Langven.com Forum

Full Version: Vẻ đẹp Ching Cheng
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [<<], [<], 1, 2, [3]
Bến
ĐÊM NAM NUNG (Trích ký của H'Linh Niê)

Mưa đêm đã tạnh. Vầng trăng nửa mảnh trong veo giữa núi rừng, soi đường cho gái trai Bon Jok Jo, Dak Bri dồn về nhà Đên (Chủ tịch xã Nam Nung, huyện Krông nô, tỉnh Daklak). Ché rượu Yăng su nâu bóng đã nhạt nước, mà buổi tor chenh (đánh chiêng) vẫn càng lúc càng thêm náo nhiệt. Xa trong đêm, bóng núi Nâm Dir đen thẫm nghiêng xuống bổi hổi lắng nghe. Đấy là Nam Nung chờ tôi, đón tôi trở về với cội nguồn.

Cũng lạ. Tôi chưa hề có ý thức chọn những ngày sáng trăng mới đi đến các buôn làng. Nhưng dường như gần như gần cả 90% những lần đi là những ngày trăng hiện diện. Mà cũng đúng thôi, các lễ hội của mọi Buôn, Plei, Kon trên dãy núi Trường Sơn này đều đúng vào tuần trăng sáng. Mùa ăn năm uống tháng, mùa nghỉ ngơi, mùa lễ hội cho gái trai gặp nhau nói lời yêu, lời thương, cho người già cảm tạ nhau khi những vất vả lo toan cho cuộc sống được chia sẻ. Từ hàng ngàn đời nay, dù chẳng nói thành lời trăng vẫn luôn là người bạn đường cùng chung nỗi vui buồn với người Tây Nguyên. Trăng xóa đi những dấu vết mệt mỏi, già nua, dấu ấn của năm tháng ban ngày. Trăng tô thêm nét đẹp khỏe trên bắp tay trần trai làng vung lên đâm trâu. Trăng huyền ảo thêm đôi mắt lâu, làn da nâu và mái tóc đen loăn xoăn của em gái bồng bềnh giữa vòng xoang rạo rực. Tiếng chiêng, câu hát, điệu đàn trong trăng đều đắm say hơn, ngọt ngào hơn. Và nếu lỡ có la đà vì những cần rượu đầy tình nghĩa thì cũng cứ yên tâm mà “uống đi anh, uống say anh, đêm cao nguyên, trăng xanh vẫn tỏ lối về”.

Mặc cho những bông hoa trinh nữ nhỏ xíu nở tím các vật cỏ bên vệ đường báo hiệu chuyển mùa. Ông mặt trời vẫn cứ “sụt sịt” hoài, kéo những đám mây màu tro bếp thường trực trên vòm trời cao nguyên. Những cơn áp thấp nhiệt đới vẫn hình thành từ phía biển xa. Đường đến các xã người Mnông Preh cư trú ở huyện Krông Nô như Nam Ka, Nam Nung, Dak Mam… sau mưa biến thành những dòng sông bùn trơn trượt.

Mới đó mà bốn năm rồi tôi mới lại về Nam Nung. Ấn tượng của vầng mặt trời hoàng hôn đỏ quạch, lòng hồ đầy bùn cạn khô, nứt nẻ, bóng dáng lừng lững của bầy voi chúa tể rừng xanh, huyền thoại về tù trưởng N’trang Lơng dũng mãnh…và cả sự nghèo đói của người dân Bon Drah ngày ấy…ám ảnh trong tôi rất lâu.

Nam Nung hôm nay và bốn năm về trước khác xa nhiều lắm. Trước tiên là ở những căn nhà. Chúng tôi lang thang đi tìm những nhà vòm mái tranh rủ sát đất, kiến trúc cổ xưa của nhà Mnông. Nhưng hiếm lắm! Lác đác đâu đó chỉ còn những cái khung nhà, trơ ra như bộ xương khô rùng mình trong nắng gió. Nhiều nhà ván, mái tôn, mái ngói. Kiểu Chàm ư ? hay kiểu nhà Ê Đê ? Hay chỉ là những căn nhà ván hai tầng của người Việt. Hoài cổ! Tôi vẫn biết rằng một căn nhà ván, mái tôn, ở hàng bốn năm đời người mới phải thay thế, còn một mái nhà vòm của cái thủa du canh, du cư ngày xưa chỉ qua được hai ba mùa nắng mưa là nắng ban ngày và ánh trăng ban đêm soi đến tận bếp lửa. Nhưng đến một lúc nào đó, con cháu mình biết tìm đâu thấy bóng dáng đời sống của tổ tiên, ông bà mình đây…

.…mỗi lần tìm về nguồn cội tôi lại nhận được cho mình bao nhiêu điều mới mẻ. Như lần này, đầy ắp những thông tin về một nền văn hóa xa xưa của người MNông và sự khẳng định cách gọi N’Trang Lơng là chính xác nhất. Người Ê Đê gọi Ama Trang Lơng. Người Mnông có thể gọi Băp Trang Lơng. Nhưng tiếng Mnông “N’Trang” là cách gọi dùng cho những người dũng cảm, tài trí, được nhiều người kính trọng ( cũng như N’Trang Gưh là người Bih nhưng vẫn được tôn vinh như thế). Còn ông già Dôh Rling, người đã trải qua gần tám mươi mùa nước hồ Nam Nung vơi đầy thì lắc lắc mái đầu bạc “nói lại cho đúng: người Pu Noong Preh không phải di cư từ Camphuchia sang đâu. Chỉ quanh quẩn du cư quanh cái hồ và núi Nam Nung này hàng bao đời rồi”. Ông khẳng định việc ấy bằng cách đọc rất nhanh gia phả bằng văn vần của chính trực hệ ông mà tôi bấm máy thu cả gần 10’ băng ghi âm vẫn chưa hết…..

Nào, bàn tay trái xòe- bịt, bàn tay phải đấm - thụp, xòa, thụp , xòa…tiếng cong đồng nơi cổ tay người đánh chiếc Ngrâm chạm vào mặt chiêng lanh canh, lanh canh vang vào đêm Nam Nung biêng biếc, sâu thẳm.

Sương mù xanh màu lá quẩn quanh bước chân những cặp vợ chồng con cái đi rẫy sớm. Mờ mờ trong sương là bóng cây knia và cây bằng lăng mọc trong nhau, quấn quít trong nhau cao vống lên giữa bầu trời sáng. Để tôi lại một lần nữa bồi hồi…
Phó Thường Nhân
@ Bến
Cảm ơn Bến. YANG như vậy là một khái niệm đa nguyên chỉ chung các thần linh. Như vậy nó rất gần với quan niệm của người Kinh cho đến tận thế kỷ XIX. Chỉ có điều ở dưới đồng bằng nó được mang nhiêu tên do phát xuất từ nhiều nguồn gốc. Thường thì người ta gọi nó là MA, nhưng do ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa mà người ta thêm vào khái niệm THẦN, QUỶ...để chỉ ma tốt ma xấu (tức là ma làm phúc hay ma làm hại).

Khi tôi nói nó có vẻ giống như tín ngưỡng người Kinh thế kỷ XIX điều đó không có nghĩa là người Kinh bây giờ tiến hóa hơn về mặt tín ngưỡng mà chỉ có cái phỏm của nó thay đổi, do tiếp xúc với văn hóa bên ngoài. Nhưng thâm sâu của nó, cái phàn tiềm thức ngầm ngầm của nó có lẽ không thay đổi.

Cũng chẳng phải tận Tây nguyên mới có chuyện nhà cổ truyền bị mai một. Bản thân Hà nội và vùng đồng bằng Bắc bộ, vốn là cái nôi văn hóa của người Kinh có lẽ cũng sắp biến thành ... xứ Palestine, nơi dân thường và Disneyland nơi quyền quý. Vì nhà cửa bây giờ giống như cái hộp diêm, hay lổn nhổn mái chòi ra thụt vào, mỗi thứ một tí trông giống như cái lâu đài "dỗ trẻ con" của DisneyLand.

May cũng còn được an ủi nếu vào những chỗ như Phủ Thành Chương. Dù sao cũng có người còn chịu khó sưu tập nhà cổ.

Cũng còn có một hiện tượng nữa có thể gọi là đáng mừng là người ta bệ cái nhà cổ chồng lên sân thượng. (Như cái quán tên là gì tôi không nhớ nhưng chuyên bán thịt rắn bên Gia lâm) điều đó cũng giúp cho sự bảo toàn truyền thống nhà cổ mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Nhưng điều lớn nhất có lẽ là tình cảm và sự trân trọng của mỗi người với cái cổ, để rồi nếu người ta có điều kiện thì sẽ tìm đến nó, coi như một giá trị cao nhất của văn hóa.

Vậy cũng mong là người dân trên Tây Nguyên, nếu có điều kiện cũng sẽ "bê cái nhà dài, cái nhà rông đặt lên nóc nhà mình" (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).
Fedora
Có bài này về văn hóa Tây Nguyên rất thú vị, còn tin hay không thì tùy laugh1.gif

QUOTE
Người kể Khan kỳ lạ ở làng Ghè
16:05' 05/09/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ở làng Ghè (xã Ia Dơk - Đức Cơ) có một người còn trẻ, chưa từng nghe một nghệ nhân nào kể Khan (trường ca, sử thi...) lại bỗng nhiên biết kể 10 Khan rất dài. Các nghệ nhân và dân làng chỉ còn biết gọi anh là "người Yàng"!


Xem tiếp : http://vietnamnet.vn/psks/2005/09/486310/
Pages: [<<], [<], 1, 2, [3]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.