Langven.com Forum

Full Version: Paris chốc lát
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [1], 2, 3, 4, [>], [>>]
1dc7
Một buổi tối cách đây đã khá lâu, tôi nhận được e-mail của chị gái. Có hai điều làm tôi ngạc nhiên, đó là chị viết cho tôi dịu dàng chứ không vui nhộn như bình thường, và điều thứ hai, dẫn ra từ điều trên và đoạn viết dưới đây về Paris, là tôi có cảm giác chị tôi lại yêu một lần nữa. Điều duy nhất tôi không ngạc nhiên, đó là chị vẫn viết quá hay như ngày nào, có lẽ từ lâu lắm rồi.

Đây là toàn bộ những gì chị gửi cho tôi trong attachment của bức mail đó. Tôi không sửa lại chút nào kể cả sự lộn xộn và lãng đãng ở thời gian và bố cục ở một số đoạn, có lẽ chị viết và sửa lại vội vàng ở máy tính văn phòng lúc tranh thủ. Tôi và chị gái đều không thích Pháp, nhưng có lẽ khi yêu, các giác quan của người ta nhạy cảm và rộng mở hơn. Có lẽ cả tiếng ruồi bay cũng không thoát hỏi sự nhận thấy của họ.

Có một nơi tôi đã gửi bài này lên, nhưng diễn đàn của họ đã chấm dứt. Lần này gửi tặng các vner.


by L.T.T.H

Tôi đến Paris cuối hè 98, nghĩa là tròn 42 năm sau cuộc gặp gỡ với Paris của nhà văn Nga Constantin Paustopski. Trong vòng 10 năm qua tôi đã hơn một lần đọc phóng sự về Paris của ông, trong lòng cứ nửa tin nửa ngờ. Chưa đến Pháp, nhưng tôi chẳng có được mấy cảm tình với người Pháp. Mấy cô mấy cậu người Pháp làm cùng tầïng với tôi lúc nào cũng có cái dáng vẻ của “gà trống háu đá”. Thằng cha phòng bên cạnh có cai thói đốt thuốc lá khói um trong phòng để lấy mạng tôi, đi executive toilette (tức là loại toilette dùng chung cho cả đàn ông và đàn bà) không bao giờ chốt cửa, bữa ăn trưa giá 8,000 đồng hắn trả 10,000 mà nếu ông già đưa cơm không có tiền thối lại cho hắn ngay thì không xong với hắn. Một khách Pháp khác mới đến thuê văn phòng, Dominique có bộ mặt điển trai và đôi mắt xanh lè thì thường nhắc nhở tôi trong lúc uống trà buổi sáng những từ như “café” hay “trà sữa” thì không cứ người Việt mà cả người Anh người Mỹ cũng đều mượn của người Pháp. Thâm tâm tôi thấy cụ già đi thăm tượng thần Vệ nữ hay nhà điêu khắc A. Maillol được tả trong phóng sự thật là dở hơi.

Trên chuyến bay từ Prague đến Paris, tôi có xua đuổi những thành kiến vớ vẩn, có tập trung suy nghĩ về một Paris tuyệt vời như mô tả của mấy đứa bạn. Song lão già ngồi bên cạnh, bộ mặt của Grandet rất Pháp, vừa dán mắt đọc tờ Le Monde như một kẻ có học nhất vừa cẩn thận lau chùi muỗng nĩa của bộ đồ ăn trên máy bay để cho vào túi riêng lại làm cho tôi thấy tức cười quá, chẳng còn tập trung suy nghĩ được nữa.

Và sau những ngày ngắn ngủi ở Paris, rốt cuộc tôi cũng lờ mờ hiểu được cái “hidden charm” (cái duyên thầm) của thành phố ấy. Những gì tôi thấy không hoàn toàn trùng lắp với những gì Paustopski đã thấy, mặc dù ngay từ ngày đầu tiên ở đây, tôi đã muốn được nghe và thấy càng nhiều càng tốt, muốn được tới cả chỗ đẹp đẽ và nhơ bẩn nhất của Paris. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, Paris đã đổi thay nhiều, nhưng những gì tinh túy nhất của thành phố này vẫn tồn tại mãi, nó làm cho Paris trở nên rất khác với phần còn lại của thế giới. Nó làm cho tôi hiểu rằng dù nước Nga có Hermitage, có Cung mùa hè lộng lẫy và những kiến trúc vĩ đại thời Pierre Đại Đế, dù nước Tiệp có những lâu đài cổ lừng danh thời Charles XIV hay nước Anh có Edinbourge hào nhoáng, thì không có nơi nào có thể sánh nổi với Paris, sang trọng và hỗn tạp, hào hoa và bần tiện.

Phóng sự của Paustopski rất dài, ông kể về rất nhiều chuyện và nhiều người mà ông đã gặp ở Paris, nhưng dòng dưới đây chỉ là một phần nhỏ của phóng sự này. Tôi đã cố gọt dũa bản dịch sao cho mạch lạc và dễ đọc. Hãy in nó ra, tôi hy vọng là mọi người sẽ thấy thú vị khi đọc phóng sự này và có thể chia xẻ cùng tôi những cảm nhận về Paris.
1dc7

PARIS CHỐC LÁT

Cuộc đời đã soạn sửa cho hầu như bất cứ người nào có học và có trí tưởng tượng một cuộc gặp gỡ với Paris. Có khi cuộc gặp gỡ đó được thực hiện, có khi không. Chuyện đó phụ thuộc vào may rủi. Nhưng thậm chí nếu như có một ai đó trong số người nói trên cho tới khi khuất núi mà chẳng được thấy Paris thì, dù sao mặc lòng, anh ta chắc hẳn trong tưởng tượng hoặc trong những giấc mơ đã từng hơn một lần bay đến nơi đây.

Khi còn là trẻ con, trong ta sự hiểu biết và óc liên tưởng còn quá bé bỏng chưa đủ để cảm nhận đầy đủ cái quyền lực của Paris chế ngự trái tim ta. Nhưng trong tuổi trưởng thành, Paris rực rỡ hẳn lên với ta bởi những hiểu biết mà ta gom góp được về thành phố ấy, tình yêu đối với đường phố của nó, bầu trời của nó, những cuốn tiểu thuyết làm ta chân thành xúc động của Flaubert và Maupatssant, những cuộc cách mạng, những đau khổ và những thắng lợi.

Chỉ khi đến tuổi trưởng thành con người mới có khả năng cảm nhận được một cách trọn vẹn nỗi đam mê duy nhất đối với Paris được liên kết bởi những sự vật có vẻ khác hẳn nhau: những chiếc là tiêu huyền mộc khô màu tím nhạt và đôi môi ướt của cô gái hôn người yêu trên ghế rừng Boulogne; những dám mây tự hào và kiêu hãnh bay lên trên Cung Thương Binh, trên nấm mộ Napoleon và gian phòng hình tròn của viện bảo tàng Louvre, ở đó có tấm thân nàng Vệ nữ Milo tưởng chừng được đúc bằng ngọc trai mờ và ở đó ngững giọt lệ bướng bỉnh chẳng cần một cớ gì hết vẫn cứ trào ra trong mắt mọi người; mùi bụi, mùi thuốc lá và phấn son ở đại lộ; những cầu thang lên gác thường kêu kèn kẹt (bậc thang đã mòn vì những đế giày lê lên lê xuống có trăm năm, giống như những con dao cũ ở nhà bếp); khói ở các ga: ga Saint Lazar, ga Du Nord, ga Orleans; tiếng huýt sáo của những anh chàng tài xế taxi vui tính; những chú học sinh tinh nghịch và lễ phép mặc quần đen dài; nuớc cam với hơi cam đằng hăng xè như đâm vào mắt; bóng tối tù đọng thời trung cổ của nhà thờ Đức bà; những nàng tu kín đỏng đảnh bán những cây thánh giá đồng thau; những dành hoa khổng lồ (hoa trong dành ùn lên như bột men và tràn xuống mặt đường); những đêm không ngủ trong ánh đèn nhảy nhót của Moulin Rouge hoặc Folies Bergere.

Bầu trời trên nghĩa địa Père Lachaise chói lọi một cách dị thường!, bà tôi, một người đàn bà Thiên Chúa Giáo ngoan đạo và hơi mơ mộng, có cái thú đến viếng những nghĩa trang ở các thành phố khác nhau để rồi sau đó kể lại cho mọi người về những nghĩa trang ấy. Lần đầu tiên tôi được biết về bức tường Công xã trên nghĩa trang Père Lachaise là do bà tôi kể lại. Lúc đó tôi còn là một đứa trẻ. Giờ đây tôi cứ ngắm mãi những vết đạn hàng thế kỷ còn ghi lại trên đá kia với niềm kính cẩn trong lòng. Tưởng như tiếng nổ chát chuá của những phát súng trả thù là không thể có được ở đây, trong cái nghiã trang lớn lao này của nước Pháp, nơi mọc những ngọn cỏ, đặc biệt tím và đặt biệt ấm. Trong cỏ thậm chí còn có một cái gì long trọng nữa là khác. Nhưng cuôc trả thù đã xảy ra, và đã để lại một bức bích hoạ rõ nét và bất diệt trên những bức tường của nghĩa trang.

Montmartre. Đằng sau những hàng rào khu này là những bông Tử Đinh Hương bụi bám mãi vẫn không tan. Chúng còn đợi một trận mưa. Tối tối, bên những dốc phố, những ngọn đèn hiệu cháy sáng. Chúng báo trước cho những tay say rượu biết rằng đã gần đến những bậc thang dốc đứng. Tệ nạn say rươụ cũng có người bảo vệ và mang chất thơ của nó. Không giúp đỡ những người say rượu sao được khi những ý nghĩ của họ đang ngả nghiêng lẫn lộn lung tung như những thuyền đánh cá ngoài khơi.

Ở Paris, ta luôn rơi vào tình trạng bị động, tiềm thức phải quay về với những sự kiện và những tên người thân quen từ thưở còn thơ, những Guy de Maupassant hay Stendhal, Francois Vilong hay Balzac, Jules Vernes hay Romain Roland. Tôi cũng đã có những ý nghĩ đó, nhưng chỉ ở tận nơi sâu thẳm của ý thức mà thôi, tôi chẳng có thời giờ dừng lại lâu trong những ý nghĩ ấy. Tôi sống, quan sát, nghe ngóng, đi lại, cho đến khi mệt phờ trên những đường phố, công viên và đêm đêm không ngủ. Mỗi giờ của giấc ngủ thảng thốt, hay nói cho đúng hơn, của một cơn thiêm thiếp, đối với tôi là một tổn thất nặng nề. Và thực quả là như vậy đấy.

Louvre. Trong gian phòng hình tròn là bóng tối mờ mờ màu xanh lá cây nhạt. Những người khách đến xem im lặng. Chỉ có tiếng kêu vòi vĩnh của trẻ con ở công viên bên ngoài cửa sổ vọng vào. Giữa gian phòng, trên bệ đá đột nhiên khơi lên một câu đố bằng cẩm thạch – một người đàn bà khỏa thân cụt hai tay. Mọi người đến đây đều biết rõ rằng trong khoảng thời gian nhiều thế kỷ, con người chưa sáng tạo được cái gì tuyệt mỹ hơn. Và cũng không ai biết liệu rồi con người có thể sáng tạo được cái gì hơn thế nữa không. Vì thế mà ở đây người ta chỉ dám nói thì thào.

Một thiếu phụ trẻ còm nhom, hai tay nắm chặt khuỷu tay một ông lão già khọm và giận dữ nói khẽ với ông ta:”Làm gì có những người đàn bà như thế trong thời đại này! Không thể có được! Trước cô ta chúng tôi chỉ là những người đàn bà xấu xí. Đâu, bước tiến hoá không ngừng hướng về cái hoàn mỹ của ông đâu? Oâng đã tiêu phí cả đời mình để chứng minh điều đó!”. Ông già im lặng ngẩng đầu lên, nhìn tượng Thần vệ nữ: “Qua những thế kỷ ấy chúng ta đã xấu đi nhiều lắm”. Người đàn bà khe khắt nói: “Ông ngồi trước bàn suốt đời để viết những cuốn sách về cái đẹp mai sau của con người thực vô ích. Mà ông viết những cuốn sách ấy làm gì kia chứ? Ông lừa dối cả bản thân ông? Ta đi khỏi nơi này đi! Đối với ông, ở đây ngột ngạt quá đấy!”. “Để tôi ở lại đây và đi đi”, ông già khe khẽ yêu cầu, “biết đâu tôi sẽ gặp may và tôi sẽ chết bên cạnh nàng”. “Ông nghĩ đến chuyện đó đã lâu rồi”, thiếu phụ thở dài rồi nói, bất thần cúi xuống âu yếm hôn bàn tay đầy mạch máu nổi lên của ông già, “Tùy ông thôi, tôi rẽ vào hiệu Samaritaine ở gần Cầu Mới độ một tiếng. Rồi tôi đến đón ông”. Thiếu phụ dìu ông già lại chiếc ghế dài, một chiến divan bất tiện không chỗ dựa, và ra đi. Ông già ngồi xuống, tì hai tay lên cán baton và lặng yên, không nhúc nhích. Người coi phòng chăm chú nhìn ông rồi quay mặt đi. Tôi ngồi xuống bên ông. Ông già cựa quậy và nói, mắt không nhìn tôi, chắc là ông nói một mình: “Vệ nữ cần ánh nắng chứ không cần gian phòng bụi bặm này. Hãy để cho nắng sưởi ấm và gió vờn mái tóc nàng”. Ông bỗng nín lặng. Còn tôi, nhìn vào đôi mắt của nữ thần, tôi nghĩ rằng ông già đã nói lên một chân lý thật giản đơn và do đó thật ngây thơ. Vì thế lúc sắp ra về tôi nói với ông già:”Cụ nói hoàn toàn có lý, thưa cụ. Chính là phải nghĩ như vậy mới đúng”. “Xin cám ơn ông”, ông già mệt mỏi đáp và thậm chí ông còn hơi nhỏm người lên một chút, tay tì lên baton.

Từ viện bảo tàng Louvre tôi bước ra quảng trường bị buổi trưa tháng chín thiêu đốt. Trong công viên râm mát tôi ngồi xuống tựa lưng vào thành ghế và nhắm mắt lại. Ngay lập tức những ý nghĩ như những điểm sáng lấp loáng ánh nắng phóng nhanh trước mắt tôi trong bóng tối màu đỏ nhạt. Nếu trong một ngày nóng bức thừa thãi ánh sáng thì ánh sáng đó được thể hiện trong người đàn bà bằng cẩm thạch kia. Hàng nghìn người, đàn ông và đàn bà, đã mê nàng say đắm, nhưng không ai biết được nhà điêu khắc vô danh đã chọn ai trong những người trên trái đất này làm mẫu cho pho tượng bất tử đó. Tôi có cảm giác rằng chỉ vì nàng mà những bờ biển phương Nam đã đổ lên bãi cát những tấm gương nước. Những đàn chim nhẹ bỗng bay lượn trên trời là vì nàng. Vì nàng mà sóng vỗ ầm ì bên những mũi đá dốc đứng, vì nàng mà những vần thơ nức nở ra đời. Đêm đêm những đám mây vì nàng mà dừng bước chạy và sáng bừng lên trên tầng cao huyền diệu của vũ trụ.

Tất cả là vì nàng! Những nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại cúi đầu trước mặt nàng. Một mối lo âu khó hiểu đã nảy nở trong tim bất cứ ai khi nhìn quá lâu vào đôi vai khỏe mạnh và đôi vú chắc nịch trinh trắng của nàng. Bởi vì trong đôi vai ấy, trong cái cổ đang quay đi ấy, trong mỗi ngón chân nàng, là cái toàn thiện toàn mỹ. Đạt tới cái toàn thiện toàn mỹ trong công việc của mình, đi tới chỗ tột cùng là một hạnh phúc lớn lao, nhưng đồng thời cũng là một sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm đó là ở chỗ không thể nào cứ dừng lại mãi trên đỉnh cao, không xê dịch đi đâu. Mà bất cứ sự xê dịch nào cũng có thể đưa người ta xuống dốc. Tấn bi kịch của những người muốn đạt tới cái hoàn thiện toàn mỹ là ở chỗ đó. Đi xuống thì không muốn, đi lên thì không nổi.

Nhân những ý nghĩ đó mà tôi hiểu ra cái chết của nhà điêu khắc Pháp Aristide Maillol. Ở Pháp người ta đã truyền tụng những câu chuyện hoang đường về cái chết của ông. Có thể là những gì tôi viết ở đây cũng là một câu chuyện hoang đường, nhưng điều đó, xét cho cùng, cũng chẳng quan trọng lắm.

Những pho tượng của Maillol, đặc biệt là đầu và thân đàn bà, khác thường ở chỗ chúng có sự kết hợp giữa vẻ kiều diễm và sức mạnh. Dù người xem có đứng ở vị trí nào mà nhìn những pho tượng ấy chăng nữa, ở đâu họ cũng thấy cái đường nét trong sáng mà ngày xưa ngưới ta ưa gọi là đường nét thần thánh.

Nhưng sau khi đã bảy mươi tuổi, Maillol không thể nào sáng tạo được gì có thể vượt lên trên những kiệt tác của ông. Ông già Maillol đã đạt tới đỉnh cao. Oâng không muốn từ trên đó tụt xuống và ông chọn cái chết. Một hôm Maillol, lúc đó đang ở tại một vùng ngoại ô Paris, đang đêm lén lút vào garage, ngồi vào xe hơi và lái ra bờ đại dương. Oâng lái xe đến một địa điểm quen thuộc gần Etretas, nơi đất liền tụt hẫng xuống nước bằng một bức tường thẳng đứng, lởm chởm đá. Gần đến đại dương, Maillol cho xe chạy với một tốc độ điên cuồng và xe ông bay đi mấy chục thước trên không trước khi từ trên cao chót vót rớt xuống đại dương. Chỉ có những người dân chài là được chứng kiến chuyện đó. Người ta tìm kiếm thi hài Maillol và chiếc xe bẹp nát trong một thời gian dài.

Tôi ngồi và lắng nghe những tiếng kêu như tiến chim, ngân nga và dồn dập của những người bà, những người mẹ trẻ tuổi và những bà nhũ mẫu. Những tiếng kêu ấy liên tục phi chung quanh tôi trong khắp công viên. Những tiếng kêu ấy hoàn toàn giống in như mọi nơi khác trên cả thế giới. Nếu dịch những tiếng kêu ấy ra tiếng Việt, chúng ta sẽ có trọn bộ những lời dọa nạt và cấm đoán: “Mày đi đâu đấy hả?”, “Quay lại ngay lập tức!”, “Đợi đấy tao mách bố cho mà xem”, “Tao đến phải sửa cho mày một trận mới được!”, “Không được ném cát vào nhau thế!”, “Không được làm bẩn áo!”, “Đi lại đây tao chùi mũi cho. Rõ xấu hổ”. Nhưng tôi có cảm giác rằng những tiếng kêu không mang tính sắc tộc ấy, ở đây, ở Paris, có một phong cách tao nhã đặc biệt sự tao nhã có lẽ được tạo ra từ âm điệu ngân nga du dương và lối phát âm chữ “r” rất Pháp của những thiếu phụ Paris.

Chỉ có qua nước người ta mới biết được đến đầu đến đũa hai chữ “của mình”. Mùi cây cỏ, những sườn đồi đất sét hung đỏ, tiếng vó ngựa trên những con đường mòn trong rừng, tiếng chim cu gáy, tất cả những cái đó thật giống như là ở quê nhà “của mình”. Nghĩ đến nước mình chợt lòng ta tĩnh lại và làm tim ta tràn ngập sự dịu dàng. Tôi càng thèm khát đắm mình vào cuộc sống Paris hơn vì thế, và tim tôi càng lắng đi nhiều hơn vì sự cảm nhận trước cuộc gặp gỡ sắp tới ở quê nhà.

Tôi không hề có ý định truyền đạt lại trong những ghi chép nông cạn này diện mạo của Paris. Tôi chỉ đến Paris trong chốc lát. Điều cốt yếu nhất mà tôi mang theo từ cái thành phố kỳ diệu ấy là tình yêu nó và lòng ham muốn tìm hiểu nó nhiều thêm mải. Muốn làm được việc đó cần có nhiều thời giờ mà thời giờ thì lúc nào cũng vẫn thiếu. Bao giờ cũng vậy, đúng vào cái lúc ta đang gặp những địa điểm, những con người và những hiện tượng thú vị nhất, thì thời gian lại không thừa cho ta chút nào. Để có thể hiểu biết Paris, cũng giống như để hiểu biết toàn thế giới, con người cần có những tâm hồn thanh thản, trí óc minh mẫn, thiện chí đối với các dân tộc khác và tất nhiên không được có tính khoe khoang và tự phụ. Cần phải có một trái tim không trĩu nặng nghi ngờ, sợ hãi và một lý trí không biết thiên vị, hoài nghi. Những người ưa đi tìm những cớ để bất bình không bao giờ biết được chân lý giản đơn là cuộc sống ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này rốt cuộc bao giờ cũng đẹp.

Tôi ở Paris ít ngày đến nỗi tôi không có quyền nói về Paris nhiều hơn những gì tôi đã nói ở đây. Nhưng tôi đã để lại ở đó một mảnh tim. Điều này, trong chừng mực nào đó, có thể biện hộ cho những ghi chép ngắn ngủi của tôi. Paris tồn tại như một cái gì đó trọn vẹn, vô cùng rộng lớn, đẫm ánh mặt trời mờ khói, lấp lánh ánh sáng của những tấm gương, mặt kính quầy hàng, vòm lá, màu xanh thăm thẳm đến chóng mặt của bầu trời và cây cỏ ở các công viên, nơi nào cũng thoang thoảng hương xuân, cái mùa xuân lúc đầu thực sự là mùa xuân, và sau đó là cảm giác của mùi hương rỉ ra từ những nhà ươm cây, quán hoa và quán café. Người ta nói rằng có thể thấy hương xuân ở Paris ngay trong cả những ngày đông ẩm ướt.

Tôi đến Verssailes trong một ngày tháng chín vỡ rạn lép bép vì những chiếc lá khô. Một làn khói hồng nhạt, hơi pha màu vàng kim đã xuống nước, bay lên trên những vòm cây và soi bóng trên mặt nước hồ lặng lẽ. Ở đâu đó sau lưng, sóng Paris vỗ, lúc rõ lên, lúc lặng dần. Nó ru ngủ những khách vãng lai thưa thớt trong các công viên Verssailes. Họ thiu thiu ngủ trên những chiếc ghế dài mảnh dẻ bằng gỗ, mặt hướng ra phía mặt trời mờ mờ sương phủ.

Nói chung Verssailes bị bỏ mặc và khá hiu quạnh. Mọi vật đều phủ một màng mỏng của tuổi già. Những tấm kính hơi đục, nước vàng mạ đã xỉn trên các khung cửa, những sàn gỗ ghép hình tuyệt đẹp nhưng đã mất hết vẻ bóng bẩy, bụi mỏng bám trên các pho tượng, bàn ghế và những tấm kính đủ các màu cầu vồng, sự bất động của bầu không khí trong các phòng, một bầu không khí cũ kỹ, khô khan, phảng phất mùi sơn, và làn nước hồ như khoác trên mình một mạng nhện mỏng tang. Tất cả những cái đó chứng tỏ rằng chính phủ Pháp đã không có đủ tiền để gìn giữ chu đáo khối kiến trúc hùng vĩ và duy nhất trên thế giới của những ngai vàng, những phòng khiêu vũ, những phòng khách lụa là, những hành lang gương, những khu vườn, những mái hiên, những gác chuông nhà thờ tao nhã và những cầu thang cẩm thạch.

Ngay cả trên chiếc bàn nổi tiếng, nơi sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất Hòa ước Verssailes được ký kết, cũng phủ đầy bụi. Dưới lớp bụi những hình chạm trổ ló ra mờ nhạt. Cứ nhìn cái bàn đó là ta có thể nhận thấy tốc độ phản lực của thời gian trong những năm gần đây. Thời gian, trong những thời đại khác nhau, chuyển động với những tốc độ khác nhau. Dù sao thì trong hơn bốn mươi năm trở lại đây sự chuyển động của thời gian đã trở nên chớp nhoáng, một năm bằng cả một thế kỷ của cuộc sống hòa bình mộc mạc trước đây. Thời gian bay vùn vụt nhanh đến nỗi tri thức của chúng ta không sao theo kịp nó.

Chính phủ không có tiền để gìn giữ Verssailes. Một phần lớn kinh phí cho Verssailes là do các cá nhân gánh vác. Có một hội bảo vệ Verssailes. Hội đó có chút ít tiền, và đã tổ chức những buổi hòa nhạc hay diễn kịch trong những tháng mùa hè, dùng những gian phòng và những hành langh lộng lẫy của Verssailes làm cảnh trí. Trong những tối biểu diễn ấy Verssailes như sống lại trong cảnh hào nhoáng trước kia và sáng rực lên bởi hàng nghìn ngọn đèn điện. Toàn bộ tiền thu được được chi dùng vào việc bảo quản và tu sửa Verssailes. Trong công việc đó, các họa sĩ, các nhà điêu khắc, thợ mạ vàng, thợ khắc đá, thợ mộc và nhiều người làm những nghề khác nhau liên quan đến việc gìn giữ Verssailes, đã góp vào rất nhiều lao động không lương. Tất cả những người đó là những nhà ái quốc bình dị. Không có họ thì Verssailes đã trở thành một phế tích.

Cảnh lặng lẽ của nhũng nơi danh tiếng với toàn thể nhân loại như Verssailes tác động đến ta với một sức mạnh không tài nào tả xiết. Trước hết nó gợi lên trong ta ý nghĩ về “giấc mộng hoàng lương” như người ta thường nói ngày xưa. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nhưng những tòa nhà bao giờ cũng sống lâu hơn. Chỉ những bậc thang là mòn đi rõ rệt hơn cả bởi những bước chân người. Ở Verssailes, ý nghĩ về những sự kiện và những con người vang bóng một thời theo sát gót ta như những bóng ma. Sự tịch mịch sâu thẳm đọng lại trên làn nước tối mờ trên mặt hồ lớn, cây cối lẫn trong sương mù. Những chiếc lá khô rơi. Nhưng không còn ai là người trầm ngâm suy nghĩ về sự rơi của những chiếc lá ấy như những triêt gia ngây thơ của thế kỷ mười tám nữa.

Chủ nhân duy nhất của những khu vườn đó trong những ngày thường là sự yên lặng. Có thể cảm nhận được nó mãi mãi. Tiếng ồn xa xa của Paris, giống như tiếng rì rầm đều đều của một thác nước khổng lồ, làm cho yên lặng nổi bật hẳn lên.

Tôi đến Verssailes vào buổi sáng. Thế mà ngay tối hôm đó tôi đã đọc được một mẩu tin trong một tờ nhật báo Paris về chuyện ở một khu ngoại ô Verssailes người ta tìm thấy xác một người lái xe thất nghiệp và đứa con trai ông ta, một thằng bé chừng lên tám. Người cha, tuyệt vọng vì cùng đường sinh sống, đã bắn chết con trai và tự bắn mình, “trong một phút điên cuồng”, như tờ báo viết. Tin đó được đăng dưới đầu đề: “Tấn thảm kịch ghê gớm ở Verssailes”. Sự yên lặng của những khu vườn đã dấu đi nỗi đau khổ cay nghiệt của con người, đã dấu đi lời cầu xin lòng thương của thằng bé. Không ai trong những người đương thời nghe thấy lời cầu xin ấy. Những nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại của nước Pháp đã mất từ lâu, cả Victor Hugo, cả Emile Zola, cả Romain Roland. Họ chỉ còn để lại những nấm mồ với những đóa hoa khô xác.

- C’est la vie! – Người Pháp thích nói như vậy.

Nhưng dẫu sao thì Verssailes cũng vẫn cứ tuyệt đẹp. Nó ngự trị trên trái tim người và giữ trong bóng mát những khu vườn của nó mùi ẩm ướt của rễ và chồi cây, hương của bất tử. Ở Paris ta không thấy đâu hương ấy.

Ở Paris thiếu garage, xe hơi sống ngay ngoài phố. Cảnh tượng hàng nghìn hàng vạn xe hơi nằm ngoài đường, không chỗ trú không hiểu sao cứ gợi lên một nỗi lo âu thầm kín, như thể ngay giờ đây, đang đêm, nếu chẳng may có chiến tranh hay một cuộc tấn công của phi cơ, không hiểu những chiếc xe sẽ chạy trốn ra sao? Nhưng có chạy cũng vô ích, không còn chỗ nào mà chạy nữa, bom nguyên tử đã nén trái đất lại thành một qủa táo.

Ở phố Rivoli, chúng tôi ngắm viên cảnh sát có tuổi, đầu hoa râm điều khiển xe cộ ngoài phố. Viên cảnh sát đứng ở ngã tư. Những dòng xe, những dòng sông bóng loáng nước sơn, lao vun vút cách ông ta độ năm phân, nhưng ông ta vẫn ngủ bình thản, cái đầu mệt mỏi đội mũ kepi xanh gục xuống ngực.

Chúng tôi đi trên bờ sông Seine và nhìn Paris mặc quần áo ấm trong màn đêm sắp xuống. Con tàu kéo liên miên rúc còi kéo ngang chúng tôi những xà-lan vàng tươi như bầu trời hoàng hôn.

Tối hôm đó chúng tôi rời Paris. Một người trong bọn chúng tôi nói một cách bâng quơ rằng chúng tôi đã được thấy nhiều điều ở nước Pháp, nhưng thế là cuối cùng chúng tôi chưa kịp xem một người Pháp bình thường sống như thế nào. Chúng tôi thuê taxi và phóng trên những đại lộ qua nhà thờ Madeleine với những hàng cột đá quen thuộc trong tranh vẽ, qua Grand Opéra giống như một cái bánh gateaux với những sừng cuốn bằng kem đã rắn lại thành đá, qua lề đường vườn Luxembourg thở hơi mát lạnh của những vòm lá ồn ào vào trong cửa chiếc xe đã bị hun qúa nóng, để rồi cuối cùng đậu lại trước một ngôi nhà bình thường của Paris với chiếc cầu thang hẹp và một thiếu phụ trẻ gác cửa. Cô ta lập tức xoáy đôi mắt sắc sảo vào chúng tôi.

Chúng tôi buớc vào căn hộ và thấy mọi cửa sổ đều để ngỏ, mặc dầu trong nhà không có ai, ngoài một con mèo đen. Thì ra các cửa sổ đều được để ngỏ như thế suốt mùa hè. Những cơn gió ấm lang thang trong các phòng. Tôi nhìn quanh, ngoài những bức tranh, còn có nhiều đồ vật tuyệt đẹp. Những bông hoa có vẻ như đang sống nốt những giờ cuối cùng với nước ấm trong phòng. Đâu đâu cũng thấy những cuốn sách in hảo hạng. Tất cả làm tôi liên tưởng đến nỗi cô đơn lớn lao và không thể cứu vãn được của chủ nhân, một người đàn bà lưu vong.




Và cũng như trước cuộc gặp gỡ với Paris, giờ đây vì sự chia tay với thành phố ấy, tim tôi lại bắt đầu đập một cách nặng nhọc.
Phó Thường Nhân
Chuyện của Paustopsky đúng là cổ quá rồi. Nhất là cách sống, cách sinh hoạt. Còn cảnh quan của nó, chắc không có gì thay đổi. Đây là một thành phố cổ, được xây dựng chủ yếu vào thế kỷ XVIII-XIX. Chẳng có đồ gì dưới 100 năm cả. Ngay cả đường tâu điện ngầm.
Thực sự mà nói, lúc đầu tôi cũng không yêu thành phố này. Tôi nghĩ, ngày nay nếu các bác sang các thành phố ở Mỹ, Canada, Úc có lẽ thích hơn. Vì nó hiện đại, hợp với sự tưởng tượng của mình về phương Tây. Đối với tôi, có một thành phố nữa mà tôi rất yêu đó là Montreal (Quebec-Canada). Chỉ có ghét nó vì mùa đông khắc nghiệt quá.
Còn đối với tôi, tâm trạng lúc đến Parí như chú Rê mi trong chuyện "Không gia đình". Qua chuyện kể cứ tưởng Paris là thành phố "cành vàng, lá bạc". Đến khi mục kích được nó mới thất vọng. Paris rất bẩn so với những thành phố khác, mẩu thuốc lá, giấy vụn khắp nơi. Trong các nơi công cộng, nhiều khi đèn thắp tù mù,vàng vọt. Chẳng hiểu sao lại có được bài hát "Ga Li ông đèn vàng, cầm tay em muốn nói, nói chi cũng muộn màng", tả cảnh chia ly của hai người yêu nhau. Đó là hồi những năm 50, hàng không dân dụng không phổ thông như bây giờ. Người về VN, phải lấy tầu hoả ở Ga Li ông (Lyon), xuống Mác xây, rồi lấy tầu biển lênh đênh cả tháng mới tới Sài gòn.
Nhịp sống ở Paris sô bồ hỗn độn, dân tình cũng chẳng lịch sự như trong thơ ca. Điều chắc chắn là gặp được một người Paris gốc rất khó. Còn chạm trán với một anh Ả rập nhem nhuốc, một chị da đen môi trề, một anh TQ ăn mặc lôi thôi, lếch thếch lại quá dẽ dàng. Paris rất nhiều người nước ngoài. Bản thân Paris đối với nước Pháp cũng có một vị trí đặc biệt. Nó là một thành phố thế giới (Cosmopolism) trong lòng một dân tộc. Đúng hơn là người Pháp đã mang cả thế giới về Paris. Nhưng nó vẫn rất Pháp. Tại sao thì tôi không giải thích được.
Nhưng rồi lần lần, tôi mới cảm được nó. Không chắc là hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cảm tưởng tôi yêu Paris như cách tôi yêu Hà nội. Và muốn yêu nó thì phải có những khám phá riêng tư. Là người thích LS, Paris với tôi luôn gợi nhớ Hà nội, Sài gòn. Kiến trúc, cảnh quan của 3 thành phố này có gì từa tựa nhau.Có những tiểu tiết giống nhau. Một cái rèm che, một khung cửa sổ, cái cầu thang.Tên một con đường, một bức tượng. Trời thu (thu thật sự, lá vàng thật sự), mát, đi dưới hàng cây dẻ ở vườn Luxemburg, dẫm trên lá vàng rộm.Mùa hè, trời nắng gió lộng, mò ra bờ sông Sen xem sách cũ. Dần dần, mới thấy Paris có nhiều kiến trúc, phớt qua tưởng bình thường, nhưng lâu mới thấy đẹp, hài hoà.
Không kể nếu người ta thích bảo tàng, phòng tranh. Rồi ẩm thực thế giới. Lần lần mới thấy cái độ dầy văn hoá của Paris thật đa dạng. Nhưng phải thích chứ còn cưỡi ngựa xem hoa thì khó cảm được. Lại nhớ tới lần đầu háo hức ra vườn Luxemburg,không thể không thốt lên" Trời ơi tưởng nó thế nào. Chỉ có vậy thôi à".
:-X :-X
yuyu
Mấy hôm nay Paris mưa tầm tã, trời u ám buồn quá ... Lại bồi hồi nhớ về một mùa thu Paris với nắng vàng óng ả, lãng đãng của những kỷ niệm ban đầu về kinh đô hoa lệ ...

[/size]Paris mùa thu[size=2]


Paris mùa thu
Có nắng vàng trong vườn Luxembourg
Nơi Anatole France đi dạo
Và Victor Hugo đứng thầm thì

Paris mùa thu
Có nàng Eiffel
Đứng chờ bên dòng sông Seine
Suốt một trăm năm ròng
Mà chàng d’Artagnant
Từ châu á xa xôi
Vẫn chưa thấy trở về ?

Paris mùa thu
Anh đến thăm em mới một lần
Mà nghe trong lòng xao xuyến quá
Như đã quen nhau tự thủa nào ./.
Hưng
Em đến Paris 10 ngày, nhưng thật ra là rất vội vì không đi cùng những người am hiểu sâu về nó. Paris thật sự lộng lẫy, tráng lệ. Nó có một vẻ đẹp thừa thãi làm choáng ngợp bất cứ một đôi mắt người nào mới tới nhưng nếu ở lâu, có lẽ chỉ có những người hoặc là đam mê nghệ thuật, hoặc là thầy tu hoặc là đám thanh niên xô bồ thích những thứ phù hoa- phù du mới có thể ở lại.
Sau khi quay trở lại Berlin, lúc đầu em vẫn tiếc Paris và muốn quay trở lại đó sống, vì nhận thấy rằng ở Berlin "không có cái gì cả". Nhưng rồi, bình tĩnh hơn, suy xét lại, thì Berlin mới là nơi để sống, còn Paris, nó giống như một nhà hát hay một gánh xiếc hơn.
Ở Paris, đâu đâu cũng thấy người du lịch, những người bán hàng rong châu Á, những người da đen, Ả rập ( Rệp ). Tất cả bọn họ tạo nên sự náo động và hỗn loạn thái quá. Không có sự yên tĩnh khi mình vào một bảo tàng, một quán ăn, hay một quán cà-fê nhỏ. Tất cả đều ồn ào, náo nhiệt. Tất cả đều hào nhoáng và có cái gì đó giả giả thật lạ.
Phó Thường Nhân
Chắc Paris khác Berlin về khoản du lịch. Tôi chưa qua Berlin lần nào nên không biết gì về thành phố này. Chỉ biết có munich (Munchen).
Đúng là về mặt tiện lợi sinh hoạt thì ở Paris là dở chứ không phải là tốt. Nó có nhược điểm như những thành phố lớn khác. Đó là nhà cửa thuê rất khó và đắt. Chất lượng tồi. Giá cả sinh hoạt cũng đắt hơn tất cả các thành phố khác của Pháp.
Ngoài những chuyện nghệ thuật phù phiếm kia, một điều nữa làm tôi thích Paris là nó có đồ châu Á, từ đồ ăn uống đến văn hoá phẩm như sách vở, băng, đĩa. So với Hà nội, thì sự phong phú này không thể bằng. Nhưng cũng có thể coi là đủ.
Người Pháp cũng không phải là loại người kỳ thị. Sống cũng dễ chịu. Việc ai người ấy làm.
Chính vì thế mà nó lại không có vẻ phương Tây lắm, so với các thành phố ở Mỹ, Canada,Úc. Đúng hơn là không giống những gì mà ta tưởng tượng về Tây.
:-X :-X
xanh
Em chưa được biết đường phố Paris như thế nào cả nhưng có transit qua CDG 3 lần (tổng cộng như vậy cũng có thể coi như là hít khí trời ở Paris nửa ngày ;D). Thật sự là một nỗi thất vọng khi vừa bước xuống sb CDG, hồi trước em có nghe nhóm U2 nói CDG là kỳ quan thứ 8 của thế giới, là nhiềm tự hào của thế kỷ 20. Híc, đến nơi thấy còn xấu xí, thô kệch hơn cái SB nhà quê chỗ em (được mỗi cái to)
Mr. Smith
[quote author=xanh link=board=14;threadid=904;start=0#9789 date=1035561513]
Em chưa được biết đường phố Paris như thế nào cả nhưng có transit qua CDG 3 lần (tổng cộng như vậy cũng có thể coi như là hít khí trời ở Paris nửa ngày ;D). Thật sự là một nỗi thất vọng khi vừa bước xuống sb CDG, hồi trước em có nghe nhóm U2 nói CDG là kỳ quan thứ 8 của thế giới, là nhiềm tự hào của thế kỷ 20. Híc, đến nơi thấy còn xấu xí, thô kệch hơn cái SB nhà quê chỗ em (được mỗi cái to)
[/quote]

Tưởng em HHX ở Pháp mấy tháng rồi cơ mà, sao lại chưa đến Paris?
Paris cũng hay nhưng tớ cũng không thích lắm, nó có vẻ hơi kiểu cách, hào nhoáng. Tớ thích Rome hơn Paris (thực ra nói vậy hơi phiến diện vì tớ cũng chỉ ở Paris 4 ngày và Rome 3 ngày)
Milly
Em cũng đã từng ở Paris khoảng 1 tuần. Paris là giấc mơ từ bé của em, thiên đường của nghệ thuật. Lần đấy em đặt chân đến Paris cũng bất ngờ và tình cờ như nhiều chuyện bất ngờ khác đã từng xảy ra trong cuộc đời em.

Cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy sông Seine, những lâu đài lộng lẫy cổ kính, những đường phố phong cách Haussman, Place de la Concorde, Louvre, Notre Dame de Paris, etc. là một sự pha trộn giữa sự ngưỡng mộ, thán phục, niềm sung sướng thoả mãn đến ngạt thở vì giấc mơ bé thơ đã thực hiện được, nhưng xen lẫn có cả nỗi buồn và thất vọng... Paris không thuần khiết, thanh lịch như em tưởng, dù người Paris vẫn có những thói quen rất quý phái là tận hưởng cái nắng và gió lúc chiều nhẹ trong khu vườn Luxembourg, bên bờ sông Seine, cạnh những bistrot nối dài những vỉa hè sang trọng, hay thi thoảng ta có thể bắt gặp những chú chó cực kỳ đỏm dáng, đáng yêu thong dong tản bộ bên cô chủ... Paris còn để lại cho em một ấn tượng khác, thực hơn, đó là người, qúa đông người, đặc biệt là tại những điểm du lịch chính của thành phố, là khói thuốc, khói khắp nơi, kể cả trong những khu vực non-fumeur (non-smoking) của những restaurant sang trọng khu Montmartre hay khu Quartier Latin... và là những vỉa hè khá bề bộn. Paris đang quá tải vì người nhập cư và khách du lịch. Điều đó đem lại sức sống kinh tế cho thành phố siêu lớn này của nước Pháp, nhưng dường như những di sản văn hoá nơi đây đang oằn mình gánh chịu một sức ép quá nặng nề. Điện Louvre đông đúc, ồn ào như một cái chợ thì dù bạn là người yêu nghệ thuật đến mấy cũng khó mà có thể bình tâm thưởng thức nghệ thuật. Để thưởng ngoạn nhà thờ Đức Bà Paris, hãy chen chân cùng hàng đoàn du khách Nhật, Tàu,... cứ theo dòng người ấy có lẽ bạn sẽ đến được bờ sông Seine... 50 năm nữa, 100 nữa... Paris sẽ ra sao ?!

Tuy hơi tiếc nuối nhưng với em, Paris vẫn là Paris - một thành phố đặc biệt và mong ước âm ỉ của em là có một ngày được vào Opera Garnier nghe hoà nhạc. :P

:-X
Phó Thường Nhân
To HHX, U2 có phải là nhóm hát nhạc rock không ? Sân bay CDG cách Paris khá xa. Ở Paris họ chia ra từng vùng như nhưng vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là cái sân trước nhà thờ Đức Bà. Ở đó có một cái mốc bằng đồng đánh dấu tâm điểm. Tất cả có 8 vòng như vậy. Nội thành Paris là vòng 1. Sân bay CDG là ở tận vòng 5. Nó cũng như Nội bài với Hà nội. Mà sang Paris hít thở không khí là khổ rồi. Đây là vùng hay bị ô nhiễm, do thành phố nằm trong một cái lòng chảo, xe cộ nhiều. Cứ mỗi lúc nắng lên, không có gió lại có hiện tượng ô nhiễm không khí. So với không khí ở Phần lan thì thua xa. Nhiều người đến Paris, tưởng không khí nó sạch vì ít bụi, không như Hà nội bụi nhiều. Nhưng không chắc khí quyển nơi nào sạch sẽ hơn đâu.
Cái sân bay CDG nôit tiếng vì cấu trúc kỹ thuật. Do cách tạo đường băng, đường dẫn máy bay, hang ga, rồi đường vận chuyển đồ của hành khách. Thủa nó được xây dựng, vào những năm 60, tất cả những cái họ làm đều đặc biệt. Nhưng chắc chỉ có bác nào học kiến trúc giao thông thì khoái nó, chứ tôi mặc dù biết thế, vẫn thấy nó bình thường. Mà hình như bây giờ nó mất cái chức Avantgarde đó rồi. Người ta khen nhất bây giờ là cái sân bay mới của Nhật, ở trên một đảo nhân tạo gần Kyoto kia.
To Milly, Đúng là quy hoạch tổng thể của Paris khá đẹp, đặc biệt nó có những chỗ tập trung nhiều công trình nổi tiếng. Khu đó là phần tây bắc của thành phố. Tôi mù tịt về nhạc, nên cái Opera kia lại không để ý lắm. Cái tôi thích là bảo tàng Louvre, Orsay, và bảo tàng châu Á. Những sưu tập của họ về Champa, Khơ me, Tây tạng rất đẹp và phong phú. :-X
Pages: [1], 2, 3, 4, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.