Langven.com Forum

Full Version: Bài nhặt trên blog
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: [1], 2, 3, 4, [>], [>>]
Thị Anh
Tương lai nào cho văn học mạng?
(@click here)

Phần 1

1. Xin lỗi..., em chỉ là "gái làng chơi"

Như một đứa trẻ chưa hình thành nhân cách, những sáng tác văn chương trên mạng được vun vén, nuôi dưỡng bởi thị hiếu khôn lường của độc giả mà thành ra khôn lường. Khôn lường chẳng kém thị trường âm nhạc hay điện ảnh Việt Nam thời nay vậy, anh cứ đinh ninh bài hát này, bộ phim này là vớ vấn, 3 xu, rồi nói một cách vừa bộc tuệch vừa mực thước rằng, cái thể loại ấy không đáng để anh nghé mắt. Thế nhưng, thấy chúng đột nhiên phồng lên, gây tiếng vang râm ran thì anh không tài nào giấu nổi tính hiếu kỳ của mình, và mặc dù đã cố gắng thanh minh rằng: "Ấy là tôi chỉ muốn xem nó thế nào mà thôi" nhưng sự thật là anh đã bị đánh bại bởi một thứ sức hút vô cùng lớn, siêu hình, sức hút từ hiệu ứng truyền thông!
Phải thú thực là tôi tìm đến các tác phẩm văn chương trên mạng cũng phần nào từ tâm trạng mang ít nhiều thành kiến đó. Cố nhiên, khi đọc chúng, tôi hoàn toàn thiện chí, không để mình bị chi phối bởi bất kỳ ý thức so sánh loại hình nào. Nhưng..., xin lỗi, phần nhiều những gì tôi đọc được chỉ là thứ "văn làng chơi". Cô gái nào càng được nhiều khách làng chơi để mắt tới thì càng nổi danh, tác phẩm văn học mạng nào được độc giả online tìm đọc càng nhiều thì càng nổi lên như một hiện tượng, trở thành một cơn sốt.
Người ta nói đến một cuộc cách mạng trong sáng tác, một thế giới văn chương mới, một dòng sông từ trăm nghìn con suối lạ, và quả thật đã có không ít những tác phẩm từ blog được in thành sách, người ta không ngần ngại gọi chúng là các tác phẩm văn học đương đại. Tuy nhiên, số phận của chúng không phải được khẳng định bởi tài năng nghệ thuật, sự lao tâm khổ tứ của người cầm bút và sự chung thuỷ của thời gian mà lại được định đoạt ngay từ đầu, khi nó sinh ra bởi hiệu ứng lan toả của truyền thông, thị hiếu của người đọc đương thời, và tất nhiên bao gồm cả khả năng uốn bút một cách tài tình của người viết. Nếu tước đi những điều này thì chúng không khác gì những cô gái vô duyên, vô sắc, chẳng ai ngó ngàng tới, rồi cứ thế tan biến như một giọt sương mà ai đó lấy ngón tay trỏ chạm nhẹ vào.
Chính vì thế, để tác phẩm thoát ra khỏi thế giới ảo, nó phải tạo ra được tiếng vang ngay tại cái nôi nó chào đời, phát tán mạnh mẽ như một "bông bồ công anh bay tan trong gió". Đầu tiên là đặt tên cho tựa đề. Có vị khách làng chơi nào lại chẳng thích cái tên nghe thơm tai như Lan, Hoa, Tuyết, Nguyệt? Và để thu hút người đọc, có người viết nào không ngần ngại đặt cho những đứa con online của mình những cái tên đầy ẩn ý, sâu sắc, thú vị, thậm chí là khiêu khích và giật gân? Rồi đến cốt truyện. Dĩ nhiên rồi, phải là một cô gái có khuôn mặt đẹp, có thân hình yêu kiều, "trong ngọc, trắng ngà" với những đường cong tuyệt mỹ, có vậy mới thu hút được những ánh nhìn mê đắm của các chàng lữ khách tình si kia! Những câu chuyện thu hút người đọc cũng phải thật hấp dẫn, thật lôi cuốn, thật bất ngờ, thật gây sốc! Ngoài ra, nếu người viết dụng công một chút, thổi vào tác phẩm một thoáng tâm trạng, một thoáng buồn thương, cộng thêm chút gia vị éo le, ẩn ức, thì có thể tạo ra hiệu quả lay động mỹ cảm người đọc và tác động ít nhiều đến nhân thế, từ đó càng làm cơn địa chấn trong lòng cư dân mạng thêm phần rúng động. Còn những cô gái làng chơi? Đã được đặt cho 1 cái tên mỹ miều, lại cộng với vẻ đẹp trời cho, thân hình "nghiêng nước nghiêng thành", nếu có thêm khiếu ăn nói, "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" thì danh tiếng sẽ lẫy lừng đến bậc nào?
Càng được nhiều người đọc online, tác phẩm mạng càng được lan rộng, càng gây tiếng vang, càng giống như một hạt sương trĩu nặng, tích tụ sự long lanh của ánh nhìn hàng ngàn, hàng vạn độc giả. Để rồi một ngày kia, giọt sương bỗng nhiên đòi bứt khỏi phiến là ẩm ướt, cái nôi hình thành của nó, với hi vọng sẽ hoá thành ngọc bích.
Và sự thực thì thế nào?...
Thị Anh
2. Ngẫm về số phận của các tác phẩm văn học từ blog

Một cô bé chát với tôi trên mạng có hỏi tôi rằng: "Theo anh, các tác phẩm văn chương được viết trên blog rồi mới đem in thành sách thì số phận của chúng sẽ thế nào?". Lẽ thường chẳng ai trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi, nhất là khi câu hỏi đó lại đòi hỏi một lời giải thích. Tôi thì lại thường làm như vậy mỗi khi bắt gặp một câu hỏi hóc búa, chạm đến một vấn đề sâu rộng, khó lường, một bài toán đố lớp 3 trong khi mình mới học lớp 1. Lần này cũng vậy, cậu học trò lớp 1 giải đề toán lớp 3 mà cô giáo vừa đưa ra như sau: "Ờ, số phận của chúng sẽ thế nào nhỉ?". "Lời phê" mà cậu nhận lại là một hình mặt cười nhăn răng.
Thực ra, đối với những câu hỏi phần nhiều mang tính ức đoán như thế, mỗi người có thể tự dóng cho mình một con đường riêng, một nhận định riêng, cách nhìn riêng. Cái mốc mà mỗi người tự neo cắm trên cung đường nhận thức của mình về một vấn đề nào đó thuộc tương lai, bao giờ cũng là biểu hiện cao nhất của tự do. Jean Paul Sartre nói: "Đọc là giấc mơ tự do", độc giả trước mỗi tác phẩm được tự do lựa chọn vô số những biểu hiện tình cảm để biểu lộ với chính mình. Lòng tin cũng là một biểu hiện của tự do, lòng tin của độc giả càng bền vững với thời gian thì tác phẩm càng chứng tỏ sự trường tồn và sức quyến rũ của nó. Như vậy, cái chân giá trị của một tác phẩm văn học không dễ nhận biết và đong đếm ngay tại thời điểm nó sinh ra, nó thường chỉ được khẳng định khi song hành cùng thời gian, và được bao bọc bởi niềm tin cùng những tình cảm hào hiệp của người đọc mọi thời.
Những ức đoán của tôi về tương lai của văn học mạng xuất phát từ những suy nghĩ và nhận định của riêng tôi về một số tác phẩm văn học nổi danh trên các blog trước khi in thành sách, tôi không muốn bàn rộng đến tương lai của "cuộc hôn phối" giữa văn học nói chung và tin học. Có lẽ tôi không đủ kiên nhẫn để lần tìm cái đầu của cuộn len mà chú mèo tinh nghịch đã làm rối tung lên, việc đơn giản nhất để ngay lập tức có thể đan áo là hãy cắt phăng tại đoạn bất kỳ nào đó, sau đó thì đuổi con mèo đi.
Trên thế giới, cùng với sự xuất hiện trào lưu viết blog, việc các sáng tác văn chương từ blog được xuất bản thành sách không còn là điều mới lạ, thậm chí đơn giản và dễ dàng như cái click chuột vào ô yes hoặc no vậy. Ở Trung Quốc, văn học mạng đang trở thành một trào lưu thực sự, chiếm lĩnh dần tâm tư và thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ nước này. Sự ra đời của cuốn tiểu thuyết "Kỳ án ánh trăng" của tác giả lấy tên là Quỷ Cổ Nữ tạo nên một hiện tượng, gây xôn xao cư dân mạng. Cuốn tiểu thuyết kinh dị này được viết thành từng phần và post dần lên mạng, mọi người sẽ cùng nhau đọc và góp ý kiến. Mới chỉ đưa lên mạng 1 nửa nhưng đã có 10 triệu người truy cập vào xem, tác phẩm này về sau đã được NXB ký hợp đồng, hiện đã được dịch và bán ở Việt Nam (Theo Vietnamnet). Vừa qua, sự xuất hiện của tiểu thuyết văn học võ hiệp kiểu mới "Tru Tiên" của một "Kim Dung thứ hai" Tiêu Đỉnh cũng làm xôn xao thị trường sách trong nước, gây tò mò với cả những người chưa từng đọc tiểu thuyết võ hiệp bao giờ, vì thấy giới thiệu là một cuốn sách "có một không hai". Đây cũng là đứa con đẻ rứt ruột từ phong trào sáng tác trên blog. Tác phẩm cũng được post dần lên từng chương, thu hút hàng vạn lượt người đọc, trở thành một trong "tam đại kỳ thư Internet" của khu vực Châu Á, được xuất bản chính thức ra thị trường sách, bán được hơn 2 triệu bản tại Trung Quốc (Theo SGGP). Và gần đây nhất không thể không kể đến một chấn động mà quả bom tấn (ta có thể nói vui như vậy) "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" của tác giả Bảo Thê đã gây ra trong cộng đồng blog Việt. Ở đây, tôi không muốn nói về sức nổ của quả bom này nữa, tôi muốn nói đến cái kíp nổ của nó là blog của Trang Hạ, người đã dịch nguyên bản tác phẩm này từ khi nó chưa xuất bản thành sách. Trang Hạ đã có được một cách nhẹ nhàng niềm vinh hạnh mà không phải người làm nghề dịch thuật nào cũng được nếm trải là sự quan tâm, ngưỡng mộ của hàng vạn độc giả. Quả thực là sau khi post phần dịch tác phẩm "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" lên blog của mình, nó đã phát "nổ" một cú thật to, gây lên những hiệu quả không ngờ. Những sáng tác trước kia của Trang Hạ đột nhiên được khơi lại như một quả thuỷ lôi bị lãng quên dưới đáy biển, khiến cho số lượng người truy cập tăng nhanh một cách chóng mặt (cư dân blog vốn hiếu kỳ). Nhiều người vội nói rằng, việc tác phẩm "Những đống lửa trên vịnh Tây Tử" của nhà văn Trang Hạ từ blog bước ra thị trường sách đã đánh dấu sự xuất hiện của làn sóng sách từ blog trong nước. Nhưng có lẽ hơi sớm để nói về cái gọi là trào lưu sáng tác văn học blog ở Việt Nam, và càng sớm để khẳng định Trang Hạ là người tiên phong trong trào lưu này.
Không biết hình thức sáng tạo mang tính thể nghiệm này sẽ tồn tại như thế nào trong tương lai và sẽ đưa văn học đến đâu? Câu hỏi này thời gian sẽ trả lời, nhưng có thể thấy ngay một điều, cuộc sống của nó buộc phải gắn với thị trường sách, đầu ra của nó phải là những cuốn sách xếp ngay ngắn trên tay người đọc, từ đó số phận của nó sẽ được định đoạt bởi những tình cảm bền vững của người đọc và sự chung thuỷ của thời gian. Xét cho cùng, văn chương dù xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào khi đến với người đọc phải gieo mầm trong họ ý niệm về cái đẹp. Đó cũng là mục đích tối hậu của văn chương. Cái đẹp trong văn chương bao giờ cũng là sự thống nhất thẩm mỹ giữa cái đẹp của thực tại khách quan với cái đẹp trong tâm hồn, tư tưởng và trái tim nhà văn. Những thể nghiệm hình thức dù hiện đại và tiện ích đến đâu cũng không thể sánh với những thể nghiệm và trải nghiệm thực sự trong trái tim của chính tác giả. Dĩ nhiên, những thể nghiệm đó phải được truyền tải thông qua những hình tượng nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra để cái đẹp có thể hằn dung mạo của mình lên nó.
Tiếc rằng, khi đọc những tác phẩm văn chương từ blog in thành sách, hoặc đọc trực tiếp trên blog, tôi lại không thấy đâu bóng dáng của cái đẹp. Trong phần giới thiệu thơ trẻ của chuyên trang văn học của một báo điện tử chính thống có những câu thơ như sau: “Em save anh vào document tử cung/ Trét lên tường những gam màu bò cái/.../ bào thai rắn rớt... nhầy nhụa bàn phím/ hình dung anh cắn phải lưỡi khi làm tình”.(theo CAND) Không biết vài ba năm lẻ nữa, người đời ai khóc người viết những dòng thơ này chăng? Rồi tôi cũng tìm đọc "Tru tiên", "Xin lỗi em chỉ là con đĩ", "Những đống lửa trên vịnh Tây Tử"..., những tác phẩm nổi danh, những tiên phong của một trào lưu mới, những quả bom tấn đã được thị trường blog "thẩm định" bằng số lượt người truy cập, và thấy... buồn. Buồn vì không tác phẩm nào đem lại cho mình những chiêm nghiệm về cuộc sống, và gây ra cho mình dù một chút thôi những rung cảm từ đáy lòng, đôi tay mình dường như bại liệt khi cầm chúng trên tay, không sao nhấc lên để soi dưới ánh nắng xem điều gì ẩn giấu sau những con chữ kia như cách mà Gorky đã làm với các tác phẩm của Flobert. Nhưng có lẽ buồn hơn cả là thấy mình hình như là tụt hậu quá rồi, hình như bấy lâu mình chỉ quanh quẩn với những tác phẩm được coi là kinh điển, được thẩm định kĩ càng bởi thời gian và người đọc đi trước mà không sao tiếp nhận được cái mới, không ăn được món ăn mà đa số đang ăn một cách ngon lành.
Nhưng, cũng có thể là tôi đã buồn vu vơ rồi, tôi nói đến cái đẹp trong văn chương, bám vào cái đẹp như bám váy mẹ để thè lưỡi với những thứ mà trong con mắt trẻ con mình cho là kệch cỡm, là xấu xa, mà biết đâu cái đẹp giờ đây khoác những bộ áo mới, có nhiều biểu hiện mới, những biểu hiện mà thằng bé "đang học lớp 1" là tôi đây không thể lường được một cách rốt ráo?
Giọt sương trĩu nặng trên cành khi rơi xuống mặt đất sẽ tan biến đi, nó có đọng lại trong tâm thức người đọc hay không thì phải chờ sự hồi sinh của nó trong một sớm mai khác.
_ Tương lai nào cho văn học mạng?
_ Ờ, tương lai của nó sẽ thế nào nhỉ?

PHƯƠNG KIỆT
(@click here)
lơ ngơ
Bài của Phương Kiệt tóm tắt có hai ý:

1 Văn học phải chuyển tải cái đẹp

2 Văn học mạng dở quá.


1 Văn học phải chuyển tải cái đẹp

Cái đẹp (của tâm hồn người viết) chỉ có được từ tình yêu. Chỉ có hai thứ tình yêu là tình yêu dành con người và tình yêu dành cho thiên nhiên.

[ nếu ai có lòng tin yêu Chúa Phật thì tôi cũng gọi là yêu con người/thiên nhiên ] [ yêu tiền yêu dâm yêu danh vọng vân vân là dục vọng, thôi không bàn ]

Với người trẻ ở thành phố, tình yêu con người bây giờ khó khăn hơn thời trước. Sống trong hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, bước ra đường thì mịt mù hơi người và khói xe, bước vào nhà thì ầm ĩ tiếng ti vi và karaoke từ hàng xóm. Có đâu "tiếng ve và những mùa dưa chín" (Lưu Quang Vũ) để nuôi nấng tình yêu. Trong các phòng thí nghiệm, người ta càng dồn nhiều chuột vào một diện tích nhỏ, thì chúng càng khó chịu và hung dữ với nhau.

Không phải chỉ có khói xe, hơi người và tiếng ồn kinh khủng, người thành phố còn phải cạnh tranh nhau quá sức. Tôi ít còn gặp ai được ung dung, mơ màng. Người thành đạt thì đắc chí, khoe khoang, phấn đầu không ngừng để giữ được sự thành đạt. Người không thành đạt thì lo lắng, ngơ ngác hoặc chua chát, và cũng phần đấu không ngừng để đổi đời.

Ở Cà Mau có Nguyễn Ngọc Tư còn tiếp xúc được với con người và thiên nhiên. Ở Làng Ven có Chitto (xin lỗi Chitto, xin mượn tên bạn để làm đại diện cho những người hay đi) đi xa còn thấy những cuộc đời thật những gương mặt không phải là mặt nạ, còn thấy bầu trời không đầy khói xe để biết ơn mình được sinh ra dưới bầu trời này.

Còn người thành phố, làm sao yêu tiếng ve, mùa dưa và yêu nhau đây?


2 Văn học mạng dở quá

Có lẽ tự yêu mình thì an toàn hơn. Và làm sao trồi lên được khỏi đám đông thì càng hay. Sự nổi tiếng có một lực hút kinh khủng, càng kinh khủng hơn khi chìm giữa loài người có nghĩa là chìm vào biển người mờ mịt. Không có tiếng ve, không có mùa dưa nào.

Người ta viết để được nổi tiếng, trồi lên trên đám đông, không viết vì tình yêu. Nên quanh quẩn chỉ có vậy: đại khái như tình dục không tình yêu và sự quái dị vô căn cứ.


Biết đâu mai sau đọc lại những tác phẩm thời này, người ta đọc những "Em save anh vào document tử cung" không thấy gớm ghiếc, mà hiểu đó là tiếng thét của một đám người vô vọng, và rồi câu đó cũng đạt được giá trị văn học của nó: đánh dấu cho thời đại của mình.

Evil
QUOTE(lơ ngơ @ Mar 29 2007, 06:56 PM)
Bài của Phương Kiệt tóm tắt có hai ý:

1  Văn học phải chuyển tải cái đẹp

2  Văn học mạng dở quá.


1  Văn học phải chuyển tải cái đẹp

Cái đẹp (của tâm hồn người viết) chỉ có được từ tình yêu. Chỉ có hai thứ tình yêu là tình yêu dành con người và tình yêu dành cho thiên nhiên.

[ nếu ai có lòng tin yêu Chúa Phật thì tôi cũng gọi là yêu con người/thiên nhiên ]  [ yêu tiền yêu dâm yêu danh vọng vân vân là dục vọng, thôi không bàn ]

Với người trẻ ở thành phố, tình yêu con người bây giờ khó khăn hơn thời trước. Sống trong hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, bước ra đường thì mịt mù hơi người và khói xe, bước vào nhà thì ầm ĩ tiếng ti vi và karaoke từ hàng xóm. Có đâu "tiếng ve và những mùa dưa chín" (Lưu Quang Vũ) để nuôi nấng tình yêu. Trong các phòng thí nghiệm, người ta càng dồn nhiều chuột vào một diện tích nhỏ, thì chúng càng khó chịu và hung dữ với nhau.

Không phải chỉ có khói xe, hơi người và tiếng ồn kinh khủng, người thành phố còn phải cạnh tranh nhau quá sức. Tôi ít còn gặp ai được ung dung, mơ màng. Người thành đạt thì đắc chí, khoe khoang, phấn đầu không ngừng để giữ được sự thành đạt. Người không thành đạt thì lo lắng, ngơ ngác hoặc chua chát, và cũng phần đấu không ngừng để đổi đời.

Ở Cà Mau có Nguyễn Ngọc Tư còn tiếp xúc được với con người và thiên nhiên. Ở Làng Ven có Chitto (xin lỗi Chitto, xin mượn tên bạn để làm đại diện cho những người hay đi) đi xa còn thấy những cuộc đời thật những gương mặt không phải là mặt nạ, còn thấy bầu trời không đầy khói xe để biết ơn mình được sinh ra dưới bầu trời này.

Còn người thành phố, làm sao yêu tiếng ve, mùa dưa và yêu nhau đây?


2  Văn học mạng dở quá

Có lẽ tự yêu mình thì an toàn hơn. Và làm sao trồi lên được khỏi đám đông thì càng hay. Sự nổi tiếng có một lực hút kinh khủng, càng kinh khủng hơn khi chìm giữa loài người có nghĩa là chìm vào biển người mờ mịt. Không có tiếng ve, không có mùa dưa nào.

Người ta viết để được nổi tiếng, trồi lên trên đám đông, không viết vì tình yêu. Nên quanh quẩn chỉ có vậy: đại khái như tình dục không tình yêu và sự quái dị vô căn cứ.


Biết đâu mai sau đọc lại những tác phẩm thời này, người ta đọc những "Em save anh vào document tử cung" không thấy gớm ghiếc, mà hiểu đó là  tiếng thét của một đám người vô vọng, và rồi câu đó cũng đạt được giá trị văn học của nó: đánh dấu cho thời đại của mình.
*



Hồi trước thích ngớ viết, một dạo biến mất, khi quay trở lại mình cảm tưởng như là người khác. Giờ đọc bài này thấy thích. Gửi tiền cho, dù thấy ngớ vẫn còn nhiều tiền đấy chứ leuleu.gif
lantuvien_ttt
QUOTE(lơ ngơ @ Mar 29 2007, 07:56 PM)
Biết đâu mai sau đọc lại những tác phẩm thời này, người ta đọc những "Em save anh vào document tử cung" không thấy gớm ghiếc, mà hiểu đó là  tiếng thét của một đám người vô vọng, và rồi câu đó cũng đạt được giá trị văn học của nó: đánh dấu cho thời đại của mình.
*



Em thấy thực ra mạng chỉ là một công cụ để phát tán và chia sẻ những suy nghĩ của con người một cách nhanh nhất và an toàn nhất. Hì hì.

(Thì có thể giấu tên của mình, dấu tung tích của mình, rồi viết trước tiên là để giải toả, sau đó thì để... câu khách)

Mọi người tách bạch dòng văn học mạng quá. Trang Hạ trước khi nổi tiếng trên net thì cũng đã là một cây bút khá nổi trên báo giấy mà (hội trưởng Hương Đầu Mùa báo Hoa). Tức là các tác giả đích thực thì trên mạng, hay ngoài đời vẫn được nhìn với tư cách nhà văn (nhà thơ). Thì nên coi mạng là phương tiện phát tán tác phẩm nhanh nhất thôi.

Vì thế thực ra những tác phẩm được gọi là thuộc dòng văn học mạng chẳng qua là thứ mà người viết chưa muốn (hoặc không muốn) gửi lên báo giấy. Và những tác phẩm mạng được kiểm duyệt bằng số lượt đọc của cư dân mạng, chứ không phải qua con mắt của các bác Biên Tập Viên bàn giấy.

Hì. Vậy nên việc phân biệt dòng văn học mạng và dòng văn học bàn giấy chẳng có nghĩa lý gì mấy. Ngay cả những truyện ngắn, bài thơ trên các sách báo giấy, có phải cái nào cũng hay ho đâu. Một tác phẩm đích thực, qua thời gian, sẽ khẳng định được giá trị của nó.

Các bác ấy cứ tách bạch thứ gọi là "dòng văn học mạng", rùi lại phê bình, bình phê nó. Mạng có tội tình gì đâu. Đó là công cụ truyền tải thông tin thôi mà. Và các nhà văn, nhà thơ được sinh ra từ những tờ báo, quyển sách bằng giấy chứ không phải bằng ebook, các bác cũng đừng nên nhìn những dòng chữ được khai sinh từ 10 đầu ngón tay gõ gõ kia bằng con mắt chiêm ngắm một vật thể kì dị và lạ lùng. Giá như các bác cũng chịu khó tham gia vào thế giới này, đi sâu vào các forum, các bác sẽ bắt gặp rất nhiều bạn yêu văn học, có khi họ đang bàn tán sôi nổi về tác phẩm của các bác trên một vài topic ấy chứ.

Và thiệt vui hơn nữa, nếu như các bác được gọi là thuộc dòng văn chương đích thực kia, post bài lên blog, lên forum cho cư dân mạng được thưởng thức tác phẩm của các bác một cách nhanh nhất, được giao lưu thẳng thắn, bày tỏ những ý nghĩ chủ quan của họ đối với tác phẩm của các bác. Thay vì các bác được trả thù lao bằng tiền nhuận bút, các bác sẽ nhận được lời khen, sự hưởng ứng bằng số lượng truy cập tăng vùn vụt (nếu tác phẩm của các bác hay). Mà đối với người cầm bút, còn gì sung sướng hơn khi được bít ý nghĩ của bạn đọc dành cho tác phẩm của mình, được chia sẻ cùng bạn đọc một cách thân ái và cởi mở nhất. Độc giả trên mạng không phải ai cũng chỉ thích đọc những thứ kiểu "Em save anh vào document tử cung", độc giả trên mạng còn say mê đọc những "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", "Nhân trường hợp chị Thỏ Bông", rồi họ cũng mê Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh, Ngô Tự Lập. Độc giả trên mạng phần nhiều là các bạn trẻ, các bạn ấy say sưa truyền nhau Cánh buồm đỏ thắm, tìm về Truyện cổ tích Andecxen - những tác phẩm nhân văn chân chính. Vậy dưới sự thẩm định của những cặp mắt như thế, các tác phẩm trên mạng đều toàn là "kì dị và lạ lùng" lắm sao?

Và em muốn nhấn mạnh lần nữa, internet là công cụ truyền tải thông tin nhanh và hiệu quả nhất. Phải đợi một tuần để nhà văn nhìn thấy tác phẩm của mình trên báo giấy, nhưng chỉ cần vài phút họ đã được chiêm ngưỡng bài viết của mình trên trang topic rồi. Lại trình bày đẹp với hình minh hoạ, và sau đó, rất nhanh, rất nhanh thôi họ còn được lim dim mắt đọc ý kiến của độc giả dành cho đứa con tinh thần của mình.

Em tự hỏi sao các bác thuộc dòng văn học chính thống không bước vào các diễn đàn, như diễn đàn của tụi mình và đọc các topic, thay vì các bác ấy đọc một vài bài báo nói về một vài bài thơ, truyện ngắn có tính "nổi loạn" (được gán là tiêu biểu cho thế hệ@). Cứ giữ thiên kiến như thế, rồi lại có cái nhìn không toàn diện đối với văn học "được coi là văn học mạng", rồi sau đó phần lớn các bác ấy phê bình thứ văn học ngoài luồng (do nó chưa qua con mắt ngắm nghía "đầy tính nhân văn" của Biên Tập Viên và chưa xuất hiện trên các tờ báo, quyển sách được bày bán trong cửa hàng)

Em ước giá mà có nhiều tác giả như chị Trang Hạ, có nhiều blog hay như của chị ấy, là nơi bạn yêu văn chia sẻ và bày tỏ ý kiến, rồi giao lưu trực tuyến với tác giả để có được sự liên hệ, đồng cảm giữa nhà văn và người đọc thì tốt biết mấy.



iem lảm nhảm một tí. Các bác đừng cười. Hì hì.
Apomethe
Văn học mạng cũng chả khác gì văn học thường, chỉ có thêm một bước là đưa lên mạng trước khi xuất bản trên giấy. Khác chăng là ở thời đại mà thôi.

Có điều đưa lên mạng cho độc giả đọc cùng với lúc mình sáng tác có thể chỉnh sửa và sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc. Nhưng lúc đấy là mình đã hướng theo độc giả rồi. Viết một lèo có thể hiện được tâm hồn và suy nghĩ của người viết thật hơn.
lơ ngơ
QUOTE(Apomethe @ Mar 30 2007, 01:51 AM)
có thể chỉnh sửa và sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc.


confused1.gif
Thị Anh
QUOTE(lơ ngơ @ Mar 30 2007, 04:02 AM)
QUOTE(Apomethe @ Mar 30 2007, 01:51 AM)
có thể chỉnh sửa và sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc.


confused1.gif
*




Hì, hẳn là bạn longo nói gì hơn một cái icon 3 dấu hỏi thế kia. laugh.gif

Dù sao, đó cũng là chính kiến của em Apomethe- 1 bạn đọc TRẺ.
lơ ngơ
QUOTE(Thị Anh @ Mar 30 2007, 07:09 AM)
QUOTE(lơ ngơ @ Mar 30 2007, 04:02 AM)
QUOTE(Apomethe @ Mar 30 2007, 01:51 AM)
có thể chỉnh sửa và sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc.


confused1.gif
*




Hì, hẳn là bạn longo nói gì hơn một cái icon 3 dấu hỏi thế kia. laugh.gif



Mới đầu tui định hỏi "sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc" là làm DÂU hay là làm ĐĨ trăm họ, nhưng sau nghĩ lại hỏi để làm gì. Chẳng có ai quan tâm. Tui cũng không quan tâm.

Tui thấy Apomethe viết đúng mà, không có chỗ nào không đồng ý. Riêng 3 chữ này đọc cứ buồn cười hoài: "Viết một lèo..." Nghe sướng thế!
hungthanblog
*Bài của Phương Kiệt tóm tắt có hai ý:

1 Văn học phải chuyển tải cái đẹp

2 Văn học mạng dở quá.
Đồng ý với ý kiến này của evil, nhưng những gì bạn viết sau đấy thì chán quá! Chẳng diễn tả được gi cả.
*Đồng ý với bạn lantuvien_ttt rằng mạng chỉ là phương tiện chuyển tải các tác phẩm của người viết và không nên quá phân biệt văn học mạng với văn học "không mạng". Nhưng ở bài viết của mình. Phương Kiệt có nói đến sự bóp méo tác phẩm theo ý muốn, thị hiếu của bạn đọc online (phần lớn là giới trẻ), và điều này vô cùng nguy hiểm đối với văn chương. Nếu văn chương cứ như cô gái làng chơi tìm mọi cách chiều lòng khách thì chẳng mấy mà "trâm gẫy bình rơi".
*đưa lên mạng cho độc giả đọc cùng với lúc mình sáng tác có thể chỉnh sửa và sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc. Nhưng lúc đấy là mình đã hướng theo độc giả rồi. Viết một lèo có thể hiện được tâm hồn và suy nghĩ của người viết thật hơn.
Hoàn toàn đồng ý với ý kiến này của Apomethe. Cái chết của căn học là chỉnh sửa và sáng tác cho phù hợp với đa số người đọc. Cần phải "viết một lèo" để ngòi bút thuần nhất, ko bị chi phối. Dấu ấn của tác phẩm phải của riêng tác giả. Thế thì tốt nhất không nên post tp lên mạng mà hãy viết thành sách rồi đem in một thể. Cho nên không đồng ý với bạn Apomethe khi đồng nhất văn học mạng với dòng văn chính mạch (tạm gọi)
*Bạn lơ ngơ thì đúng là lơ ngơ thật! devil2.gif
* Đồng ý tất cả ý kiến của bạn Phương Kiệt! cheers.gif
v.gif
Pages: [1], 2, 3, 4, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.