Langven.com Forum

Full Version: Cao nguyên đá Hà Giang
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Du ngoạn
Pages: [<<], [<], 1, 2, 3, [4], 5, [>], [>>]
Thị Anh
Ko phải thi vị hóa sự nghèo khổ đâu.

Mà nghĩa là vì cái vùng này khó đi quá, khó nhằn quá, nên thuơng mại nó chưa kịp kéo quá nhanh để phát nanh tanh bành như ở Sapa. Đơn giản là vậy thôi.
Anh Trung đơn giản chỉ là nghĩ đây như một quy luật của tạo hóa. Những người ở đây - một nơi địa hình địa thế toàn núi tai mèo, hiểm trở, nhưng cuộc sống của họ giản đơn... vân vân...

Cũng ko dám nhổ toẹt vào cuộc sống của chính chúng ta, nơi thành phố. Mà là cả một sự chán ngán thôi. Em Míp ạ. Đằng nào chẳng phải sống. Nên làm thế nào để hòa hợp, có lẽ đó là điều sẽ tốt cho chúng ta.

Còn cái câu văn minh có hủy diệt văn hóa hay ko, có nhẽ, ở VN mình, có một ví dụ đang là tiêu biểu, đang làm đau lòng ko ít người, đó là kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội, cái tiền cấp cho việc tu tạo, xây dựng các khu di tích lịch sử, các chùa đền, đang gián tiếp làm phá tan cái gọi là văn hóa...
em Ex
Thì "ignorance is bliss" mà. Không biết thì lòng không đau, chưa biết cái mình không có thì không thấy khổ. Nhưng khi các bác miền xuôi lên miền ngược road trip ngày càng nhiều thì họ càng ngày càng biết rõ họ khổ đấy. Sự lạc hậu nghèo khổ của người này là sự thư giãn cũng như niềm thích thú tò mò của người khác, ấy cũng là tình hình chung của các kiểu du lịch "hoang sơ".
Thôi cứ để người ta gặp gỡ, người ta biết đủ người ta sẽ dứt áo ra đi, sẽ tìm cách thay đổi. Bản thân những người ở lại chắc sẽ không có mấy tương lai, đồng tiền du lịch sẽ biến họ thành thành người phục vụ và các vật trưng bày sống mà thôi.
Thị Anh
Nếu các bạn hiểu hiểu là bọn tôi lấy nghèo khổ của ng khác ra làm niềm vui thì xin no cmment.

Bạn Mưa: Thu nhỏ trong cái tình hình xây dựng, tu tạo di tích, cái gọi là dân trí ??? hay cái gọi là văn minh??? trong phạm vi hẹp VN thì ngày nay cao hơn ngày xưa.

Nhưng kết quả thì ngược lại.
nicochiphai
Nếu hủy diệt văn hóa thì ko thể gọi là văn minh laugh.gif

Và theo em thì người ta đi du lịch để tìm đến cái lạ, cái khác so với cái thường ngày chán ngắt của mình, chứ quan trọng gì giàu nghèo hay sướng khổ. Giờ mà bỏ mình qua New York hay ném mình về Châu Phi thì mình cũng sẽ trầm trồ như nhau thôi, đơn giản vì nó khác lạ quá so với VN (có thể cũng sẽ hơi chạnh lòng ghen tị với dân xứ giàu và thương cảm dân xứ nghèo 1 chút), nhưng chắc chẳng mấy ai nghĩ trong đầu là sẽ đi du lịch đến nơi A B C nào đó "vì nó nghèo lắm, đi coi cho vui" đâu. Họ tới đó vì nó có nét văn hóa đặc sắc, phong cảnh đẹp, hay gì gì đó. Chứ nói muốn đi coi nghèo khổ hả, đi khắp các tỉnh VN tỉnh nào cũng có những nơi chó ăn đá gà ăn sỏi dân nghèo rớt mồng tơi, cơm không có mà ăn áo không có để mặc, đất đai để trồng trọt cũng không nốt, nhà cửa lại càng không... Nói chung là nghèo và mọi rợ hơn dân miền núi cả trăm lần mà có ai nghĩ tới chuyện kinh doanh cái nghèo kiểu này đâu !
em Ex
Bản chất của các loại hình du lịch đều lấy cái lạ làm cái hấp dẫn, và cái lạ trong thế giới văn minh trớ trêu thay rất nhiều khi trùng hợp với sự lạc hậu và nghèo khổ. Khách du lịch thường chẳng ai nghĩ mình lấy sự nghèo khổ của người khác làm niềm vui cả nhưng tình cờ mà niềm vui của mình trùng với cái sự nghèo của họ thôi.
Mimi
Ngày nào cũng kẹt xe trên mức khốn nạn nhưng đồng bào ta vẫn cho là chuyện hên xui, chả ai buồn bã căm tức, biểu tình hay phản đối vân vân. Công nhận đồng bào ta sống cam chịu nhất thế giới. Tớ giờ cũng thế laugh1.gif . Đừng nói chuyện Tàu nó đánh đập ngư dân ta chứ nó chiếm luôn cả Trường Sa thì mình cũng chả có cảm tưởng gì đặc biệt. À à thi thoảng chạy trên đường Hoàng Sa để ăn lẩu nấm, đường này chạy dọc theo 1 con kênh đen ngòm.

Vinh thân phì gia, kệ mẹ thiên hạ clap.gif
em Ex
Ôi giời thế là bạn Mimi chưa biết con kênh Nhiêu Lộc ngày xưa rồi, bây giờ là sạch lắm so với hồi mười mấy năm trước rồi đấy leuleu.gif
Mip
QUOTE(Mimi @ Oct 17 2009, 03:03 AM)
Công nhận đồng bào ta sống cam chịu nhất thế giới.
*



Hôm trước nói chuyện với cu đồng nghiệp, cậu bảo rất ngưỡng mộ người Việt vì từ ĐBP mà các bạn Bắc Phi mới có thêm động lực vùng dậy đòi độc lập. Tớ bảo là chúng tớ thực ra rất quen cam chịu nhẫn nhục, gì chứ chuyện lấy chứ nhẫn làm đâu hay được dạy từ bé (mà mình chưa bao giờ thấm cả - hồi xưa thấy các cụ treo chữ đấy trong nhà, tâm đắc lắm, mình đã thấy rất bức xúc lắm lắm). Nó ngạc nhiên lắm "sao lại thế, các cậu còn có gan đánh Mỹ nữa cơ mà".
"Ừ, vì chúng tớ không chịu được khi có thằng khác thò mũi vào đòi cai trị chúng tớ, chứ còn để người Việt cai trị người Việt thì chúng tớ sẵn sàng cam chịu lắm. Chúng tớ chỉ vùng lên khi thực sự không còn đường sống nữa thôi, chứ còn sống được tàm tạm, lay lắt... thì chúng tớ lại tiếp tục cam chịu".
Thế nên khi các bạn Tàu chưa chính thức cầm đầu nước ta thì có lẽ chúng ta sẽ còn bỏ qua và im.......
Thị Anh
Như đồng lúa gặt xong
Codet


(bài đã... đăng)
laugh1.gif

Tối Mù Căng Chải
Tôi hãy còn nhớ như in buổi tối nằm ngủ tại Mù Căng Chải. Ngủ ở vùng cao đã nhiều, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có cảm giác gần gụi với sự hoang sơ và đôi chút bí ẩn của một miền đất lạ ít được khai phá. Khi mở tung cánh cửa sổ phòng, trước mặt tôi là cả cánh đồng ruộng bậc thang. Ban ngày chúng lộng lẫy là thế, giờ đây chỉ còn một mảng tối kỳ bí đầy âm hưởng dội về, rồi âm ỉ đâu đây trên những vách núi cao mà tôi biết có tộc người Mông sống ở đó. Họ ở tít trên cao, lẩn giữa núi rừng và đá lạnh. Màn đêm đã đổ sụp xuống, tôi được cảnh báo rằng, không nên mở cửa sổ suốt đêm, bởi những con bọ thấy ánh sáng đèn sẽ bay đến. Tôi tự nhiên nhớ đến “Hóa thân” của Kafka. Chuyện kể anh chàng G. sam một ngày kia tỉnh giấc chợt thấy mình hóa thành con bọ, và anh đã bị hắt hủi trong cô đơn ra làm sao. Giấc ngủ đã trôi qua như thế - một đêm lạnh ở Mù Căng Chải – rất đỗi lạ lùng. Sáng sớm, khi còn nằm trong chăn, giữa tĩnh lặng, bỗng những âm thanh đâu đó vọng về. Hình như chúng từ núi cao, giống tiếng tù và, tiếng mõ trâu… Mà cũng không hẳn, đó chỉ là những thanh âm mơ hồ, thang thảng mà âm u… Lén hé cánh cửa sổ, không nhìn thấy gì cả, ngoài trời vẫn rất tối. Chưa sáng hẳn. Chưa có ánh bình minh. Chỉ một màu của bóng tối với lấp ló những ánh lân tinh, tôi vội vã đóng ập cửa sổ lại. Và lại thiếp đi, trong khi cố lắng nghe những âm thanh mơ hồ từ một nơi xa và nghèo nhất nước ấy.

Nấc thang vàng
Buổi sáng náo nhiệt đã đến. Chúng gợi cho tôi một phiên chợ Ba Tư. Nhịp nhàng rộn rã ở một góc chợ nào đó, nhưng âm thầm và lặng lẽ từng bước chân vượt núi làm nương. Họ đang lao động. Họ đang hoạt động. Không ai ngưng nghỉ cả. Nhưng nó không quá vội vã tất bật và đầy lo âu trên khuôn mặt như chính tôi đã từng vậy. Có lẽ, trên các thửa ruộng bậc thang kỳ lạ kia, là những khuôn mặt ngàn đời vẫn thế. Hiền lành thật thà và hồn nhiên. Khi ánh nắng thu trải dài trên các triền núi, chúng tôi hân hoan ngắm cảnh vật xung quanh. Con mắt được thỏa thuê nhìn ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang kế tiếp nhau, nằm trên thung lũng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình. Ngút ngàn, mênh mông. Có lẽ duy nhất ở nơi này, ruộng bậc thang cũng bát ngát như biển khơi ngoài kia vậy. Cái kỳ vỹ bao lao ấy cùng với ánh sáng thiên nhiên làm cho con người như ngộp thở vì hạnh phúc được thụ hưởng vẻ đẹp của tạo hóa. Nhất là với ánh nắng thu vàng rượi, dịu dàng. Sắc màu ruộng bậc thang thì khỏi nói rồi. Xanh vàng xen kẽ nhau, từng đường cong quyến rũ. Chúng đều đặn, uốn lượn, từng nấc từng nấc bám theo núi cao, như lẩn vào mây trắng mà lên tới trời. Hít căng lồng ngực, hít vào thở ra, thật sâu. Bạn hãy tranh thủ đi. Mùi hương lúa, mùi của đồng ruộng của sự thoáng đãng, và hơn nữa, không có mùi của sự toan tính bất an của đường phố thị thành …

Đồng lúa gặt xong

Tôi còn nhớ họa sỹ Quách Đông Phương trong một lần trả lời phỏng vấn về cái Nhạt, Quách có nói về việc tại sao anh thường đi vùng cao mỗi khi mùa lúa đã gặt xong: “Cái Nhạt đối với tôi đồng nghĩa với văn minh. Càng văn minh, càng nhạt. Tôi sợ văn minh, nó có một sức hủy diệt văn hóa, mất văn hóa, và thế là ta sẽ nhạt.” “Người Mèo hay người Mông ở vùng cao, phiên chợ nào cũng chỉ ăn thắng cố, uống bát rượu ấy, mặc bộ quần áo ấy, đi chặng đường từ trên núi xuống chợ… Chính ta, những người của đô thị đang tác động biến đổi họ chứ họ không hề nhạt… Bà con ở vùng cao biết khoảng tháng 9- 10 anh em nhiếp ảnh lên ầm ầm, phòng đắt, phở đắt. Tôi không lên vào thời gian đó. Bà con bảo: “Lúa chín đẹp thì chú không lên, giờ mới lên thì còn cái gì đâu”. Tôi cười: “Dạ không ạ, cháu lên không phải để chụp lúa ạ”. “Thế cậu lên để chụp gì?”-“Cháu chụp… rạ ạ”… Đấy câu chuyện như thế, làm sao chán, làm sao nhạt được”. Vâng, với người đi vùng cao hàng chục năm nay, bao mùa, bao lần đi, quen từng số phận của người dân vùng cao, thì họa sĩ Quách hẳn có cái lý riêng của anh. Tôi chỉ biết rằng, mùa lúa năm nay, các nhà nghỉ, khách sạn quanh Tú Lệ, Mù Căng Chải đã cháy cạn phòng do khách từ khắp nơi đổ đến. Nhất là thời bây giờ, thời của máy ảnh kỹ thuật số, nên người ta ưa thích đi chụp ảnh lúa vùng cao. Chính vì thế mà thời điểm gặt giữa tháng 9 là lúc “so hot” ở Mù Căng Chải. Sự tương tác giữa các du khách thành thị với bà con dân tộc cũng góp phần nào sự biến đổi về văn hóa. Còn với tôi, cùng đi với nhóm người, thăm lúa lúc đã… gặt xong. Tôi thấy gì…


Tôi thấy lời trong bài “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh, với những từ ngữ chậm, buồn của tuổi thanh xuân, của cuộc tình đã qua, của nuối tiếc dĩ vãng. Trong đó có câu:”Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang, người về soi bóng mình…” Ruộng bậc thang khi gặt xong không buồn, không xấu, không hoang vu như những gì người ta đã sử dụng hết, chỉ còn vứt lại chơ chỏng cái còn thừa. Nó vẫn có vẻ đẹp riêng của nó, của các màu sắc đan quyện vào nhau, của một trật tự trong ngẫu nhiên và dụng ý. Lấp ló đâu đây, là cả bản làng thanh bình, giản dị giữa ruộng. Nhưng thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp duy nhất một mái nhà giữa cánh đồng ruộng bậc thang. Trong cái bao la mênh mang ấy, một nếp nhà bé tí xíu lọt thỏm, nó đã làm cho du khách đủ thấy yêu đến nao lòng. Và cứ lặng ngẫm vẻ đẹp của ruộng, của mùi lúa còn sót lại, của màu vàng suộm từng đống rạ (xếp một cách duyên dáng), sẽ thấy được rằng, có lúa chín càng hay, hết lúa rồi, cũng có cái hay khác. Có lẽ đến các họa sĩ khi đến đây cũng ngẩn ngơ với những sắc màu tinh tế đa dạng ấy. Cũng chỉ chạnh nghĩ đến bản thân một đôi chút thôi, chứ đến đó rồi, tội gì mà còn vướng mắc, tội gì mà còn buồn đến mênh mênh mang mang. Xe cứ ngoặt đi những khúc cua khuỷu tay áo, lũ trẻ chăn trâu trốn chơi nơi nào, chẳng thấy, chỉ thấy những con trâu cổ đeo lục lặc ngoan ngoãn gặm cỏ chẳng cần biết điều chi trên đời. Được “lùa” (cười) với bọn trẻ, được hít sâu những mùi vị ngọt ngào trong lành, được nhìn ngắm những cảnh vật thoáng đãng, được nhẹ lòng…


>>>>




Huyện Mù Căng Chải nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Bắc giáp Văn Bàn (Lào Cai), Nam giáp Mường La (Sơn La), Tây giáp Than Uyên (Lai Châu), đông giáp Văn Chấn. Đây là một trong những huyện miền núi nghèo nhất Việt Nam, nhưng có nhiều ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia, và xếp hạng một trong những nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á.


Mách bạn:
Lịch trình "căn bản": HN- Yên Bái – Mù Căng Chải
- Cầu Trung Hà ->Thanh Sơn ngã 3 Thu Cúc->Có 1 đường rẽ tới Bắc Yên (không rẽ vào đây) mà đi thẳng tới Nghĩa Lộ -Tú Lệ - Mù Căng Chải (Núi Púng Luông+Phu Ba+Mồ Dề) -Đèo Khau Phạ (Cái sừng núi nhô lên tận trời.)
-Ruộng bậc thang:La Pán Tẩn- Chế Cu Nha, Dế Su Phình
-Đi tiếp Than Uyên (Đoạn Mù Căng Chải - Than Uyên là đoạn đẹp nhất Tây Bắc) - Văn Chấn - Ba Khe- Yên Bái (50km) – trở về Hà Nội

-Chú ý: Nhớ thưởng thức hoặc mua ít Nếp Tú Lệ ở đó. Đặc sản xôi nếp/gà rừng… ngon tuyệt, cua, cá suối rất thơm ngon.

Ảnh: Ngọc Thạch
Thị Anh
Rượu Ngô Thanh Vân

Rượu Ngô Thanh Vân
16/11/2009 15:08 (GMT +7)

Bạn sẽ không khỏi bật cười khi đọc dòng chữ “rượu Ngô Thanh Vân to, Ngô Thanh Vân nhỏ”. Lúc đầu bạn tưởng nhầm khi nghĩ người dân dân tộc Mông yêu quý diễn viên Ngô Thanh Vân mà đặt tên cho rượu của họ. Nhưng thực ra, đó là một loại rượu Ngô ngon nổi tiếng ở vùng Hà Giang.

Nếu bạn đã đến cao nguyên đá Đồng Văn, nơi tỷ lệ đá chiếm diện tích phần lớn đất đai đồi núi ở đây, nếu bạn đã thấy mùa đông giá lạnh, đá xám ngắt một màu, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mùa xuân, những mầm sống xanh non, những màu hoe vàng của hoa ngô, những cây cải... nhọc nhằn vươn lên từ đá.

Ngô là một loại cây quá ư thân thiện đối với người dân tộc. Ở đây cái gì cũng khó khăn hơn nơi khác gấp mấy lần, tra được hạt ngô trên đá, chăm bẵm, làm nương làm rẫy, cho đến ngày thu hoạch, người Mông trên núi cao lại cần mẫn gùi ngô về phơi hoặc gác bếp.

Món mèn mén trên mỗi bếp lửa hồng là thức ăn từ bao đời nay không thay đổi. Và người dân tộc nấu rượu, với một niềm vui, một thói quen, một tập tục. Ngô thì nhà ai cũng có, rượu, nhà ai cũng có thể tự nấu, nhưng rượu ngon hay không, thì không phải nhà ai nấu cũng ngon. Nấu rượu có lá men truyền thống, có vị ngô thơm bùi, uống tuy nặng mà lại không gắt, cứ mềm môi mà lâng lâng, được cái tốt là không gây đau đầu. Sáng hôm sau, sau cái bữa say ngủ vùi ấy, người ta lại đi làm nương.

Tháng ngày trên vùng cao nguyên đá lạnh lẽo hơn ở dưới xuôi. Cứ tháng 9 là cái lạnh đã làm má bọn trẻ con hây hây hồng, áo len áo rét đã phải lôi ra mặc, đứa nhỏ thì cởi truồng bởi cái sự nghèo khó. Người ta cần đến rượu để làm ấm nóng người. Nếu dưới xuôi, miếng trầu là đầu câu chuyện – thì trên này, bát rượu – là đầu câu chuyện.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân tộc đi chợ Phiên, hầu như ai cũng rẽ qua hàng rượu. Riêng cái cung cách người ta đi chợ đã khác người dưới xuôi rồi. Ai cũng mặc bộ cánh đẹp, đi chợ mà nô nức như đi hội. Bởi đến chợ là họ được gặp gỡ, trao đổi, được ngồi tâm tình với nhau giữa chợ. Vợ cứ đi bán hàng, chồng cứ ngồi cà kê chén rượu, rít điếu thuốc lào. Hết hàng cả nhà ngồi ăn thắng cố giữa chợ với nhau.

Hàng rượu bán can bán lít được xếp ngay ngoài chợ, đứng thành một hàng ngay ngắn, và chao ôi là dài. Tức là số lượng người bán rượu không hề ít ỏi hay thu hẹp, mà ngược lại, rất hoành tráng, tấp nấp và vui. Ai thử rượu chẳng được. Không mua chẳng sao. Không bị “đốt giấy xua tà”, không bị ăn mắng, lườm hay nguýt, hay lời thô tục, không bị chèn ép giá cao. (Lạy giời cho mấy cái “không” ấy cứ mãi là “không” chứ đừng có chuyển thành “chưa”).

Người dân tộc bán rượu chỉ là để... được bán rượu mà thôi. Cũng như uống rượu, chỉ là để... uống rượu mà thôi. Rượu để thành từng can, xếp phía đằng trước, và đứng đằng sau là những cô hàng rượu đang mặc những bộ trang phục rất đẹp, má các cô cũng đỏ hồng. Gì thì cũng phải uống giao lưu với bạn, với người thử rượu đôi chút, để bảo rằng, rượu tôi rất ngon, hãy thử đi, ngon lắm mà, phải thử mới biết chứ.

Chạm bát nhau, để chào nhau, để câu chuyện thêm mặn mà. Họ ngồi uống, hoặc chỉ có một đôi, hoặc cả hội, hoặc cũng có thể ngồi một mình. Nhưng cái số một mình thì ít lắm. Có thể là hai anh chàng kéo nhau ra phía bên này chợ, ngồi một chai rượu, hai cái bát, tâm tình chắc rằng kể lể chuyện tình yêu. Mặt anh chàng này cúi xuống, trầm ngâm, kể cho bạn. Anh kia xuống ít hơn, thi thoảng khác tay, vỗ vai bạn. Hoặc có anh bạn câm, được bạn mời uống rượu đúng hôm chợ phiên. Người kia bảo: Cả tuần mới được gặp thằng này, nó câm, không biết nói, nhưng vẽ giỏi lắm, nó tự vẽ đấy. Rồi anh câm hồn nhiên và đầy tự hào lôi từ trong túi ngực ra mấy mầu vẽ rất rắn rỏi. Thêm nữa, là một cái gương bé tí xíu, sau gương, là hình một cô gái đang mỉm cười. Chúng tôi bật cười, mời anh câm một chén.

Một người đàn ông ôm con ngan đen đi qua. Con ngan to quá, nhưng hơi già. Hỏi mày bán bao nhiêu tiền, người đàn ông giơ tay ra hiệu, khoảng 45 ngàn.Chúng tôi mời ông ta một chén. Xong lại chào nhau. Kẻ ngồi giữa chợ uống rượu ngắm chợ, người đi bán hàng hoặc tìm nhau.

Mà không chỉ có đàn ông mời rượu. Đàn bà ở đây uống rượu như uống nước trà, đàn bà với đàn bà với nhau, đàn ông với đàn bà. Uống, và thuốc lào, thuốc lá. Xong rồi, tan chợ rồi, vẫn còn ngồi bịn rịn bát thắng cố, bịn rịn bát rượu chào nhau. Chưa hết, tôi thấy có hai người đàn bà, còn cầm tay nhau, ôm nhau, lưu luyến mãi, dặn dò mãi, ý chừng chưa muốn rời nhau. Họ tình cảm với nhau quá, họ thật lòng với nhau quá. Họ cười cùng cười, mà khóc thì cùng khóc, vui cùng vui, buồn cùng buồn với nhau. Thế này mà đôi lứa, cùng say với nhau thì...

Đó đây những anh chàng say rượu quá, được mấy người đàn bà (vợ mẹ, bạn) dìu ra chợ. Say rượu mà sao hoan lạc, giống như trong truyện Alexis Zorba – “Những con người hoan lạc”. Lạ lắm. Đi tiếp những đoạn đường về bản, thấy không ít người gục xuống ven đường, thậm chí nằm thẳng cẳng. Những kẻ có vợ đi cùng sẽ được vợ che ô, con ngồi đợi chờ bao igờ người đàn ông đó tỉnh. Có ngựa, thì bế chồng nằm vắt vẻo lên ngựa, còn không thì cứ ngồi ven đường...

Mấy người đàn ông đi cùng đoàn tôi tặc lưỡi. Thế này mà mình say, vợ mình có giận, thôi đi luôn đi, thế là mình có cớ... để đi luôn. Những tiếng cười lại vang lên.

Theo Thi Anh
http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/giait...6915/index.html

Ảnh: Anh câm ở chợ ĐV
Mời ng đàn ông ôm ngỗng 1 chén.
Pages: [<<], [<], 1, 2, 3, [4], 5, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Du ngoạn
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.