắc, vùng Hưng hoá , tức là khoảng vảo địa phận tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Công cuộc cần vương của ông ấy, là cuộc khởi nghĩa Văn thân lâu dài nhất ở VN. Nhưng ở Vn hiện nay, tôi tin là nếu làm một cuộc điều tra kiến thức, chẳng mấy người biết ông ấy là ai. Có khi lại nhầm là một nhân vật nào đó trong vụ PMU18 cũng nên.

Tôi cũng nghĩ có lẽ chẳng có một người Pháp, hay người Đức nào hiện tại, ngồi « tẩy tẩy xoá xoá » đọc thơ của Nguyễn Quang Bích đến « những mấy năm » cả, và có lẽ họ cũng không biết ông là ai, mặc dù nếu tra các sách của Pháp vào thế kỷ XIX, khi họ viết về công cuộc « khai hoá VN » thì tất nhiên, không thể không có tên ông. Cuộc kháng chiến của Nguyễn Quang Bích gần như đồng thời với thời gian nổi tiếng của Hê ghen.

Thế tại sao tôi lại mua quyển sách nói về Nguyễn Quang Bích ? Bởi tác phẩm, cuộc đời của ông là một bộ phận của văn hoá VN. Thế tại sao tôi không đọc Hê ghen ? Bởi vì nó chẳng có tác dụng gì với những nhu cầu kiến thức hiện tại của tôi. Như vậy nếu người Đức đọc Hê ghen không có gì là lạ, vì đó là văn hoá của họ. Họ là người Đức. Họ không đọc Nguyễn Quang Bích cũng không có gì là lạ. Vì họ không phải là người VN, văn hoá VN xa lạ với họ, và đọc Nguyễn Quang Bích cũng không giúp họ hiểu gì nước VN hiện tại, là điều họ có thể cần.

Tôi đọc Nguyên Quang Bích là bình thường, vì tôi là người VN, tôi nên tìm hiểu văn hoá dân tộc tôi. Còn việc tôi đọc Hê ghen hay không, nó phụ thuộc chủ yếu vào việc , đọc ông ta tôi thu nhận được gì ? Có ích cho tôi không ? Nếu đọc Hê ghen chỉ vì người Đức đọc, chỉ vì nước Đức là cái nôi của triết học, thì tôi đọc là vì vanity, một thứ lập dị, lấy tiếng chứ chẳng có ích gì.

« Nước Đức là cái nôi của triết học ». Nếu ai thực sự quan tâm đến triết học, (phương Tây, dĩ nhiên rồi), thì sẽ thấy điều này sai. Điểm mặt các triết gia nổi tiếng từ cổ chí kim, người Đức không chiếm đa số. Nếu để ý là đã nói tới cái nôi, tức là nói tới mảnh đất phát xuất của triết học phương Tây, thì có lẽ người ta sẽ nghĩ tới Hi lạp nhiều hơn, và điều này cũng đúng hơn.

Vậy tại sao lại có cái ý tưởng « nước Đức là cái nôi của triết học », trong khi cả về số lượng triết gia, cũng như nội dụng, nước Đức cũng không phải là nơi áp đảo. Câu trả lời có lẽ phải quay về Marx. Như người ta vẫn nói, Marx xây dựng học thuyết của mình dựa vào 3 thành tựu « Triết học Đức, Kinh tế Anh, tư tưởng XHCN Pháp ». Quả thực thời Marx sống, tức là vào giữa thế kỷ XIX thì triết học Đức xuất sắc nhất. Nhưng điều đó không đúng vào thế kỷ XVII (lúc này nước Anh mới là đất triết học), cũng như thế kỷ XVIII (lúc này là Pháp)..Thế kỷ XIX, XX người ta cũng không thể không nói tới Anh-Mỹ. Như vậy triết học Đức « xuất sắc nhất » thế kỷ XIX, có một phần là ý tưởng của ông Marx, vì ông ấy dựa vào triết học Đức, cụ thể là Hê ghen (lại ông này) để xây dựng chủ nghĩa của mình. Sau này nhờ có sự phát tán của chủ nghĩa Mác, thành hệ tư tưởng thế giới, mà ông Hê ghen và các ông khác (Fichte, Foeurebach,Schiling...) ăn theo một phần.

Thế người VN đọc Hê ghen để làm gì ? Tình yêu với ông Hê ông Ghen ấy ở đâu mà ra ? Tất nhiên tôi chịu không thể trả lời được. Nhưng có cái ý riêng thế này. Từ 50 năm nay, ở VN thực ra chỉ dậy chủ nghĩa Mác. Vậy người ta biết tới He ghen (đầu tiên qua cái tên) là qua chủ nghĩa Mác. Giống như người theo đạo Thiên chúa, tôn thờ Giê Xu thì biết tới Jean Baptiste, vì theo kinh thánh thì Jean Baptiste là tiên tri báo sự ra đời của Giê Xu. Tương tự như vậy, đọc Marx (vì thích hay bắt buộc) cũng khiến người ta biết tới Hê ghen, và quá đó biết tới nước Đức là cái nôi triết học.

Trần Đức Thảo là một nhà triết học VN. Ông ấy nổi tiếng ở Vn không phải là do tác phẩm, mà là do cái danh, nghe nói đến. Nói tới Trần Đức Thảo, sẽ được thơm lây mùi « triết » của ông. Trần Đức Thảo được đào tạo ở Pháp. Thời ông ở Pháp cũng là lúc chủ nghĩa Mác ở đây lên hương, và dĩ nhiên ông ấy cũng học Hê ghen, để phản bác, vì Trần Đức Thảo là một nhà triết học Mác xít mang vị phương Tây, đối lại với Trần Văn Giầu, mang vị Mạc tư khoa , Lê nin nít. Như vậy ông Trần (Đức Thảo) cũng là một đầu mối truyền tình yêu Hê ghen cho « ê lít » người Việt (những người bây giờ độ tuổi khoảng 60,70,được đào tạo ở miền Bắc). Vì ông Thảo nổi, thì những gì ông ấy biết cũng là điều nổi (dĩ nhiên rồi)..Ông Thảo biết Hê ghen. Vậy biết Hê ghen là nổi ....

Cách đây rất lâu, thời thỉnh thoảng tôi còn ngó cái Talawat, một lần thấy có một cuộc tranh luận ác liệt giữa ông Phan Ngọc và những người khác về dịch một cái từ alienation. Thấy ông Ngọc nói là(nếu tôi nhớ không nhầm) rằng ông ấy học Hê ghen với Trần Đức Thảo, từ hồi những năm 60, nên ông ấy không thể dịch nhầm từ này. Nhưng thực ra điều đó không liên quan. Dịch hay hiểu đúng không liên quan tới THẦY mà liên quan tới MÌNH. Thầy có thể giỏi mà trò có thể dốt. « Không thầy đố mày làm nên », nhưng điều đó không có nghĩa có thầy giỏi thì automatic là trò giỏi. Đó chỉ là điều kiện cần mà không đủ.

Nhưng ở VN người ta vẫn thích lấy cái danh để làm uy tín. Thế cho nên tôi mới trộm nghĩ rằng khi « ê lít » 60 , 70 tuổi ở VN nói tới Hê ghen thì có lẽ nhiều phần bởi cái danh, chứ còn tác dụng thực tế có lẽ không có là bao.

Như vậy có lẽ nhu cầu « tôi biết Hê ghen đấy , đọc mất mấy năm» cũng giống như nhu cầu lúc người ta, vào tiệm ăn xịn, đặt đánh kịch một cái « con Mobile » lên bàn để mọi người nhìn, rồi nói « vô tư như chấy » « Anh vừa đổi « con Mobile » Samsung ra Sony, phải các thêm mấy triệu ». Nó là VANITY chứ chẳng có lợi lộc gì khác.


Pages: [<<], [<], 44, 45, 46, [47], 48, 49, 50, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.