Sử liệu liên Quan Đến Việc Vua Quang Trung Mua Nhân Sâm Cho Mẹ .

Theo thông lệ của nhà Thanh, quan lại tại biên giới có quyền kiểm duyệt thư từ qua lại giữa nhà cầm quyền nước ngoài và sứ bộ nước họ công tác tại Trung-Quốc. Ngoài việc kiểm duyệt, viên quan chịu trách nhiệm phải sao y nguyên văn một bản để gửi về triều đình, trường hợp có điều quan trọng lại gửi kèm thêm bản tấu trình.

Trong tờ tấu vào đầu năm Càn Long thứ 55 [1790], viên Tuần-phủ tỉnh Quảng-Tây, Tôn Vĩnh Thanh, trình lên vua nhà Thanh 3 việc:

* Ngoài Sứ-bộ Nguyễn Hoằng Khuông mới đến Bắc-Kinh, vua Quang Trung còn gửi Bồi-thần sang tạ ơn, vì đã nhận được quốc ấn cùng thơ Ngự chế.

* Thư riêng của vua Quang Trung dặn Nguyễn Hoằng Khuông rằng nếu bị vặn hỏi về việc đánh nhau với Tiêm-La [Thái-Lan], thì cứ trình bày sự thực.

* Dặn Nguyễn Hoằng Khuông tìm mua nhân sâm loại hảo hạng để phụng dưỡng mẹ.


Sau đây là nguyên văn chỉ dụ của vua Càn Long nhắc đến những việc này:

Ngày 16 tháng Giêng năm Càn Long thứ 55 [2/3/1790]

Tuần-phủ Quảng-Tây Tôn Vĩnh Thanh tâu:

“Quốc-vương nước An-Nam Nguyễn-Quang-Bình nhận quốc ấn cùng thơ Ngự chế, bèn dâng biểu tạ ơn, sai Bồi-thần đến tiến cống, định hạ tuần tháng giêng đến quan ải. Ngoài ra viên Quốc-vương còn gửi thư cho Bồi-thần Nguyễn Hoằng Khuông, thần duyệt nội dung đề cập việc trước đây đánh nhau với Tiêm-La, sợ bị cật vấn nên ra lệnh Nguyễn Hoằng Khuông cứ sự thực tâu, để hợp với đạo nghĩa cung thuận; lại nhân mẫu thân y tuổi cao, lệnh Bồi-thần mua nhân sâm để phụng dưỡng. Nay xin gửi nguyên lá thư qua trạm dịch để trình tiến.”

Dụ Quân Cơ Đại-thần: Nguyễn Quang Bình kính cẩn lãnh ấn tín, thơ Ngự chế, cảm khích tận đáy lòng; bèn sai Sứ-thần dâng biểu cùng cống vật, chứng tỏ lòng chí thành. Hiện tại vào ngày 8 tháng 2 Trẫm sẽ ngự xe loan [1] tuần hạnh [2] Sơn-Đông; còn viên Bồi-thần vào khoảng cuối tháng giêng đến quan ải, hành trình đến kinh đô cần phải có thời gian. Nay truyền dụ cho viên Tuần-phủ tính nhật kỳ, hoặc lệnh viên Cống-sứ đợi Trẫm nơi trú tất [3] tại Thái-An, trên đường đi Khúc-Phụ, để làm lễ chiêm cận tại nơi này thì rất tốt. Nếu không thể đến nơi đúng hẹn, thì sau lúc Trẫm hồi loan vào ngày 16 tháng 4,viên Cống-sứ đến kinh đô để được chiêm cận và dự yến tiệc, cũng không phải là không thể được. Lần này viên Cống-sứ cứ theo trạm dịch mà đi, không cần phải quá cấp tốc như lần trước khiến mệt nhọc nhiều.

Lại nghe lời tấu xưng rằng Nguyễn Quang Bình mới gửi thư cho bọn Bồi-thần Nguyễn Hoằng Khuông, lệnh đem đầu đuôi việc gây hấn giữa An-Nam và Tiêm-La cứ thực trình tấu; nguyên thư cũng được đệ trình. Hiện tại Sứ-thần Tiêm-La và An-Nam cùng đến kinh khuyết dự yến tiệc, hai tuần nay cả hai bên chẳng ai đề cập đến nguyên do việc gây hấn, cũng không có hình tích biểu lộ sự thù hằn; Trẫm cũng chưa hỏi qua việc này. Hiện đem nguyên thư của Quốc-vương trao cho viên Chánh-sứ xem.

Lại nhân Quốc-mẫu y đã lớn tuổi, thưởng cấp một cân [4] nhân sâm, cùng sắc thư, lời châu phê vào biểu văn cho gửi đi trước. Sau khi viên Tuần-phủ nhận được, sai Ủy-viên mang đến trấn Nam-Quan, giao cho Trấn-mục nước này chuyển giao Nguyễn Quang Bình thu nhận; viên Quốc-vương sẽ rất vui vẻ cảm động…. [5]

Về việc cho nhân sâm, tuy vua Càn Long đã có phản ứng mau lẹ, nhưng vì đường sá xa xôi nên không lẹ bằng Tổng-đốc Lưỡng-Quảng Phúc Khang An, đóng tại tỉnh thành Quảng-Đông.

Để hiểu rõ về việc này, hãy nói qua về hệ thống hành chánh dưới triều nhà Thanh. Tại Lưỡng-Quảng, viên Tri-đạo Tả-Giang Thang Hùng Nghiệp dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tuần-phủ Tôn Vĩnh Thanh, kế tiếp Vĩnh Thanh dưới quyền chỉ huy của Tổng-đốc Phúc Khang An, bình thường làm việc phải qua hệ thống này. Nhưng đặc biệt về việc Việt-nam, vua Càn Long nóng lòng muốn nhận tin gấp, nên đặc cách cho phép Tuần-vũ Tôn Vĩnh Thanh tại Quảng-Tây khi nhận tin tức, được trực tiếp báo thẳng về Bắc-Kinh, khỏi phải đi vòng qua tỉnh Quảng-Đông tốn ngày giờ; còn nguyên văn các văn kiện thì gửi qua tỉnh thành Quảng-Đông cho Tổng-đốc Lưỡng-Quảng Phúc Khang.

Khi đọc qua nguyên văn lá thư của vua Quang Trung gửi cho Sứ-thần Nguyễn Hoằng Khuông, Phúc Khang An hiểu được việc cần phải làm, vội gửi 4 lạng nhân sâm biếu vua Quang Trung, nội dung được ghi lại qua chỉ dụ dưới đây:

Ngày 6 tháng 2 năm Càn Long thứ 55 [21/3/1790]

Dụ các Quân Cơ Đại-thần: Theo lời tấu của Phúc Khang An ngày hôm qua rằng:

“Thang Hùng Nghiệp đưa thư Nguyễn Quang Bình gửi cho Cống-sứ Nguyễn Hoằng Khuông ra kiểm duyệt; đây là theo tiền lệ mà làm. Nhân việc kiểm duyệt thư, Phúc Khang An biết Nguyễn Quang Bình sai Cống-sứ mua nhân sâm cho mẹ, nên không tiện làm ngơ, bèn gói 4 lạng nhân sâm kèm thiếp gửi, bảo Thang Hùng Nghiệp sai Ủy-viên chuyển qua Lạng-Sơn.”

Việc liệu biện rất tốt! Từ trước tới nay các ngoại phiên gửi thư tín đến quan ải, thông lệ viên Đại-thần quản hạt mở ra kiểm duyệt. Nay Thang Hùng Nghiệp trú đóng tại đó, thấy thư của Nguyễn Quang Bình gửi cho Bồi-thần, bèn không câu nệ chiếu lệ kiểm duyệt, rồi đem nguyên thư gửi cho Phúc Khang An để chuyển tấu; việc làm rất đúng cách. Còn Nguyễn Quang Bình có mẹ già khí huyết đã suy hao, muốn tìm nhân sâm tốt để phụng dưỡng, nhưng không dám trực tiếp nói ra. Chắc y tiên liệu rằng thư tín gửi đi phải qua thủ tục kiểm duyệt, do đó sự mong muốn sẽ được đạo đạt lên để được ân thưởng; dụng tâm của Nguyễn Quang Bình thực khôn khéo! Phúc Khang An bèn cấp 4 lạng nhân sâm, khiến viên Quốc-vương tin rằng sức khỏe của mẹ nhờ vào thuốc tốt, nên có thể an tâm để đến kinh đô chiêm cận. Tuy rằng việc làm của Phúc Khang An hợp ý Trẫm, nhưng nhân sâm là vật quí trong nước; khi Tôn Vĩnh Thanh tâu về việc này, Trẫm đã gia ân cấp một cân, Phúc Khang An lại cấp 4 lạng; việc làm giống như muốn là được thỏa mãn liền, không một chút tiết chế; sợ y sẽ coi đây là việc tầm thường, không cân nhắc được sự khinh trọng. Phúc Khang An không thể không lưu ý Nguyễn Quang Bình rằng nhân sâm là vật không dễ kiếm, và đây là Thiên-triều ngoại lệ ban cho, khiến y càng kiên định tấm lòng thành hướng hóa. Nay ban đạo dụ này để hiểu rõ. [6]

Qua các văn kiện đề cập, được biết chỉ vì một lá thư riêng của vua Quang Trung gửi cho Sứ-thần Nguyễn Hoằng Khuông, vua tôi nhà Thanh cùng vội vã mang nhân sâm đem biếu. Thái độ quá vồn vã này, khiến người đọc sử buộc phải liên tưởng đến những ngày u ám trên một năm về trước [21/12/1788]. Bấy giờ Tôn Sĩ Nghị trên đường mang quân sang xâm lăng nước ta, gặp phái đoàn nhà Tây-Sơn (dưới danh nghĩa Giám-quốc Lê Duy Cẩn) dâng biểu xin bãi binh. Tôn sĩ Nghị với thái độ hết sức vô lễ, không những ném biểu văn đi, lại còn bắt viên Thông-sự dâng biểu đứng dựa vào tường, mắng như tát nước vào mặt.

“Bọn chúng ngụy xưng rằng Lê Duy Cẩn là con của cố Quốc-vương Lê Duy Đoan, theo thứ tự đáng lập; Lê Duy Kỳ [vua Lê Chiêu Thống] không biết hiện nay ở đâu, xin đem quyến thuộc y về nước và cầu xin Thiên triều bãi binh… Tôn Sĩ Nghị quở mắng tên Thông-sự rất nặng nề, danh chính nghĩa trực, đủ cho bọn tặc phỉ sợ hãi vỡ mật, đối xử như vậy rất hợp cách.” [7]

Từ sự việc xảy ra trước, đến việc sau; từ thái độ khinh rẻ, đến kính trọng; lịch sử dạy ta bài học về chí tự cường:

Giả sử bị người ngoài áp bức, nếu khúm núm hèn hạ thì phải đành cam chịu nhục nhã như con vật vẫy đuôi để xin thương xót, mà cái gọi là “thương xót” cũng chỉ là lợi dụng mà thôi.

Chỉ có cách duy nhất là tập trung mọi tiềm lực, mài nanh giũa vuốt cho sắc; tự lực tự cường để chiến thắng. Liên hệ đến cách học làm người, nhớ không ngừng rèn luyện bản thân, một khi cái ta lớn mạnh, thì đối tượng sẽ bị lu mờ; ví như mặt trời mặt trăng mọc, thì đèn đuốc sẽ tắt. Cũng cần nhấn mạnh thêm, dù ở thời đại nào thì sức mạnh cũng không thể coi thường, nhưng không chỉ có sức mạnh về bắp thịt, kiến thức cũng là sức mạnh vậy (knowledge is power).



[1]Xe loan: Xe vua đi gọi là xe loan; xa giá vua trở về là hồi loan.
[2]Tuần hạnh: Vua đi thị sát.
[3]Trú tất: Chỗ vua tạm trú lúc đi ra ngòai gọi là trú tất, hay hành tại.
[4]Cân: Một cân gồm 16 lượng.
[5]Cao tông thực lục, quyển 1347, trang 18-19.
[6]Cao tông thực lục, quyển 1338, trang 36-37.
[7]Cao tông thực lục, quyển 1317, trang 802-804.

Hồ Bạch Thảo