Langven.com Forum

Full Version: Phạm Công Thiện
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: [1], 2, 3, [>], [>>]
Thị Anh
Phạm Công Thiện: Thơ từ hành tinh khác
Friday, August 05, 2005


Nguyễn Mạnh Trinh

Không hiểu sao mỗi lần lái xe đi ngang qua những con sông cạn ở thành phố Westminster hay Santa Ana tôi lại thấy bồi hồi. Có một liên tưởng nào từ lòng sông tráng xi măng ở giữa chơ vơ một dòng nước chảy nhỏ nhoi cạn cợt. Cái cảm giác của thiên nhiên bị khuất phục ấy của một dòng nước mùa nắng nhắc tôi tới nguồn nước ào ào sục sôi sau những cơn mưa. Một thi sĩ đã viết :

“ Ừ , ta bây giờ như sông cạn

Nước vũng làm sao thành biển khơi

Chí lớn dưng không thành chuyện vãn

Mỉm cười còn mất chuyện muôn đời…”

Có hay không , cái tượng hình của Dịch Kinh, hà trung vô thủy ? Sông mà không có nước , có phải là sông không? Hay chỉ là gợi ý tới những đi mà không đến . Một câu thơ của Seamus Heaney, thi sĩ giải Nobel văn chương năm 1995 trong thi tập The Haw Lantern , chỉ có hai câu :

“ The riverbed, dried up, half full of leaves.

Us, listening to a river in the trees.

(Lòng sông, cạn khô, một nửa phủ đầy những chiếc lá

Cho chúng ta, đang lắng nghe một dòng sông chảy trong cây)

Thi sĩ Phạm Công Thiện đã viết như sau về hình ảnh sông cạn rất thơ mộng này mà chúng ta nhiều khi ít quan tâm khi ngang qua trong nhịp đời hối hả mỗi ngày :

“… Tiếng nói của thơ là dòng nước tuôn chảy bất tận, dù lòng sông có cạn khô chang nữa thì hồn sông vẫn chảy mãi trên cao… Sông đang chảy trên cây và trong cây lá, và sự lắng nghe ở đây đã nhập lưu(sơ ư văn trung/nhập lưu vong sở) , không phải chúng ta lắng nghe dòng sông m,à chính dòng sông đã chảy vào trong thi nhân, lòng sông khô cạn ở dưới đã nhập vào con sông chảy trên cây;lòng sông khô cạn nửa đầy những chiếc lá thả hồn rào rạt với sông lá trên cao( Hồ Dzếnh:” có một nghìn cây rũ rượi buồn/ Một nghìn sông rét vạn hoàng hôn. Vũ hoàng Chương “ Đáy sông bừng dựng Lầu Thơ? Giấc mơ Hồ Điệp chẳng mơ cũng thành”… Tại sao phải làm thơ ? Tại sao phải lắng nghe một lần như chưa từng biết nghe trọn đời? Tại sao phải nhìn thấy được một lần duy nhất như chưa từng biết thấy bao giờ ? Thi nhân đã một lần nhìn thấy; còn chúng ta thì hãy lắng nghe một dòng sông chảy bất tận trong rặng cây rào rạt chiều hôm nay… “








Thị Anh
Phạm Công Thiện là một khuôn dáng văn chương rất có ảnh hưởng với những lớp sinh viên học sinh ở miền Nam của thập niên 70,80. Thời gian ấy, những cuốn sách như “Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học”, “ Hố Thẳm của Tư Tưởng “, “ Ngày Sanh của Rắn “,… là những cuốn sách cầm tay của giới trẻ. Từ tác phẩm của ông, mở ra nhiều những cánh cửa. Trước hết , ông là một người sáng tạo nhiều suy tư về cái Mới , về những ngã đường có thể khá lạ lùng đến khi kỳ dị nhưng hấp dẫn. Văn học sẽ phải có những thay đổi , nhất là trong hoàn cảnh một đất nước chiến tranh như Việt nam. Ngay cả khi làm thơ, thi sĩ như người của hành tinh lạ lạc đến , với ngôn từ khá lạ lùng như đoạn VI của tập “ Ngày Sanh của Rắn”

“ tôi chấp chới

đắng giọng

giữa tháng ngày mơ mộng

nốt ruồi của hương

hay nốt ruồi của rigvéda

tôi mửa máu đen

trên nửa đêm paris

tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng

tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người

cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ

mặt trời có thai!

Mặt trời có thai!

Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt “

Nếu bảo giải thích từng câu từng chữ thì có lẽ chính cả tác giả cũng lúng túng. Thơ là những hình ảnh rải rác, thoạt tưởng không liên quan với nhau nhưng trong trình tự cảm nhận lại có một ý nghỉa nào len vào bất chợt những liên tưởng . Có người cho rằng những từ ngữ như thủ dâm thương đế, giao cấu mặt trời, mặt trời có thai,,, tạo ra cảm giác tức thì với hình tượng có hơi dung tục ấy. Đó là một cảm nhận . Nhưng, ngay ở thời điểm bây giờ, đọc lại câu thơ, chúng ta vẫn có thể bắt gặp được nét khai phá một cách rõ ràng. Thơ là một cái gì , khác thường lắm, có lúc rất gần cận cuộc sống mà có lúc lại xa nghìn trùng…

Tôi nhớ có lần nhà thơ Phạm Công Thiện nói chuyện với tôi về kinh nghiệm đọc thơ của ông. Lúc ấy, đêm đã khuya và ông có ngôn ngữ của một Lưu Linh đang trong cơn đồng thiếp. Ông đọc thơ Pháp , thơ Anh , thơ La tinh , thơ Việt Nam tiền chiến và hiện đại.Đọc xong rồi bình, hình như văn chương đã lôi ông vào một cơn mộng.

Nói về kinh nghiệm để có thể tiếp cận với thơ ông đọc một bài thơ thật nhiều lần và sau mỗi lần đọc như thế đều tìm ra những cảm nhận khác nhau. Cảm nhận ấy bắt nguồn từ giây phút rất thiêng liêng để con người bắt gặp được những sáng ngời lộng lẫy . Sự kiện ấy James Joyce đã gọi là “ a sudden spiritual manifestation” ( biểu hiện tâm linh bất ngờ) hay “ epiphany”( sự linh hiện ). Tương tự , như Xuân Diệu : “ phất phơ hồn của bông hường/trong hơi phiêu bạc còn vương máu hồng/ nghe chừng gió thoáng qua song.. “ đó , chính là hồn của thơ, của những giây phút linh hiện mà chỉ có những người tài tử cảm nhận được.

Ở Phạm công Thiện,cái chất thơ đã thành nét đặc thù tinh tế cho văn chương ông. Viết khảo luận, ông mang cái kiến thức rộng lớn tích tụ từ sách vở cùng với hồn thơ để thành những bước đi lãng mạn vượt qua những khô khan câu thúc. Là một triết gia, cái nhận thức để thành những trang giấy cũng có chút thi ca bồng bềnh vào để thành một triết gia thi sĩ. Cái chất lãng tử trong văn chương là một nét thấy rõ. Phạm Công Thiện viết :

“… tất cả đời sống văn xuôi tẻ nhạt, những công thức , những danh vọng, những khuôn mòn lối cũ, những địa vị xã hội , những mẫu mực khuôn xếp đã thụt lùi ra đằng sau, chỉ còn lại nước chảy của dòng sông và mây chiều của đại dương: mây ở trên cao trôi dưới dòng nước rong rêu của khe biển nho . Thi nhân từ bỏ tất cả lại đằng sau lưng và bước tới trước băng qua cây cầu gỗ mong manh…”

Viết về thơ Seamus Heaney , nhưng trong dòng chữ có cảm khái riêng của một người mà thi ca đã thành máu xương da thịt cho đời sống. Viết những cuốn sách triết học giữa hồn thơ lai láng, cũng giống như viết những trang tùy bút mà chữ nghĩa đã thành những trân trọng nâng niu nhất. cầm cây bút trong trạng thái tuy phong trần từng trải nhưng vẫn còn sót nét ngây thơ của một người tin tưởng vào những điều nghĩ rằng cần phải tìm kiếm được bằng suy tưởng. Với đời thường , ông sống như lạc lõng bất kể . Nhưng với văn chương , ông là người tinh tế và có can đảm rủ bỏ tất cả để đi lại những bước khởi đầu.

Nhà thơ NguyênSa đã có bài thơ vẽ lại chân dung của một nhà thơ tiêu biểu cho một phong cách sống đặc biệt của một người cũng đặc biệt trong một thời kỳ văn học mà sự khao khát những phương trời mới những vóc dáng mới đã thành động lực mạnh mẽ cho sáng tạo. Bài thơ “ Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện:

“ Người vào tịnh thất sống ba năm

cất tiếng không lời để nói năng

buổi sáng thinh không chiều tới chậm

tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm

Ta muốn cùng người một tối nay

Đầu sông uống rượu cuối sông say

Người từ trên núi ta từ biển

Từ giấc mơ nào đã tới đây

Dưới bóng tường im , giữa nhạc không

Đời như phía trước bỗng mông lung

Thơ như hữu thể mà vô thể

Có cũng xong mà không cũng xong

Sáng dậy ta nhìn tục lụy ta

Những đi không tới đến không ngờ

Xóa luôn thì dứt nhưng tâm thức

Kinh Pháp Hoa nào dậy cách xa?

Trong chín ngàn âm có hải triều

Còn thêm một kiếp nữa phiêu lưu

Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh

Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu…”

Nhưng không phải tất cả thơ ông chỉ chuyên chở ý tưởng. Mà , còn chuyên chở cảm giác nữa . Thơ để mang tới những giây phút linh hiện , để người đọc thơ và làm thơ một giây phút tình cờ nào đó gặp nhau trong giao thoa cảm xúc. Có một bài thơ trong tập thơ mỏng về số trang nhưng dầy về ý tưởng , Ngày sanh của rắn, VIII, có những hình ảnh nối liền nhau để thành một chuỗi sinh động liên tưởng luôn biến dịch.Gió , như một cuộc hành trình đi qua đồi tây , đồi đông , đi qua những chặng thời gian tưởng ngắn như một sát na nhưng dài vô tận. Thế mà , trong cái lãng đãng tâm thức ấy, ngôn ngữ nhẹ nhàng như một hồi tưởng để níu kéo cảm nhận của người đọc trong một cảnh giới mơ hồ :

“ Mười năm qua gió thổi đồi tây

tôi long đong theo bóng chim gầy

một sớm em về ru giấc ngủ

bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông

Hiu hắt quê hương bến cỏ bồng

Trong mơ em vẫn còn bên cửa

Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông

Mưa hạ ly hương nước ngược dòng

Tôi đau trong tiếng gà xơ xác

Một sớm bông hồng nở cửa đông”

Với suy nghĩ của tôi , Phạm công Thiện là một thi sĩ nghệ sĩ. Klhông phải là cung cách một phù thủy chữ nghĩa hoa tay bùa chú vào hư vô để thành một văn phong khúc mắc khó hiểu . Mà, là một người ôm tất cả những rộng khắp vào lòng và đi vòng quanh để tìm chân lý. Cái tâm thức vốn tịch lặng của một người thâm cứu Phật Giáo pha trộn vào ý thức muốn nổi loạn phá bỏ cung cách cũ khiến văn chương trở thành một hành trình của một người luôn xông tới đằng trước và không dừng lại. Trong đời sống , phong cách du tử , làm những điều mình thích khiến ông thành một người luôn thấy đêm ngày là hoang vu ..

Trần Tuấn Kiệt trong một bài viết trong “ Tác Giả Tác Phẩm “,xuất bản cách nay gần bốn chục năm, cũng nói về chân dung người thi sĩ rất mực nghệ sĩ này:

“ Sinh ngày 1-6-1941 tại Mỹ Tho. Trong gia đình, Thiện là người anh cả “ Ngưới anh không giúp ích gì được cho gi ađình nhìn thấy mọi người cha mẹ em út đang lâm vào cảnh sa sút túng bấn. Mà mình thì lận đận lao đao chẳng giúp ích được gì.”

Đó cũng là một lý do, khiến có lúc Thiện bỏ đi tu ngoài Nha Trang. Thiện đã có lần cùng chúng tôi đem bán từng va ly “ Anh Ngữ Tinh Aâm” của anh soạn để lấy tiền ăn bánh mì trong những lúc đói rách nhất. Mặc dầu lúc đó báo Phổ thông và Dân ta của Nguyễn Vy bán chạy, lương của Thiện trên mười lăm ngàn( bằng khoảng 150 ngàn đồng bây giờ mỗi tháng) tiền lãnh ra, thiện đem uống rượu say rồi gọi tất cả đám trẻ nít đánh giày lại, các bọn bán báo nghèo đói phân phát tất cả cho chúng trong một khắc đã hết sạch. Qua ngày hôm sau, kiếm lại vài chục uống cà phê là sự thường…”

Có người cho ông là thần đồng , soạn “ Anh Ngữ Tinh Aâm “ lúc 16 tuổi. Có người cho ông là một triết gia , tư tưởng gia luôn luôn vật vã với suy tư . Có người cho ông có hiểu biết rộng thông hiểu nhiều ngoại ngữ. Có người cho ông là một người đọc sách chuyên cần với óc thông minh và nhớ lâu không quên. Cũng như có người gọi ông là lãng tử , là một người thích gì làm nấy và luôn miệt mài trên con đường độc hành tìm kiếm những điều bất khả trong cuiộc sống…

Với tôi , ông là một thi sĩ và là người viết về thi ca mà tôi yêu thích. Dù , ông “ đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” để tìm “ ý thức mới trong văn nghệ và triết học “ qua “ hố thẳm của tư tưởng “ để “ im lặng hố thẳm “ và, cứ thế hành trình./.
Thị Anh
:::Việt Lang:::
Tản Mạn Về Phạm Công Thiện


Mặt trời là gì ?
“Pain is truth; all else is subject to doubt "
Ðau khổ là chân lý. Tất cả mọi cái khác đều đáng hoài nghi
John Maxwell Coetzee - Nobel Văn chương 2003

Văn của Phạm Công Thiện (PCT) dễ làm người ta thích khi đọc, dù đôi khi chúng có vẻ khó hiểu một cách buồn cười. Bởi thực ra cũng không nên làm khó chính mình và người khác đến nỗi như vậy... Chẳng bao giờ nghe PCT nhận mình là một triết gia dù đã có hơn một người xem PCT là một triết gia. Trước 1975 đã có một thế hệ ngồi hàng giờ trong các tiệm cafe nghe nhạc Trịnh công Sơn da vàng, bàn say sưa về Krisnamurti, Tagore, Karl Marx... và PCT. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, làn gió hiện sinh từ Âu châu lồng lên trong trái tim những người trẻ miền Nam mà một trong những người đem đến là PCT. Tự do cá nhân trở thành một giá trị sừng sững trong lòng xã hội, dẫu ở một góc độ khác lại là một giá trị rất ư xa xỉ phẩm. Quách Tấn là một người nổi tiếng kiệm lời khen, trong giới trẻ cầm bút trước 1975 ngoài Nguyễn Mộng Giác, người thứ hai được Quách Tấn khen là PCT (1).

Ðúng như Nguyễn Hưng Quốc nhận xét, PCT viết văn chương thường ở dạng tùy bút (2). Khiến người đọc có vẻ biết thêm rất nhiều, song cuối cùng thì chẳng biết thêm một tý gì cả. Bởi mọi thứ quá tản mạn, rời rạc; và lãng đãng cách chuyên nghiệp. Dễ chừng khi đọc văn của PCT, người ta ngỡ là đang đối diện với một triết nhân... rồi hồ hởi thưởng thức tác phẩm của một triết gia vì bị cuốn hút bởi giọng văn đượm triết lý của Phạm tiên sinh.
Văn PCT ngày nay không còn vẻ của một triết gia hoặc giả, không chừng triết gia PCT đã chết, chỉ còn lại cư sĩ PCT. Ðiều đó người đọc có thể dễ nhận ra qua một loạt các bài viết về Phật giáo của PCT, có những bài viết không còn viết để mà viết mà còn là để giảng... (3). Vẻ điệu đàng giống một triết gia Tây phương hôm qua đã hết, mặc dù hôm nay xem PCT là một cư sĩ Phật giáo cũng có thể là một ngộ nhận. Trong những bài viết đó, có cả những điều phải cần đến niềm tin, mặc dù “Tin hay không tin, điều ấy chỉ quan trọng đối với người đọc”. Chẳng hạn như “Tất cả sức mạnh tâm thức của Phật Giáo (...) đã lắng đọng lại u trầm trong những kẽ đá của vùng núi cấm Thất Sơn Việt Nam”. Nhưng liệu “Hiện nay, còn những bí ẩn siêu việt nào vẫn còn trên tuyệt đảnh Thất Sơn ở Việt Nam ?” (4), và lần này là câu hỏi của một người đọc - kẻ cần những lập luận trước khi biết tới một niềm tin.
Ðọc Những bước chân... người ta sẽ nghe một giọng mô phạm của một đạo sĩ khá dễ thương từ Tà Lơn vừa xuống núi, một đạo sĩ biết dùng computer và núi Tà Lơn thì đang nằm đâu đó ở Monterey Park, California.

Ta hãy nắm tay nhau đi tìm chân lý nào! Ơ, mà... mà chân lý ở đâu vậy, có đủ cho tôi tiện thể nhón tay thêm một ít về cho cô bồ ở nhà không? Và quan trọng hơn nữa, có cái chân lý nào dùng chung cho anh đạp xích lô nhà ở trời Nam lẫn ngài bộ trưởng ngụ đất Bắc? Cho cậu hạ sĩ huýt còi giữ trật tự giao thông bên đường bụi bặm với nàng kiều nữ thơm như múi mít ngồi trong xe hơi kia?
Khó tin có một mặt trời trong tim người, bởi dễ chừng sẽ có khoảng vài triệu/tỷ mặt trời - tôi sẽ chết mất vì trái đất sẽ là một hỏa-ngục-mặt-trời. Bóng tối thì dễ chịu hơn, đã tối rồi thì cũng chẳng có ai sẽ chết vì tối thêm một chút nữa đâu.
“Bóng tối cũng là máu của mặt trời. Mặt trời thiếu máu mặt trời sẽ nổ banh xác như con chuột cống bị xe cán giữa đường phố Saigon” (5)
Bóng tối suy tư trong im lặng, đạo sĩ núi Tà Lơn PCT đã im lặng với Những bước chân... (6) ... sau nhiều tháng ngày lang thang cùng ‘tâm thức viễn ly’ (chữ PCT dùng).
Và mặt trời thì không bao giờ có thật, cũng như đại dương vậy. "đại dương có phải là một thực tại ? Không, đại dương là một giấc mộng" (7). Lần này thì người phát biểu không phải là PCT, ông ta chỉ nhắc lại lời phát biểu của Gottfried Benn, một thi sĩ Ðức. PCT là một con bướm đa sắc bay ngang qua đại dương ý tưởng. Thời gian của bướm thì không dài như mặt trời, song thanh thản và tự do hơn. Ngày trước trong văn chương của PCT có Nieztche, có Faulkner, có Camus và Sartre...; sau này có Phật, có tiếng Phạn Mật tông... người đọc sẽ luôn nhớ những thấp thoáng đâu đó là một bản sắc thuần túy Việt. Con đường khẳng định bản sắc Việt diễn ra như một cuộc rong chơi, cuộc rong chơi của một kẻ ăn mày chân lý/đạo sĩ núi Tà Lơn. Trên hành trình tư tưởng, văn chương PCT đi từ nơi chỉ tao ngộ cùng hiện thực đã dần đến chỗ sống trong hiện thực. Những suy nghĩ của con người không hẳn chỉ là một hố thẳm.

Và bài viết này cũng nên kết thúc ở đây trong thế giới độc thoại của nó, bởi hình như giữa đời cũng có những nỗi đau khổ không thật ./.

Ghi chú:
(*1) http://www.lebichson.net
(*2) http://www.tienve.org
(*3) www.quangduc.com, www.vienthongtemple.org, www.buddhismtoday.com
Trong phạm vi bài này tôi không đi sâu vào nội dung các bài viết về Phật học của PCT, vấn đề này sẽ đưa ra trong một dịp thuận tiện nào đó. Có điều chắc chắn là, những quan điểm về Phật giáo của PCT không giống một người cùng thời là Nhất Hạnh, tất nhiên chuyện này hoàn toàn không dính dấp đến việc Nhất Hạnh là một tu sĩ, còn PCT hiện là cư sĩ. Mặc dù trước khi dạy học ở Vạn Hạnh, vào đầu năm 1964, PCT từng thí phát quy y với Hòa thượng Trí Thủ tại chùa Hải Ðức (Nha Trang), được đặt pháp danh là Nguyên Tánh.
(*4) Trong phần IV của Những bước chân
(*5) Ánh sáng - PCT, www.vienthongtemple.org/vt-27-08-anhsang.htm
(*6) Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng, PCT viết xong tháng 07/1994.
(*7) Con bướm băng qua đại dương - PCT, http://www.thuvienhoasen.org/conbuomdaiduong.htm

Việt Lang, tháng 02/2004


Người gửi: Phượng Các
Người đăng: Sài Gòn
Thị Anh
Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.

Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ.

Đã đành trong giọng văn của hầu hết các nhà văn của Việt Nam đều ít nhiều có chất thơ, tuy nhiên, có lẽ, ít ở đâu mà chất thơ lại đậm đặc như là trong văn xuôi của Phạm Công Thiện. Có điều, Phạm Công Thiện làm thơ không nhiều. Đến nay, ông chỉ có một tập thơ duy nhất được xuất bản: Ngày sinh của rắn, trước, do Hoa Nắng in tại Paris, sau, An Tiêm in lại tại Sài Gòn năm 1966 và, Trần Thi in lại tại California năm 1988. Ở lần in nào, tập thơ ấy cũng đều mỏng manh, chỉ có 12 bài, phần nhiều là ngắn và tự do. Nói chung, bài nào cũng có nét riêng, có thể nói là khá hay, đặc biệt là một bài thơ hai câu có sức ngân rất sâu:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
Tuy nhiên, đó không phải là những cái hay lớn đủ để biến Phạm Công Thiện thành một nhà thơ có tầm vóc nổi bật so với những nhà thơ cùng thời. Tôi thích hơn, ở Phạm Công Thiện, là những bài thơ ông hoàn thành sau này, chủ yếu là sau năm 1975. Chúng không nhiều, về số lượng, và cũng không đều, về chất lượng, nhưng trong đó, có hai bài rất hay, theo tôi, xứng đáng được xếp ngang hàng với những bài thơ hay nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại: 'Trường giang Mỹ tho' và 'Thơ cho khoảng trống'. Cả hai bài đều đẹp, trong ngôn ngữ và mới mẻ, trong kỹ thuật.

Làm thơ ít, hồn thơ của Phạm Công Thiện tràn vào cõi văn xuôi của ông. Biện pháp tu từ được ông sử dụng nhiều nhất trong văn xuôi là ẩn dụ. Mặt trời không bao giờ có thực là một ẩn dụ. Bay đi những cơn mưa phùn là một ẩn dụ. Trùng trùng ẩn dụ trong từng trang viết của Phạm Công Thiện. Điều đó làm cho hầu hết các bài viết văn xuôi của Phạm Công Thiện đều trở thành những bài tuỳ bút. Tôi nghĩ, rất nhiều tác phẩm triết lý của Phạm Công Thiện sẽ trở thành dễ hiểu và tuyệt vời vô cùng nếu chúng được đọc như những bài tuỳ bút. Ví dụ tập Bay đi những cơn mưa phùn trong đó có bài ‘Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo’ cứ làm cho tôi, khi đọc lại - gần đây- thấy ngẩn ngơ thật lâu. Giọng văn của ông thật phóng khoáng, thật độc đáo và thật đẹp. Từ bài văn ấy, đọc lại các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, tôi phát hiện ra một điều khá bất ngờ, hình như chưa ai nói đến: không chừng Phạm Công Thiện là một trong những nhà tuỳ bút xuất sắc của Việt Nam.

“Thiền học và Thiền tông là gì?"

Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là những câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu trắng băng qua đại dương.”

Đoạn văn trên, tôi tình cờ nhặt được ở trang cuối cùng của quyển Bay đi những cơn mưa phùn. Câu thần chú chữ Phạn. Cánh bướm trắng bay qua đại dương. Rồi đây, có lẽ sẽ có người có thẩm quyền hơn tôi tìm hiểu và đánh giá câu thần chú chữ Phạn ấy. Hôm nay, tôi chỉ muốn dừng lại và giới thiệu Phạm Công Thiện như một cánh bướm bay qua cái cõi đại dương thơ bao la của Việt Nam.

Chú thích: Bài ''Thơ cho khoảng trống' của Phạm Công Thiện tương đối dễ tìm: nó được đăng trên tạp chí Hợp Lưu gần đây (số 21, ra tháng 2.1995), sau đó được in lại trong tuyển tập 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại do Đại Nam xuất bản vào cuối năm 1995. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ xin in lại bài 'Trường giang Mỹ Tho', vốn thoạt đầu, được đăng trên tạp chí Quê Mẹ tại Paris.

PHẠM CÔNG THIỆN

Trường giang Mỹ Tho

(Tặng Bùi Ngọc Đường ở Thái Lan)

1

Thôi nôi con trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi mỗi trường an
con diều hâu chạy bắt con chim
con chim lòn qua kẽ núi
lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn
nước trường giang mẹ ru chim ngủ
con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa
Cha con già trường sơn con ơi
trường giang đi chảy mãi nửa đời
trường sơn già ngồi đứng hứng mưa
mưa đi từ dưới chân đỏ bồ câu thượng thuỷ tây hồ
con lớn khôn rồi quên đất quên sông
con sông nào Cửu Long chảy từ thượng tứ
Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ bồng con đóng cửa
Lính Tây dương đang say rượu giao thừa
Bông cúc vàng đầy sân ướt máu
Ba con già con trẻ đi xa
Súng nổ trên mái lầu
Nhà cháy bên hông
Mấy dì con chơi tứ sắc
Con còn nhỏ quá con ơi.
2

Thôi nôi thằng trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nỗi lang thang
Con chim trĩ xưa đỏ nuôi cá lia thia
Cá phượng mái đẻ ra một bầy trứng
Và rong rêu xanh kì lạ ao hồ
Trốn học bị cha còng cẳng
Bầu cua cá cọp mỗi năm buồn
Càng lớn lên càng thấy Tết bơ vơ
Bông mai nở trên đầu cây chợ vắng
Dưa hấu làng hiu hắt nắng ba mươi
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ tôi bồng con chạy trốn
Giặc Lê dương đang say rượu
Thằng bé con có biết gì đâu
Chim bay nhiều chiều nay Toulouse
Tôi uống từng chùm nho đỏ
Còng cẳng tôi trên thượng tuý thu hồ
Người dượng bị Tây bắn
Xác nơi đâu hai con nhỏ bơ vơ
Bà ngoại đi tìm thây chẳng thấy
Mười năm sau tôi bị còng cẳng ngục tù
Mẹ tôi đến thăm
đem theo một gà mên cơm nóng
Mẹ tôi khóc
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Đừng như dượng con ơi
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Tôi đúng rồi trường giang mọi rợ
Mẹ hãy về đi và hãy bỏ con đi
Mẹ tôi khóc
Đừng như dượng con ơi
Yêu nước làm gì để hai con nhỏ bơ vơ
Tôi nhìn trường giang chảy
Mẹ hãy về đi
người công an già gác cổng
Cậu rất lạ kì
Sau này cậu có làm lớn
Hãy nhớ đến tôi
Tôi nhìn trường giang chảy
Tôi chỉ muốn làm con chó
Chạy giỡn mưa trường giang sa
3

Rồi từ ấy trường giang lại càng mọi rợ
khi chảy khi bay
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu
Vẫn nhớ những buổi hát bội quê nhà
Kèn trống cải lương đứa con nít ngó cô đào trang điểm
từng dưới hầm nhà hát Mỹ Tho
Cô đào chửi đụ má
Đứa con nít đéo hiểu gì hết
Mà chỉ nhớ tô hủ tiếu phổi bò
Nó bắt gặp một sáng khi cô đào chổng cẳng ăn gãi ngứa
Tấn tuồng sao quá lạ
Tôi không hiểu
Nhưng sao mà quá đỏ nóng
như một triệu côn trùng loé sáng
Tôi bắt mỗi đêm
trong bao diêm
Cho tôi những tràng dưa hấu
quá đỏ
quá đỏ
những ngày trước Tết
Biển Nha Trang trời sinh các hạ
Đọc thơ Ba Tiêu cho Quách Tấn nghe
Cây mận đẻ hoa thằng Mỹ Tho nằm võng
Từ ô y hạng Quách Tấn tỉa thơ
Ta đéo biết gì hết
Đạp xe đạp ngồi ra bãi biển
ngó cái gì chỉ thấy mây bay
Trường giang chảy đại dương bại trận
Quách Tấn buồn bông cúc đơm hoa
4

Thôi rồi thôi trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nắng chiều Ban Mê Thuột
Hoàng Kiều ơi em đã đi xa
Buồn xóm cũ chiều xưa chưa tỉnh dậy
Buon Brieng và Bon Sar Par
Kontum và Pleiku chiều nay cỏ mọc
Bu Prang và Ban Don ở nơi đâu
Tìm thượng tứ té ra hạ thế
Gió chiều nay Toulouse máu đỏ
Hai đứa con bây giờ ở nơi đâu?
Dượng của anh bị lê dương bắn chết
Người con gái nằm trôi thây trên bãi lạ
Chiều nay
Chim bay quá nhiều
Chuyện đời xưa không còn nữa
Như Mãn đã chết
Treo thây trên hàng rào
Hoàng Kiều ơi đâu nữa là Thu Uyên
Em còn quá nhỏ
Rừng xưa chim lặng tiếng
Hãy đóng cửa
Long Khánh
Hãy đóng cửa
Con trâu vừa bị chém
Trường giang ta sẽ ru em ngủ
Máu đêm xưa thương em từng trận mưa rào
Bồ câu buồn gáy lại năm xưa
Mái chùa cũ Đà Lạt chiều tận thế.
(16.7.1980)
HNTuan.
Dân làng Ven
Phạm Công Thiện




Sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho. Xuất ngoại từ 1970. Hiện định cư tại Hoa Kỳ

Tác phẩm đã xuất bản :

Tiểu Luận Về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền Tông (1964)
Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học (1965)
Ngày Sinh Nhật Của Rắn (1967)
Trời Tháng Tư (1966)
Im Lặng Hố Thẵm (1967)
Hố Thẵm Của Tư Tưởng (1967)
Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967)
Bay Ði Những cơn Mưa Phùn (1970)
Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988)
Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong
Tư Tưởng Phật Giáo (1994)
Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995)
Làm Thế Nào Ðể Trở Thành Một Bậc Bồ Tát
Sáng Rực Khắp Bốn Phương Trời (1998)
Tinh Tuý Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998)
Trên Tất Cả Ðỉnh Cao Là Im Lặng
Một Ðêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử
Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì ?
Ðối Mặt Với 1000 Năm Cô Ðơn của Nietzche
Thị Anh
Gío Thổi Đồi Tây Hay Đồi Đông





Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Mưa hạ ly hương nuớc ngược giòng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Muời năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một thoáng em về trong giấc ngủ
Mây trời bay trắng cả rừng cây !
Thị Anh
Tết Xưa


lơ lửng bông mồng gà
chiều ba mươi tết ta
tôi ôm gà tre nhỏ
chạy trốn tuổi thơ qua
Thị Anh
Ca sĩ




Cô đơn về trắng sương rừng
Anh nghe tiếng hát hoang đường của đêm
Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa run lặng lẽ trên thềm bơ vơ
Tiếng em vàng xuống đôi bờ
Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu
Tay gầy ôm chặt tình yêu
Anh về phố gục những chiều hư vô
Đời đi trên những nấm mồ
Đau thương em hát cơ hồ khăn tang
Phố chiều tôi bước lang thang
Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh
Nửa đêm khói đốt đời anh
Yêu em câm lặng như cành thu đông
Đời em như một dòng sông
Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên
Mưa chiều nước chảy triền miên
Một con chim dại lạc miền hoang lương
Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa .


Tương Như
Ngày sinh của Rắn- Phạm Công Thiện



I
tôi đi Đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi


tôi đi
dưới kia sụp đổ
Núi Cấm nổ tôi ra
Cửu Long ca từ Tây Tạng

tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển


II
tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
nước chảy lên vùng phố tịch liêu
tôi nhớ một lần cây quế mọc
tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều


III
mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông


IV
trời mưa Nữu Ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen
anh uống mỗi đêm
tại Greenwich Village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở Việt Nam
bây giờ anh xa hương đến
mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế
vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ quế hương
tóc anh mọc dài
che chở hương
lúc mưa rơi
lúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê Ý Đại Lợi
trên chiến tranh
của quê hương
của quế hương
còn anh


V
rạng đông tôi xin thề
thức dậy ba giờ sáng
đợi kinh đào chảy ngược
cửa nhỏ đóng kín
những chiếc cầu tuổi dại
mười sáu năm tôi thức trong đời
mười sáu con kinh đào
không bao giờ chảy ngược
đứng ngang cầu Pont-Neuf
nhìn sông Seine tôi thấy Cửu Long
Paris đuổi mất mây mộng hoang đường
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương
tôi trốn giặc đời
tắm trong hồn hương
trái đu đủ
trong khu vườn xưa
con rắn nhỏ


VI
tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của Rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm Paris


VII
tôi nuốt nọc đen giữa
đường Guillaume Apollinaire
từ xóm Saint-Germaindes-Prés
mọc lên giáo đường hang động
cà phê biến hồn đầu thai
hoá thành một triệu con ma đen
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi
tôi mặc đồ xanh
và mang đồng hồ da đen
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại
tôi gọi hương và tôi chết giấc
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm
máu đổ mưa đen
ồ cây mồng tơi
của thời trẻ dại
tôi gọi thầm
rắn cuộn tròn
tương lai


VIII
mười năm qua gió thổi đồi Tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi Tây hay đồi Đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi Thu qua đồi thông
mưa Hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa Đông


IX
rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành Thu Đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vòng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn Hè xưa


X
mùa Xuân bay thành khói
tôi ca hát một mình
suốt đời không biết nói
nước chảy tràn con kinh
quá khứ bay lên trời
biến thành cánh chim non
tôi quì hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
hư không đổ ra khơi
kỷ niệm trôi qua cầu
bãi chiều chưa người tới
tình nhỏ quên từ lâu
Xuân bay trắng núi đồi
tôi nằm ngủ mơ chim
bỗng hét lên trong tối
ngồi thức dậy bảy đêm
trời cuối năm gác trọ
đèn tắt suốt đêm dài
con chim mười năm nhỏ
bay về đậu nơi đây
hơi thở giết thời gian
bướm nằm chết thang lầu
tiếng chim ru ngày tháng
máu chảy về sông sâu
suốt đời không biết nói
tôi ngồi thức một mình
đốt thuốc lên nhìn khói
đêm rạng niềm hư linh


XI
tôi lái ô tô buýt
giữa thành phố New York
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt
đi trên những con đường không
người những con đường chim chết
những con đường của mỗi ngày
từ Riverside drive đến Broadway
đến Đại Lộ Thứ Năm
đến Washington Square
Công Trường Nghệ Sĩ tóc bay hương hát
từ Greenwich Village tôi đi về Chinatown
mười lăm xu mỗi chuyến
xa hay gần hay mau hay chậm
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những
con đường quen thuộc
không mây
mùa lá hay mùa kèn nửa đêm
dong buồm thổi đến Honolulu lặng gió
xa Việt Nam Đà Lạt và cà phê Tùng cuối năm
tôi cúi đầu trong hầm cà phê Figaro Nữu Ước
chuyến ô tô buýt của đời tôi vẫn chạy hoài
trên những con đường Mỹ Châu trống rỗng
chuyến xe không về Harlem đói lửa
vì Mỹ Châu trống rỗng
trên chuyến ô tô buýt chiều nay tóc bay
hương khóc
tôi vẫn lái chuyến xe này đi về đêm tối
đêm tối Nữu Ước là đêm tối nhà xác
tôi đốt đèn cầy để nhìn xác tôi giữa
nhà mồ Mỹ Châu lạnh lẽo mưa đen
đêm qua tôi thấy máu đổ trong hầm xe điện Irt
giữa con đường 42nd hay Times Square
tôi thấy Việt Nam ngang tàng cho mặt trời
vẫn mọc trên rắn lửa
trên mái ô tô buýt chiều Thu


XII
buổi chiều mưa đụng tim
mưa đụng máu
đèn đường đổ xuống nước xanh
xin hét lên rừng U Minh đầu Đông
tử hình trong ngục
nhốt vào trong ngục
suốt đời trong ngục
khói vóc lửa núi
nhóm nước đầu Thu
xin đừng nói
lá chuối
lá me non
xanh nhà thương
ngồi trong thành phố
hoa trắng không còn
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ
bông trắng quá nhỏ
buổi chiều ích kỷ
con đường quá dài
những cây trắc bá chùi đầu lên nghĩa địa
một người họa sĩ thất tình
nhân loại đều thất tình
nói đi thật nhiều
khoai tây
lang thang ngược vòng những vũ trụ
anh nói gì
tôi không nghe
xuống phố và lên phố
chạy hun hút qua hai nghĩa địa
cây trắc bá
chôn vùi con chó nhà ga

Nguồn: Đặc Trưng - www.dactrung.net
TươngGiang
điều gì đã khiến hôm nay LA nhớ tới Phạm của em? wub.gif
Pages: [1], 2, 3, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.