Langven.com Forum

Full Version: Một Số Bài Viết Thú Vị Từ Facebook
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [<<], [<], 8, 9, 10, [11], 12, 13, [>], [>>]
Phó Thường Nhân
@thienlang,
Mấy thông tin mà thienlang đưa ra khiến tôi đặt nhiều câu hỏi, bởi thực sự trường hợp của ông Boudarel, tôi chỉ biết vì sự vụ om xòm vào năm 1991, chứ tôi cũng không biết ông ấy là ai, ngay cả ông Giao cũng vậy. Nhưng sự vụ 1991, khi ông ấy bị các tù binh Pháp cũ kiếm chuyện vì ông ấy nằm trong nhân sự cai quản một trại tù binh Pháp, được tôi nhìn nhận dưới khía cạnh quan hệ VN-Pháp, chứ không quan tâm trực tiếp tới ông ấy.
Tôi biết ông Boudarel qua sự việc này, và còn một chuyện nữa đó là trong một quyển sách ở VN in về nhà văn Nguyên Tuân, có nói tới ông ấy, Boudarel được các nhà văn VN miền Bắc thời ấy đặt tên lóng là Buôm , hay Buồm gì đó (đọc chệch từ Boudarel, tiếng việt Bu đa ren), ông này hình như không có vợ con gì, và các ông nhà văn VN có « pháp học » kiểu Nguyên Tuân thích chơi với Buôm vì ông ấy có rượu xịn, ngoài cái chung là văn hóa Pháp. Nguyễn Tuân cũng là một tay bợm rượu, theo như hình ảnh được mô tả trong văn chương VN.(chắc đúng với ngoài đời, vì nhìn cái mũi của Nguyễn Tuân có thể thấy được). Chính vì biết tới vụ om xòm năm 1991, nên khi đọc về Nguyễn Tuân về sau, tôi mới nhận ra ông « Buôm », vì cuốn sách cũng chỉ đề cập tới Boudarel trong vài dòng mà thôi.
Dù sao, thông tin của thien lang cũng khiến tôi tò mò vào chú gúc, xem trên mạng tồn tại những điều gì về ông. Trong các cái link nổi lên, thì chủ yếu là các link của các thể loại phái hữu Pháp tố cáo ông ấy là quỷ dữ của trại tù, v..v.. nó cũng hiện lên một số sách mà ông ấy viết (tất nhiên chỉ là tên), như quyển viết về Võ Nguyên Giáp, một vài quyển dịch ra tiếng Pháp : như tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay ông ấy giới thiệu Nhật ký trong tù của Hồ chủ tịch. Cũng có cả một quyển ông ấy viết vào năm 1991, về Nhân văn giai phẩm ở miền Bắc. Cũng có một quyển hồi ký, viết vào năm 1991. Hai quyển cuối làm tôi chú ý. Quyển về nhân văn giai phẩm vì nó là sách kindle nên tôi không mua, còn cuốn hồi ký thì tôi mua. Mà nó còn cực rẻ luôn, giá có 1,8 euros, cộng tiền chuyển giao trên mạng, thì cũng chỉ 4 euros. Điều này chứng tỏ giá trị nhất thời của nó vào thời điểm 1991, bây giờ câu chuyện này không còn là buzz nữa, không ai quan tâm. Nhưng những gì thien lang viết kích thích sự tò mò của tôi, dù nó cũng chỉ là một trang sử « micro mini » (tức là cực nhỏ) của VN hiện đại, nhưng cũng muốn xem.
Qua thông tin sơ sài như vậy, thì tôi có nhận xét thế này. Tôi vẫn bảo lưu nhận định của tôi là ông ấy về Pháp là do được ân xá. Còn việc ông ấy rời VN vào năm 1964, trong khi ân xá của Pháp vào năm 1967, có thể giải thích bằng việc Mỹ mở rộng chiến tranh ra ngoài Bắc. Năm 1965, Mỹ mới bắt đầu ném bom bắn phá, nhưng từ trước, ai cũng biết là việc Mỹ mở rộng chiến tranh là rõ ràng, không cần phải là CIA hay KGB mới đoán được. Còn nói về việc ông ấy và các người VN mới da trắng khác « hồi hương » vì mâu thuẫn trong phong trào cộng sản quốc tế lúc đó giữa Liên Xô và TQ, thì tôi không tin lắm. Vì họ là những con « cá bé », không phải là dạng VIP để điều này có thể tác động vào. Còn việc như Thiên lang nói ông ấy với nhân văn giai phẩm cũng không đúng, mà có thể do quyển sách về vấn đề này ông vào năm 1991.
Trong một trang mạng, của lề trái khi giới thiệu cuốn sách viết năm 1991 về nhân văn giai phẩm, có đoạn của Boudarel viết về cuốn sách ấy thế này :
Ma collaboration avec le Viet Minh de 1950 à 1964 est à l’origine de ce travail. Membre du parti communiste vietnamien jusqu’en 1964, j’ai plus ou moins partagé certaines des vues que je critique aujourd’hui. Ma propre évolution dans le cadre vietnamien m’a permis de connaître cer-tains des contestataires ou des officiels dont je parle et de rassembler à l’époque une documentation imprimée, ouvrages et périodiques.
Cette étude entend toutefois se situer sur un plan historique aussi ob-jectif que possible. Pour éviter les approximations, j’ai donc tenu à dé-pouiller le quotidien du parti communiste Nhan Zan (le Peuple) de 1954 à 1960 et à opérer nombre de sondages dans les diverses publications en quoc ngu de l’époque.
Je n’aurais pu réaliser cette recherche et ce travail sans l’octroi par le Social Science Research Council de New York une bourse de la fonda-tion Ford. Celle-ci me permit notamment de trouver des matériaux à l’Institut des Etudes Etrangères d’Osaka grâce au professeur Masaya Shiraishi, en Australie grâce au Dr David Marr, à la School of Pacific and South-East Asian Studies à Canberra et aux Etats-Unis où j’explorai les trésors de l’université Cornell et du centre de recherche de M. Douglas Pike à Berkeley. Je tiens à leur exprimer ici tous mes re-merciements.
Tôi dịch ra ở đây. (tôi dịch thoáng theo nghĩa, không bám vào ngôn từ)
Sự hợp tác của tôi với Việt Minh từ năm 1950 đến 1964 là nguồn gốc của công trình này. Là một đảng viên đảng cộng sản Việt nam tới năm 1964, tôi ít nhiều chia sẻ những quan điểm mà tôi phê phán ngày hôm nay. Quá trình công tác của tôi ở VN cho phép tôi được biết một số những nhân vật đối lập cũng như quan chức liên quan mà tôi đề cập tới, cũng như thu thập vào thời kỳ đó các tài liệu, sách vở, tạp chí.
Dù sao, nghiên cứu này cũng tự đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử một cách khách quan nhất có thể. Để tránh việc đánh giá sơ sài, tôi đã tra cứu báo nhân dân từ năm 1954 đến 1960, và thực hiện nhiều thống kê thông qua các tác phẩm viết bằng quốc ngữ vào thời gian đó
Tôi không thể làm được công việc nghiên cứu này nếu không có học bổng của quỹ Ford thông qua Social Science Research Council of New York. Sự tài trợ này giúp tôi có được tư liệu từ viện nghiên cứu thế giới ở Osaka nhờ giáo sư Masaya Shiraishi, ở Úc nhờ đốc tơ David Marr, ở trường nghiên cứu về vùng thái bình dương và ĐNA tại Canberra, ở Mỹ khi tôi tham cứu kho tài liệu quý giá của đại học Cornell cùng tư liệu ở trung tâm nghiên cứu M. Douglas Pike tại đại học Berkeley. Tôi gửi lời cám ơn tới họ ở đây.
Trong đoạn văn trên do chính Bouderel viết có 2 ý rất quan trọng.
1- Đó là những điều ông ấy viết vào năm 1991, không phải là điều ông ấy thấy như thế vào thập niên 60. Ông ấy chỉ thấy điều ấy vào năm 1991 thôi. Điều đáng tiếc là ta không thể có một dạng biên niên chính xác để hiểu cái điều ông ấy nhận thức vào những năm 60, khác gì vào năm 1991. Như tôi nói ở trên, tôi có mua quyển hồi ký của ông ấy, nhưng nó cũng được viết năm 1991, chắc để nhằm trả lời vào sự buộc tội của phái hữu ở Pháp. Vì thế cũng không thể hi vọng nó đóng góp được gì để trả lời câu hỏi trên
2- Nhìn vào dẫy những nhà tài trợ cho Bouderel viết quyển sách, ta cũng có thể hiểu tính « khách quan » của nó. Nhưng đồng thời cũng thấy tư duy nghiên cứu của họ « khủng », khi tích lũy tài liệu như vậy.
Như vậy có thể hiểu là, từ khi tham gia Việt Minh vào năm 1950, cho tới lúc ông ấy rời VN vào năm 1964, và cho tới tận năm 1991. Boudarel không có điều gì bất đồng với VN, vì thế việc ông ấy ra đi, cũng như nhiều người « da trắng » khác (như Thiên lang nói) không liên quan gì tới vấn đề tư tưởng. Nếu đến thập niên 80, ông ấy vẫn bảo vệ VN trong việc VN đánh đổ chế độ Pôn pốt, thì làm sao chuyện ấy có thể xẩy ra.
Còn tại sao vào thời điểm 1991, lại có sự « trở cờ ». Cái này thì có lẽ liên quan tới tình hình thế giới lúc đó. Đây là thời điểm Liên Xô sụp đổ, hình thức XHCN cũ không còn. Với nhiều người theo chủ nghĩa Mác, thì điều này cũng đồng nghĩa với sự xụp đổ của CNXH, vì họ đánh đồng Liên Xô và CNXH là một. Điều đó rất đúng với nhận thức ở phương Tây, trí thức phương Tây. Sự ra đời của Liên Xô, với họ đồng nghĩa với một thế giới hoàn toàn mới, cái thế giới hoàn toàn mới này là CNXH. Trong thực tế, những gì xẩy ra ở Liên Xô là một quá trình công nghiệp hóa không do giai cấp tư sản thực hiện. Ở VN, TQ, CNXH gắn liền với độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc, rồi công nghiệp hóa (đây là điều đang làm ngày nay). Như vậy CNXH không phải chỉ là Liên Xô, Liên Xô chỉ là một dạng xây dựng CNXH, và nó không phải là duy nhất.
Nhưng ông vịt cừu như Nguyên Ngọc Giao chắc cũng cùng tư duy kiểu phương Tây này. Vì thế cũng vào thời điểm này mà các ông trí thức này lại muốn đưa dân chủ tư sản vào VN, trong khi hình thái này được đưa vào phần lớn các nước ở thế giới thứ 3, tạo nên không biết bao nhiêu đau khổ cho người ta, mà Miến điện hiện tại là một ví dụ. Không kể ngay cả ở Liên Xô, chế độ này đã làm tan rã nhà nước, thay vì làm Liên Xô phát triển. Ứng dụng « tầm bậy tầm bạ » theo sự điều khiển của phương Tây hệ thống này, là mang bệnh vào người, tự mang bom nguyên tử đánh vào xã hội. Béo bổ gì.
Mặc dù vậy, việc thiên lang đưa ra ý « mâu thuẫn trong tư tưởng », khiến tôi nghĩ tới một điều khác. Đó là từ những năm 1930 cho tới thập niên 60, do cùng tham gia vào quốc tế cộng sản, mà giữa các đảng cộng sản trên thế giới có một luật được đưa ra, đó là trên tinh thâng Quốc tế vô sản, một đảng viên ở một đảng này sang một nước khác, thì có thể tham gia giống như đảng viên đảng nước ấy. Ví dụ. Bác Nguyễn Khắc Viện, khi ở Pháp đã là đảng viên đảng cộng sản Pháp, lúc bác ấy về VN, vào thập niên 60, thì trở thành đảng viên đảng lao động VN ngay. Trường hợp của ông Boudarel có lẽ cũng vậy.
Quốc tế cộng sản đã tự giải tán vào năm 1942. Sau này Liên Xô và phong trào cộng sản thế giới có lập ra komminfo (tức là văn phòng liên lạc quốc tế giữa các đảng cộng sản). Nhưng vào những năm 60, khi có mâu thuẫn Xô-Trung, thì hoạt động của các đảng cộng sản trên thế giới càng ngày càng độc lập, và cái văn phòng này cũng không còn, nên có thể điều luật này không còn nữa. Tức là không còn có chuyện « chuyển sinh hoạt đảng » giữa các đảng với nhau.
Trong trường hợp ấy, thì ông Boudarel không còn là đảng viên đảng lao động VN. Việc ông Boudarel ủng hộ VN trong vấn đề VN tiêu diệt tập đoàn Pôn pốt, giải phóng Cam pu chia khỏi nạn diệt chủng, cũng là quan điểm của đảng cộng sản Pháp. Nếu lúc về Pháp, ông ấy vẫn là đảng viên đảng cộng sản Pháp, thì đây là điều giải thích.
Tóm lại, nếu Boudarel có thay đổi tư tưởng, thì rõ rệt nhất là vào năm 1991. Vì thế khó có thể coi việc ông ấy đi khỏi VN là do mâu thuẫn tư tưởng vì ông ấy vẫn tiếp tục ủng hộ VN cho tới khi Liên Xô tan rã.
Tiếp đây, tôi sẽ giải thích điều gì khiến tôi quan tâm tới Boudarel trong khuôn khổ quan hệ Việt – Pháp. Vì như tôi nói ở trên, đây là điều làm tôi quan tâm tới ông ấy.

Phó Thường Nhân
Tiếp đây, tôi sẽ giải thích điều gì khiến tôi quan tâm tới Boudarel trong khuôn khổ quan hệ Việt – Pháp. Vì như tôi nói ở trên, đây là điều làm tôi quan tâm tới ông ấy.
Điều tôi quan tâm ở đây là vấn đề lịch sử, đó là vào đầu thập niên 90, khi Liên Xô và khối XHCN ở Đông Âu sụp đổ, điều cấp thiết của Vn là để bảo vệ độc lập dân tộc, phải tìm cách « phá vòng vây » quan hệ với các nước phương Tây. Từ đó có một khoảng thời gian có thể tính từ năm 1990 đến 1996, con đường phá vây này đi qua Paris. Tại sao tôi lại chọn năm 1990 làm năm mở đầu, bởi đó là thời điểm Liên Xô bắt đầu tan rã. Tại sao tôi lại chọn năm 1996 làm năm kết thúc, vì đó là năm Mỹ bãi bỏ embago với VN. Nên có thể coi quá trình này là kết thúc.
Trong quá trình phá vây này, sự ủng hộ của các nước Tây Âu, trong đó có Pháp đóng một vai trò nhất định (không phải quyết định), và điều đáng tiếc là nó không thể đi xa hơn. Đỉnh cao của nó có lẽ là ý định VN định mua Mirage của Pháp để thay thế MIG 21, nhưng bị Mỹ cản nên không thành công. Trong giai đoạn 1990-1996 này có việc các nguyên thủ VN, như ông Võ văn Kiệt sang Pháp. Tổng thống Pháp Mitterrand sang VN (1993). Khi tôi xét câu chuyện ông Boudarel là trong bối cảnh này.
Tại sao con đường phá vây của VN lại đi qua Pháp. Bởi vì Pháp là nước phương Tây có quan hệ đầu tiên, và cũng là nước tư bản phát triển duy nhất với nước VN dân chủ cộng hòa. Điều này xẩy ra là do có hiệp định Giơ ne vơ (1954). Do Pháp ký vào hiệp định Giơ ne vơ, thì tất nhiên nó phải công nhận một bên ký, là nước VN dân chủ cộng hòa, chứ không thì hiệp định trở nên vô nghĩa. Chỉ từ năm 1975, thì các nước tư bản khác mới lập quan hệ ngoại giao với VN.
Vì thế vào bối cảnh đầu thập niên 90, thông qua các quan hệ ngoại giao, Pháp trở thành cái cửa để VN nối quan hệ với các nước Tư bản phương Tây. Vào thời điểm đó, là lúc Liên Xô tan rã, quan niệm của phương Tây là có thể đánh đổ tất cả các dạng chính quyền không theo nó, từ đó mà có sự vụ 1989 Thiên An Môn TQ, bầu cử “dân chủ” với bà Ang Sung Kì ở Miến, bầu cử “dân chủ” ở An giê ri, (tôi để chữ bầu cử dan chu trong ngoặc để nói sự ra đời của nó là do thời thế thế giới tạo ra, chứ không phải sự phát triển dân sự nội tại ở các xã hội này tạo ra,nó là mọt sự áp đặt. Nếu nó thực sự là do sự vận đông nội tại của những xã hội đó, thì nó đã lại khác và cũng không dẫn tới những bi kịch như ở Miến hay An giê ri hiện nay).
Ở Pháp, đây cũng là cơ hội để giai cấp tư sản Pháp, phần cực hữu giải quyết nốt vấn đề đảng cộng sản, mặc dù đảng cộng sản Pháp, bắt đầu từ thập niên 80 đã đi vào vòng xoáy xuống dốc. Nó cũng là một đấu đá nội tại của nước Pháp, vì lúc này đảng xã hội cầm quyền mà tổng thống là Mitterrand. Đảng xã hội là một đảng tư sản phe tả, nhưng nó lại lợi dụng đảng CS để có phiếu nắm quyền. Trong bối cảnh đó mà xẩy ra sự vụ Boudarel.
Tôi biết câu chuyện Boudarel này vì lúc đó xem báo Figaro, một tờ báo mà chủ chương của nó là về phe hữu. Tư duy của nó là không bao giờ có chuyện nó lên án các chính sách thuộc địa, và để bôi nhọ các phong trào giải phóng dân tộc biện hộ cho chế độ thực dân cũ, thì nó luôn thò câu chuyện “dân chủ, nhân quyền” ra. Câu chuyện Boudarel, là việc một tù binh Pháp cũ ở VN đã nhận ra Boudarel là người ở trong ban quản lý một trại tù, có số là 113, trong một buổi hội thảo mà Boudarel tham gia, vì ông này được coi là chuyên gia về VN. Cách tố cáo của nó, cũng giống như việc sử dụng Sô liên nít xưn tố cáo trại tù ở Liên Xô, hay các tác phẩm của Sài gòn cũ tố cáo trại cải tạo. Ở đây Boudarel được ví von như là những dạng quản lý tù của phát xít đức, ở những trại tập trung phát xít thời đại chiến II. Từ đó nó làm luôn một quả “gắn bó” chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa phát xít, như vấn đề “toàn trị” (totalitarisme) mà tôi đã nói tới.
Thực sự mà nói, đi tù thì làm sao mà sướng, bất kỳ là chế độ nào. Cho nên đây là một chủ điểm rất dễ khai thác. Cách làm này của nó đã đạt được nhiều điều. Ví dụ, hiện tại khi nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ, thì phim tư liệu Pháp luôn thò vào một mẩu nói về sự đối sử “vô nhân đạo” với tù binh Pháp, mập mờ để làm giảm giá trị của nó. Còn Boudarel thì bị buộc tôi là cộng sản đồng thời là đồ tể trại tù. Trong trường hợp ấy, thì cuộc kháng chiến của người Việt chống Pháp trở thành một dạng ..tương đương phát xít.
Cái bi kịch ở đây là, cũng vào thời điểm này, tức là vào năm 1991. Boudarel cũng như nhiều người CS Pháp khác trở cờ, thoái trào, đây cũng là thời điểm mà các ông vịt cừu yêu nước mong muốn dân chủ tư sản ở VN. Chính vì thế mà tờ báo Đoàn Kết của Việt kiều tan, thay vào đó là một tờ forum dân chủ gì đó (tôi nhớ tên không chính xác, nhưng đã từng đọc nó). Mặc dù thế,đúng lúc trở cờ, Boudarel vẫn bị phái hữu tố cáo,tìm cách kiện ra tòa, dù theo luật ân xã, thì điều này là không thể được, nhưng nó vẫn làm thực ra để tạo buzz viết lại lịch sử. Điều trớ trêu là như thế.
Điều đặc biệt là Boudarel đã về Pháp vào những năm 60, tù binh Pháp đã được trả theo thỏa thuận Giơ ne vơ (1954), vậy tại sao câu chuyện này được lôi ra vào năm 1991, mà không phải sớm hơn. Báo chí phái hữu Pháp đổ tội việc này là do phe tả trong đó có đảng xã hội đang nắm quyền, và đảng CS, rằng “nước Pháp bị nhuộm đỏ” bao che cho Boudarel, trong khi nó là một nước tư bản điển hình đứng thứ 5 trên thế giới, đỏ điếc thế nào được. Phải tới năm 80, với việc Mitterrand thành tổng thống, thì phe tả ở Pháp mới nắm quyền, mà đây cũng là phe tả tư sản dù nó lợi dụng liên minh với đảng CS Pháp. Như vậy câu chuyện Boudarel, nó muốn lôi ra lúc nào chả được. Việc làm rùm beng nó lên, và đưa nó ra vào thời điểm ấy có thể coi như một cố gắng vừa để bôi nhọ viết lại lịch sử thế kỷ XX, vừa để đặt cược với VN. Bởi vì đúng vào thời điểm đó, VN muốn thông qua quan hệ ngoại giao với Pháp để phá vây. Mánh lới sử dụng các sự kiện kiểu này không phải là điều gì mới. Ví dụ, vào thời điểm Gorbachev muốn bắt tay với Mỹ thời Reagan. Lập tức ở Mỹ có ngay một phong trào gọi là “let my people go” (hãy để cho dân tộc tôi đi), của những người Do Thái ở Mỹ đòi Liên Xô phải cho tất cả người gốc Do thái ở trong nước được di cư. Bị ép vào đừơng cùng, Gorbachev chấp nhận. Gần đây nhất, ta cũng có thể thấy vấn đề “confort girl” của người Hàn Quốc, đây là câu chuyện Nhật bản đã ép buộc phụ nữ Hàn quốc làm đĩ giải trí cho quân đội Nhật trong đại chiến II. Nhưng việc này đã được Hàn và Nhật thỏa thuận có bồi thường vào năm 1965. Lôi trở lại việc này, Hàn tìm cách cắm một cái que vào giữa quan hệ Nhật-Hàn để khỏi bị rơi vào thế yếu phải kẹp các điều kiện của Nhật khi muốn đàm phán với trực tiếp với Triều Tiên lúc đó.
Nếu VN muốn có quan hệ tốt hơn với Pháp, thì bản thân chính phủ Pháp cũng muốn thế, vì VN là một thị trường mới, cũng như về văn hóa bất cứ một đế quốc thuộc địa cũ nào, nước Pháp cũng muốn quay trở lại quan hệ với các thuộc địa cũ của mình, nên đây cũng là một cơ hội cho Pháp. Cũng chính vì thế mới có câu chuyện mà trong bài báo của ông Nguyễn Ngọc Giao kia nói tới, đó là François Leotard, một nhân vật chính trị phái hữu Pháp có lần đã là bộ trưởng bộ quốc phòng, lại đứng ra bênh Boudarel, và tòa án Pháp cũng không chấp nhận việc kiện cáo Boudarel. Ông Giao cho rằng đó là điều “tốt đẹp” của Pháp, trong thực tế nó có hai vấn đề, vấn đề về lô gic luật pháp, ông đã ân xã rồi thì thôi không thể lôi ra lải nhải được nữa, và vấn đề Pháp muốn quan hệ với VN. Tất nhiên nếu quan hẹ với VN trên cơ sở ép VN chấp nhận nhìn nhận lại lịch sử phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” thì càng tốt. Tại sao ? vì sự lật lại lịch sử sẽ là cơ sở để tạo ra các lực lượng chống đối, đánh vào chính danh, tạo đòn bẩy can thiệp, diễn giải lịch sử theo cái nhìn của Pháp, về lâu dài rất có lợi. Không phải Pháp mới làm thế mà Mỹ cũng thế. Hiện tại quan hệ Mỹ-VN không xấu, còn coi nhau là đối tác chiến lược. Nhưng ở Mỹ vẫn tồn tại những tổ chức chống đối chính quyền VN, mà đáng ra Mỹ phải đặt chúng vào dạng khủng bố. Nhưng nó có cấm đâu. Không kể năm nào đến hẹn lại lên, nó lại có một cái tường trình đánh giá VN đàn áp tôn giáo, gì gì đó.
Vào năm 1993, lần đầu tiên một tổng thống Pháp sang thăm VN, cũng là tổng thống Pháp đầu tiên thăm nước VN dân chủ cộng hòa (tôi dùng tên cũ) từ khi ra đời 1945. Vào thời gian này, Vn cũng đạt được thỏa thuận với Pháp, Anh, Đức về nợ với FMI, với tổ chức tài chính Club de Paris (là những chủ nợ). Rồi vào năm 1996 dẫn tới việc Mỹ bỏ embago.
Quan hệ VN-Pháp đã đóng góp vào quá trình phá vây này. Tất nhiên nó chỉ là một bộ phận, điều quan trọng là VN bình thường quan hệ được với TQ, với Mỹ. Và điều đặc biệt là cứu cánh kinh tế không tới từ với các nước phương Tây mà với các nước trong vùng : Nhật, Hàn quốc, các nước hiệp hội ĐNA, rồi TQ.
Ta có thể so sánh quá trình VN bình thường hóa quan hệ với phương Tây này như là những gì đang xẩy ra với I ran ngày nay. Mặc dù quan hệ VN phương Tây phức tạp kiểu khác. Hiện nay I ran gần như thỏa thuận được với nhóm Anh,Pháp, Đức về hạt nhân, và thông qua nhóm này nối lại với Mỹ. Trong trường hợp VN, VN có điều đình trực tiếp với Mỹ, nhưng việc các nước Tây Âu đồng thuận đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải tỏa quan hệ Việt -Mỹ.
Cũng vào thời kỳ này. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sáng Pháp thăm, và khi về nước, với tư duy “xé rào”, ông ấy đã đổi tên một con đường ở Sài gòn để vinh danh cố đạo Alexandre de Rhode. Trong chủ đề về ông cố đạo này, tôi đã nói nhận thức của tôi về ông ta. Nên không nói lại ở đây. Điều đáng nói là việc làm này của ông Kiệt đã tạo ra một sự lẫn lộn mơ hồ trong đánh giá về di sản văn hóa thực dân để lại về sau. Với tôi là điều không hay. Nước Vn mới, ra đời từ trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, với những nước có tiền an tiền sự với mình, thì nên đánh dấu một cái mốc mới, như một hình thức restart quan hệ, không nên sử dụng những câu chuyện cũ, hậu quả về lâu dài không tốt. Ví dụ, nếu sau khi ông Kiệt đi Pháp về, để đánh dấu quan hệ Việt – Pháp phát triển, thì có thể đặt một tên đường ở Sài gòn với một cái tên Pháp, ví dụ đường Paris, đường Ma ri Quy ri (là tên một nhà bác học Pháp) thì có phải hay biết bao không, tại sao lại lôi tên một nhân vật là cha cố “có vấn đề” ra làm gì. Để chứng tỏ mình rộng lượng, bao dung chắc, là mình cải cách chắc. Mà cải cách đâu có phải là làm lộn ngược, trước đen thì bây giờ bảo là trắng.
Phó Thường Nhân
Hôm nay đọc báo VN thấy đưa tin anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân VN, ông Kostas Sarantiris Nguyễn Văn Lập (ông này người gốc Hi lạp) vừa mới mất cách đây mấy ngày. Theo báo VN, ông là người Hi lạp, đi lính Lê dương cho Pháp, sang VN vào năm 1946 và trở về lại Hi lạp vào năm .. 1965.
Khác với ông Georges Boudarel, ông Nguyễn Văn Lập theo Việt minh không phải vì là đảng viên cộng sản Hi lạp, mà thức tỉnh lương tâm trước cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp. Và ông ấy cũng hồi hương vào năm .. 1965, tức là thời kỳ Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra ngoài Bắc.
Như vậy nó càng khẳng định điều tôi nói ở trên, đó là các người VN da trắng hồi hương về quê cha đất tổ của họ, không phải vì bất đồng chính kiến gì cả, mà là do chiến tranh. Điều thú vị mà ta có thể tìm hiểu thêm, đó là vào thời điểm đó, tình hình chính trị ở Hi lạp cũng rất phức tạp, dẫn đến độc tài quân sự của quân đội Hi lạp vào năm 1967 đến tận năm 1974, được Mỹ ủng hộ. Chế độ này giống như dạng độc tài Pi nô chê ở Chi lê về sau(1973). Vậy ông Nguyễn Văn Lập trở về Hi lạp thế nào ? cuộc sống ông ấy ra sao ?
Thiên Lang
Vậy theo bác Phó thì những người Âu theo Việt Minh về nước vì đơn giản là hồi hương. Nhưng tôi cũng mới tìm được một chứng cứ ngược lại. Đó là câu chuyện của 3 người lính Đức viết trong cuốn sách "Zwischen Den Fronten" nghĩa là "Những người đứng giữa chiến tuyến", tác giả Heinz Schutte. Quyển này có thể mua trên Amazon. Đọc qua các bài giới thiệu hoặc bình luận tiếng Đức có thể biết được rằng, nó nói về ba người Erwin Borchers (bí danh Chiến Sĩ), Rudy Schroder (Lê Đức Nhân) và Erich Frey (Nguyễn Dân). Trong đó có nói về sự thất vọng của những người này đặc biệt là Erwin Borchers bị nghi ngờ và theo dõi trong thời kỳ nhân văn giai phẩm. Có lẽ phải đợi khi nào nhận được sách mới có thể biết chính xác hơn.

Trong số những người gốc Âu theo Việt Minh thì ông Nguyễn Văn Lập được coi là trung thành nhất. Đến gần cuối đời, khi tin chắc là không còn khả năng thay đổi lập trường, lúc đấy nhà nước VN mới dám trao danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Khi được trao danh hiệu, ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập đã 86 tuổi.
Phó Thường Nhân
@thienlang,
Đúng vậy, yếu tố chính là chiến tranh mở rộng, và cũng vào thời điểm ấy họ có thể về được (ví dụ như có việc ân xá với những người mà chính quyền bên kia coi là phản quốc hay phản bội). Cũng có những yếu tố văn hóa nữa, ngay cả khi họ lấy vợ VN, ví dụ như đồ ăn thức uống, tập tục văn hóa. Có nhiều người Pháp, thậm chí là người Việt nam nhưng sinh đẻ ở Pháp, họ nói rằng về VN họ them ăn pho mát, bánh mỳ mà không có, hoặc có chỉ là loại tầm tầm. Thì cũng giống như người việt ở nước ngoài thích ăn lòng lợn, cà pháo, thịt chó, ..
Vào thời điểm những năm 60, ở ngoài bắc cuộc sống cũng rất kham khổ, so với quê hương bản xứ của họ thì kém xa, ngay cả với Hi lap, bản thân việc không có chiến tranh cũng là điều hạnh phúc rồi. Vì thế sự đồng cam cộng khổ của họ với Vn là điều cực kỳ đáng trọng. Nhưng điều kiện sống cũng là một yếu tố ảnh hưởng không kém để họ hồi hương.
Khi về nước, tất nhiên có nhiều điều họ có thể nói không giống như khi ở VN, điều này cũng bình thường, vì chế độ chính trị không giống nhau, vì thế cũng phải hết sức thận trọng khi tìm hiểu những gì họ viết về sau. Bình thường (cái này thì tôi đã nói rồi ở đâu đó khi nói về thể loại hồi ký) thì điều người ta nói ra phản ảnh chính xác vào thời điểm ấy, tức là thời điểm người ta viết, ngay cả khi nói về quá khứ. Không phải vì họ muốn nói dối có chủ ý, mà bản thân kiểu ký ức là như thế.
Ở trên, tôi đã sử dụng duy vật biện chứng để phân tích câu chuyện ông Boudarel, thiên lang có thể dùng cái lô gic ấy để tìm hiểu về mấy ông người Đức kia. Ở trong vấn đề ông Boudarel, tôi chỉ ra những liên quan của nó với quan hệ vận động của hệ thống chính trị Pháp (quan hệ tả hữu trong nhà nước tư sản Pháp), với nhận thức về lịch sử (tìm cách viết lại nó theo định hướng của người Pháp, “hệ quy chiếu” Pháp, trong đó có vấn đề cái nhìn với quá khứ thực dân và chủ nghĩa cộng sản), quan hệ thời sự giữa Vn và Pháp. Ở đây cũng có vấn đề thời điểm. Viết vào năm 1991, thì nó là cái nhìn năm 1991, dù nói về 1964, nhưng nó vẫn là điều kiện hoàn cảnh, nhận thức 1991. Vì phân tích kiểu duy vật biện chứng nó sẽ chỉ ra cho ta nhiều điều liên quan ở dưới đáy sự kiện, nên người ta hay nhầm nó với dạng lô gic “thuyết âm mưu”, đây là điều phải tránh, vì đã nói tới âm mưu, tức là mọi chuyện phải hoàn toàn là dựng ra, bịa đặt, hoặc hành động có chủ ý. Ngược lại trong duy vật biện chứng, người ta không sa vào điều này. Lấy lại ví dụ sự việc Boudarel, câu chuyện ông tù binh kia là có thật, việc Boudarel tham gia quản lý trại tù ấy là có thật. Có thể nói thêm là trại tù ấy là tù sĩ quan Pháp, Boudarel là giáo sư triết học, thì tất nhiên việc VN sử dụng ông ấy ở đây để giáo dục là đúng rồi, chứ để một người VN không biết tiếng Pháp, hoặc chỉ nói ú ớ thì làm sao mà quản lý được, làm sao có đủ trình độ. Vấn đề nó ở chỗ sự việc được diễn giải, giải quyết thế nào, hương tới mục đích gì,
Một điều nữa phải tránh trong khi dùng duy vật biện chứng, đó là tránh kiểu “chặt chân cho đi vừa giầy”. Nhưng điều này thì đúng với tất cả các loại lô gic khi phân tích các hiện tượng, sự việc xã hội.
Còn có điều này thì có thể đúng,tức là cảm giác bị theo dõi của người nước ngoài ở ngoài Bắc. Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ và một phần thời gian về sau có lẽ phải tới đổi mới (1986), ngay cả chuyên gia XHCN sang VN cũng phải ở cách biệt, và không có quan hệ bình thường láng giềng với người VN, chỉ có quan hê chuyên môn. Điều mà bây giờ, thời tây ba lô đi đầy đường, có khi còn đi xin ăn là một chuyện khó hiểu. Nhưng ở đây nó có 2 yếu tố. Có yếu tố tốt, đó là vì cuộc sống quá khổ cho nên phải tạo cho chuyên gia một cuộc sống rất bình thường, dù nó thấp hơn chuẩn quê nhà của họ, điều này đã là một kiểu đặc cách rồi so với người Vn bình thường, đời sống VN lúc đó. Chính vì thế mà họ có chế độ đãi ngộ kiểu khác, không sống chung với người VN. Và tất nhiên nó cũng có yếu tố khác, đó là mình cũng không muốn họ thâm nhập vào cuộc sống ở VN, để quản lý cho nó dễ. Nhưng đây là với chuyên gia. Chuyên gia XHCN anh em hẳn hoi. Còn với những người Việt nam mới này thì tôi không rõ.
Một lần về VN chơi, cũng đã lâu, khi lên Tam đảo, tôi thấy ngay ở trong trung tâm thị trấn, còn có dấu vết hoang tàn của những biệt thự, rồi bể bơi cho chuyên gia Liên Xô thời những năm 79,80. Bây giờ thì chắc không còn, vì “tấc đất tấc vàng” rồi. Những biệt thự này, dù chỉ là đống hoang phế cũng cho tôi thấy nó không phải là cái gì khủng khiếp, so với standard bây giờ, chỉ tương đương với khách sạn 2,3 sao. Nhưng có lẽ hồi ấy đó là một điều đặc biệt, đặc cách. Và điều đó cũng chứng tỏ họ sống trong một nơi của riêng họ, không dính với người VN
Tóm lại VN thời đấy có một sự “đãi ngộ/theo dõi” đặc biệt với chuyên gia nước ngoài thời đó. Ngay cả chuyên gia Liên Xô, nhưng tôi không nghĩ nó được mở rộng cho những người Việt nam mới, vì họ đã lấy vợ người việt, tham gia vào quân đội từ thời kháng chiến, họ không phải là chuyên gia nhập khẩu. Điều này ngược với trong Nam, vùng kiểm soát của chính quyền Sài gòn cũ, khi mà lính Mỹ đi đầy đường, kinh tế sống bằng “ổ nhện lầu xanh” (tôi phóng đại một chút). Nhưng điều này cũng dễ hiểu, Mỹ kiểm soát chính quyền Sài gòn rồi, thì chính quyền Sài gòn sợ gì .. điệp viên Mỹ, có khi được nó đặc ân gặp thì còn ..mừng hú. Ở ngoài Bắc đâu có thế. Liên Xô, TQ làm sao kiểm soát được VN, Vũ thư Hiên sở dĩ bị tóm vì cũng mò mẫm vào sứ quán Liên Xô. Người dân cũng có tinh thần cảnh giác cao, vì là chiến tranh. Tâm lý này bây giờ không còn ở VN, vì hòa bình, đổi mới, hòa nhập thế giới.
Việc nhà nước VN “chọn mặt gửi vàng” để khen thưởng thì cũng đúng thôi. Vớ vẩn trao giải cho loại lá mặt lá trái thì .. lõm. Nhưng trong trường hợp bác Lập, thì việc tặng bằng khen vào cuối đời không phải vì vấn đề “thử thách trung thành” gì cả. Có lẽ đơn giản nó gắn với hoạt động của bác ấy trong quan hệ hữu nghị VN- Hi lạp sau này. Theo tôi, bác ấy nằm vào “tầm ngắm” của nhà nước VN để khen thưởng chỉ sau khi bác ấy về VN tháp tùng tổng thống Hi lạp vào năm 2008. Cũng từ đây mà tấm lòng của bác ấy, cũng như công trạng quá khứ mới nổi lên, được để ý. Còn nhiều người khác, khi họ trở về quê hương, giai đoạn ở VN chỉ còn là dấu vết không xóa mờ được trong cuộc sống của họ, nhưng họ không liên lạc gì cả, không làm gì liên quan tới VN nữa, thì cũng không ai biết. Trên đời thiếu gì những dạng thầm lặng như thế.
Thiên Lang
Tôi nhớ là đã xem bộ phim của kênh ARTE về những người Đức binh đoàn Lê Dương. Hôm nay thử tìm lại, hóa ra nó đã được đưa lên Youtube. Tôi chỉ nghe được tiếng Đức, nhưng hóa ra là có cả tiếng Pháp cho bác Phó:

(@click here)
Phó Thường Nhân
@thienlang,
Cái phim mà bác để link ở đây là một phim rất thú vị, vì nó có rất nhiều chủ điểm đan xen nhau, mà nó cũng có nhiều ẩn ý, không phải ẩn ý nào cũng liên quan tới VN. Có lẽ tôi cũng đã xem nó trên kênh ARTE vào thời điểm đó, nhưng không nhớ.
Khi xem cái phim ấy, cảm tưởng của bác thế nào ? có gì thú vị ?
Tôi nhân được cuốn tự thuật của boudarel mà tôi đặt mua trên mạng. Quyển sách tương đối dầy (cỡ 300 trang), nhưng để dùng trong chủ đề này, thì nó chỉ có mấy chương cuối (60,70 trang), nên tôi cũng đã đọc. Phần còn lại thì có thể bổ xung tư liệu cho thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng nó không có liên quan trực tiếp, nên tôi chưa đọc, vì tôi đang đọc những gì tôi muốn tìm hiểu bây giờ, mà điều ấy lại không phải là điều chủ đề này nói tới . Tôi sẽ viết những điểm tôi thấy thú vị trong mấy chương cuối của cuốn sách boudarel này, theo cái nhìn của tôi.
Thiên Lang
Bộ phim do người Đức làm nên nó thể hiện góc nhìn của người Đức. Thua trận trong thế chiến II, mặc cảm tội lỗi, nhưng người Đức vẫn ấm ức khi Pháp dùng lính Đức trong cuộc chiến Đông Dương. Tôi có cảm tưởng như bộ phim có ẩn ý tố cáo tội ác của Pháp ở Đông Dương. Hồi đó khi xem tôi cũng khá bất ngờ vì lính Đức, phần con người của nó cũng chẳng khác gì các phe khác cả. Nó chỉ bị nhìn một cách xấu xa khi nó đứng trong hàng ngũ quân đội phát xít, là quân đội mà cả thế giới lên án. Có lẽ đây là cơ hội để người Đức tự thanh minh cho mình.

Tôi còn nhớ nhiều báo Đức đã từng mô tả Điện Biên Phủ như là trận đánh cuối cùng của lính SS, và ví nó như là một trận Staligrad. Nhưng có lẽ cách so sánh đó cường điệu quá. Vì chỉ huy là người Pháp, chiến lược chiến thuật đều là của Pháp. Kinh nghiệm và khả năng tác chiến của binh lính không thể quyết định cục diện trận chiến.

Lạ một cái là ở bản tiếng Pháp họ dịch khá đầy đủ. Tôi nghe tên lính Đức hát bài hát Việt Nam mà không nghe được từ nào, mà thấy bản tiếng Pháp nó dịch được cả lời bài hát ra tiếng Pháp.
Phó Thường Nhân
@thienlang,
Đúng rồi. Tôi cũng có nhận xét như bác khi xem cái phim này. Cái phim này tôi cũng xem trên ARTE, nhưng quên rồi, nên nhận xét này xuất phát từ cái link mà bác đưa lên, khi xem lại hôm qua.
Có điều bác còn đi xa hơn tôi khi nói về sự tự thanh minh của người Đức, cũng như bác nói là hóa ra lính Đức ở đâu cũng thế, chứ không phải lính SS thì ghê gớm gì hơn.
Còn sau đây là nhận xét của tôi.
Điều đầu tiên ấn tượng đập vào mắt tôi, là bộ phim này do người Đức làm nên nó khác với phim Pháp hay Mỹ, vì những nước này là những nước có tiền án tiền sự ở VN. Còn Đức không tham chiến ở VN, không có thuộc địa (thực ra thuộc địa của Đức bị Anh Pháp chia nhau khi Đức thua trong đại chiến I), vì thế mà Đức sẽ khách quan hơn trong việc nhìn nhận cuộc chiến. Cũng chính vì thế Đức đã chỉ ra được nội dung thực sự của nó là một cuộc chiến tranh thuộc địa kiểu cũ, cuộc chiến tranh thuộc địa cuối cùng, nó cũng đã tố cáo tội ác của cuộc chiến tranh này. Điều này VN cũng nói trong tài liệu sách vở của mình, với một người VN thì nó không có mới. Nhưng khi vào tay Pháp, Mỹ thì nó được gán cho là tuyên truyền để bỏ qua, hoặc làm giảm nhẹ nó đi để chạy tội. Đây là ưu điểm của bộ phim khi đã nói ra sự thực. Đến tân cuối bộ phim nó vẫn nhắc lại. Nhưng với tôi, điều nhắc lại này nói lên ưu điểm của người VN, hay nhược điểm cũng không rõ, tùy cách nhìn. Đó là lời cuối cùng của một người lính khi nói lên tình yêu của họ với cảnh quan đất nước con người VN, nhưng đồng thời ông ấy cũng lạ lùng là sao VN không thù ghét, căm hận, rồi quy ra rằng người VN dễ quên.
Đối với riêng tôi, căm hận không phải là điều tốt, nhưng phải có cái nhìn để rút ra bài học, vì thế không thể sa vào các thể loại “xét lại” lịch sử mà lề trái nhân danh “đổi mới” có gắng đưa vào, trong khi nó chỉ là tuyên truyền của chính quyền miền Nam cũ xào lại.
Nếu ông người Đức này đọc được tiếng việt, và biết các thể loại sách được viết kiểu bịa đặt vu cáo, như cuốn sách viết về bác Thảo, quyển đấy chỉ là một ví dụ, thì ông ấy sẽ còn ngạc nhiên về người VN hơn nữa. Điều lạ lung nhất là nếu những người viết các thể loại này là nhân sự có hận thù với chính quyền VN hiện tại trong quá khứ, thì với tôi nó cũng là điều bình thường, nhưng việc nó thấm vào thế hệ trẻ thì lại là điều nguy hiểm. Tại sao chuyện đấy lại có thể xẩy ra ? vì khi người VN đi nước ngoài học, các địa điểm Pháp, Mỹ vẫn là điểm tới sáng giá, vì so với các địa điểm nước ngoài khác, như Nhật, Đức, Ý, Hàn ,.. ở những nước này có một cộng đồng người việt lớn, do du học hiện tại chịu ảnh hưởng của quan hệ thân thuộc, gia đình kéo nhau đi tự túc chứ không phải chỉ là học bổng. Ở những nước này, nhận thức lịch sử của nó về VN không khách quan được, theo hệ quy chiếu VN lại càng không. Nhưng đưa trẻ được học lại coi điều này là .. chân lý.
Một điều nguy hiểm nữa trong các thể loại Việt nam học ở các nước có tiền án tiền sự này, đó là việc “rửa tư liệu”. Thế là thế nào ? Hãy lấy ví dụ cuốn sách về bác Thảo, nó là fake, nhưng chỉ cần một “học giả” người Pháp, Mỹ lấy nó làm tư liệu, thì lập tức nó được rửa, giống như rửa tiền vậy. Từ giả nó thành thật.
Trong bộ phim, phần nói về sự chuyển đổi từ một cuộc chiến tranh giai phong dân tộc sang cuộc chiến giữa hai khối đối lập, tức là cuộc chiến tranh thuộc địa được che đi dưới nhãn hiệu chiến tranh chống cộng không được nhấn mạnh, cũng như việc Pháp nặn ra một nhà nước VN cộng hòa bù nhìn không được nói tới.
Điều mà bất cứ bộ phim nào của Mỹ và Pháp cũng sẽ có. Tại sao Đức lại như thế ? thì điều này có thể lý giải qua nhận xét của Thiên lang, đó là người Đức muốn thanh minh cho mình. Nhưng với tôi nó có một điều sâu xa hơn. Đó là trong lịch sử quan hệ giữa Đức và Pháp, Anh ,Mỹ họ đã bị vướng vào chuyện này rồi. Đó là nhân danh các giá trị phổ quát kiểu tự do, công bằng mà Pháp đã chiếm đóng Đức (lúc đó chưa phải là nhà nước Đức thống nhất) vào thời Napoleone (đầu thế kỷ XIX)
Phó Thường Nhân
Quan hệ Đức-Pháp từ thời trung cổ tới nay là Pháp luôn can thiệp vào Đức (chính xác hơn là vùng Trung Âu nơi người Đức sinh sống), và mỗi lần can thiệp này đều nhân danh một giá trị phổ quát. Thời Trung cổ thì là bảo vệ đạo Thiên chúa cơ đốc giáo, còn sau cách mạng Pháp thì là để mang lại tự do. Đây chính là thời kỳ Napoleone. Lúc Napoleone đặt ách thống trị lên các tiểu quốc Đức, nhân danh các giá trị mới của nhà nước tư sản Pháp : tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng ở Đức nó lại thành một dạng đàn áp dân tộc. Chính vì thế mà vào thời kỳ này, ở Đức đã xuất hiện dòng triết học romantisme (dịch tiếng việt là lãng mạng, nhưng từ dịch không thể hiện được nội dung của nó). Romantisme là đối lập lại với rationalisme (ta gọi là duy lý, giống như triết học đề các). Bởi rationalism do Pháp mang vào trở thành gông cùm đàn áp người Đức. Vì thế dòng triết học này chủ trương không duy lý, coi trọng cội nguồn, từ đó coi trọng các thần thoại khởi thủy của dân tộc Đức, từ đó có tên là romantisme, coi trọng sức sống (vitality), đả phá đạo thiên chúa, coi nó như một sự kìm kẹp ngoại lai tinh thần Đức, làm cho người ta yếu hèn đi, coi trọng thiên nhiên, đặc biệt là cuộc sống nông thôn, rừng núi có ý nghĩa thiêng liêng, từ đó mà có khái niệm rừng đen (Schwarzwald), khái niệm quê hương thieng lieng (Heimat) giống như khái niệm tổ quốc. Đỉnh điểm của nó, tinh hoa của nó, với tôi có lẽ là triết học của Frederic Nietzsche. Dù triết học của ông không bao phủ được hết những điều tôi nói trên trong romantisme. Sau đại chiến I, một phần do chính sách kìm kẹp của Anh-Pháp với Đức đòi bồi thường chiến tranh với thâm ý loại bỏ vĩnh viễn đối thủ Đức, đã khiến ra đời chủ nghĩa phát xít, ngoài vấn đề chính là khủng hoảng kinh tế. Và chủ nghĩa phát xít đã dựa trên cơ sở này giống như cái background văn hóa.
Từ năm 1945 tới nay, nhà nước Đức là một nhà nước tư sản liberal, theo mô hình của Mỹ, vì bị Mỹ bắt ép, Mỹ đóng quân ở Đức, quân đội Đức không thể độc lập ngoài NATO, đổi lại Mỹ để cho Đức thâm nhập thị trường của mình làm công lấy lãi. Vì thế cái tư duy đặc trưng Đức này cứ nổi lên là bị nó đánh bằng cách vu cho là phát xít, rồi mang tội ác diệt chủng Do thái ra dọa. Vì thế người Đức trong thâm sâu của họ hiểu rất rõ sự hai mặt của những giá trị phổ quát Anh-Mỹ -Pháp này, nhưng nó không thể nói ra được. Há miệng mắc quai.
Cũng phải nói thêm cho công bằng, là khi lập ra Tây Đức, trong cơ cấu của nhà nước này đa số là nhân sự cũ của chế độ phát xít. Vì nhà nước phát xít, trong thực tế được toàn dân Đức ủng hộ (ngoại trừ những người cộng sản, một bộ phận cơ đốc giáo). Cũng vì thế Mỹ cũng nhắm mắt không trừng trị phát xít, để sử dụng họ chống cộng. Điều buồn cười hơn, đó là tất cả các loại cá lớn của chế độ phát xít Đức đều ở Tây Đức, ngược lại ở Đông Đức thì không có. Chính ở Đông Đức mới là nơi mà cội nguồn của phát xít đức bị tiêu diệt triệt để nhất.
Nhưng từ giữa những năm 50, ở phương Tây có trò đánh đồng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, mà nói gọi là toàn trị (totalitarisme), cho nên nó lại đổ tội cho Đông Đức gần với chủ nghĩa phát xít. Khi nước Đức thống nhất, mà thực ra là sự nuốt chửng Đông Đức bằng Tây Đức, các lander miền đông, là đất của của Đông Đức gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó nổi lên vấn đề phân biệt chủng tộc, và bóng dáng của hít le hiện trở lại, càng khiến media Tây Âu khẳng định, phần đất Đông Đức không dân chủ, không giải quyết vấn đề phát xít triệt để trong quá khứ. Nhưng điều này không đúng, mà nó chỉ là sự phản ứng và thất vọng trước hiện trạng kinh tế, xã hội, và họ (người Đông Đức) cũng ít bị formatted bởi văn hóa Mỹ hơn, và vì họ không có “mặc cảm phát xít mà Tây Đức phải che dấu” nên như thế.
Một ngày nào đó, nếu quan hệ Mỹ-Đức bị cắt, cái deal “Mỹ quản thúc Đức đổi lại thị trường chung” không còn, Đức độc lập với Mỹ hơn, thì cái văn hóa Đức bị vùi dập này sẽ lại nổi lên. Tôi phải nói thêm cho rõ ràng, là cái background này không phải là phát xít Đức.
Tôi đi sâu mở rộng thế, để giúp ta có background tìm hiểu tiếp bộ phim thời sự này. Tóm lại, không có thuộc địa, không có vấn đề thuộc địa, có nhận thức dân tộc diến ra trong quá trình “giao thoa văn hóa kinh tế với phương Tây” (phương Tây với Đức bắt đầu ở Strasbourg, thành phố biên giới Đức-Pháp ở An dát (Alsace)) từ thế kỷ XVIII, như một phản ứng ngược với các giá trị “phổ quát” bị ép vào, khiến Đức có cảm tình và nhận thức khách quan hơn các nước phương Tây có tiền án tiền sự với VN. Nhưng nó cũng có hạn chế, hạn chế này là do lịch sử nước Đức hiện đại tạo ra.
Nó thể hiện ở đâu ? nó thể hiện trong việc phim tài liệu này nói về việc hồi hương của các lính lê dương người Đức này về Đông Đức sau năm 1954. Nếu cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt là chính nghĩa, thì việc những người lính Lê Dương này theo VN cũng là chính nghĩa, nhưng khi về nước họ lại là .. Đông Đức, chính xác hơn là thông qua Đông Đức mà họ về nước. Vậy phải “hạ giá” cách đón tiếp này, vì nước Đức hiện tại không thể chấp nhận Đông Đức. Chính vì thế mới có câu chuyện là “đưa họ về Đông Đức để quản lý vì TQ yêu cầu”, trong khi với tôi nhưng điều này không có gì liên quan. Tại sao tôi lại nói thế ? bởi vì trong bộ phim ngay từ đầu, những người lính này đã muốn hồi hương, vì tình cảm với Heimat của họ. Bộ phim cũng nói rất đúng về tâm lý đó là khi theo Việt Minh rồi thì họ lại thấy lạc lõng, không phải lạc long vì sự đối sử của Việt Minh, mà cảnh quan, con người, cuộc sống, .. Chính vì thế khi hòa bình lập lại, tập kết ra bắc, thì việc hồi hương là hợp ly với nguyện vọng của họ, cũng như VN chỉ có quan hệ ngoại giao với Đông Đức, họ sẽ hồi hương về Đông Đức chứ làm sao về Tây Đức được (VN chỉ có quan hệ với các nước tư bản sau năm 1975, ngoại trừ Pháp). TQ liên quan gì tới việc này. Cho tới tận năm 60, khi có việc xây bức tường ở Béc linh, thì biên giới Đông Đức – Tây Đức mới là hàng rào dây kẽm gai. Trước đó không có vấn đề này, người về Đông Đức có thể bỏ qua Tây Đức. Do vấn đề với Đông Đức của lịch sử Đức hiện đại, trong bộ phim đã thể hiện các người lính này khi về Đức phải bị Đông Đức nghi kỵ.Nhưng muốn biết điều này chắc chắn, thì phải tìm hiểu sau khi về nước họ làm gì, sự thâm nhập trở lại của họ với xã hội Đông Đức như thế nào, bao nhiêu người bỏ sang Tây Đức, vì sao. Điều này bộ phim không nói được, mà lại nói là họ bị lợi dụng để tố cáo tội ác của quân đội viễn chính Pháp, coi đó là tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền mà nó là sự thật thì vẫn đúng, đâu có gì là sai, nó chỉ sai khi được bịa đặt.
Nhưng không chỉ có thế, mà còn vấn đề không phải bất kỳ người lính lê dương Đức nào cũng theo Việt minh. Bộ phim đã có một đánh giá rất trân trọng với những người theo Việt minh đó là coi họ là loại lính có học thức cao cấp, có ý thức, nhưng những người còn lại, tức là số đông, chứ theo Việt Minh thì là thiểu số, thì sao. Từ đó nó mới nẩy ra cách tiếp cận theo “số phận con người”.
Cách tiếp cận lịch sử theo kiểu “số phận con người” này, còn có thể gọi là cách “điền dã”, tức là thu thập thông tin qua các ví dụ cá nhân cụ thể, và thông qua các trải nghiệm cá nhân cụ thể ấy mà kể lại câu chuyện. Các tiếp cận này có một cái đế triết học, đó là tình thần cá nhân chủ nghĩa (individualisme) là triết lý chủ đạo của xã hội phương Tây, đặc biệt thế giới Anh-Mỹ, vì thế nó xuất hiện ở đây trước. Nhưng cách tiếp cận nay có một cái dở, đó là nó không cho người ta biết tại sao câu chuyện lại xẩy ra, nguyên cớ gì. Từ đó nó khiến cho người ta có thể bao biện rất dễ, lịch sử chỉ nhìn thấy hiện tượng, nhưng không hiểu gốc của nó ở đâu, tại sao. Để làm điều đó, người ta bắt buộc phải bổ xung thêm, để có thể thấy rõ câu chuyện ấy, tình tiết ấy xẩy ra trong hoàn cảnh nào. Và điều này tùy người làm phim (hay người viêt sách) muốn nói tới đâu, chứ nó không phải là nội dung chính, cái trục chính của bộ phim.
Ở đây với tôi, chủ điểm chính ,có lẽ những người làm phim muốn nói tới tính cách con người Đức, bất kể họ là ai. Vì thế người ta sẽ thấy, người Đức theo chính nghĩa (khi theo Việt minh), người Đức yêu tổ quốc (Heimat), nhưng người Đức cũng là loại người đáng tin cậy, khi đã “ký hợp đồng” thì làm đúng theo hợp đồng (đây là lý do biện minh cho những người linh Lê Dương Đức nói chung khi đánh thuê cho quân đội Pháp), và cuối cùng là số phận long đong chìm nổi của họ theo lịch sử. Trong đó lịch sử VN hiện lên như một cái phông.
Pages: [<<], [<], 8, 9, 10, [11], 12, 13, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.