Langven.com Forum

Full Version: Hồi Ký Của Các Cựu Chiến Binh Liên Xô
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [1], 2, 3, 4, [>], [>>]
SyncMaster
Xin giới thiệu với các bạn những hồi ký của các cựu chiến binh Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc chống Phát xít Đức.

Các bài viết do một người bạn là bác Dangoc từ Box Kỹ thuật quân sự bên Thành thị cung cấp, hiện còn một số bản tiếng Anh cần dịch, nếu bác nào có thời gian có thể dịch những hồi ký này thì mời các bác ra tay nghĩa hiệp cheers.gif
SyncMaster
Phần I - Aleksandr Alekseevich Goncharov (17.12.1918 - 14.12.2000)

Lý lịch quân sự trích đoạn :

10.1938-9.1939 : Trung đoàn lựu pháo 330 - Học viên
9.1939-7.1941* : Trung đoàn lựu pháo 330 - Trung đội phó trung đội hiệu chỉnh
7.1941*-10.1941 : Lữ đoàn chống tăng số 1 - Bộ binh
9.1943-10.1943 : Trung đoàn bộ binh 188 - Bộ binh
10.1943-5.1945 : Trung đoàn xe tải số 12 - Trung đội trưởng trung đội huấn luyện
5.1945-6.1946 : Trung đoàn xe tải số 15 - Hạ sĩ nhất đại đội xe tải

* Hồ sơ quân đội ghi tháng 6-1941, nhưng theo tư liệu phát hành năm 1964, phù hợp với hồi ức của A. A. Goncharov là vào tháng 6 đơn vị của ông được trang bị lựu pháo 203mm: hồ sơ quân đội đã có sai sót.

user posted image
Học viên Aleksandr Goncharov, vùng Zhitomir. 1939.


Uỷ ban quân sự Dzerzhinski thành phố Baku triệu tập tôi vào Hồng quân vào tháng 10-1938. Ban đầu tôi được bố trí làm học viên trường Pháo binh, và tháng 9-1939 tôi trở thành trung đội phó trung đội hiệu chỉnh (fire direction platoon). Vì nhiệm vụ của trung đội bao gồm cả sửa chữa và điều chỉnh cho pháo bắn, nên đôi khi chúng tôi được gọi là "trung đội trinh sát và hiệu chỉnh". Nhưng thực tế chúng tôi không tham gia trinh sát và không bao giờ tới gần khu giới tuyến (no mand's land). Chúng tôi tìm những vị trí quán sát tốt, ngụy trang cẩn thận và sử dụng thiết bị thông tin hướng dẫn, hiệu chỉnh cho pháo bắn. Đó là những gì người ta dạy chúng tôi ở trường Pháo binh. Thực thà mà nói, việc tính toán cũng tương đối phức tạp, bao gồm những công thức toán học và lượng giác.

Thậm chí trước chiến tranh tôi đã tham gia đóng giữ miền tây Ukraine [Cuộc xâm chiếm miền Đông Ba Lan - James F. Gebhardt]. Một lần tôi được chính trị viên (politruck) [sĩ quan chính trị trong Hồng quân, tương đương thượng uý- V. Potapov] gọi đến để cùng lao động với người dân địa phương. Hình như đã có mệnh lệnh yêu cầu phải quan tâm đến việc tái định cư cho một bộ phận đặc biệt dân chúng ra khỏi khu vực này. Chính trị viên, tôi và nhiều binh lính có lập trường kiên định ("ideologically hardened") được cử đến để thiết lập kiểm soát tại địa phương. Chính trị viên của chúng tôi là một người không hề dễ chịu, học vấn thấp và rất trơ tráo. Tôi không ưa lắm những người cộng sản và luôn giữ một khoảng cách đối với họ. Nhưng bởi tôi được đánh giá tốt nên tôi đã bị động viên ngoài ý muốn. Tôi nhớ lại một lần nhận được thư của anh trai tôi. Không giống tôi, anh ấy là một đoàn viên Komsomol tích cực và là thành viên uỷ ban Komsomol thành phố Baku. Trong thư anh ấy rất sôi nổi và nhiệt thành khuyên bảo, hướng dẫn tôi về sự trong sạch và tinh thần yêu nước. Khi tôi đang ngồi đọc bức thư thì bất ngờ chính trị viên, đứng sau và đã đọc được một vài đoạn, giật lấy lá thư khỏi tay tôi. Tập hợp đơn vị lại, anh ta đọc to lá thư cho tất cả cùng nghe. Đương nhiên là tôi không hề thích chuyện này vì nó là một lá thư riêng.

Về sau tôi có dịp phải xung đột với “cách thức” làm việc của anh ta và (do đó) tôi lại còn không ưa bọn họ hơn trước. Tôi nhớ lại một lần trong một ngôi nhà khi người ta đang trục xuất một người nông dân ba Lan khá giả. Do không biết chuyện gì đang xảy ra bên trong, tôi bước tới căn lều và ngay lập tức thấy chính trị viên, tay vung khẩu súng lục ổ quay Nagant Model-1895, đang chửi rủa và dí nó vào mặt người nông dân, đòi phải nộp vàng và tiền. Tôi lập tức dừng lại, quay đi và rời khỏi nơi đó, quên luôn cả việc chuyển bản báo cáo, lí do mà tôi phải đến đấy.

Tôi cũng nhớ có lần chúng tôi đi hộ tống một nhóm dân chúng phải chuyển đi (để tái định cư). Họ chở theo những tài sản đơn giản trên xe ngựa, đột nhiên một trong những phụ nữ Ba Lan cất tiếng hát. Bài hát bằng tiếng Ba Lan và rất hay, nghe tựa như Anna German [Anna German là một trong những ca sĩ Xôviết nổi tiếng nhất thời kì đó- V. Potapov]. Tôi không biết cô ấy đang hát điều gì, nhưng nó như được cất lên từ đáy lòng, và tôi trông thấy mắt nhiều người Ba Lan rơi lệ.

Tôi phải nếm mùi của thực tế chiến tranh ngay từ những ngày đầu, dưới tư cách là một quân nhân thường trực ở miền Tây Ukraine. Trung đoàn lựu pháo số 330 của chúng tôi đang bố trí ở Zhitomir và đang trong dịp đóng trại mùa hè. Vào đêm 22 tháng Sáu người ta đặt chúng tôi trong tình trạng báo động và nhanh chóng di tản chúng tôi ra khỏi doanh trại khi nó bị oanh tạc. Trinh sát Đức đã làm việc rất tốt, dường như họ có đầy đủ thông tin về vị trí của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã may mắn thu xếp di tản khẩn trương nên hầu như không bị thiệt hại. Chúng tôi được trang bị những khẩu lựu pháo 203mm trên giá đỡ tự hành, được kéo bởi một máy kéo rất khoẻ.

Chiến tranh bắt đầu với chúng tôi như thế đó.
SyncMaster
user posted image
Hạ sĩ nhất A.A.Goncharov, 1943


Trận đánh đầu tiên của chúng tôi diễn ra tương đối sớm ngay khi chiến tranh vừa bắt đầu. Chúng tôi đến một địa điểm đã được cấp trên lựa chọn, khẩn trương bố trí pháo, sau đó phát hiện một đơn vị xe tăng và bộ binh Đức đang hành quân. Chúng tôi bắn tập trung vào đó và làm tiêu tan cả một ngày của quân Đức. Lựu pháo 203mm là một vũ khí đầy uy lực! Đạn pháo của chúng tôi bắn tung những tháp pháo xe tăng, ta thấy rõ ánh mắt đám bộ binh Đức thấp thoáng cùng những tiếng nổ, xác chúng văng xa hàng mét trong không trung. Nhìn chung, trận đánh đầu tiên phần thắng nghiêng về chúng tôi. Nó chứng tỏ sự huấn luyện và chuẩn bị tốt của đơn vị.

Tuy nhiên, quân Đức tiến công rất hiệu quả nhờ những đơn vị cơ giới, chọc thủng những khu vực lớn. Tiếp tế đạn dược và nhiên liệu cho xe kéo của chúng tôi bị cắt đứt, và sau khi dự trữ trong tay đã cạn kiệt, chúng tôi phải nhanh chóng bỏ lại pháo và xe cộ, sau khi đã phá huỷ chúng.

Không quân Đức không hề bị ngăn trở trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Những cuộc không kích của Đức phá huỷ những sân bay mà chúng ta bố trí tập trung gần biên giới, do đó chúng tôi không hề được không quân yểm trợ. Máy bay ném bom của ta có lẽ được bố trí sâu hơn trong hậu phương, vì trong thời kì đầu, tôi thường xuyên thấy máy bay ném bom của ta bay không có tiêm kích hộ tống. Điều đó khiến chúng trở thành những mục tiêu ngon lành cho quân Đức. Những chiếc "Ishachki" [biệt danh của tiêm kích I-16- V. Potapov] của ta, theo tôi, vô dụng trước không quân Đức và cháy bùng như gỗ dán. Thường là chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ và máy bay ném bom của ta bay qua đầu trong đội hình chiến đấu như đang diễu binh, lên tới khoảng 50 chiếc, không hề có tiêm kích yểm trợ. Thường chỉ có 5 tới 7 chiếc quay về. Thật đáng thương và đau sót cho phi công của chúng ta. Nhưng thời kỳ đầu chiến tranh là như thế đó.

Chúng tôi rút lui và quân địch liên tục ném bom. Ban đầu, khi bị không kích, rất nhiều binh lính nấp vào dưới những chiếc xe. Nhưng về sau, sau khi đã chứng kiến những phương tiện và tất cả những ai nấp dưới đó bị tiêu diệt sau những cú oanh tạc chính xác như thế nào, họ đã biết cách chạy xa khỏi chúng. Mọi khe, hố trên mặt đất là những nơi trú ẩn rất tốt. Đôi khi có đến 5-7 binh sĩ nấp chung trong một đoạn hào. Những ai không kịp tìm chỗ trú hoặc đến chậm và phải nằm trên cùng là những người chịu thương vong nhiều nhất.

Có lần trong một cuộc không kích tôi bị mất phương hướng, nhưng rồi phát hiện ra một cái hố và nhảy vào đó. Bên trong đã có 2 hay 3 người đang nấp. Tôi ngã xuống đầu họ và quay người lại nên hướng mặt lên trên. Sau cùng ai đó cũng đã nhảy lên người tôi, mặt úp xuống. Chiếc máy bay ném bom bổ nhào lướt qua chậm đến mức tôi có thể thấy rõ ánh mắt của tên phi công Đức đang ngồi trong buồng lái!

Hoàn toàn có thể đoán được chỗ mà quả bom rơi xuống : nếu anh thấy đuôi của trái bom, điều đó có nghĩa là nó sẽ không rơi trúng anh; nếu anh thấy mũi của quả bom, rồi sau đó là đuôi bom, cũng có nghĩa là nó không rơi trúng anh. Trong trường hợp quả bom là một chấm tròn lớn dần-một cú trời giáng ! Tôi đã không có đủ thời gian phản ứng trước khi có một tiếng nổ inh tai và mặt đất rung chuyển. Sau đó mọi thứ trở nên im ắng và chỉ còn tiếng vo vo trong tai. Người lính nằm trên tôi bị thương. Khi cuộc không kích chấm dứt, mọi người bắt đầu ra khỏi nơi ẩn nấp. Nhưng người lính đó, tôi có thể hiểu qua những từ ngữ và cử chỉ của anh ta, đang đề nghị được băng bó. Anh ta cởi chiếc áo đưa cho tôi. Anh ta quay lưng lại nhưng tôi không biết làm sao để băng bó. Xương vai của anh bị vỡ, và tôi có thể thấy lá phổi giật giật. Tôi nói với anh ta, nhưng không thể nghe nổi giọng nói của chính mình, rằng anh cần một y sĩ và tôi bắt đầu tìm kiếm họ. Người lính vẫn bình tĩnh và nói không có gì đáng sợ. Làm sao anh ta lại không cảm thấy đau đớn ? Có lẽ anh ta vấn đang bị sốc. Mấy phút sau khi bác sĩ đến anh ta đã tái đi và bất tỉnh. Tất nhiên, anh ấy đã bị một vết thương khủng khiếp. Tôi chỉ bị giập nhẹ và khỏi sau đó một hay hai tuần.

Thông thường, chúng tôi thiệt hại nhiều vì không quân địch. Đôi khi máy bay Đức ném xuống cùng với những trái bom là những thùng rỗng được chọc thủng. Âm thanh do chúng phát ra khủng khiếp đến mức mạch máu của chúng tôi như đông cứng lại. Thật là một thứ vũ khí tâm lý đầy uy lực !

Những đơn vị quân Đức liên tục phá vỡ trận tuyến quân ta ở nhiều quân khu. Điều đó gây cho tôi cảm giác về sự lẫn lộn, không có tin tức gì chuẩn xác. Lúc đó quân Đức tiến nhanh hơn các đơn vị quân ta đang phải rút lui, và dễ dàng chọc thủng tuyến phòng ngự. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản cảm giác của tôi. Tôi không có cách nào để xác thực.
SyncMaster
Một lần người ta bố trí tôi ở một ngã ba để hỗ trợ việc điều hành đội hình giao thông ở đó. Họ nói khi tất cả đã qua hết một chiếc xe sẽ quay lại đón tôi. Nửa ngày trôi qua nhanh chóng và những gì đi qua chỗ tôi không phải những đội hình nghiêm chỉnh mà là những toán binh lính đông đúc. Sau cùng con đường trở nên vắng vẻ, và vài người lính trinh sát đến. Họ bảo tôi rút đi vì ngay sau lưng họ là quân Đức. Họ là những người cuối cùng, không còn ai rút qua đây. Tôi trả lời rằng tôi vẫn nhớ là sẽ có một chiếc xe quay lại đón tôi. Họ mau chóng biến khỏi tầm mắt nhưng vẫn không có chiếc xe nào chạy tới đón. Mặt trời đang lặn. Không xa đó là một ngôi làng. Tôi quyết định đến đó xem xét. Có thể có một bộ phận sở chỉ huy ở đó. Tôi hy vọng sẽ hỏi họ xem tôi có thể rút đi chưa. Hoặc tôi có thể nhìn thấy người của ta ở đó và sẽ quay về vị trí. Khi anh biết mình không cô độc, anh sẽ thấy bình tĩnh hơn.

Tôi nghĩ rằng tôi đã chạy tới ngôi làng. Khi đi qua một khu vườn, tôi nhìn về phía trước và thấy cách đó 100m, một tên lính Đức, tay áo xắn lên, lăm lăm khẩu tiểu liên đang tiến lại. Hắn vừa đi vừa nhìn quanh. Tôi vội nằm xuống, đưa đường ngắm vào hắn. Chờ giây lát khi hắn dừng lại, tôi nhẹ nhàng bóp cò. Hắn đổ gục xuống, tay vung lên. Tôi chạy vòng vèo như một con ong khỏi ngôi làng, phóng bừa qua những đám cây cối và bụi rậm !

Chạy khoảng 800m, tôi quay lại ngã ba mà tôi đã đứng cả ngày hôm đó. Tôi thấy cách đó một quãng là chiếc xe đã đến đón tôi trong khi tôi tới ngôi làng. Không tìm thấy tôi, chiếc xe đang quay lại. Tôi đuổi theo nó. Tôi không dám nổ súng, điều đó sẽ làm bọn Đức đang ở quanh đây chú ý. May mắn cho tôi, một người ngồi cuối xe đã nhìn thấy. Họ dừng lại và đón tôi.

Còn những gì mà tôi nhớ trong những tháng đầu tiên của chiến tranh? Rất nhiều xác chết của bộ đội và dân chúng nằm dọc những con đường rút lui... Những cánh đồng lúa bốc cháy... Khói đen hoàn toàn che kín bầu trời, mặt trời chỉ còn thấy được lấp ló. Người ta vẫn thường chiếu cảnh tương tự những phim chiến tranh và có người bảo rằng đó không đúng sự thực. Nhưng tôi xin khẳng định rằng đó chính là những gì đã xảy ra!

Tôi nhớ chuyện trên một cây cầu nhỏ, trong một chiếc xe bị phá huỷ, một người lính gần như bị cắt làm đôi và nửa thân còn sống của anh ta treo trên thành cầu nhờ bộ ruột. Tôi nhớ một người lính biên phòng nằm sấp trên vũng máu tuôn ra từ con ngựa chết gần đó. Qua những bọt khí trên vũng máu tôi có thể nói rằng anh ta còn sống. Tôi lật người anh lại để anh có thể thở dễ hơn. Sau đó bác sĩ có đến giúp anh ta không? Không ai biết.

user posted image
Thị trấn Galats, 1945.


Một lần tôi và người đồng đội suýt bị giết bởi một chiếc xe tăng nhẹ của Đức. Chúng tôi được cử đi trinh sát khu vực đóng quân của Đức. Chúng tôi chạy trốn chiếc xe tăng. Vì lí do nào đó nó đã không nổ súng, có thể vì bị che mắt hoặc do nó muốn dùng xích nghiền nát chúng tôi. Chúng tôi chạy trên cánh đồng một lúc lâu rồi lọt vào một cánh đồng hoa bia. Những chiếc cọc đỡ giàn trông rất giống cọc dây điện thoại. Sợi dây treo trên đó khá to so với dây leo. Chúng tôi đã may mắn vượt qua cánh đồng, và trong khi chiếc xe tăng bị vướng vào những giàn đỡ thì chúng tôi tiếp tục chạy xa. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên tại sao khi ấy chân tôi đã không bị vấp vướng. Nếu điều đó xảy ra, chúng hẳn đã là màn liệm cho chúng tôi rồi! Bất kỳ ai từng trông thấy các giàn hoa bia hẳn đều hiểu điều tôi đang nói. Tôi cũng nhớ rằng những xe bọc thép của ta là những mục tiêu ngon lành cho quân Đức và bùng cháy tựa như những que diêm. Chúng bị bắn thủng dễ dàng bởi súng máy cỡ lớn của Đức.

Có ba lần tôi đã thoát khỏi bị bao vây. Trong hai lần mọi chuyện đều ổn, và trong lần thứ ba địch bao vây chúng tôi ở khu vực Kiev- trong khi chạy trốn tôi đã bị thương ở chân vì một mảnh mìn. Tôi bị thương vào chân trái. Mảnh mìn cắt đứt bàn chân ngay chỗ dưới các ngón chân, làm gãy tất cả các xương ngoại trừ ngón cái. Đó là tháng 10 và chúng tôi đã hành quân bộ về phòng tuyến của ta suốt 1 tháng. Đồng đội của tôi- những người lính trinh sát cắt rời chiếc ủng, lúc đó đã nhanh chóng đầy máu, băng bó vết thương và kéo tôi bằng chiếc áo choàng đến một gian nhà kho. Họ tìm ra một bác sĩ, anh ta khâu vết thương và nẹp lại xương. Anh ta cũng thay băng và cho tôi ít thức ăn, nước uống. Một thương binh khác có thể đi được ở lại cùng tôi.

Ngay khi quân Đức tiến vào làng, chúng đặt loa phóng thanh trên xe, thông báo rằng những binh sĩ Nga ẩn nấp ở đây không cần sợ hãi. Chúng hứa hẹn sẽ đảm bảo mạng sống cho họ. Người thương binh ở lại cùng tôi quyết định đầu hàng. Anh ta khuyên tôi cũng làm vậy nhưng tôi từ chối. Tôi bảo anh ta giúp tôi trốn vào một đống rơm để quân Đức không tìm thấy. Anh ta giúp tôi rồi đi. Tôi không bao giờ gặp lại anh ta. Quân Đức liếc nhìn vào bên trong nhà kho, bắn một loạt vào nhưng không có chuyện gì. Sau đó chúng tập trung tù binh và chuyển đi. Tôi nghỉ một lát cho lại sức rồi bắt đầu đi về hướng đông nam, tới Dnepropetrovsk, tạm thời bằng một cái nạn. May mắn, thành phố đó không xa và đó là quê hương của tôi. Tôi đã sinh ra ở làng Troitskoe, vùng Dnepropetrovsk, tỉnh Petropavlovsk.
Mìn
Dạng hồi ký , nhất là về chiến trường , lại có các số liệu kỹ thuật ,... bác nên cho nó vào box Văn hóa lịch sử chứ cho vô chổ Văn học e ko được hợp lý lắm
SyncMaster
Tôi có rất nhiều họ hàng ở đây, mặc dù sau cuộc Nội chiến gia đình tôi đã buộc phải rời đến Baku để khỏi bị trục xuất và tránh nạn đói. Họ đã tịch thu tài sản của ông ngoại tôi (nguyên văn : họ đã "trừ kulak" ông ngoại tôi) [Những người Bolsheviks gọi những phú nông là "kulak"; "trừ kulak" có nghĩa là tịch thu mọi tài sản, cả tiền, thực phẩm, nhà cửa, gia súc... - V.Potapov]. Ông có một nông trại xoàng xoàng và đã rất hổ thẹn khi bị tịch thu tài sản bởi chính những kẻ nát rượu trong làng mình. Hiện giờ ông chỉ còn là một người nghiện rượu bét nhè, nhưng vào thời đó ông từng là “một nhân vật có vai vế”!

Khung cảnh mà tôi đang đi qua rất quen thuộc, tôi hỏi thăm người ta về những người họ hàng của mình. Nói chung họ đã giúp tôi đến nơi, mặc dù ban đầu ông tôi thậm chí đã không nhận ra tôi ! Rất khó khăn để ông nhận ra người cháu trai trong bộ dạng trưởng thành và mái tóc rối bời. Sau đó thân phận của tôi trở nên thú vị vì không ai giao tôi cho quân Đức, kể cả cảnh sát địa phương, thậm chí họ đối xử tốt với tôi ! Không có quân Đức đóng trong làng, mặc dù thỉnh thoảng chúng hành quân qua. Mỗi khi đó tôi cố gắng để không phải nhìn chúng. Chân tôi đã dâng đỡ hơn.

Tháng 10-1943, sau khi vùng này được giải phóng, một lần nữa tôi gia nhập quân đội. Uỷ ban quân sự sau khi xem xét vết thương của tôi đã loại tôi khỏi quân chính quy, gửi tôi tới một khoá học lái xe và sau đó làm trung đội phó trung đội huấn luyện của trung đoàn xe tải số 12. Nhiệm vụ của tôi không chỉ là huấn luyện mà còn cả chở hàng ra mặt trận. chúng tôi được coi là một đơn vị phụ trợ, mặc dù với những thùng đạn dược và thuốc nổ thì cũng không gặp nguy hiểm ít hơn nếu người ta xem xét những lần chúng tôi phải chở chúng tới sát mặt trận dưới hoả lực pháo binh và không quân Đức.

Phi công Đức rất cẩn thận. Khi chúng phát hiện ra điều gì khả nghi, chúng lượn vòng bên trên và xem xét mục tiêu. chúng có thể bay qua đầu chúng tôi, biến mất vào khoảng không rồi sau đó trở lại. Tôi có thị giác rất tốt, có thể thấy chúng từ xe nên trung đoàn trưởng thường xuyên mang tôi đi cùng. Nếu tình hình không ổn, chúng tôi sẽ nhanh chóng dừng xe và bố trí sao cho trông chúng như là đã bị bỏ lại. Chúng tôi vứt vài thứ xung quanh đó rồi ẩn mình ở chỗ nào có thể... Dù thế nào, máy bay Đức cũng sẽ lượn vài vòng rồi trở lại, đôi khi chúng dùng pháo hoặc súng máy bắn một loạt.

Theo cách đó, khi chở hàng cho đơn vị tiền tiêu của phương diện quân Ukrainian số 2, tôi đã tham gia chiến dịch Kishenev và sau đó alf chiến dịch Budapest. Đặc biệt khó khăn là chiến dịch đánh chiếm Budapest. Ở đây phải vận chuyển đạn dược thẳng tới các đơn vị tiền tuyến, dưới làn hoả lực dữ dội. Người ta không tặng huân chương cho chúng tôi vì chúng tôi chỉ là một đơn vị phụ trợ. Nhưng Chúa phù hộ chúng tôi, và chúng tôi đã được nhận tấm huân chương quý giá nhất-mạng sống của mình !

Ở Romania, vì phải đi liên tục nên tôi đã tới nhiều thành phố và thị trấn. Thật ngạc nhiên là tôi đã nhanh chóng nắm bắt được ngôn ngữ Romania, và sau 3 hoặc 4 tuần tôi đã có thể nói chuyện được với người Romania. Tôi đã nói tốt đến mức khi đó người Romania coi tôi là một thành viên trong bọn họ. Thỉnh thoảng tôi còn xây dựng quan hệ “thương mại” với đám dân địa phương. Nếu tôi phải đi xe không tới chỗ nào đó, có thể chở giúp ít hàng và những người Romania trả ơn bằng những thùng rượu đầy.

Thỉnh thoảng chúng tôi tiến hành tìm thứ gì đó trong những đống đồ của quân Đức. Tôi nhớ là đã rất thích những chiếc áo choàng ngụy trang của quân Đức. Bên trong trắng và bên ngoài rằn ri. Người mặc nó sẽ khó bị phát hiện ngoài tuyết hoặc trong tình huống ngược lại. Người Đức rất giỏi trong lĩnh vực xe cộ và trang bị!

Về khía cạnh con người, dân Romania khá hiếu khách mặc dù binh lính của họ chiến đấu chống lại chúng ta. Còn hạnh kiểm của quân ta, những người đi giải phóng họ thế nào ? Cũng chỗ này chỗ khác. Nói chung, kỉ luật được giữ tốt. SMERSH [NKVD - James F. Gebhardt] đã không ngủ gật. Kỉ luật xuống đột ngột khi họ bắt đầu gửi cả những tội phạm ra mặt trận. Nhiều hành động trộm cắp từ cả những quân nhân và dân địa phương lập tức gia tăng và từ nhóm này hiện tượng dedovshina [cảnh binh sĩ này ức hiếp, bắt nạt những binh sĩ khác, dựa theo thâm niên phục vụ - James F. Gebhardt] đã mau chóng phát triển.

Nhiều kẻ tội phạm như vậy, những người được phép chuộc tội trước tổ quốc bằng máu mình, được bố trí vào trung đội tôi. Nhưng họ không chịu thừa nhận tội lỗi và trong thâm tâm họ không chịu thay đổi. Sau nhiều ví dụ về trộm cắp và bạo lực, gồm cả những trường hợp tồi tệ, chúng tôi phải "giáo dục lại" họ bằng cách mà họ hiểu rõ nhất. Sau khi được "giáo dục lại" tôi không còn nghe thấy trường hợp phạm tội nào trong trung đội (có lẽ là xử bắn-PTS).

Chúng tôi không hay va chạm với những đơn vị khác. Chỉ trong một lần kiểm tra tôi được thông báo là một người lính của tôi đã bị nện nhừ tử. Sau khi hỏi tôi biết rằng anh ta đứng về phía mấy người Romania bị quấy rầy bởi những thủy thủ của Hải đoàn Danube chúng ta. Đương nhiên, những thủy thủ đó say rượu. Tập trung một nhóm bạn bè, đồng đội cùng với người lính bị hành hung, chúng tôi đi tìm đám thủy thủ. Chúng tôi thấy họ trong một nhà hàng. Chúng tôi đã nói một cách nóng nảy. Dĩ nhiên, họ có cả một vốn từ vựng của thủy thủ để đáp lại. Bất ngờ một trong bọn họ rút ra một khẩu súng lục. Một đồng đội của tôi cố gắng tước vũ khí của tay thủy thủ đó, còn tôi và một đồng đội khác lao tới giúp anh ấy. Bạn tôi bị bắn vào tay còn tay thủy thủ bị thương vào chân. Cánh thủy thủ trở nên tỉnh táo hơn ngay lập tức, họ đưa người bị thương biến mất về chỗ của mình với sự đe doạ. Sau đó chúng tôi được biết họ đã đem sự đe doạ tới những người Romania ở vụ xung đột đầu tiên. Họ bắn vào cửa sổ trong đêm. May thay, cửa sổ rất chắc nên không ai trong nhà bị thương. Cả gia đình chạy xuống và thấy trần nhà bị đạn bắn thủng. Gia đình người Romania đã rời khỏi vùng để tránh những phiền phức khác. Chuyện như thế đó.
SyncMaster
Tôi còn nhớ có lần lái xe quanh Budapest và thấy những mảnh xác của một máy bay Đức bị bắn hạ nhô ra từ tầng trên một ngôi nhà.

user posted image
Chụp ảnh cùng những đồng đội (tôi thứ hai tính từ trái sang). Rumania, 1945.


Khi cuộc tấn công thành phố mở màn, tôi phải sơ tán con cái những nhà ngoại giao ở sứ quán Italia. Tôi đưa chúng ra khỏi khu vực chiến sự. Tôi đặt đứa nhỏ nhất lên cabin và những đứa còn lại trên thùng xe. Lúc đó là mùa đông và vì sợ chúng rét, tôi trải rơm lên sàn xe. Khi chúng tôi đang đi thì một chiếc "lapotnik" [biệt danh của Nga đặt cho máy bay FW-190 của Đức - V.Potapov] bay qua, bắn một loạt súng máy. Tôi vội lái xe vào bên đường, dừng lại và kéo lũ trẻ xuống. Sau đó tôi mở cửa thùng xe và bọn trẻ ngồi trong đó nhảy ra. Tôi nhỡ rõ một bé gái khoảng 4 tuổi đã bám chặt lấy cổ tôi ! Tôi bế nó trên tay. Chúng tôi nhanh chóng tung khỏ khô ra xung quanh, cố làm ra vẻ chiếc xe đã bị hỏng rồi chạy tới hàng cây với lũ trẻ. Tôi đang bế bé gái và những đứa khác vây quanh tôi giống như đàn gà con vây quanh mẹ. Chúng tôi có thể dễ dàng bị phát hiện trên mặt tuyết và là những mục tiêu ngon lành.

Thông thường mọi người phải chạy tản ra, nhưng trong tình huống này chúng là những đứa trẻ đang hoảng sợ, thậm chí không hiểu tiếng Nga. Thật tốt là viên phi công Đức lượn vòng rất rộng. Máy bay của hắn trở thành một chấm nhỏ trên bầu trời. Chúng tôi đã ở dưới hàng cây, nhưng tôi sợ rằng viên phi công Đức sẽ phát hiện và thương vong là khó tránh khỏi. Tôi nằm xuống và bọn trẻ túm tụm xung quanh. Tôi che cho bé gái vẫn đang bám chặt vào cổ tôi. Tên phi công bắn vài loạt đạn vào chiếc xe và rừng cây nhưng không kết quả gì. Hắn không phát hiện chúng tôi và không ai bị thương. Chúng tôi đi tiếp cuộc hành trình mà không gặp trở ngại gì, sau đó tôi lại quay lại sứ quán để đưa tiếp những đợt khác. Rất tốt là không đứa nào bị rét. Đó là một sự lo lắng lớn của tôi, với lũ trẻ, màu đông và chiếc xe. Đôi lúc tôi tự hỏi bây giờ lũ trẻ ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với chúng.

Sứ quán Italia cấp cho tôi một chứng nhận để cảm ơn vì sự giúp đỡ. Tôi đã để tờ chứng nhận trên cây đàn piano và đi. Chắc chắn đó là một món quà lớn đáng nhớ, nhưng vào thời điểm đó SMERSH có thể bỏ tù bạn vì những lỗi lầm nhỏ, và tờ chứng nhận đó là từ một nước phát xít. Ngoài ra họ còn tặng tôi 2 cuốn sách dày viết về lịch sử văn hoá Italia. Nó chứa đựng những mô tả đẹp đẽ và tôi đã mang nó theo. Người ta có thể để ý ngay tức thì. Tôi không muốn xúc phạm tới họ và tôi đã nhận. Rời sứ quán, tôi lo rằng SMERSH sẽ gây khó khăn cho tôi, vì người Italia đã viết lời đề tặng trong quyển sách. Tôi mang quyển sách về doanh trại. Tôi đã phải xé trang sách có lời đề tặng và giấu cuốn sách dưới gầm giường. Sau đó đã có người tìm thấy và mọi người nhìn chúng với vẻ vui thích.

Tôi đã ở Bulgaria, Nam Tư, và Áo. Trong một chuyến đi tôi đã thấy họ chở rất nhiều sĩ quan và binh sĩ từ Nam Tư. Nhiều người mặc quân phục và đeo huân chương, nhưng không có huy hiệu và bị canh gác. Họ bị bắt vì khi ở Nam tư đã kết hôn với những cô gái bản xứ. Đó đã là vào năm 1946.

Ở Vienna tôi dừng lại ở một toà nhà, nơi ở của thị trưởng. Cửa sổ bị vỡ và mảnh kính kêu lạo xạo dưới chân tôi. Toà nhà bị hư hỏng vì chiến sự. Trên tường có nhiều tấm thảm trang trí và những bức tranh lớn. Từ nhỏ tôi đã thích vẽ vời và xem những điều thú vị. Tôi có cảm giác đang đi thăm một viện bảo tàng.

Một lần, ở Budapest, sau khi đã chiếm được hoàn toàn thành phố, tôi đang chở bộ binh thì bất thình lình một quả lựu đạn phát nổ ! Chiếc xe đi trước xe tôi dừng lại, những người lính nhảy ra, ai đó đã bị thương còn người lái xe bị chết vì mảnh đạn. Kẻ nào đó đã ném quả lựu đạn từ trên cao xuống, trên mái nhà. Quân ta nhanh chóng tìm ra hắn, một tên lính SS. Thành phố đã hoàn toàn nằm trong tay quân ta, và thay vì rút đi thì hắn tiếp tục chiến đấu. Khi hắn bắn hết đạn, họ đã bắt được hắn. Trong một phút tức giận, họ tống hắn vào một hầm phân. Chiến tranh là chiến tranh.

Dân Bulgaria và Nam Tư khá thân thiện với chúng tôi. Thời gian đó có thể đi qua những ngôi làng của họ. Họ chặn xe của chúng tôi ở bất cứ đâu và chiêu đãi chúng tôi. Rượu của họ rất tuyệt và người dân khá thân thiện. Chúng tôi là những người anh em của họ. Sự thật là sau đó Staline đã mâu thuẫn với Tito.

Thật thú vị là ở nước nào, tôi cũng nhanh chóng học được ngôn ngữ địa phương. Trong một hay hai tuần tôi đã có thể tán gẫu với dân địa phương. Dễ dàng nhất là học tiếng Romania, vì tôi đã ở đây phần lớn thời gian. Khi tôi trở về, những người Romania biết tôi đã khuyên tôi ở lại. Tôi biết tiếng của họ và họ hứa sẽ bù đắp lại cho tôi. Nhưng Romania không phải quê hương của tôi.
SyncMaster
user posted image
"Chiếc xe tải và là bạn chiến đấu của tôi". Thị trấn Silistra, Bulgaria, 1945.
[Đây là một chiếc Mercedes-Bentz L4500S với cabin bằng gỗ].


Tôi giải ngũ tháng 6-1946 với cấp bậc thượng sĩ của trung đoàn xe tải số 15. Tôi đã 28 tuổi. Tôi gia nhập quân đội năm 1938 khi tôi 20 tuổi. Tám ănm tuổi trẻ của tôi đã trôi qua trong quân ngũ, trong chiến tranh và đấu tranh để sống sót. Bất kể thế nào, nhiều người đã kém may mắn hơn tôi. Rất nhiều người đã chết trong chiến tranh !

Tôi có hai khẩu súng lục Đức, một khẩu Walther nhỏ lúc đó thỉnh thoảng được gọi là "của các quý bà" và một khẩu Parabellum. Đó là một khẩu súng rất mạnh, chế tạo tốt, chính xác, có thể bắn trúng một chiếc mũ sắt ở khoảng cách 100m ! Tôi cũng có một khẩu tiểu liên Đức nhưng tôi không thích nó lắm và đã đổi nó lấy một khẩu súng bắn tỉa. Tôi đã vứt cả 2 khẩu súng lục khi trở về nhà. Có lẽ nên giữ chúng lại làm kỉ niệm nhưng lúc đó tôi rất muốn về nhà và không muốn gặp thêm rắc rối nào. Vì thế tôi đã bỏ lại từng khẩu một. Tôi thậm chí không nhớ đã làm gì với khẩu súng bắn tỉa.

Người ta nói tàu chở bộ đội sẽ bị khám xét kĩ lưỡng nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi gần như không mang gì theo người. Có những ví dụ không hay về những sĩ quan đã kéo theo những vali to chiến lợi phẩm. Tất nhiên, tôi gửi hành lí về nhà cho những người bà con, áo choàng hoặc vải dù. Tôi hầu như không có tấm ảnh nào, tôi chỉ giữ được những tấm đã gửi về nhà cùng thư.

Có thời điểm tôi có rất nhiều ảnh, nhưng không lâu trước khi giải ngũ chúng đã bị lấy cắp hết. Tôi để chúng trong hộp đựng bản đồ và đặt trên cabin. Chuyện xảy ra khi tôi chuyển hàng tới một vùng có rất nhiều kẻ trộm cắp. Chúng gần như tự do ở đây. Khi dỡ hàng khỏi xe, kẻ nào đó đã làm tôi sao lãng. Tôi ra khỏi cabin và khi quay lại thì những gì còn lại trong hộp đựng bản đồ chỉ còn là dây buộc. Chúng đã cắt nó bằng dao cạo và chuồn. Tôi không trông thấy. Chúng lấy đi mọi thứ. Nhưng đối với tôi cuộc chiến vẫn in đậm trong kí ức trong suốt quãng đời còn lại. Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình đang tham gia cuộc chiến.

Câu chuyện được ghi bởi Arkadiy Goncharov, dựa theo những hồi ức do cha của ông kể lại
Soạn thành bài viết: Valeriy Potapov
Dịch từ Nga sang Anh: James F. Gebhardt
Dịch từ Anh sang Việt: chiangshan Phan Trường Sơn
SyncMaster
Phần II - Hồi ức của lính xe tăng Aleksandr Bodnar

user posted image
Aleksandr Vasilevich Bondar. Trường Ulianovsk 1940


Giờ tôi đã gần 80 tuổi. Tôi mang quốc tịch Ukraina, sinh ra tại Hữu ngạn Ukraina (Bờ Tây sông Dnieper, ranh giới tự nhiên phân chia Ukraina) thuộc vùng Vinnitsa. Năm 1940, tôi tốt nghiệp lớp 10 và trong cùng năm đó tôi vào học Trường Huấn luyện Chiến xa Ulyanovsk. Tại sao tôi lại trở thành một chiến sĩ lái tăng? Tôi cần phải kể rằng trong những năm tháng khi tôi còn đang học, mọi công việc đều nhằm mục đích chuẩn bị tinh thần cho mọi người sẵn sàng với cuộc chiến hiển nhiên sẽ xảy ra với phát xít Đức. Vậy là tôi quyết định sẽ mình trở thành một chiến binh trong tương lai. Thêm vào đó, chú tôi cũng là một quân nhân, năm ‘39 ông bảo tôi: “Sasha, cháu sắp tốt nghiệp trung học. Chú khuyên cháu nên học tiếp trong một học viện quân sự. Chúng ta không thể tránh khỏi có chiến tranh, vậy tốt hơn hết là trở thành một chỉ huy trên chiến trường – cháu sẽ làm được nhiều việc hơn khi đã được huấn luyện cẩn thận.” Những lời nói đó tác động một phần tới quyết định của tôi, và tôi tham gia vào một trong những trường tốt nhất - Trường Huấn luyện Chiến xa Ulyanovsk. Nhưng tôi đã không kịp kết thúc toàn bộ khóa học – cần học hết hai năm trong khi tôi mới học được một năm rưỡi.

- A.D. Công việc huấn luyện tại trường này có định hướng chuẩn bị cho ông trở thành một xa trưởng không?

Không làm xa trưởng, ở đó người ta huấn luyện chúng tôi để thành những sĩ quan chỉ huy lực lượng xe tăng, và một sĩ quan như vậy có thể trở thành cả xa trưởng, trung đội trưởng, hay trong trường hợp khá nhất, làm đại đội trưởng. Không hơn không kém. Có thể nói người ta đã huấn luyện cho chúng tôi để trở thành trung đội trưởng trung đội xe tăng hạng nhẹ. Tới năm ‘39 tại Leningrad, khi xuất hiện loại xe tăng hạng nặng KV (Klim Voroshilov), họ bắt đầu bố trí không phải hạ sĩ, mà là thiếu uý làm các xa trưởng. Đó là tại sao tôi đã trở thành xa trưởng chỉ huy xe tăng hạng nặng trong trận Maskva. Và sau trận đánh đó tôi đã là trung đội trưởng. Vị trí cao nhất tôi được giữ trong chiến tranh là đại đội trưởng một đại đội xe tăng.

- A.D. Chương trình học trong trường gồm những gì? Loại xe nào được dùng để thực tập - T-26 hay BT-5?

Tôi xin báo cáo: khóa học bao gồm ba đại đội 100 học viên; mỗi đại đội có bốn lớp 25 người. Do đó, 600 người học tập luân phiên thành hai khóa. Mỗi năm trường có 300 học viên tốt nghiệp. Trường được bố trí thêm một tiểu đoàn đặc biệt, nó cung cấp tất cả các loại máy móc thiết bị chúng tôi cần phải học. Tiểu đoàn này đóng tại doanh trại cách sông Volga hai mươi kilômét. Chúng tôi tới đó vào mùa đông và mùa hè. Chúng tôi lái xe tăng và tác xạ, vận hành và sửa chữa chúng, v.v. Chúng tôi học cả loại T-26 lẫn BT-5. Nói chung trường này đào tạo ra sĩ quan cho xe tăng BT. Loại xe tăng này rất phổ biến vào thời gian đó.

- A.D. Ông có được huấn luyện lái loại xe gắn bánh hơi không (loại BT gắn bánh hơi để chạy nhanh hơn - LTD)?

Vâng, tất nhiên. Rất bất tiện bởi bánh lái phải được lắp ráp rất phức tạp. Một trục lái nối từ hộp số tới các bánh phụ phía sau (nó có bốn bánh phụ), một cần “ghita” đặc biệt được cài để had been set for a transmission of revolving motion not to the driving wheels, which drove a caterpillar track, mà tới những bánh hỗ trợ phía sau, nhưng chúng quá lớn nên việc giữ tay lái trở nên vô cùng khó khăn. Chiếc xe có thể chạy tới 90 km/h, nhưng người khỏe nhất cũng chỉ lái được tới 20-30 km/h, nếu không anh ta sẽ không thể giữ vững tay lái. Di chuyển trên bánh hơi được thiết kế chỉ cho chạy trên mặt đường nhựa hay lát đá, cho nên khả năng chạy mọi địa hình trên những chiếc bánh xe đó hầu như không tưởng.

- A.D. Ông đã từng bắn loại pháo 45 mm chưa?

Tất nhiên là rồi.

- A.D. Bắn vào loại mục tiêu nào? Di chuyển hay cố định?

Cả cố định và di động. Chúng tôi thực hiện nhiều loại bài tập khác nhau. “Bắn khi phòng thủ” – là khi xe tăng được chôn dưới đất, cự ly bắn đã được tính sẵn, điểm ngắm đã được cung cấp trước nhằm có được khả năng tác xạ tốt nhất, chiếc xe tăng được nấp kín. Khi mục tiêu xuất hiện trong khu vực đã đặt điểm ngắm, nó sẽ bị bắn trúng ngay từ phát đạn đầu tiên.

Trong khi tấn công, tác xạ được thực hiện cả trong lúc di chuyển lẫn khi dừng xe trong thời gian ngắn. Khi ta bắn khi dừng trong thời gian ngắn, xa trưởng sẽ ra lệnh cho người lái: “Dừng ngắn.” Người lái dừng xe lại, và người xa trưởng sẽ tự đếm: “hai mươi mốt, hai mươi hai, hai mươi ba.” Trong lúc đó anh ta phải ngắm được khẩu pháo vào mục tiêu, xác định tốc độ di chuyển của mục tiêu, nếu như nó đang di chuyển, điều chỉnh trong kính ngắm của khẩu pháo và nã đạn. Nếu anh dừng lại lâu hơn 3-4 giây tại cùng một điểm – chính anh sẽ bị trúng đạn của kẻ địch. Tác xạ khi đang di chuyển không hiệu quả chút nào và thường chỉ được ngắm vào xung quanh mục tiêu.

- A.D. Việc thực hành trên xe tăng kéo dài bao lâu?

Thực hành đủ để biết cách điều khiển một chiếc BT. Chúng tôi phải học kỹ tới từng chi tiết nhỏ. Động cơ M-17 (của xe BT) vô cùng phức tạp, nhưng chúng tôi đã thuộc lòng chúng tới con ốc cuối cùng. Khẩu pháo, súng máy - chúng tôi đã tháo rời chúng ra rồi lắp trở lại, tổ lái phải nắm vững chiếc xe tăng. Ngày nay tổ lái không cần thiết phải nghiên cứu kỹ xe tăng. Xe tăng hiện đại rất chính xác và hoàn hảo, điều duy nhất mà tổ lái phải làm là nhấn nút điều khiển. Ngày nay tổ lái chang phải động chân động tay gì hết. Nếu chiếc xe bị hỏng - thế là chẳng còn gì để nói nữa.

- A.D. Lái xe, tác xạ, điều khiển và chỉ huy – điều gì cần tập trung nhiều hơn?

Là hai mục – tác xạ và lái xe.

- A.D. Tại trường ông có chiếc T-34 hay KV nào không?

Chúng cũng được chuyển tới trường của tôi. Ở đấy có loại T-34 và KV, nhưng chúng tôi đã chỉ nắm vững được chúng trong thời gian chiến tranh. Có ba chiếc KV được lái tới Ulianovsk, tại Quảng trường Lenin bên bờ sông Volga. Người ta cho chúng tôi chui vào trong chiếc xe tăng hạng nặng ấy và lái tới chỗ tượng đài Lenin, gài số lùi và chạy ngược lại, rồi lại chạy một lần nữa tới bên tượng đài Lenin, rồi chuyển từ số một sang số hai và quay về. Van’ka chui ra, Mishka lại chui vào. Với mức kinh nghiệm thực tiễn như vậy tôi đã được giao cho chiếc KV của mình và chuyển tới Lữ đoàn 20 chiến đấu trên Cánh đồng Borodino. Chiến tranh đã dạy tôi phần còn lại …
SyncMaster
- A.D. Chiến tranh xảy đến với ông như thế nào?

Chiến tranh bắt đầu khi tôi đang ở trường, tại trại huấn luyện dã chiến. Ông hiệu trưởng, một cựu lữ đoàn trưởng trong Chiến tranh Phần Lan, bị cụt một chân, bước lên bục diễn thuyết và nói, “Các cậu bé của ta, chiến tranh đã bắt đầu. Nó sẽ kéo dài và rất ác liệt. Hãy học chăm chỉ và đừng để ta đưa các anh đi trong khi kinh nghiệm hãy còn non nớt. Hãy cố gắng học với tất cả khả năng của mình. Tới khi cần thiết, chúng ta sẽ đưa các anh đi chiến đấu. Đừng lo, người nào cũng sẽ được chiến đấu đủ số.”

Tháng Mười năm ’41, tôi tốt nghiệp với hàm thiếu uý và có mặt tại thành phố Vladimir nơi Lữ đoàn tăng 20 đang được thành lập. Tôi được giao một chiếc KV và ngày 1 tháng Mười năm 1941 tôi đã tới Cánh đồng Borodino trong thành phần của lữ đoàn. Tại thời điểm này trên Cánh đồng Borodino có mặt Lữ đoàn xe tăng 18, 19, 20 và Sư đoàn Bộ binh 32 dưới sự chỉ huy của Đại tá Polosukhin, vừa chuyển tới từ mặt trận Viễn Đông. Nếu lúc ấy không có ba lữ đoàn tăng và sư đoàn bộ binh Polosukhin thì bọn Đức hẳn sẽ thẳng tiến tới tận Naro-Fominsk bởi sau khi quân ta bị bao vây gần Viazma, tất cả mọi nẻo đường tới Matxcơva đều đã bị bỏ ngỏ. Phía Bắc bọn Đức tập trung tấn công theo hướng Klin, phía Nam theo hướng Tula. Nhưng đó là một tính toán hết sức sai lầm vì thực tế cánh cửa mở toang lại nằm ở phía Đông.

- A.D. Lữ đoàn có được trang bị đầy đủ khi bắt đầu tham chiến tại Matxcơ va không?

Lữ đoàn chúng tôi tới Matxcơva với rất nhiều loại tăng. Nhưng tăng hạng nặng, loại KV, thì chỉ có 7 chiếc, ngoài ra toàn lữ đoàn có gần 20 chiếc T-34 và số còn lại là T-60. Với trang bị như thế có thể nói chúng tôi khá yếu. Điều này cũng dễ hiểu vì các lữ đoàn đã được hợp thành trong vội vã. Người ta vơ lấy mọi thứ có thể và lữ đoàn của chúng tôi ra đời trong vỏn vẹn có 1 tuần. Sau 9 ngày tập đội ngũ, chúng tôi được chất lên những chiếc xe tải. Chúng tôi đón Nguyên soái Fedorenko tới tặng cho lữ đoàn lá cờ danh dự, diễu một lượt quanh thị trấn nhỏ trong sự chào mừng của nhân dân rồi họ đẩy chúng tôi lên xe, cứ thế tiến thẳng tới Matxcơva. Những chiếc xe tăng đã tới trước, chúng nằm rải rác tại Golitsyno, Dorokhovo. Khi tới nơi chúng tôi được giao xe ngay và lập tức lên đường tới Borodino.

- A.D. Hãy kể về trận đánh đầu tiên của ông.

Trận đầu rất khó khăn. Lữ đoàn của chúng tôi được bố trí trên Cánh đồng Borodino thuộc thê đội hai của Tập đoàn quân số 5 dưới sự chỉ huy của tướng Leliusenko. Lữ đoàn xe tăng 18 và 19 cùng Sư đoàn bộ binh 32 bị rải dài trên thê đội một, còn chúng tôi là thê đội hai. Nhưng vào ngày 15/10, khi kẻ thù chọc thủng trận địa của Sư đoàn 32 ở làng Artemkino trên Cánh đồng Borodino, lữ đoàn của chúng tôi được triển khai ngay để chặn bước quân thù. Lính tăng được lệnh chôn xe xuống đất, chiếc KV của tôi chỉ nhô lên mỗi chiếc tháp pháo 76mm. Chẳng có gì phải lo ngại nữa, tôi đã dễ dàng diệt được 2 chiếc xe chở lính (APC) từ khoảng cách 500-600 m. Khi những tên Đức lố nhố nhảy ra khỏi các xác xe, tôi dùng súng máy quét nốt.

Trước đó 5 ngày, chúng tôi đã tới Cánh đồng Borodino Field, Lữ đoàn trưởng, Đại tá Orlenko, đi thị sát đường Old Smolensk để quyết định sẽ bố trí xe tăng ở nơi nào. Khi đó đang là ban đêm, trời tối đen như mực. Bất ngờ một chiếc xe quân sự với ánh đèn pha rọi sáng chạy nhanh tới chỗ chúng tôi từ hướng Gzhatsk. Tôi thấy Đại tá rút súng lục ra, chặn chiếc xe - phía bên trong là những anh lính Hồng quân- và hỏi người thiếu úy-sĩ quan cao nhất trên xe : "Sao các đồng chí dám vi phạm luật cấm bật đèn khi chạy xe ban đêm?" Liền đó một tiếng súng nổ vang, Lữ đoàn trưởng đổ vật xuống còn chiếc xe tăng ga chạy mất hút. Không ai biết điều gì đã xảy ra để chặn chiếc xe lại nên nó đã trốn được theo hướng Vereya. Đó là thất bại nghiêm trọng đầu tiên của chúng tôi. Lữ đoàn trưởng hy sinh, người phó của ông là Antonov lên thay. Và thế là chúng tôi tham gia trận đánh đầu tiên.

Trận đó Lữ đoàn tăng số 20 của chúng tôi đã bắn cháy 10 chiếc tăng Đức, 1 xe bọc thép, bắn hỏng 15 khẩu pháo và 7 súng máy ngay trong trận đầu ra quân. Ngôi làng an toàn nằm trong tay chúng tôi. Chiếc KV do tôi điều khiển bắn cháy hai chiếc xe chở lính và tiêu diệt sạch chỗ bộ binh còn sống sót. Tôi không biết các cánh khác làm ăn như thế nào, nhưng ngay khi mọi việc tưởng như đang đi theo chiều hướng tốt đẹp thì tôi nhận được lệnh rút lui, về hướng Akulovo.

user posted image
Tăng KV tấn công tại bặt trận Karelia năm 1944


Tăng KV gây thêm cho tôi rất nhiều ấn tượng, đặc biệt khi chúng tôi bắt đầu phản công. Lữ đoàn của tôi đang tìm cách đánh chiếm Ruza. Chúng tôi tới thị trấn này ngày 21/1. Cả thị trấn nằm trên một quả đồi, quả đồi này gối lên một quả đồi khác liền với bờ tây của con sông cũng tên là Ruza. Hỏa lực của địch khiến cánh bộ binh phải chui vào hầm trú ẩn suốt ngày và không thể nhích thêm một bước nào. Lúc này lữ đoàn chúng tôi đang có trong tay 4 chiếc KV, số còn lại toàn là tăng nhẹ T-26 cùng BT. Thật sự lúc đó tôi thấy mình như một trụ cột trong đội hình chiến đấu. Những chiếc tăng nhẹ chẳng làm được trò chống gì cả, chúng rất dễ bốc cháy như những bó đuốc mỗi khi trúng đạn của địch. Nhưng với KV thì khác, người Đức vẫn chưa biết cách làm sao để hạ tăng KV từ phía trước. Vì thế sư đoàn trưởng, Lữ đoàn tăng 20 của chúng tôi cũng nằm dưới sự quản lý của ông, đã ra lệnh "Đưa những chiếc KV lên phía trước để bảo vệ bộ binh, chúng ta sẽ vượt qua băng và tấn công Ruza." Và Lữ đoàn trưởng đã truyền lại mệnh lệnh cho tôi :
-"Này con trai, anh sẽ phải lái xe đi trên băng."

-"Vâng, nhưng thủ trưởng biết rằng chiếc KV nặng tới 48 tấn và bây giờ là ngày 21/1, nghĩa là băng chỉ còn dày có 40cm thôi, tôi sợ nó quá mỏng để giữ chiếc xe", tôi trả lời.

-"Con trai ạ, cứ tin một điều thế này này, đảm bảo anh sẽ không đi được xa đâu, nên khi xe bắt đầu chìm thì anh vẫn còn ối thời gian để nhảy ra ngoài."

Thế là chúng tôi phải thi hành mệnh lệnh, bằng không bộ binh sẽ không thể tiến lên và Ruza vẫn nằm yên trong tay quân thù. Tôi nói với tay lái xe Miroshnikov, vốn là một cựu diễn viên của nhà hát Voroshilovograd hơn tôi 4 tuổi (anh không bao giờ gọi tôi là "Đồng chí Thiếu úy" mà chỉ gọi lỏn: "Tới đây, thiếu úy, tới đây". Tôi cho chuyện đó là bình thường vì tôi là lính mới trong khi anh ấy đã chiến đấu ở biên giới phía Tây và đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ).

-"Miroshnikov, anh phải đảm bảo rằng sẽ đẩy số xe về "mo" nếu chúng ta chìm để khi người ta tìm cách kéo cái xe lên, nó sẽ không bị mắc kẹt lại dưới lòng sông.

-"Tôi biết rồi, Thiếu úy ạ, tôi biết rồi"

Tôi cũng nhắc nhở những người còn lại trên xe:

-"Đừng đóng nắp phía trên tháp pháo. Nếu xe chìm, chúng ta vẫn có thể thoát ra ngoài nhanh chóng.
Pages: [1], 2, 3, 4, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.