http://ecx.images-amazon.com/images/I/41YYS38J3AL._SL500_AA240_.jpg

Nhà em dịch lại từ bài review của Al Weisel trên tạp chín Rolling Stone số 693 (năm 1994) về đĩa nhạc cover do các band nhạc alternative rock hát lại các bài hát của The Carpenter mang tên If I were a Carpenter (1994), bài gốc ở đây : link . Đĩa này nghe rất hay, ai có nhu cầu download thì vào đây link (thanks for Hisashi) .




Tháng 5 năm 1970, khi mà các sinh viên biểu tình phản đối vụ Richard Nixon lén thả bomb xuống Campuchia bị bắn chết ở Đại học Kent State, bang Ohio, thì The Carpenters phát hành Close to you, album đã biến họ thành người quen trên sóng radio của những năm 70. Bốn năm sau, khi Nixon đang loay hoay che đậy vụ Watergate , ông ta mời ban nhạc đến biểu diễn tại Nhà Trắng, gọi hai nghệ sĩ có gương mặt sáng sủa này là "đại diện ưu tú nhất của giới trẻ Mỹ". Đối với một thế hệ đã từng hoài nghi không dứt về cuộc chiến ở Việt Nam và vụ Watergate thì The Carpenter đem đến cho họ một thứ nhạc nền trong sáng một cách mỉa mai cho những ký ức đen tối mà họ đã trải qua. Bởi thế cho nên thật là một sự hợp lý đến là kỳ quặc khi vào chính cái năm (1994) mà người ta chứng kiến cái chết của Richard Nixon, kẻ được mệnh danh cha đẻ của cả một thế hệ mất phương hướng, và của Kurt Cobain, nạn nhân đáng chú ý nhất mà thế hệ lạc lối đó sinh ra, một nhóm các nghệ sĩ alternative rock tập hợp lại trong If I Were a Carpenter, một sự trìu mến,gần như một sự sùng kính đối với âm nhạc của The Carpenters.

Anh em nhà Carpenter đã phù phép khiến thế hệ chúng tôi ước ao một tuổi thơ giống như trong Brandy Bunch (một chương trình sitcom những năm 70) mà chúng tôi chẳng bao giờ có được. Nhưng cùng nỗi khao khát hoài cố đó , chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng một gia đình hoàn hảo tuyệt đối cũng là ảo tưởng y như hình tượng sạch bong kin kít giả tạo của The Carpenters. Cũng giống như Ông Brandy năm nào (tức diễn viên Robert Reed)sau này chết vì bệnh AIDS và Karren Carpenter quỵ ngã vì chứng biếng ăn, một căn bệnh khác cũng chưa được biết tới đầu những năm 70.

Trong bộ phim tuyệt vời năm 1987 , Superstar: The Karen Carpenter Story, đạo diễn Todd Haynes đã sử dụng những búp bê Barbie để kể lại câu chuyện buồn đến rợn người về nữ danh ca, cũng là một trong số những tay trống nữ hiếm hoi trong lịch sử nhạc đại chúng, bộ phim gọi chứng biếng ăn là "một thứ chủ nghĩa phát xít xâm chiếm cơ thể". Bộ phim khiến khán giả cảm thông hơn với anh em nhà Carpenter nhưng lại bị cấm khi Richard Carpenter (vì giận dữ cách cuộc đời riêng của mình được hư cấu như trong phim) đã kiện nhà làm phim với lý do xâm phạm tác quyền cho các bài hát dùng trong phim, tác phẩm điện ảnh này cho thấy sức ép từ gia đình (và từ cả xã hội) đè nặng lên nữ danh ca quá cố tự tố cáo chính nó thông qua căn bệnh của cô. (Về bộ phim, xem thêm ở đây : (@click here) )

Sự cô đơn, lạc lõng và tự huỷ hoại bản thân của Karen Carpenter giờ đây lại càng vọng lại rõ ràng hơn bao gờ hết. Trong bài "Goodbye to Love" (được thể hiện một cách u uất bởi American Music Club trong đĩa tribute ), cô hát :" Chẳng ai quan tâm đến tôi sống hay chết. Hết lần này đến lần khác, Cơ hội được yêu thương bước qua tôi" (No one ever cared if I should live or die/Time and time again, the chance for love has passed me by.). Sự chán nản không cắt nghĩa nổi của bài "Rainy days and Mondays" (được cover bởi Craker với theo kiểu chế giễu hay thấy ở họ) lại như phản ánh những tuyên ngôn tư tưởng của thập niên 90 qua lời ca: "Chẳng có gì thực sự sai cả. Chỉ là tôi cảm thấy mình không thuộc về chốn này" (Nothing is really wrong/Feeling like I don't belong).

Tuyệt tác của The Carpenters - và là bài đặc sắc nhất trong đĩa cover - là Superstar, câu chuyện ám ảnh về mối tình không được đáp lại của một người hâm mộ đối với thần tượng nhạc pop của mình. "Cây guitar của anh. Cất tiếng thật ngọt ngào và rõ ràng. Nhưng anh đâu có thực ở đây. Chỉ là một chương trình phát thanh" (Your guitar/It sounds so sweet and clear/But you're not really here/It's just the radio). Karen đã hát với một sự khát khao khiến cho câu chuyện tình "bị truyền thông che giấu" này nghe càng vô vọng hơn. Trong bản thu kỳ quái của mình, Sonic Youth làm cho sự lạc lõng đó còn đi xa thêm với những bồi âm méo mó, hiệu ứng điện tử và một giọng ca trống rỗng như thể sóng vô tuyến từ một thế giới xa xôi cô quạnh đang cố bắt liên lạc một cách tuyệt vọng.

Giọng nữ trung đặc biệt của Karen, có thể hoà trộn cả sự lột trần quằn quại của xúc cảm và sự trong suôt đến hoàn hảo , có lẽ là nguyên nhân cho sự hấp dẫn bí ẩn của The Carpenter. Và sự vắng mặt hiển nhiên của Karen trong các bài hát của đĩa tribute càng thể hiện mất cô là một bi kịch đến thế nào. Nhưng khi không có Karen thì nhiều bản cover nghe lại không thật đạt như bản gốc , điều này lại minh oan cho khả năng phối khí của Richard, vốn không được đánh giá cao xưa nay.

Grant Lee Buffalo hát "We've only just begun" gần như là chép lại từng nốt trong bản gốc, và chính Richard chơi piano trong bản cover "Let me be the One" thành công của Matthew Sweet. Cũng buồn cười là những bản thu ít ấn tượng nhất lại là những bản khác bản gốc nhất: "Top of the world" được ban nhạc Shonen Knife đến từ Nhật chơi với một thứ punk "xinh xắn", Babes in Toyland thì làm mất đi những điểm hay của bản thu mà The Carpenter cover lại của nhóm progressive rock Klaatu "Calling Occupants of Interplanetary Craft", bài "Bless the Beasts and the Children" mà 4 Non Blondes chơi một cách ầm ỹ, thể hiện họ chưa học được gì nhiều từ sự tinh tế của Karen Carpenter.

Dành cho những ai phản đối việc mấy nghệ sĩ đương đại hồi sinh The Carpenters như là một trò đùa nghịch thì - nếu như mà Nixon còn được xét lại thì tại sao anh em nhà Carpenter lại không chứ? - sự thật là đĩa nhạc tôn vinh này chủ yếu là đem lại sự ngạc nhiên mới mẻ cho người nghe. Nhưng với những ai phóng khoáng hơn, việc nghe đĩa If I Were a Carpenter và rồi nghe lại bản gốc ,có thể đánh thức lại với thật nhiều cảm xúc cả một thời đại mà chúng ta mới chỉ bắt đầu tạm quên đi được mà thôi.


Al Weisel (RS 693)