Langven.com Forum

Full Version: Nước Áo: Sự đóng góp của nước Áo vào nền âm nhạc
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Âm nhạc - Hội họa
Milou
Nước Áo (Phần 1): Sự đóng góp của nước Áo vào nền âm nhạc cổ điển Tây phương

Minh Nguyệt

Trên thế giới có rất nhiều dòng sông nổi tiếng, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho cả một hay nhiều quốc gia. Ví dụ, dòng sông Mekong chảy từ Trung Hoa xuống Lào, Campuchia và Việt Nam, dòng sông Hoàng Hà ở Trung Hoa, dòng sông Hằng ở Ấn Độ, dòng sông Seine ở Pháp, hay dòng sông Danube ở châu Âu, v.v... Đối với giới yêu thơ, dòng sông Seine là một hình ảnh cực kỳ thơ mộng, tuy nhiên, đối với giới yêu nhạc, dòng sông Danube lại là một hình ảnh vô cùng quyến rũ và quen thuộc. Bởi vì có ai yêu âm nhạc mà lại không biết bản nhạc valse nổi tiếng "Giòng Danube Xanh" của nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss, người từng được mệnh danh là "ông vua của loại nhạc valse".

Danube là một con sông huyết mạch của cả châu Âu, hay nói chính xác hơn, là con sông lớn thứ nhì của châu Âu, chỉ sau sông Volga. Dài tổng cộng 2.800 cây số, sông Danube bắt nguồn từ nước Đức, chảy qua 8 quốc gia nữa là Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Nam Tư, Bulgarie, Rumanie và Ukraine, và cuối cùng đổ ra Hắc Hải. Từ lâu, sông Danube đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho các nước vừa kể. Có nhiều quốc gia đã tận dụng sức nước của con sông này bằng cách xây đập nước cũng như xây các nhà máy thuỷ điện. Ngoài ra, sông Danube còn là đường giao thông thương mại chính, là nơi vận chuyển hàng hoá xuất và nhập khẩu cho nhiều nước. Có 3 thủ đô lớn của châu Âu nằm bên giòng Danube: đó là thủ đô Vienna của nước Áo, Budapest của Hungary và Belgrade của Nam Tư. Như vậy rõ ràng Danube là một giòng sông có tính chất quốc tế. Thế nhưng, dưới mắt của giới yêu chuộng nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, Danube dường như chỉ là tài sản riêng của nước Áo. Điều đó cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng lớn lao của nhà soạn nhạc Johann Strauss cũng như của nền âm nhạc cổ điển tuyệt vời của Áo nói chung. Điều đó cũng cho thấy là nói đến nước Áo, trước tiên chúng ta phải nhắc đến những nhà soạn nhạc tài hoa lừng lẫy mà đất nước này đã sản sinh ra và bù lại, bằng tài hoa xuất chúng của mình, họ đã làm vang danh nước Áo trên phạm vi toàn thế giới.

Johann Strauss sinh năm 1825 tại thủ đô Vienna, trong một gia đình nổi tiếng về âm nhạc. Thân sinh của ông, cũng tên là Johann Strauss, là một nhà soạn nhạc lừng danh của Vienna, tác giả của gần 300 bản nhạc, trong đó có một số trở thành những tác phẩm cổ điển. Trong dòng họ Strauss có đến gần một chục nhạc sĩ. Tuy nhiên, chắc chắn Johann Strauss (con) là người có tài năng lớn nhất. Đó là một thứ tài năng thiên phú, bộc lộ ngay từ lúc còn rất bé: sáng tác đầu tay của ông được soạn vào năm lên 6. Thế nhưng, cha của Strauss lại chỉ muốn ông sau này làm việc trong ngành ngân hàng, cho nên không những không khuyến khích mà còn cương quyết cấm con trai tiếp nối con đường sự nghiệp của mình. May cho Strauss, là mẹ ông đã đứng ra thu xếp cho ông được lén lút học vĩ cầm với một nhạc sĩ đang tham gia trong giàn nhạc của chồng. Năm 1840, lúc Strauss 15 tuổi, cha ông bỏ nhà ra đi theo người tình mới. Đối với Strauss, biến cố này có ý nghĩa như một sự giải thoát bởi vì từ đó, Strauss có toàn quyền tận hiến đời mình cho âm nhạc.

Với một sự nghiệp sáng tác phong phú gồm hàng trăm nhạc khúc thuộc nhiều điệu khác nhau như valse, polka và quadrille, có thể nói, Johann Strauss đã làm mưa làm gió trong nền âm nhạc khiêu vũ tại thủ đô Vienna trong suốt thế kỷ 19. Tuy nhiên thành công lớn nhất của Strauss là ở loại nhạc valse và có lẽ bài "Giòng Danube xanh" là tác phẩm xuất sắc nhất của ông, đồng thời cũng là bài valse được ưa chuộng nhất trên thế giới. Trong cuốn "Classical Music, the Great Composers and Their Masterworks", John Stanley nhận xét về nhạc valse của Strauss như sau:

"Tất cả những bài valse của Strauss đều theo một mô thức cấu trúc căn bản, gồm một dạo khúc khai vũ chậm rãi; tiếp theo đó thường là năm phân đoạn luân vũ và được kết thúc bằng một hậu khúc trong đó các nhạc đề chủ yếu được tái hiện dưới hình thức một chuỗi các vế liên hoàn, tạo nên một cảm giác dồn nhanh nhịp. Đó là một dạng thể mà bất cứ một nhà soạn nhạc vững vàng nào cũng có thể áp dụng một cách trôi chảy; nhưng những bài valse hay nhất của Strauss thì hài hòa hơn, được phối khí hoàn hảo hơn, kết cấu tiết tấu cân đối hơn, và giai điệu duyên dáng hơn bất cứ ai khác. Những bài valse đó đã thể hiện được tâm trạng của người dân Vienna ở thế kỷ 19 - đó là sự tinh tế và chủ nghĩa hưởng lạc".

Ngoài Yohann Strauss, chúng ta còn phải kể đến một vài tên tuổi lừng lẫy khác như Mozart và Schubert. Wolfgang Amadeus Mozart sinh năm 1756 tại thành phố Salzburg. Từ năm 3 tuổi Mozart đã biết chơi đàn piano và đàn vĩ cầm. Chị của Mozart là Maria Anna cũng chơi đàn keyboard rất xuất sắc. Năm 1762, cha của Mozart dẫn hai chị em ông đi trình diễn tại cung điện Vienna. Hai chị em Mozart được triều đình Áo ban tặng nhiều phẩm vật, còn cha ông thì được ban thưởng tiền. Sự thành công này đã dẫn đến chuyến lưu diễn thứ hai, xa hơn và cũng dài ngày hơn đến tận thủ đô Paris của nước Pháp vào năm sau. Thời gian ấy chưa có xe lửa và đường xá cũng chưa tốt như hiện nay nên cuộc hành trình bằng xe ngựa của họ kéo dài khá lâu. Trên đường đến Paris, hai chị em Mozart thường xuyên biểu diễn cho các gia đình quý tộc và khi họ dừng lại ở các thị trấn lớn thì cha Mozart tổ chức những buổi hòa nhạc thu hút được rất nhiều người đến nghe. Tại cung điện Versailles ở Paris, sự thành công của họ cũng vô cùng rực rỡ. Chính tại Paris, những tác phẩm của Mozart, bao gồm 4 bản xô-nát được phát hành lần đầu tiên. Năm đó soạn nhạc thiên tài chỉ mới có 7 tuổi. Sau Paris là liên tiếp những chuỗi ngày tháng lưu diễn của Mozart ở nước ngoài, từ Anh quốc đến Hòa Lan, Ý, v.v... Có thể nói tên tuổi của Mozart vang dội khắp nơi ở châu Âu trước khi thành phố Salzburg công nhận tài năng của ông. Mozart lâm bệnh nặng vào mùa thu năm 1791 và qua đời vào tháng 12, lúc mới 35tuổi, để lại một sự nghiệp đồ sộ gồm 50 bản nhạc giao hưởng, 22 vở opera, vô số bản xô-nát dành cho đàn piano và vĩ cầm, v.v...

Năm 1991, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Mozart, nhạc của ông được trình tấu ở khắp nơi trên thế giới. Ví dụ như tại thành phố New York, Hoa Kỳ, 11 đoàn nghệ thuật đã phối hợp giới thiệu sự nghiệp của Mozart đồng thời tổ chức nhiều buổi nói chuyện và triển lãm để vinh danh một thiên tài lỗi lạc. Riêng tại thành phố Salzburg là nơi ông sinh ra thì tuần lễ Mozart được tổ chức hàng năm vào tháng giêng.

Sinh năm 1797 tại thủ đô Vienna, Schubert là con út trong một gia đình có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. 3 người anh của Schubert đã dạy ông chơi đàn piano và vĩ cầm từ lúc ông còn rất bé. Tuy nhiên, một thời gian sau, Schubert lại tỏ ra vượt trội hơn hẳn các anh. Năm 11 tuổi, nhờ có giọng hát hay, Schubert xin được một học bổng vào trường Konvikt, là trường chuyên đào tạo các giọng nam cho đội hợp ca của triều đình. Cuộc sống của Schubert tại trường khá vất vả vì những bữa ăn ở trường không đủ no, trong khi đó gia đình ông lại nghèo, không thể gửi đủ tiền cho ông mua thêm thức ăn. Schubert thường xuyên bị đói, ngoài ra ông cũng không có tiền mua giấy kẽ giòng sẵn để viết nhạc. May mắn là ông có một người bạn lớn tuổi hơn, ngưỡng mộ tài năng của ông nên thường cung cấp giấy cho ông sáng tác.

Năm 1813, tức năm Schubert 16 tuổi, ông bị đuổi ra khỏi trường, lý do là vì ông đã đến tuổi bị vỡ tiếng. Vì không hội đủ chiều cao để tham gia quân đội hoàng gia, cho nên ông quyết định nối nghiệp cha, làm nghề thầy giáo. Ngoài thì giờ đi dạy, Schubert dành hầu như toàn bộ thời gian còn lại cho việc sáng tác. Chỉ trong vòng 5 năm, ông đã hoàn tất 5 bản giao hưởng, 6 vở opera và 300 bài hát. Chính vì sáng tác nhiều bài hát như vậy mà sau này nhiều người cứ tưởng Schubert chỉ là một nghệ sĩ sáng tác bài hát nhưng thật ra tác phẩm của ông rất đa dạng gồm cả nhiều bản giao hưởng cũng như nhiều bản tứ tấu và xô-nát.

Vừa rồi là phần trình bày một khía cạnh đặc sắc của nước Áo: đó là sự đóng góp lớn lao của quốc gia này vao nền âm nhạc cổ điển Tây phương.
Milou
Nước Áo (Phần 2): Các thành phố lớn

Áo là một quốc gia đẹp nổi tiếng ở châu Âu. Vẻ đẹp của nước Áo là vẻ đẹp được tạo thành một phần từ thiên nhiên và một phần từ văn hoá. Bước chân trên lãnh thổ nước Áo, người ta không những chỉ được nhìn ngắm những đồi núi hay sông hồ thơ mộng mà còn được chiêm ngưỡng vô số những di tích lịch sử lâu đời và vô cùng tráng lệ. Về phương diện thiên nhiên, nói đến Áo, chúng ta không thể không kể đến dãy núi Alps. Đó là dãy núi dài nhất và cao nhất của châu Âu, chạy qua nhiều nước là Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Đức, Nam Tư và Áo. Tại Áo, dãy Alps chiếm khoảng 65% diện tích của nước này. Phong cảnh của dãy Alps ở nước Áo rất thơ mộng, bao gồm những đỉnh núi có tuyết phủ quanh năm, những thung lũng nhỏ hẹp, những hồ nước xanh biếc và những khối băng khổng lồ. Đây đó dọc theo dãy núi là những toà lâu đài nguy nga, những căn nhà gỗ cheo leo, những ngôi làng mạc cổ cũng như những trung tâm nghỉ mát nổi tiếng nhất thế giới. Đỉnh cao nhất của dãy Alps tại Áo là Gross Glockner - 3.800 thước.

Ngoài dãy núi Alps, là nơi du khách có thể đến chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ hay trượt tuyết quanh năm, có 3 thành phố lớn của nước Áo được yêu chuộng nhất là thủ đô Vienna, thành phố Salzburg và thành phố Innsbruck.

Thủ đô Vienna chiếm đến 20% dân số của cả nước, với hơn 1 triệu rưỡi người. Nằm ở phía tây bắc của nước Áo, Vienna được xem là một trong những thành phố nổi tiếng nhất của châu Âu. Ngày xưa, Vienna từng là thủ đô của cả đế quốc Áo, một lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Thuỵ Sĩ đến tận nước Nga. Đế quốc Áo sụp đổ vào năm 1918, sau khi Áo và quốc gia đồng minh Đức bị đánh bại trong thế chiến thứ nhất. Hiện nay, Vienna chỉ là thủ đô của một nước Áo Cộng hòa và nhỏ bé có diện tích gần 84.000 cây số vuông, tức khoảng 1/8 của lãnh thổ trước kia. Tuy nhiên, Vienna vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu tích lịch sử của thời vàng son cũ, ví dụ như những toà lâu đài tráng lệ, những công trình kiến trúc độc đáo, và những thành tựu đặc sắc về nghệ thuật.

Tại thủ đô Vienna, người ta có thể tìm thấy nhiều di tích cổ như Nhà hát opera, được xây vào năm 1869 ; cung điện Hofburg, một công trình kiến trúc vĩ đại và phức tạp kéo dài đến 7 thế kỷ mới hoàn tất, hiện nay là nơi tập trung cả thảy 6 viện bảo tàng; cung điện Belvedere, được xây vào đầu thế kỷ 17, nổi tiếng nhờ có Viện Bảo tàng Áo, nơi trưng bày cả một chiều dài thành tựu nghệ thuật của nước Áo từ thời Trung cổ cho đến thời kỳ đương đại. Ngoài Viện Bảo tàng Áo, Viện Bảo tàng Freud cũng được du khách đặc biệt chú ý. Tuy sinh trưởng tại Czechoslovakia nhưng Sigmund Freud chủ yếu sinh sống và làm việc tại Vienna. Viện Bảo tàng Freud chính là nhà ở đồng thời là phòng khám trước kia của Freud từ năm 1891 cho đến năm 1938. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Vienna, Freud trở thành bác sĩ phân tâm học đầu tiên và lừng danh nhất thế giới. Viện Bảo tàng Freud hiện trưng bày một số vật dụng cá nhân của ông như mũ, áo khoác, cũng như một số đồ đạc trong nhà của ông ngày trước.

Tuy nhiên, biểu tượng chính của thủ đô Vienna có lẽ là ngôi nhà thờ St. Stefan, được kiến trúc theo kiểu baroque, tức là một hình thức kiến trúc đặc biệt thịnh hành ở châu Âu vào thế kỷ thứ 17 và 18. Ngôi nhà thờ này đã nhiều lần bị hư hại trong thời gian các trận chiến diễn ra ngay tại thủ đô Vienna. Cách đây hàng trăm năm, đạn đại bác của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trúng nhà thờ, và hiện nay dấu vết của nó vẫn còn nằm trên tường. Gần đây nhất, sau một trận oanh kích xảy ra vào thế chiến thứ hai, ngôi nhà thờ bị bốc cháy, làm cho nóc nhà thờ và nhiều bức tường bị tàn phá nặng nề. Sau khi thế chiến kết thúc, phải mất đến 10 năm nhà thờ mới được sửa chữa và tu bổ lại như ngày nay. Xung quanh nhà thờ là một quảng trường thường xuyên có nhiều nhạc sĩ, kịch sĩ và họa sĩ đến sinh hoạt và biểu diễn, mang lại cho cả khu vực một bầu không khí vừa vui tươi trẻ trung vừa đầy tính chất văn nghệ.

Âm nhạc là niềm say mê sâu đậm của người dân Vienna. Trước đây, Vienna được xem là thủ đô âm nhạc của cả châu Âu. Nhà soạn nhạc người Đức Johannes Brahms từng gọi Vienna là "thánh địa của giới nhạc sĩ". Năm 36 tuổi, chính bản thân Brahms cũng quyết định rời bỏ quê hương để sang Vienna sinh sống cho đến cuối đời. Ngày nay, âm nhạc và khiêu vũ vẫn là một phần rất quan trọng trong đời sống văn hoá của người dân Vienna. Vienna có 4 dàn nhạc giao hưởng lớn thuộc loại lừng danh nhất thế giới. Hàng năm, đúng vào mùa lễ Fasching, có khoảng 300 buổi khiêu vũ được tổ chức tại thủ đô Vienna, trong số đó nổi tiếng nhất là buổi khiêu vũ tại Nhà hát opera quốc gia. Trong buổi khiêu vũ đặc biệt này, mọi người đều mặc trang phục của thời cung đình xa xưa.

Nằm ở miền trung của nước Áo, thành phố Salzburg là quê quán của nhà soạn nhạc Mozart, do đó người ta có thể tìm thấy dấu vết của ông ở nhiều nơi, đặc biệt là tại 2 viện bảo tàng Mozart. Viện bảo tàng thứ nhất là ngôi nhà mà Mozart đã sinh ra, lớn lên và sống cho đến năm 17 tuổi và viện bảo tàng thứ hai là chỗ cư ngụ của Mozart từ năm 1773 đến năm 1787. Cả hai nơi đều trưng bày những nhạc cụ mà Mozart từng sử dụng, những tờ giấy viết nhạc cũng như một số vật dụng cá nhân khác của ông. Salzburg cũng là nơi tổ chức tuần lễ Mozart hàng năm vào tháng giêng để vinh danh người con yêu quý của mình.

Thành phố Salzburg thu hút được nhiều du khách, một phần nhờ Lễ hội Salzburg được tổ chức hàng năm vào mùa hè, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8. Đây là một lễ hội âm nhạc có tầm vóc quốc tế, được thành lập từ năm 1920, chuyên trình diễn nhạc cổ điển, kịch opera, v.v..., trong đó có cả tác phẩm của Mozart. Bất cứ dàn nhạc hay ca sĩ nào được mời tham dự lễ hội đều có thể xem như tài năng của mình đã được thế giới công nhận.

Thành phố Innsbruck, nằm ở phía tây nước Áo, trong một thung lũng ở trên dãy núi Alps, là nơi đã diễn ra hai lần Thế vận hội mùa đông, vào năm 1964 và 1976. Innsbruck nổi tiếng là một trung tâm trượt tuyết của nước Áo. Tuy nhiên đó cũng là một thành phố có tính chất lịch sử bởi vì vào cuối thế kỷ thứ 15, hoàng đế Maximilian đệ nhất đã đặt cung điện tại đây, sau đó Innsbruck trở thành nơi cư ngụ của hoàng gia Áo trong vòng hơn một thế kỷ rưỡi. Một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất là Hofkirche, tức ngôi mộ của hoàng đế Maximilian đệ nhất. Đây là nơi trưng bày quan tài khổng lồ của nhà vua, được chạm nổi bằng những hình ảnh lúc ông còn sinh tiền. Chung quanh quan tài là 28 bức tượng bằng đồng của tổ tiên hoàng đế. Ngôi mộ này được xem như một trong những công trình điêu khắc độc đáo nhất của thời kỳ Phục hưng. Tuy nhiên đó thật ra chỉ là quan tài và mộ giả, có tính cách tượng trưng mà thôi. Lý do là vì hoàng đế được chôn cất tại một thị trấn cách thủ đô Vienna hơn 50 cây số về hướng nam chứ không phải tại đây.

Tài liệu tham khảo: Sheehan Sean (1992), Austria, Marshall Cavendish Corporation, New York; Europe, The Rough Guides, 2000 Edition.
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Âm nhạc - Hội họa
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.