Langven.com Forum

Full Version: Học sinh có năng khiếu
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > CLB Thanh Niên
Milou
Học sinh có năng khiếu

Minh Nguyet

Ở Việt Nam thỉnh thoảng báo chí và các phương tiện truyền thông khác như tivi hoặc đài phát thanh loan tin về sự xuất hiện của một thần đồng nào đó, ví dụ, một em bé mới lên hai mà đã biết đọc và biết viết thông thạo, hay một em bé mới lên ba mà đã có thể giải được các bài toán lớp bốn, lớp năm, v.v... Những tin tức như vậy bao giờ cũng làm cho xã hội xôn xao và gia đình, đặc biệt là cha mẹ của em bé cảm thấy đầy tự hào. Tuy nhiên, ít có ai thắc mắc rồi các em được xem là thần đồng sau đó được giáo dục ra sao? Hơn nữa, ngoài những thần đồng, còn có bao nhiêu em bé khác cũng rất thông minh và tài năng nhưng có được phát hiện và chăm sóc đúng mức hay không? v.v... Những câu hỏi ấy sẽ là đề tài của tạp chí Giáo dục hôm nay.

Thật ra, thần đồng tuy là hiện tượng hiếm hoi nhưng không phải là một cái gì xa lạ. Đọc lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể gặp khá nhiều những hiện tượng được gọi là thần đồng. Chắc nhiều người còn nhớ vào đời nhà Trần, Nguyễn Hiền đậu trạng nguyên lúc mới 13 tuổi, nhà vua chê là còn bé quá, cho về nhà nghỉ ngơi, chờ vài năm sau mới bổ làm quan. Cùng khoá thi với Nguyễn Hiền, người đỗ thứ nhì là Lê Văn Hựu 17 tuổi, người đỗ thứ ba là Đặng Ma La cũng mới 13 tuổi. Lê Quý Đôn cũng là một thần đồng, ngay từ nhỏ đã có trí nhớ xuất chúng. Gần đây hơn, vào cuối thế kỷ 19, Phan Bội Châu lúc còn nhỏ cũng nổi tiếng là thần đồng, mới 13, 14 tuổi mà đã học hết sách vở trong chương trình giáo dục thời ấy. Trên thế giới, những hiện tượng thần đồng lại càng nhiều. Có những em học sinh mới hơn 10 tuổi mà đã vào đại học; có người có bằng tiến sĩ lúc chưa đầy 20 tuổi, có người nổi tiếng về âm nhạc, hội hoạ hay văn học lúc mới có 5, 7 tuổi.

Ngày xưa, việc phát hiện và việc giáo dục các thần đồng hoàn toàn ngẫu nhiên. Nếu cha mẹ có điều kiện cho con ăn học thì tài năng của con cái mới hiển lộ. Còn không, tài năng của các thần đồng ấy cũng rất dễ bị mai một. Hiện nay, ở Việt Nam, đã có trường năng khiếu dành để bồi dưỡng những học sinh được xem là có trí thông minh vượt bậc. Tuy nhiên, tất cả các trường năng khiếu này đều nằm ở các thành phố lớn, do đó, không phải học sinh nào thực sự có năng khiếu cũng được vào học, nhất là những học sinh ở tỉnh lẻ hoặc ở các vùng nông thôn hẻo lánh. Hơn nữa, ở Việt Nam cũng chưa có hệ thống trắc nghiệm trí thông minh đáng tin cậy. Bởi vậy, sẽ có vô số trẻ em có tài năng bị quên lãng. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc, không những cho bản thân các em ấy hay cho gia đình các em mà còn cho xã hội Việt Nam nói chung.

Tại Úc hay tại các quốc gia Tây phương nói chung, việc phát hiện trẻ em có năng khiếu từ lâu đã đi vào nền nếp. Dĩ nhiên, người có khả năng nhận ra năng khiếu của trẻ sớm nhất và chính xác nhất hẳn là cha mẹ của các em. Gần gũi các em hằng ngày, cha mẹ có điều kiện để quan sát sự tiến bộ trong quá trình học tập của các em, dễ dàng phát hiện ra những dấu hiệu xuất sắc ở các em. Kế đến là các thầy cô giáo. Khi cả thầy cô giáo lẫn cha mẹ đều tin là một em bé nào đó có năng khiếu cao, họ có thể yêu cầu cho em được kiểm tra về trí thông minh. Công việc kiểm tra này được các cơ quan giáo dục thực hiện một cách rất nghiêm túc và khách quan. Theo kết quả của cuộc kiểm tra, người ta có thể biết được chỉ số thông minh của em. Trong tiếng Anh, chỉ số thông minh được gọi là IQ, viết tắt của chữ Intelligent Quotient. Chỉ số thông minh trung bình là 100. Những người có chỉ số thông minh dưới 70 bị xem là chậm trí. Những người có chỉ số từ 130 trở lên được xem là xuất sắc; với trẻ em, đạt được số IQ trên 130 được xem là có năng khiếu. Người ta tin là chỉ có khoảng 0,13% dân số trên địa cầu có chỉ số thông minh trên 145. Con số những người có chỉ số thông minh trên 180 trên khắp thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay. Một trong những người đó là em Lucien McMahon tại Úc. Năm nay Lucien mới có 14 tuổi. Chỉ số thông minh của em xê xích từ 180 đến 205. Mới 14 tháng, Lucien đã biết đọc. Năm 10 tuổi, em đã đủ trình độ để vào đại học, tuy nhiên, cha mẹ em lại lo lắng không dám cho em vào đại học bởi vì thấy em còn quá nhỏ, ngay cả chuyện để em đi vào các nhà vệ sinh công cộng một mình họ còn chưa thấy là không an toàn cho em.

Với cuộc khảo sát về chỉ số thông minh, việc phát hiện năng khiếu ở trẻ em ngày càng trở nên chính xác và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc khảo sát ấy không phải là không có mặt tiêu cực, bởi vì nó có thể làm mất lòng tự tin ở những em có kết quả thấp. Chính vì vậy, gần đây, ở nhiều quốc gia Tây phương, việc khảo sát chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của các thầy cô giáo, những người trực tiếp theo dõi sự phát triển trí tuệ của các em.

Cẩn thận trong việc kiểm tra trí thông minh, tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia phát triển ở Tây phương, việc giáo dục trẻ em có năng khiếu ngày càng được mở rộng. Tại Hoa Kỳ, nói chung có đến 12% trẻ em thuộc lứa tuổi đi học được hưởng nền giáo dục dành cho các học sinh có năng khiếu. Con số này là một sự tăng vọt so với mấy chục năm trước đây. Tại Úc, chính phủ cũng trích ra một phần ngân sách giáo dục để chăm sóc các học sinh có năng khiếu. Tại tiểu bang Victoria, năm 1995, chính phủ chi ra 2 triệu rưỡi đô la để điều hành một chương trình gọi là Bright Futures, tạm dịch là Tương lai tươi sáng, dành cho việc giáo dục các học sinh có năng khiếu. Một số trường học tổ chức những lớp học riêng hoặc thiết kế những chương trình giáo dục riêng để tạo cơ hội cho các em được xem là có năng khiếu được phát triển một cách toàn diện và nhanh chóng. Ví dụ tại trường tiểu học Trafalgar tại West Gippsland, các học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 6 được học chung trong một lớp. Những em thông minh trung bình thì học đúng chương trình của cấp lớp mình, riêng những em có trí thông minh cao hơn bình thường thì có thể dễ dàng nhảy cấp, học chương trình của lớp cao hơn. Việc điều hành một lớp có nhiều lứa tuổi và nhiều trình độ như vậy dĩ nhiên là một điều rất khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải rất giàu kinh nghiệm.

Dù sao, theo các chuyên gia giáo dục, đó cũng là một mô hình tốt. Ở hầu hết các trường tiểu học tại Úc, người ta đều ít nhiều phân lớp theo mô hình ấy. Mỗi lớp học thường bao gồm hai trình độ khác nhau. Vì vậy, thay vì chia lớp theo thứ tự lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 và lớp 6 như ở Việt Nam, tại Úc, trong các trường tiểu học, chúng ta thường bắt gặp các lớp như lớp 1 và 2; lớp 2 và 3; lớp 3 và 4; lớp 4 và 5; lớp 5 và 6. Trong lớp 1 và 2 chẳng hạn thì không phải chỉ có học sinh lớp 1 mà còn có học sinh lớp 2. Ngoài một số bài học chung, sẽ có một số bài học riêng cho từng trình độ. Lúc thầy cô giáo giảng bài cho trình độ lớp 1 thì học sinh thuộc trình độ lớp 2 sẽ làm bài tập; ngược lại, khi thầy cô giáo quay sang giảng bài cho học sinh thuộc trình độ lớp 2 thì học sinh lớp 1 sẽ làm bài tập riêng của các em. Tuy nhiên, trong lúc làm bài tập thuộc trình độ của mình, nếu xong sớm, các em cũng có thể theo dõi bài học thuộc trình độ kia, cao hơn. Với chương trình giáo dục như vừa nói, nếu là học sinh giỏi, các em có thể dễ dàng nhảy cấp; thay vì học chương trình lớp 2, các em có thể học chương trình lớp 3. Cứ như vậy, một số học sinh có thể tốt nghiệp trung học ở lứa tuổi 15, 16 thay vì 17 hoặc 18 như đại đa số các học sinh khác.

Việc giáo dục các học sinh có năng khiếu không phải là điều đơn giản. Cách đây khoảng 40 năm tại Úc, hầu như không có một chương trình giáo dục nào dành riêng cho các học sinh có năng khiếu cả. Tại Hoa Kỳ, việc giáo dục trẻ em có năng khiếu đã manh nha từ năm 1922 khi giáo sư Lewis Terman thuộc đại học Stanford sử dụng phương pháp Stanford-Binet để kiểm tra và tuyển lựa 1.000 học sinh có năng khiếu. Tuy nhiên, việc thành lập một chương trình giáo dục riêng cho những học sinh có năng khiếu ấy bị lơ là gần cả nửa thế kỷ. Mãi đến năm 1972, sau khi bản báo cáo về tình hình giáo dục của Sidney Marland được công bố trong đó có điểm phê phán là nước Mỹ đã lãng phí một nguồn tài nguyên vô giá, đó là các em học sinh có năng khiếu, lúc bấy giờ chính phủ Mỹ mới giật mình và ra lệnh tiến hành một cuộc cải tổ giáo dục sâu rộng. Từ đó việc giáo dục trẻ em có năng khiếu mới thực sự được chú ý, thoạt đầu tại Hoa Kỳ rồi sau đó lan rộng sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Úc và với một mức độ còn khiếm tốn hơn, có cả Việt Nam nữa.

Tài liệu tham khảo: Los Angeles Times online 1/4/2001 & Herald Sun 16/1/2000
Milou
Trẻ Có Năng Khiếu Đặc Biệt. ( Phần Thứ Nhì ).

Bảo Vũ

Mới đây, Thượng Viện Úc đã mở các cuộc điều trần để tìm hiểu vấn đề Trẻ Em Có Năng Khiếu Đặc Biệt. Cũng nên biết, lần gần đây nhất mà Thượng Viện Úc mở cuộc điều trần về vấn đề này là vào năm 1988.

Theo lời Giáo Sư O’Boyle, giám đốc Trung Tâm Morgan thuộc Trường Đại Học Melbourne, cảm nghĩ của dân chúng đối với vấn đề trẻ em có năng khiếu đặc biệt hiện đang thay đổi so với thời gian cách đây 13 năm.

Vẫn theo lời vị giáo sư này thì dân Úc, không như dân Mỹ, Anh hay Canada, coi các cuộc khảo cứu vấn đề trẻ có năng khiếu đặc biệt, như là những cuộc khảo cứu những trẻ thuộc loại “tinh hoa” hay “ thần đồng”.

Thật ra, theo bà Leonie Kronborg, giám đốc Các Chương Trình Chuyên Trách Về Trẻ Có Năng Khiếu Đặc Biệt thuộc Trường Đại Học Monash, thì cho tới giờ, người ta vẫn chưa có được một định nghĩa thống nhất, và duy nhất cho khái niệm Trẻ Có Năng Khiếu Đặc Biệt.

Đã vậy, ngay cả mức độ “năng khiếu đặc biệt “ cũng không giống nhau. Ví dụ như phần đông dân chúng vẫn còn hiểu sai khái niệm “năng khiếu đặc biệt” khi cho rằng khái niệm “năng khiếu đặc biệt” đồng nghĩa với khái niệm “thần đồng”.

Vì thế, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà cả ở Úc, cha mẹ thường chỉ “dám” dùng những chữ như “con tôi rất sáng dạ” hoặc “cháu khôn trước tuổi” mà thôi; chứ ít khi dùng chữ khác vì sợ bị gán cho là coi con mình thuộc vào loại thần đồng.

Bà Leonie Kronborg nói rằng không phải lúc nào người ta cũng có thể dễ dàng nhận ra được trẻ có năng khiếu đặc biệt; và phần đông dân chúng cho rằng trẻ có năng khiếu đặc biệt là những trẻ có khuynh hướng hướng ngoại rất rõ nét, và các em thuộc loại người hoạt bát, vui vẻ, học hành giỏi dang trên tất cả mọi lĩnh vực.

Một sai lầm khác nữa là nhiều người cho rằng trẻ có năng khiếu đặc biệt thường được hưởng một nền giáo dục tốt, hay được chăm sóc đúng mức vì các em thường học hành khá, bởi vì các em chịu tuân thủ các luật lệ của trường lớp.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, trong thực tế, có những trẻ có năng khiếu đặc biệt lại học hành kém cỏi, hay học không cao tới mức mà lẽ ra các em phải tới; đã vậy có những em lầm lỳ, im lặng, hay nghịch phá, không chịu tuân thủ kỷ luật hay các tiêu chuẩn của trường, lớp.

Lý do là vì, như đã thưa với quý thính giả trong phần Một hồi tuần trước, các em có năng khiếu đặc biệt học nhanh và ưa thích những vấn đề có tính phức tạp về mặt tri thức.

Khi các em không có cơ hội để làm những điều này, các em dễ có khuynh hướng làm điều ma,ø nói một cách nôm na là “phá bĩnh” hay “quậy”.

Nếu, chúng ta, trên cương vị của một nhà giáo dục như bố, mẹ, thầy cô giáo, không hiểu điều này, mà lại tìm cách áp chế các em, thì phản ứng của các em lại càng có tính ngược lại và dễ đưa tới trạng thái “bùng nổ”.

Thực vậy, nếu một trẻ có năng khiếu đặc biệt đã biết đọc trước khi cháu học lớp mẫu giáo thì tại sao nhà trường lại cứ nhất định ép cháu đánh vần ê a từng chữ một?.

Hoặc nếu một trẻ mới học lớp Một mà thích làm những bài toán cộng có tới ba hoặc thậm chí bốn con số, thì liệu có ích gì cho em khi thầy cô hay bố mẹ cứ bắt em gò lưng tô màu những con số Một, Hai, Ba, Bốn .v.v. rồi cắt và dán những con số này vào vở; hoặc dạy các em những bài toán như “ Một cộng với Một là Hai; Hai cộng với Một là Ba.v.v.”.

Theo Victorian Affiliated Network of Gifted Support Groups, một tổ chức chuyên về vấn đề trẻ có năng khiếu đặc biệt tại tiểu bang Victoria, vì trẻ có năng khiếu đặc biệt đã biết gần như tất cả những điều đã được giảng dạy cho lứa tuổi các em; thế mà các em cứ phải học đi học lại những điều em đã biết rồi; nên nhiều em trở nên bướng bỉnh, chán học, quậy phá.

Kết quả là có tới 40% các em đã bỏ học trước khi các em lên tới lớp 12. Đây quả là một con số đáng sợ, và khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Qua con số này, chúng ta có thể thấy rằng rất nhiều tài năng đã bị bỏ phế, hoặc không được dạy dỗ, hay sử dụng đúng mức.

Trong thực tế, có những cha mẹ nhận ra được là con mình lànhững trẻ có năng khiếu đặc biệt, và họ kiên trì đề nghị nhà trường cho cháu học các chương trình dành cho trẻ có năng khiếu đặc biệt như trường hợp của hai vợ chồng anh Michael, được nhật báo The Age đăng tải mới đây:

Thoạt đầu, hai vợ chồng Michael nghĩ rằng con gái họ là một trẻ bình thường; cho tới ngày Michael vào giúp lớp con gái mình.

Đến đây chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về một sinh hoạt mà phụ huynh tại Úc thường làm tại các trường tiểu học và những lớp vườn trẻ.

Đó là thỉnh thoảng phụ huynh lại tình nguyện hay được phân công vào giúp trong các lớp mà con em của họ đang học. Thời gian phụ huynh ở trong lớp độ một vài tiếng đồng hồ hay có khi nửa buổi hoặc nguyên ngày.

Trong thời gian này, phụ huynh giúp thầy cô giáo đọc truyện, nghe trẻ đọc bài, hay sửa bài hoặc làm điều gì đó cho trẻ dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

Bây giờ xin nói tiếp câu chuyện liên quan tới con gái vợ chồng anh Michael: Khi vào lớp con gái anh đang theo học, để giúp thầy cô giáo; anh khám phá ra rằng trong khi các trẻ khác học làm những phép tính đơn giản thì con anh đã bỏ xa các bạn đồng lứa từ rất lâu rồi.

Vợ chồng anh bèn đưa cháu và cả em trai cháu đi trắc nghiệm trí thông minh. Đến lúc đó họ mới vỡ lẽ ra là cả hai đứa con của mình có Chỉ Số Thông Minh rất cao.

Anh cho phóng viên báo The Age biết là các thầy cô giáo không biết trình độ thực sự con cái của vợ chồng anh khi chúng bắt đầu đi học. Vì thế họ cho cháu học những thứ y như những trẻ khác học; đồng thời họ cũng dạy con anh y như họ dạy các trẻ khác.

Anh nói rằng thầy cô giáo không hiểu được là trong thực tế, kiểu học của con anh khác, đồng thời cách tiếp thu cũng như mức độ tiếp thu cũng khác những trẻ kia.

Theo anh Michael, các thầy cô giáo có thể cũng đã nghe nói về vấn đề trẻ có năng khiếu đặc biệt chứ không phải là không; hoặc thậm chí họ cũng đã có được học qua vấn đề này trong độ một vài tiết học khi họ học sư phạm.

Sau khi khám phá ra hai con mình thuộc vào loại trẻ có năng khiếu đặc biệt, cũng như các phụ huynh khác, vốn cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, hai vợ chồng anh cố gắng làm cho nhà trường hiểu các nhu cầu của con họ.

Trong thời gian này, con gái anh vẫn đang tiếp tục học ở lớp với các trẻ khác, và học cũng một chương trình và cách giảng dạy như những trẻ khác. Cho tới một ngày nọ, cháu về nhà, đầm đìa nước mắt, tỏ ý chán học và kêu nhức đầu, đau bụng; anh được hiệu trưởng mời tới và bảo thẳng là: “Anh phải đặt niềm tin vào nhà trường trong việc giáo dục con cái anh. Nếu không, anh cứ việc đem cháu đi trường khác”.

Tuy nhiên, nhờ có bản kết quả Chỉ Số Thông Minh, anh vững tin hơn khi tiếp xúc với các trường; đồng thời khiến thầy cô giáo lưu tâm đến trường hợp con anh hơn.

Một phụ huynh khác, tên Heather, cho hay bản thẩm định mức Chỉ Số Thông Minh của con cô đã giải quyết được nhiều vấn đề và trả lời được nhiều thắc mắc mà hai vợ chồng cứ băn khoăn mãi.

Vì con trai cô biết đọc từ lúc cháu lên ba tuổi nên cô nghĩ là cháu thuộc loại sáng dạ, và thích học. Thế nhưng sáng đến mức nào và liệu cháu có phải là loại trẻ có năng khiếu đặc biệt hay không thì lại là điều vợ chồng cô không biết.

Cho tới ngày cháu được trắc nghiệm trí thông minh thì vợ chồng cô mới thấy vấn đề rõ hơn. Sau đó, cô tìm đọc sách báo và tài liệu liên quan tới vấn đề trẻ có năng khiếu đặc biệt, đồng thời tiếp xúc với nhiều trường khác nhau để tìm trường thích hợp với trình độ của cháu.

Cô nói rằng: “Nếu hiệu trưởng không tỏ ra quan tâm cho lắm đến những nhu cầu giáo dục đặc biệt của trẻ có năng khiếu đặc biệt thì quý vị đừng gởi con tới trường đó làm gì”.

Cuối cùng thì cô đã tìm được trường cho con; và cháu hiện đang được học một chương trình đặc biệt và việc học rất khả quan.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ông James Brown, một điều hợp viên về vấn đề trẻ có năng khiếu đặc biệt, đề nghị phụ huynh hãy tiếp xúc với nhà trường với một thái độ mà ông nói là một thái độ có tính cách tích cực.

Ví dụ như hãy đề nghị với trường là “Chúng tôi, phụ huynh của cháu X và trường hãy cùng nhau cộng tác để đạt được mục tiêu chung” thay vì phát biểu những lời như: “Đây là bản Chỉ Số Thông Minh của cháu X, thầy cô, hay nhà trường phải dạy cháu sao cho tương xứng với mức thông minh của cháu”.

Vẫn theo ông James Brown, hầu hết thầy cô đều có tinh thần trách nhiệm, và họ muốn học trò tiến bộ. Tuy nhiên, rất nhiều thầy cô không có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ trẻ có năng khiếu đặc biệt.

Nay xin quay trở lại với những cuộc điều trần mà Thượng Viện Úc đang tổ chức. Người ta nhận thấy trong các đề nghị gởi lên có những đề nghị như:

Chính phủ phải quy định là trong chương trình đào tạo giáo viên, các trường sư phạm phải dạy ít nhất một tín chỉ về vấn đề giáo dục trẻ có năng khiếu đặc biệt.

Sử dụng thêm các tâm lý gia chuyên về giáo dục; đồng thời gia tăng những chương trình hướng dẫn có tính cách chuyên nghiệp cho thầy cô giáo để họ có thể nhận diện và hướng dẫn trẻ có năng khiếu đặc biệt.

Đề ra được một chiến lược giáo dục và thực hiện những cuộc khảo cứu vấn đề giáo dục trẻ em có năng khiếu đặc biệt.

Ngoài ra, chính phủ phải thiết lập những chương trình nhằm khuyến khích thầy cô giáo học thêm những khóa hậu đại học về vấn đề này.

Gia tăng thêm ngân quỹ để tài trợ các gia đình có trẻ có năng khiếu đặc biệt sống tại vùng nông thôn hay những khu vực hẻo lánh, hoặc thuộc thành phần gia đình có lợi tức thấp.

Tài trợ cho việc thẩm định những trẻ tuy có năng khiếu đặc biệt nhưng học hành kém cỏi; hoặc bị khuyết tật hay gặp trở ngại trong việc học.

Tài trợ cho các vườn trẻ và trường học để những trường hay vườn trẻ này đề ra được những chương trình dành cho trẻ có năng khiếu đặc biệt. Ngoài ra chính phủ phải thiết lập một cơ quan có phạm vi họat động trên toàn quốc nhằm điều hợp vấn đề hỗ trợ tài chính cho những chương trình liên quan tới vấn đề trẻ có năng khiếu đặc biệt.

Tóm lại, ngày nay, xã hội Úc đang ngày càng quan tâm tới vấn đề giáo dục nói chung và vấn đề giáo dục trẻ có năng khiếu đặc biệt nói riêng.

Tại Úc cũng như ở một số những quốc gia tân tiến khác như Hoa Kỳ, Anh Quốc, giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng mà chính phủ, ở cấp liên bang cũng như tiểu bang, hết sức chú tâm.

Thực tế cho thấy, các đảng phái tại một số nước này đã nắm được chính quyền, hay bị lật đổ qua các cuộc bầu cử, là vì không quan tâm đúng mức tới một số vấn đề, trong đó giáo dục là một trong những vấn đề then chốt.
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > CLB Thanh Niên
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.