Langven.com Forum

Full Version: Nguyễn Khải Từ Trần
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Tuongcuop
Nhà văn Nguyễn Khải từ trần

Bài này lấy tren mạng Phongdiep.net

Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh tại Hà Nội. Quê nội ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi. Đang học trung học thì gặp Cách mạng tháng 8. Kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Khải gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I năm 1959, phần II năm 1962).

Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Khải khá phong phú: về nông thôn trong qúa trình xây dựng cuộc sống mới, về bộ đội trong những năm chiến tranh chống Mỹ, về những vấn đề xã hội–chính trị có tính thời sự và đời sống tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống.


Sáng tác của Nguyễn Khải thể hiện sự nhạy bén và cách khám phá riêng của nhà văn với các vấn đề xã hội, năng lực phân tích tâm lý sắc sảo, sức mạnh của lý trí tỉnh táo. Năm 2000, Nguyễn Khải được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II.


Nhà văn Nguyễn Khải đã qua đời vào hồi 9 giờ 25 ngày 15-1-2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 79 tuổi


Xin mời đọc lại một bài viết của ông, đăng tải trên báo Sài gòn Tiếp thị năm 2006



'Tôi viết vậy thì tôi tồn tại'

Nguyễn Khải



Vào tuổi 70, nhà văn Nguyễn Khải quyết định gác bút khi trong ông vẫn còn đau đáu những suy nghĩ, trăn trở về lẽ sống, về thân phận con người. Trong tâm thế của “một người nhàn rỗi, vẫn được con cái kính trọng nhưng không còn cần thiết”, ông lại cầm bút. Dưới đây là những dòng tự sự của nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Khải. Ảnh sgtt.com.


Vào tuổi 70 tôi đã quyết định: không viết nữa, nghỉ ngơi vài năm cho đầu óc thanh thản rồi chết là vừa đẹp. Nghỉ để chơi với các cháu, học nghệ thuật làm ông cũng là chuyện hay, chứ sao! Chẳng dè lúc cuối đời hai vợ chồng già lại sinh lắm chuyện, chuyện lẩm cẩm của những người già, trẻ con nhìn vào tấn bi kịch cuối đời của bố mẹ như một trò hề, mà người trong cuộc vẫn không nghĩ nó là trò hề để thoát ra một cách nhẹ nhàng.



Mỗi lần bị nhấn chìm trong nỗi thất vọng không lối thoát, nói theo Phùng Quán, tôi lại níu lấy văn chương mà đứng lên. Thế là cuốn tiểu thuyết cuối cùng Thượng đế thì cười được ra đời sau gần một năm miệt mài viết và sửa. Tôi biết cuốn sách sau cùng của tôi cũng chẳng hay ho gì, nhiều bạn đọc bảo tôi đã lẫn nên viết toàn chuyện vớ vẩn, thời nay ai người ta còn quan tâm những chuyện không vui của những cặp vợ chồng già. Tôi thì nghĩ, do tài mình kém nên viết không được hay, chứ với một văn tài thực sự họ chỉ viết toàn chuyện vớ vẩn mà thành kiệt tác cả. Đã gọi là nỗi buồn thì làm gì có sự phân biệt buồn nhỏ với buồn lớn, cái buồn có tầm cỡ và những cái buồn nhỏ nhoi, tầm thường. Cái buồn nào cũng làm người ta không thiết sống nữa, cuộc sống trở nên vô nghĩa, trở nên nặng nhọc, nghẹt thở. Thì ra không cứ phải đói mới có nhu cầu viết văn, viết văn còn là cách để thoát khỏi những ngày sống nhỏ nhen, để khỏi bị nghẹt thở trong một cuộc sống đã dư thừa.


Nguyễn Khải (tên thật là Nguyễn Mạnh Khải) sinh ngày 3/12/1930 tại Hà Nội. Ông là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám 1945.


Bạn bè bảo tôi là người có số may, điều đó đúng. Nhưng số phận của mỗi người lại do tính cách của người đó quyết định. Một người rất tài giỏi nhưng lại thích bày tỏ cái hơn của mình một cách công khai thường là có một số phận rất tội nghiệp, ở đâu cũng bị xua đuổi, bị đày ải, bị nhục mạ, bị nhận án oan. Tôi thì khác, tôi cũng là người có tài, nhưng là tài nhỏ tất phải biết cách bảo vệ nó. Tôi chả khoe tài bao giờ, lại biết cách che mặt, ngồi sau, nói nhỏ, chẳng làm ai phải ghen ghét vì tôi, tức giận vì tôi. Tôi viết lách hanh thông từ trẻ đến già là tôi luôn biết đứng lùi lại để khỏi đụng chạm tới người bên cạnh. Bởi vậy trong nhiều tai nạn của nghề nghiệp tôi đều thoát ra nhanh hơn nhiều người, đỡ bị xây xát hơn nhiều người, đặc biệt là không phải hao tổn nhiều sức lực và thì giờ vào những chuyện không đâu, những chuyện rất vô nghĩa. Biết bỏ qua những chuyện vô nghĩa (tức là phải biết cách đứng lùi lại một chút, đứng về thì tương lai để nhìn cái hôm nay như đã thuộc của thì quá khứ), tập trung sức lực vào những công việc ấp ủ một đời của mình, những việc thuộc về lợi ích lâu dài của cộng đồng. Khoe tài, tự đắc với cái tài của mình là việc làm của kẻ mất trí, chẳng có lợi cho ai, trước hết rất bất lợi cho bản thân. Dương danh cho thoả lòng kiêu một lúc để chịu mất đi nhiều năm tháng phải sống trong ân hận, trong thất vọng, trong những giành giật vặt vãnh để sinh tồn, đó là một chuyện rất đáng tiếc của những người nghĩ hẹp. Một đời tôi đã được chứng kiến nhiều tài năng lúc mới xuất hiện hết sức rực rỡ, độc đáo mà rồi về già phải ôm mối hận đã để trượt qua nhiều cơ hội được vắt kiệt cái tài của mình. Đừng đổ lỗi cho thời thế, cho số phận. Là do mình cả. Mình còn chưa biết cách ẩn nhẫn, nín nhịn, biết chọn cái lúc cần nói, cần viết, biết dừng lại cái lúc cần dừng, dám dẹp bỏ lòng tự ái tầm thường, bỏ qua những hiểu nhầm thiển cận của bạn bè và người thân để bảo vệ đến cùng hòn ngọc ngậm không bị phá huỷ. Nó là công lực tu luyện một đời của mình để trao lại cho những thế hệ đến sau. Có nên viết những chuyện đó ra để bạn đọc cùng thưởng lãm không nhỉ? Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn. Hãy tin vào lời nói của người sắp ra đi mãi mãi. Họ không còn thì giờ để hưởng danh, hưởng lợi nữa. Họ chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn ngủi để nói cho thật, để bộc lộ bằng hết những nỗi u uẩn trong lòng mình.



Tôi tự nhận vợ chồng tôi là những người già hạnh phúc, không phải lo lắng về con cháu lúc cuối đời, lại còn được các con nuôi. Nuôi nấng tử tế, không có điều gì phải phàn nàn. Mà vẫn không vui, vẫn buồn, buồn hơn cái thời phải gò lưng viết ngày viết đêm để kịp đưa bài cho các báo. Mãi tới đầu những năm 90, khi báo Lao Động đăng truyện vừa nhiều kỳ Sư già chùa Thắm và Ông Đại tá về hưu thì cái mộng ước mua được một cái tivi màu, một đầu máy video tối tối ngồi xem phim bộ với nồi cháo gà đang hầm liu riu trên bếp kia của mấy bố con mới thành. Hai đứa con trai ngồi trên xích lô với cái thùng tivi hiệu Samsung to tướng che gần hết mặt đỗ trước nhà, với tiếng hét to của thằng út: “Bố ra đón em về!”. Cái tivi đã là đứa em út trong gia đình, người quan trọng nhất, chỉ đem lại có niềm vui và tiếng cười thôi. Những năm vất vả kiếm sống, tôi là người quan trọng nhất của gia đình, là một giá trị để mọi người dựa vào đó mà phấn đấu, mà hy vọng.



Còn bây giờ? Các con đã trưởng thành, chúng chia nhau gánh vác cái trách nhiệm vốn là của riêng tôi trong nhiều chục năm. Tôi hoá ra người nhàn rỗi, người đã mất việc, vẫn được con cái kính trọng nhưng không còn cần thiết như xưa nữa. Tôi đã thành một biểu tượng, thành linh hồn của một chi họ, cũng rất cần trong các nghi thức lễ tết của một gia đình nhưng lại không thật cần lắm trong những công việc làm ăn của mỗi ngày. Tôi được kính trọng nhưng không được vâng lời, được con cái nghe một cách lơ đãng những lời dặn bảo và chúng cũng hay cười một cách rộng lượng nếu như tôi tỏ ra quá lo lắng, những cái lo của người già, về chuyện này việc kia. Các vị trí trong gia đình đã đổi thay, vậy chỗ đứng của tôi phải là chỗ nào thì phù hợp? Tôi không thích cầm quyền, quyền phải đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm không còn lại muốn giữ nguyên vẹn cái quyền trước đây có hoạ là điên, có thể còn bị con cái chống trả, xa lánh. Tôi chỉ muốn được các con quan tâm tới tôi tí chút thôi, coi tôi là một người đang sống, mỗi ngày hỏi han, trò chuyện đôi câu là đủ. Lại trở về lại câu hỏi, vậy tôi phải sống như thế nào nhỉ?

Tôi chợt nhớ tới gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên, vị Bộ trưởng Giáo dục lâu năm nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946, các cụ Huyên và Hưởng đều là bộ trưởng, thứ trưởng của Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Mỗi sáng trước giờ tới công sở, cả hai anh em đều đến nhà mẹ tự tay pha một ấm trà dâng mẹ rồi cả ba mẹ con vừa uống trà vừa bàn việc nước trong những tháng năm có bao nhiêu hiểm hoạ. Lúc này bà mẹ đã già, chỉ đọc sách, chăm sóc cây cảnh và chơi với các cháu nhưng vẫn là chỗ dựa cậy của các con, vì mỗi lần trò chuyện với mẹ các con đều như có thêm nghị lực, thêm niềm tin trong một thời thế đang có nhiều biến động. Cái sự ràng buộc về tinh thần ấy đã giữ nguyên vẹn cái cách sống cao sang của một vọng tộc cho tới đời con đời cháu mà tôi có vinh dự được quen biết sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm của nhiều đời người.



Vẫn biết cầm lại bút lúc này là khó lắm, là sẽ viết chẳng giống ai, vì mẫu mã, kích thước tư duy đã thay đổi, ngôn ngữ cũng thay đổi. Nhưng tôi trở lại nghề viết không nhằm tự khẳng định với mình, cũng không dám ganh đua với ai mà chỉ mong lại được sống trong tự do, trong niềm vui và hy vọng, không phải phụ thuộc vào cái yêu cái ghét của người khác, kể cả với con cái. Biết đâu nhờ vẫn làm việc miệt mài khi tuổi đã già mà tạo được một ràng buộc về tinh thần cho con cho cháu, thành một nếp nhà như người xưa.



Viết là một cách để tồn tại. Descartes có câu: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” (Je pense donc je suis), tôi muốn nói nhại câu danh ngôn ấy: “Tôi viết vậy thì tôi tồn tại” (J’écris donc je suis).

“Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn”.

(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)
Ban tin Tran nhuong vua cao loi Nguyen Khai mat 19h 25 phut. Som nay ong mat sao lai 19 h duoc????Hay ong mat hom qua 14-1 ban nao o VN sac dinh nguon tin nay?





Phongdiep.net
Thị Anh
Vầng thôi cũng là lẽ tự nhiên, bác Khải xuống dưới có bác Vũ Bão đón rồi...
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.