Langven.com Forum

Full Version: Trịnh Công Sơn
Quán nước đầu làng Ven > Thư viện làng Ven > Người Việt Nam
Pages: [<<], [<], 2, 3, 4, [5], 6, 7, 8, [>], [>>]
FR
Những "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn


Ca khúc của anh người ta vẫn hát, vẫn thưởng thức nhưng không phải ai cũng biết được xuất xứ của chúng. Dưới đây là nguồn cội, ý nghĩa của một số bài hát viết về tình yêu của anh.

"Cuối cùng cho một tình yêu''

Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy có cô Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng hay mặc áo dài tím, có dáng đi mềm mại như tơ, hát hay, nên H. rất được mến mộ. Họa sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh. H. Vì tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần 40 năm qua. Một điều thú vị là: ''Cho đến nay, Nh. H. đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình" (lời thú nhận của Trịnh Cung).

Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây

Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này
Một lần yêu thương, một đời bão nổi
Giã từ, giã từ chiều mưa giông tới
Em ơi em ơi

Sầu xuống thôi đầy, làm sao em nhớ
Mưa ngoài song bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây
Sầu xuống thôi đầy
Sầu xuống thôi đầy...


Tương tự, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph.Th. - em ruột ca sĩ Hà Thanh. Sau này, anh kể lại: ''Hà Thanh có đến bốn, năm người em gái, nhưng mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng là mình biết ngay bởi mùi hương rất đặc trưng". Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng không có một cử chỉ nào khiến người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng. Thế mà nhạc sĩ họ Trịnh đã si tình, và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện ''em đứng lên gọi mưa vào hạ'' ấy của Ph.Th., anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn những mùa thu đi, Nắng thuỷ tinh và Gọi tên bốn mùa. Ph.Th. lập gia đình với ông tiến sĩ B. làm trưởng khoa luật rồi làm Bộ trưởng Giáo dục, ''tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi''. Sau đó, vì thời cuộc, tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, vẫn thấy hai chị em này không sợ thời gian, vẫn đẹp như nắng thủy tinh thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là kỷ niệm của giai đoạn đẹp nhất đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là mối tình đầu của anh.

Nhìn những mùa thu đi
em nghe sầu lên trong nắng
và lá rụng ngoài song
nghe tên mình vào quên lãng
nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Nhìn những lần thu đi
tay trơn buồn ôm nuối tiếc
nghe gió lạnh về đêm
hai mươi sầu dâng mắt biếc
thương cho người rồi lạnh lùng riêng

Gió heo may đã về
chiều tím loang vỉa hè
và gió hôn tóc thề
rồi mùa thu bay đi
trong nắng vàng chiều nay
anh nghe buồn mình trên ấy
chiều cuối trời nhiều mây
đơn côi bàn tay quên lối
đưa em về nắng vương nhè nhẹ

Đã mấy lần thu sang
công viên chiều qua rất ngắn
chuyện chúng mình ngày xưa
anh ghi bằng nhiều thu vắng
đến thu này thì mộng nhạt phai.



Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên.

Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em

Em qua công viên bước chân âm thầm
Ngoài kia gió mây về ngàn
Cỏ cây chợt lên màu nắng
Em qua công viên mắt em ngây tròn
Lung linh nắng thủy tinh vàng
Chợt hồn buồn dâng mênh mang

Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em
(Màu nắng bây giờ trong mắt em)



Em đứng lên gọi mưa vào Hạ
Từng cơn mưa từng cơn mưa
Từng cơn mưa mưa thì thầm dưới chân ngà

Em đứng lên mùa Thu tàn tạ
Hàng cây khô tình bơ vơ
Hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nho?

Em đứng lên mùa Đông nhạt nhòa
Từng đêm mưa từng đêm mưa
Từng đêm mưa mưa lạnh từng ngón sương mù

Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
Nụ xuân xanh cành thênh thang
Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng

Rồi mùa Xuân không về
Mùa Thu cũng ra đi
Mùa Đông vời vợi
Mùa Hạ khói mây

Rồi từ nay em gọi
Tình yêu dấu chim bay
Gọi thân hao gầy
Gọi buồn ngất ngây

Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người

Nghe xót xa hằn lên tuổi trời
Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi
Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người




''Hai mươi năm xin trả nợ dài''

Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn về kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một, dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phú Cam. Hàng ngày, Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phú Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm, con gái thầy Ngô Đốc Kh. - người Hà Nội. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.

Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua, anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà ''dài hun hút cho mắt thêm sâu'' (Diễm xưa). Nhưng anh cũng biết, gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.

Thầy Ngô Đốc Kh. - thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì liền liều mình qua thăm. Những lần liều mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp.

Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa.


Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.


Nhưng sự việc không dừng ở đó, bởi mấy năm sau, khi Diễm vào học ở Sài Gòn, em gái cô cũng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường ''Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...''.

Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại ''hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi'' (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên hết ''phụ tình'' Trịnh Công Sơn.


Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi

Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

Hai mươi năm em trả lại rồi
Trả nợ một đời xa vắng vòng tay
Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
Trả nợ một thời môi vắng vòng môi.

Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu

Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau.


Đinh Cường đã viết: ''Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm suốt tuần, sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà''. Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới ''nhận'' được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận trong một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

''Coi như phút đó tình cờ''

Gặp người đẹp, Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh ''chán tình'', vì cho rằng mình yêu nhầm. Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, thuộc phường Vĩ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai ''vì anh ấy lai Tây''.

Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ lệch lạc đến thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi trăng là Nguyệt. Nhưng khi anh phát hiện ra từ trăng thôi là Nguyệt, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt coi như phút đó tình cờ và về sau anh không nhắc đến cô nữa.


Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời

Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn mưa
Từ bao la em đã đến xua tan những nghi ngờ
Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc hân hoang giây xuống thế

Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca
Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là

oOo

Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hát cho câu kinh bước tôi
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời

Từ bao la em đã đến hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về
Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ

Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ

oOo

Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la
Từ trăng kia vừa mọc trong tối không trí nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt hôm nào chợt có lời thưa
Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ

Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi.
Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về
Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đó thôi lăn
Vườn năm xưa vừa một cây đam mê hết nhánh

Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình


Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bích Kh., có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ còn ai nữa... và cũng thế thôi. Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc đã có được cái địa vị người sáng tác nhạc tình hay nhất thế kỷ.

Hồng Nhung có 3 bài:

Bống Bồng i


Nắng vàng em đi đâu mà vội.
Mà vội mà vội nắng vàng ơi.
Mà vội mà vội nắng vàng nắng vàng ơi.
Em đi đâu mà vội.
Bống lòng suối thảnh thơi.
Em đi đâu mà vội.
Bống đùa bống đùa chơi.
Em đi đâu mà vội mà vội.
Bống này bống nhỏ nhoi.
Ngày bống me bồng nhẹ quá tơ tằm.
Lay nhẹ bống bồng lay nhẹ đóa hồng nhung.
Nắng vàng em đi đâu mà vội.
Mà vội mà vội nắng vàng ơi.
Mà vội mà vội gió vàng gió vàng ơi.
Em đi đâu mà vội.
Bống hồng bống hồng lay.
Em đi đâu mà vội.
Sương mù tóc mẹ trôi.
Em đi đâu mà vội mà vội.
Bống này bống là ai.




Bống Không Là Bống


nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn


Bống không là bống bống ở nơi nào.
Bống không là bống không ở trong ao.
Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố.
Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà.

Tìm tình tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa.
Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về.
Tìm tình tìm tình trên núi em gặp mây bay.
Ô hay tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi.

Bống không là bống bống mặc áo dài.
Bống ra ngoài ngõ bước nhịp khoan thai.
Có một con đường bống đi không tới.
Vui buồn hội ngộ trong kiếp con người




Thuở Bống Là Người


nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn


Bống đùa biển khơi
Bống đùa núi đồi
Bống đùa đuổi thôi
Làm chi mà vội
Giọt nắng ban mai
Làm chi mà vội
Em đi bống về
Em về bống đi
Làm chi mà vội
Đừng buồn gió ơi
Đừng buồn gió ơi
Gió ngủ ở đâu
Bống ngủ nơi nào
Có còn bờ ao
Trăng về thuở ấy
Thuở bống là người

Bống vội vàng đi
Xa lìa quê nhà
Xa lìa vườn xưa
Ngày xưa ngần ngại
Xõa tóc trên vai
Ngày xưa ngần ngại
Hư vô bốn bề
Câu thề đã bay
Trời như nhỏ lại
Đừng buồn suối ơi
Đừng buồn núi ơi
Nắng vàng ở đâu
Bống về nơi nào
Vó ngựa tình sâu
Đất nồng nỗi nhớ
Tình bống nhạt nhòa



Xuất xứ 'Bống bồng ơi'

Hồng Nhung


...Khi ấy tôi 20 tuổi, còn anh thì không có tuổi. Lần đầu tiên gặp anh, tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ mặt không nỗi lo đời thường và nụ cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh sáng, trong một đêm hè đầy sao. Anh không có tuổi, như anh vẫn hay đùa với những cô gái gặp anh, kính trọng chào anh bằng chú: “Mình có bà con gì không nhỉ… mà phải thưa anh bằng chú?" Anh lúc nào cũng hóm hỉnh, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ và đón nhận. Cũng trong đêm hè đầy sao ấy, tôi nhận thấy trong anh, người đàn ông nhỏ bé và bình dị, sự che chở và yêu thương.

Sau đó chúng tôi gặp nhau hàng ngày, lúc thì đi xem tranh ở một galery, lúc thì đến dự khai trương một nhà hàng của người bạn, lúc thì quanh quẩn trong nhà anh chuyện trò cả buổi, lúc thì lang thang thả bộ ra quán mì nhỏ gần Hồ Con rùa ăn sáng… Anh đã luôn yêu thương mọi người, trong đó có tôi như thế. Anh lúc nào cũng nhẹ nhàng và chẳng hề nề hà trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, nhiều khi là ngô nghê, về đời sống, về âm nhạc, hay về bất kỳ điều gì dù nhỏ bé nhất. Anh dạy tôi làm món trứng tráng (trứng chiên) theo kiểu của anh, có cà chua, hành lá và không để trứng quá chín mà phải bắc ra ngay!… Hồi tôi bắt đầu học tiếng Pháp (ngoại ngữ thứ hai để thi tốt nghiệp Anh văn ở trường Ðại học Tổng hợp), anh rất vui và khuyến khích tôi. Có những dịp sau lớp học tôi đến nhà anh, để anh truy bài cho tôi, dạy thêm cho tôị Tôi không có năng khiếu tiếng Pháp, chỉ mới bập bẹ "merci beaucoup" là anh đã khen ngợi rồi! Tôi kể cho anh nghe về những điều làm tôi buồn, những mất mát khi còn nhỏ. Anh chỉ ngồi lặng im. Và sự im lặng của anh làm tôi thấy được lắng nghe, được hiểu, và được vỗ về… Anh cho tôi một miếng ngọc hình quả bí, bảo tôi đeo nó sẽ mang cho tôi may mắn, vì quả bí hợp cách với tuổi của tôi Anh cho tôi thấy hạnh phúc thật giản đơn. Và anh là người đã làm cho tôi không còn cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ ngay cả trong những ngày đầu tiên sống ở Sài gòn.

Trưa hôm ấy ở nhà anh, lần đầu tiên tôi hát bài hát của anh cho anh nghe (Lại còn tự đệm guitar với trình độ mà không ai có thể chơi kém hơn.) Trước đó, khi còn ở Hà nội, tôi đã từng rất cảm những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dù còn quá nhỏ để thực sự hiểu ý nghĩa của lời hát. Tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ sẽ có thể hát được những bài hát ấy, thậm chí không dám thử. Còn bây giờ, anh ngồi trước mặt tôi, thân mật chứ không quá xa vời như trước, tôi có thể hát tình cảm của tôi cho anh nghe.

"…Ngủ đi em đôi vai lụa mát
Ngủ đi em da thơm quả ngọt
Ngủ đi em tay thôi mời mọc
Ngủ đi em trong tiếng ru êm…"


Và rồi tôi hát, anh hát, lần hết qua cuốn sách nhạc dầy. Căn nhà anh, và cả khu vườn nhỏ tràn đầy âm thanh, có sự kể lể, sự ngậm ngùi, có sự vui thích,… sống… Ngày qua ngày, có biết bao nhiêu ngày anh kể cho tôi nghe về những bài hát của anh, về những kỷ niệm và tình yêu của anh, những "Hạ trắng", những "Như cánh vạc bay", những "Tôi ơi đừng tuyệt vọng"… Anh kể về những gì anh thấy trong chiến tranh, nỗi đau và sự sợ hãi trước chết chóc và bom đạn. Anh giảng giải cho tôi về âm nhạc và ngôn từ rất chân thật và trực tiếp của những bài hát ấy, phản chiếu từng rung động của trái tim nhậy cảm đang run rẩy, xót xa.

Còn anh, những khi buồn, anh chẳng làm gì cho đỡ buồn mà tự buồn cho hết. Anh cứ ngồi một mình, hay đối thoại với chính mình bằng cách vẽ lên những tấm toan đã căng sẵn, hàng nhiều giờ đồng hồ. Tôi thấy anh cô đơn mà thương anh vô cùng.

Hơn mười năm quen rồi thân, với nhiều chia sẻ có cả chỗ cho những khi giận hờn. Lần ấy, tôi bỏ ra Hà nội. Anh Sơn chẳng biết tôi đi đâu. Rồi anh gặp người bạn gái của tôi hỏi tin. Ngày hôm sau một người bạn thân của anh tìm đến nhà mẹ tôi ở trên đường Tràng Thi, gửi cho tôi một bó hoa hồng và một tờ giấy gấp tư. Tôi giở ra để thấy nét chữ quen thuộc của anh, và những nốt nhạc:

"Nắng vàng em đi đâu mà vội
Mà vội nắng vàng nắng vàng ơi
Mà vội nắng vàng nắng vàng ơi
Em đi đâu mà vội
Bống lòng suối thành thơi…
Ngày Bống mẹ bồng
Nhẹ quá tơ tằm
Lay nhẹ Bống Bồng Bông
Lay nhẹ đóa Hồng Nhung…"


Cái tên dân gian là cá Bống của mẹ đặt cho tôi đã được anh đưa vào âm nhạc một cách tự nhiên và mộc mạc, để từ đây không chỉ những người thân trong gia đình mà tất cả mọi người đều có thể gọi tôi thân thương và trìu mến là Bống. Không là đủ chăng, sống hết một cuộc đời để được yêu thương đến như vậy.

Lần đầu tiên trong đời, tôi đã đến với thế giới của sự sống và cái chết qua cách nhìn nhân bản của anh, người nghệ sĩ đã dạy cho tôi biết yêu thương đến tận cùng, vô điều kiện.
FR
Vài Người Bạn Gái Của Sơn Mà Tôi Biết ...


Trở thành bạn thân thiết chung của chúng tôi sau đó, cho đến nay, Tôn Nữ Bích Kh. trong "Biển Nhớ", còn ở Nha Trang, tôi có lần ghé thăm. Hai chị em Bích D. và Dao A., ở California, trong "Diễm Xưa" và "Xin Trả Nợ Người". Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà. Chúng tôi thường đùa với Sơn: "D. xưa, A. nay". Dạo đó, nhà Sơn dọn về ở khu nhà mới xây của Dòng Chúa Cứu Thế, 11/3 Nguyễn Trường Tộ. Địa chỉ của Sơn cho đến sau 75. Hiện nay gia đình Hoàng Phủ Ngọc Tường đang ở: "... Hình như trong mỗi góc đầy bóng tối của căn nhà này, trên chiếc bàn viết gỗ mục của Sơn để lại, và trong chiếc ghế bằng sợi mây hèo to của Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ chúng tôi." (HPNT - Căn Nhà của Những Gã Lang Thang - Thanh Niên, xuân 2001).

Căn nhà mang nhiều kỷ niệm của Sơn, nhất là tháng ngày sau giải phóng. Khi cả gia đình Sơn đã ở tại căn nhà mới xây không lâu trước 75, 47C Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, Sơn trở lại Huế một mình với bạn bè, sống những ngày đầu giải phóng, còn biết bao khó khăn, nghi kị. Sơn vào sinh hoạt tại hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường đi lao động chung với Bửu Chỉ, khi tại Huế, khi tại Quảng Trị.

Mỗi đêm, chúng tôi vẫn đến nhà cùng Sơn uống rượu, Lữ Quỳnh và tôi ở trong Thành Nội, đạp xe qua Sơn, Quỳnh thường lấy chai đi mua rượu đế (chai mua hôm trước, hôm sau đến đổi lấy chai mới về). Phần lớn là rượu dỏm, vì khan hiếm gạo nếp... còn nghe nói bỏ cả thuốc rầy vào trong. Ôi, một thời của những buổi rượu độc hại như thế, mà quây quần và nói cười, vẽ chân dung bạn bè treo đầy tường, nhất là Bửu Chỉ. Phải kể đến người bạn mới quen sau 75 mà chúng tôi rất qúy mến: Thái Bá Vân, người viết phê bình nghệ thuật được các họa sĩ nể trọng. Vân mất trước Sơn hai năm, cũng vào tháng 4. Vân đã viết: "... Riêng tôi, mãi sau ...75, nhờ những chuyến dạy học ở Huế, 1987-1981, tôi mới được gần Trịnh Công Sơn, trên căn nhà nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ, đầy kỷ niệm với bạn bè trong đó. Niềm an ủi ấy là của hàng triệu người đã khuất, dành cho chúng tôi, và mỗi lần nhớ lại, chúng tôi đều thầm rơi nước mắt." (TBV - Tiếp Xúc Với Nghệ Thuật, Viện MTVN 1997).

Chính tại căn nhà này Sơn đã viết bài "Diễm Xưa", ghi một dấu mốc cho ca từ đầy chất huyền thoại của Sơn "... Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Có lần Sơn bắt gặp một nhánh hoa sầu đông tím cắm trước cửa sổ nhà. Mà còn ai, ngoài cô gái mỗi ngày vẫn đi học ngang qua đó. Tất nhiên là Sơn kể cho tôi ngay với nhiều xúc động. Và, Sơn đã bạo dạn một lần, nhờ tôi đi cùng, qua thăm D., nhà bên kia sông, qua cầu Phú Cam, rẽ mặt, đi một đoạn đường Phan Chu Trinh... Lúc này, tôi cũng đã thuê phòng trọ trong con hẻm đá gần nhà D. và nhà Túy Hồng (chị dạy Việt Văn trường trung học Hàm Nghi, đã viết truyện ngắn đăng ở Bách Khoa, gây chú ý nhiều độc giả). Tường về đó ở chung cùng tôi để đi dạy gần hơn. Tôi còn nhớ nét mặt nghiêm của ông cụ D., giáo sư Pháp văn trường Đồng Khánh. Ông cụ đã nhìn chúng tôi bằng đôi mắt nghi kị, nhất là Sơn, tóc dài, có râu lưa thưa dưới cằm. Nhưng đã liều thì phải chịu trận. Lúc D. đưa chúng tôi ra cổng, cổng sân là hai liếp cửa gỗ thấp. Còn nhớ rõ là lúc đó, em gái D. còn nhỏ lắm, chạy theo ra nhìn Sơn. Ai ngờ sau này Sơn đã da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của A., để rồi, thất vọng, để rồi ... hai mươi năm sau mới được: " ... Hai mươi năm em trả lại rồi. Trả nợ một đời xa vắng vòng tay...".

"Biển Nhớ", hay bóng dáng của Bích Kh. là một giai đoạn ngắn, vì hoàn cảnh và thời cuộc lúc đó. Sơn vào Quy Nhơn nấp duới bóng trường Sư Phạm. Hè 1962, tôi vào thăm Sơn vì Sơn ở lại, không về Huế. Đêm nào Sơn cũng rủ Bích Kh. cùng tôi ra biển ngồi đến khuya. Bích Kh. từ Nha Trang ra Quy Nhơn học, cùng lớp, hay săn sóc cho Sơn. Dạo ấy chỉ thấy lúc nào Sơn cũng mặc chiếc áo chemise kaki vàng. Kh. thường đem cà phê đến tặng Sơn. Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. "Biển Nhớ" là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya khoắt ấy, mà Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình, rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn "trời cao níu bước Sơn Khê...". Thời Quy Nhơn này của Sơn phải kể đến "Trường Ca Tiếng Hát Dã Tràng", mà hè 1964, trong lễ ra trường, Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn đã chép tặng tôi mấy trang bản trường ca nàỵ Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được.

Nhắc đến Sơn-Khê, Sơn hay ghép tên bạn gái vào lời nhạc của mình một cách hồn nhiên như vậy. Như sau này, một cô gái bình thường, có sắc đẹp quyến rũ, ở cạnh nhà Tôn Thất Văn, làng Báo Chí, Thủ Đức. Tôn Thất Văn là họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng, bạn thân của chúng tôi. Tuần nào chúng tôi cũng về nhà Văn uống rượu. Sơn đi chiếc xe PC màu vàng cam... "Cây sẽ cho Lộc và cây sẽ cho hoa". Lộc là cô láng giềng của Văn mà Sơn đã si tình.

Cũng như "Bống Bồng i" sau này của Sơn. Bống là tên gọi ở nhà của Hồng Nhung:

"Ngày Bống mẹ bồng
Nhẹ qúa tơ tằm
Lay nhẹ bống bồng bông
lay nhẹ đóa Hồng Nhung."
Và còn nữa, Quỳnh H. của "nụ cười khúc khích trên lưng", Chu Nguyệt Ng. mà chúng tôi đã sửa soạn đi ăn cưới, Michiko, cô gái Nhật rất thương Sơn, chơi bóng rổ giỏi, đã làm luận án về nhạc Sơn tại đại học Sorbonne, Paris ...

Đinh Cường

(Trích từ "Tình Bạn, Hồi Sinh Cơn Hôn Mê", nhà xuất bản Văn Nghệ, 2001)


Biển Nhớ


Ngày mai em đi
biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê
gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ngày mai em đi
đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ
nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Ngày mai em đi
biển nhớ em quay về nguồn
gọi trùng dương gió ngập hồn
bàn tay chắn gió mưa sang

Ngày mai em đi
thành phố mắt đêm đèn mờ
hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
nghe ngoài biển động buồn hơn

Hôm nào em về
bàn tay buông lối ngỏ
đàn lên cung phím chờ
sầu lên đây hoang vu

Ngày mai em đi
biển nhớ tên em gọi về
triều sương ướt đẫm cơn mê
trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi
cồn đá rêu phong rủ buồn
đèn phố nghe mưa tủi hờn
nghe ngoài trời giăng mây tuôn

Ngày mai em đi
biển có bâng khuâng gọi thầm
ngày mưa tháng nắng còn buồn
bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi
thành phố mắt đêm đèn vàng
nửa bóng xuân qua ngập ngừng
nghe trời gió lộng mà thương .





Trịnh Công Sơn viết bài Ru Tình đã lâu lắm rồi; lúc Trịnh Công Sơn còn "trẻ lắm". Lúc đó (trước 75), có một cô ca sĩ rất trẻ người Nhật; cô này muốn sang VN để gặp Trịnh Công Sơn và nhờ anh ta tìm chỗ may áo dài cho cô ấỵ Có lẽ Trịnh Công Sơn ví cái ý muốn này như một sự đi tìm một cuộc tình, nên anh ta cản ngăn: "Em xinh, em đẹp, em cứ ngồi đó để tôi đi tìm cuộc tình cho. Nếu em đi, tôi sẽ mất em thì sao":

Ru em ngồi yên đó
Tôi tìm cuộc tình cho ...

Nhưng "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên"; chẳng may, cô ta bị tai nạn và đã ra người thiên cổ. Trịnh Công Sơn buồn lắm, chưa gặp người mà Trịnh Công Sơn tưởng tượng là đẹp lắm - đẹp từ bàn tay đến đôi má - mà đã mất. Trịnh Công Sơn bèn viết bài hát này để "ru" một chuyện tình không có thật, một chuyện tình tưởng tượng, một chuyện tình vừa đẹp lại vừa buồn.

So với các nhạc sĩ khác, Trịnh Công Sơn là người có nhiều bài ca mang tiếng "Ru" nhất. Thật vậy, đây không phải là lần đầu tiên Trịnh Công Sơn cất lời ru. Trong quá khứ, Trịnh Công Sơn đã vài lần "Ru em từng ngón xuân nồng", "Ru ta ngậm ngùi", "Ru đời đi nhé", vv. trên làng sóng nhạc ở miền Nam. Nhưng những bài ru đó lời có vẻ xa vời, điệu nhạc chậm chạp hơn bài Ru Tình lần này. Quả vậy, Ru Tình từ đầu đến cuối là những lời ru thật tình, thật gần gũi, với những âm điệu nhịp nhàng thay đổi liên tục, và mỗi giòng nhạc là một lời ru mới:

Ru em tình khi nhớ
Ru em tình lúc xa


Ru Tình


Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ
Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu

Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại, một hồn thơm cây trái
Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy, ru tình à ..ơi

Ru người ngồi mãi cùng tôi
Ru người ngồi mãi cùng tôi

Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng
Ru bay tà áo rộng, vượt tình tôi chấp cánh
Ru trên đường em đến, xôn xao từng tiếng chim
Ru em là cánh nhạn, miệng ngọt hạt từ tâm

Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về
Môi em là đốm lửa, cuộc đời đâu biết thế
Xin em còn đâu đó, cho tôi còn tiếng ru
Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho




Hoa Xuân Ca


1. Cây sẽ cho không lộc và cây sẽ cho không hoa __
Em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió __
Em cứ bay nhưng đừng bỏ lại tôi một mình __

Ừ ứ ư ứ ư ư ừ __
Ừ ứ ừ ứ ư

Đời sẽ cho không lộc và đời sẽ cho không hoa __
Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu không ngờ __

2. Cây sẽ cho không lộc và cây sẽ cho không hoa __
Em cứ yêu con người ngọt ngào đời vẫn thế __
Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ __

Ờ ớ ơ ớ ơ ơ ờ__
Ờ ớ ờ ớ ơ

Đời sẽ cho không lộc và đời sẽ cho không hoa __
Em suối kia rất ngọt và tôi đứng hai không bờ __

3. Cây sẽ cho không lộc và cây sẽ cho không hoa __
Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én __
Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình __

Ừ ứ ư ứ ư ư ừ
Ừ ứ ừ ứ ư

Đời sẽ cho không lộc và đời sẽ cho không hoa __
Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa không gần __

Diễm Xưa
Chị Rên chịu khó thật đấy, đọc bao nhiêu sách nhé mà cũng dũng cảm ngồi type nhiều như thế nữa.
Em chịu thôi ;D

Nhưng mà đọc thấy thích lắm :-X
Diễm Xưa
Thôi rồi, những nhịp đập của một trái tim từng yêu thương nhất và cũng từng cô đơn nhất! Thôi rồi, những khát vọng cháy bỏng của tình yêu, và cũng thôi rồi, những dằn vặt khổ đau trần thế! Có chăng, chỉ còn lại những giai điệu Orpheus (*) đầy quyến rũ và cũng đầy day dứt như xoáy vào tâm hồn người nghe những vấn nạn muôn thuở của thân phận kiếp người.

Thực vậy, sáng tác của Trịnh Công Sơn rất đa dạng và phong phú. Nhưng, nhìn chung toàn bộ những ca khúc của anh đã toát lên một chủ đề nhất quán, ấy là chủ đề về thân phận con người gắn liền với thân phận quê hương đất nước. Bởi vậy dù hát về tình yêu, về chiến tranh, hay về quê hương nòi giống; ở anh vẫn khắc khoải một nỗi lo âu trước vực thẳm cuộc đời; trước nỗi cô đơn không thể cứu vãn; trước sự phi lý của tồn tại, và trên hết là tâm trạng lưu đày trong cõi tạm!

Nói chung, đó là những vấn đề căn bản của những trào lưu triết học hiện sinh phương Tây, cũng tương tự như những vấn đề Sinh - Lão - Bệnh - Tử của đạo Phật khái quát về đời người. Nó phản ánh tâm trạng khủng hoảng của con người, đặc biệt là giới trí thức đang bị mất phương hướng trong một thế giới tan rã, phân liệt bởi hai cuộc đại chiến. Chính trên cái nền triết lý này, vào những năm 60 ở nước Anh đã xuất hiện nhóm nhạc rock hay nhất của mọi thời đại: nhóm The Beatles với những tên tuổi tiêu biểu lừng danh như John Lennon, Paul McCartney v.v... Họ nổi tiếng vì đã phản ánh được tâm trạng bức xúc của thời đại bằng những ca từ đầy tính triết lý, và nhất là bằng nghệ thuật âm nhạc độc đáo, vô song của họ được biểu hiện trên cả hai mặt sáng tác và biểu diễn. Cùng thời gian đó, khi mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lên đến đỉnh cao, thế hệ trẻ ở các đô thị miền Nam, trong đó có Trịnh Công Sơn và lớp bạn bè của anh thuộc tầng lớp trí thức trẻ luôn bị ám ảnh bởi cái chết - một chủ đề kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh. Trong một bối cảnh như vậy, thân phận con người đương nhiên là một vấn nạn, một chủ đề tư tưởng mang tính triết lý, và nếu như nó đã được đề cập, phân tích, lý giải từ Đông sang Tây bởi những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới thể hiện bằng những tác phẩm văn chương, thơ ca, cùng những luận văn triết học siêu việt, thì ta thấy ở Trịnh Công Sơn cũng giống như nhóm Beatles, anh đã thể hiện bằng âm nhạc. Tuy nhiên, ở Beatles mang nặng ảnh hưởng hiện sinh, cổ vũ cho tự do, cho sự sống hết mình của thế hệ trẻ, biểu hiện ở tinh thần phản kháng, tinh thần nổi loạn chống lại cái phi lý của hiện hữu, được xem như mục đích của tồn tại. Tiêu biểu cho tinh thần này là câu nói của nhà văn hiện sinh nổi tiếng A. Camus: “Tôi đã nổi loạn, vậy thì tôi tồn tại”. (Je me révolte, donc je suis).

Trong khi ở Trịnh Công Sơn là sự ảnh hưởng của triết lý đạo Phật, vốn nhạy cảm về tính hữu hạn của đời người trong quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử, trong dâu bể vô thường! Chính điều này đã chi phối mạch tư duy âm nhạc của anh để làm nên một phong cách Trịnh Công Sơn với những ca khúc nổi tiếng tiêu biểu như Cát bụi, Diễm xưa, Biển nhớ, Bên đời hiu quanh, Ở trọ, Biết đâu nguồn cội, Phôi pha, Dấu chân địa đàng, Như cánh vạc bay, Đóa hoa vô thường, Một cõi đi về v.v...

Chỉ với những tiêu đề của chùm ca khúc trên cũng đã phần nào nói lên tính triết lý của tác giả. Tuy nhiên, tính triết lý không chỉ biểu hiện ở nội dung những ca từ vốn đã rất nổi tiếng ở anh mà còn được kết hợp một cách nhuần nhuyễn với những giai điệu cực kỳ điêu luyện thường được viết trên nền của một giọng thứ (mineur) u hoài, man mác gợi lên một sự trầm tư không dứt về ý nghĩa tồn tại của đời người trên tuyến tính thời gian, mà xét đến cùng, chỉ là một tiến trình từ chiếc nôi đến nấm mồ, không thể nào nghịch đảo “Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ” (Cỏ xót xa đưa). Bởi vậy khi nghe Trịnh Công Sơn, chúng ta thường bắt gặp một cái nhìn đầy ưu tư về thân phận!

Ưu tư? - phải chăng vì nó vượt lên trên những giá trị thường nhật, nó chạm tới những vấn đề vĩnh cửu, nó chạm tới nỗi đau hiện hữu của con người, mà đạo Phật gọi là Khổ đế (Dukkha). đế đầu tiên và quan trọng nhất trong Tứ diệu đế nổi tiếng của đạo Phật. Có thể nói toàn bộ những ca khúc của Trịnh Công Sơn là một cuốn tiểu thuyết trường thiên minh họa cho chủ đề triết lý này, mà mỗi bài ca là một khúc đoạn trường luôn để lại những vết thương, bắt đầu từ vết thương đầu tiên, ấy là sự ra đời của con người, mà anh đã cảnh báo trong lời ru"... Trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa). Sinh là khởi điểm của một kiếp luân hồi, nếu như tự nó không phải điều đáng buồn - thì cũng chẳng có gì đáng gọi là vui. Trong một tác phẩm thấm nhuần tinh thần Phật giáo là Cung oán ngâm khúc, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã viết về sự ra đời bằng những câu thơ đầy triết lý:

“Thảo nào khi mới chôn rau (nhau)

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Khóc vì nỗi thiết tha thế sự

Ai bày trò bãi bể nương dâu”

Và trước Nguyễn Gia Thiều gần hai thế kỷ, trong vở kịch nổi tiếng “Vua Lia” - nhà viết kịch lừng danh William Shakespeare từng viết: “Con người không cất tiếng cười khi chào đời, mà khóc thét lên, bởi nó quá hãi hùng khi phải bước vào cái sân khấu mênh mông đầy bất ổn của những kẻ mê cuồng!”. Cũng với tinh thần triết lý trên, nhà thơ Byron nổi tiếng của nước Anh thế kỷ thứ XIX từng viết: “Con người có thể chữa lành mọi vết thương cơ thể, nhưng không bao giờ chữa lành được vết thương của sự ra đời” (nguyên văn tiếng Anh: One can heal all physical hurt, but can never heal the hurt of birth). Chúng ta thấy hầu như các danh nhân cổ, kim, Đông, Tây đều đã nhìn nhận nỗi khổ của đời người đúng như lời dạy của Đức Phật được khái quát thành Khổ đế.

Người ta thường nói: “Văn tức là người” (style c'est l'homme) mà theo triết lý đạo Phật thì con người chỉ là sự lộ thể tất yếu của Nghiệp, điều này đúng với bất kỳ ai trong chúng ta một khi đã có mặt trên cõi đời này. Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939 tại Ban Mê Thuột, nhưng lớn lên ở quê nhà, thành phố Huế, trong khung cảnh tĩnh lặng của chùa Hiếu Quang, nơi gia đình gửi anh vào vì hoàn cảnh và dường như nhìn thấy nơi bản thể anh có căn nghiệp tu hành. Nhưng, những năm tháng ở chùa chỉ còn lưu dấu trong âm nhạc của anh bằng cái nhìn sâu thẳm và hư vô trước cuộc đời.

Toàn bộ tuổi trẻ của anh là những cuộc trốn tránh quân dịch, uống thuốc xổ để lọt qua những vòng khám tuyển và hậu quả là một thể trạng ốm yếu với những căn bệnh dai dẳng đeo bám anh, cho đến giờ phút cuối của cuộc đời. Cũng chính vì trốn tránh quân dịch mà anh đã theo học một lớp sư phạm ngắn hạn ở Qui Nhơn, để rồi lên Bảo Trọng, Lâm Đồng làm giáo viên kiêm hiệu trưởng ở một trường tiểu học vẻn vẹn có ba lớp trong một ấp chiến lược heo hút của người Thượng. Đây là một trong những thời kỳ cô đơn nhất, còn để lại nhiều dấu ấn trong những tác phẩm nổi tiếng của anh. Và cũng chính ở cuối thời kỳ này đã đưa đến cuộc gặp gỡ định mệnh với ca sĩ Khánh Ly vào năm 1967 tại Đà Lạt. Khi ấy Khánh Ly mới ngoài hai mươi tuổi, tuy chưa nổi tiếng như sau này, nhưng chị đã được giới sành điệu biết đến như một giọng ca thể hiện hay nhất tác phẩm của những nhạc sĩ tiền chiến từng một thời vang bóng như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh v.v...

Sau cuộc gặp gỡ đó, hai người đã quyết định hạ sơn, chấm dứt thời kỳ mai danh ẩn tích đầy khổ hạnh ở chốn cao nguyên hoang dã. Trở về với không khí âm nhạc sôi động của thành đô khi đó, giọng hát liêu trai của Khánh Ly đã mau chóng chắp cánh cho những giai điệu diễm kiều của Trịnh Công Sơn để cùng thăng hoa trên bầu trời âm nhạc, làm nên một cuộc phối ngẫu kỳ diệu nhất giữa hai tài năng sáng tác và biểu diễn trong lịch sử ca khúc Việt Nam. Thành công rực rỡ của họ đã được giới mộ điệu ghi nhận trong cuốn băng để đời Sơn ca số 7.

Tiếp theo là một giai đoạn sáng tác đầy hứng khởi và sung mãn của anh, thể hiện một tinh thần nhập thế, hòa mình với thời cuộc để chia sẻ với hoàn cảnh đau thương của đất nước trong hàng loạt những tác phẩm rất ấn tượng được gọi tên là Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam. Thành công của giai đoạn này đã khiến anh và Khánh Ly trở thành thần tượng của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên và trí thức. Vinh quang của Trịnh Công Sơn đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam và lên đến đỉnh cao vào năm 1972. Trong một cuộc thi hát quốc tế được Hãng truyền hình NHK tổ chức tại Osaka - Nhật Bản, bài hát Ngủ đi con trong tập Ca khúc da vàng được trình diễn qua giọng ca tuyệt vời của Khánh Ly đã đoạt giải Đĩa hát vàng (Gold disc), có số phát hành trên hai triệu đĩa. Kể từ đó tên tuổi của Trịnh Công Sơn được ghi trong Từ điển bách khoa của nước Pháp (Encyclopédie de tout les pays du monde) như là một người đã hát lên nỗi đau thương của nhân loại trong chiến tranh qua những khúc ca mà đúng ra phải gọi là những lời kinh nguyện cầu cho những linh hồn khổ đau và tuyệt vọng!

Cuộc đời con người như được gọt ra từ một khối đá huyền bí, cho dù có mài giũa đến mấy, những đường vân tiền nghiệp vẫn mãi mãi hiện lên. Là một Phật tử, Trịnh Công Sơn rất tin ở điều này và dường như nó đúng với những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời. Theo họa sĩ Trịnh Cung, một trong những người bạn thân nhất của anh cho biết, đến ngày 30-4-1975 Trịnh Công Sơn đã quyết định ở lại, mặc dù trước đó một người bạn của anh là ký giả nổi tiếng Đỗ Ngọc Yến cùng đi với một nhà báo Mỹ đến gặp anh để đưa ra lời mời là đã có chuyến bay dành chỗ cho anh cùng gia đình đi Hoa Kỳ. Nhưng anh đã từ chối, và đến trưa ngày 30-4 lịch sử, anh đã lên Đài Phát thanh Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn và kêu gọi văn nghệ sĩ hãy ở lại với quê hương, đất nước. Một trang đời mới đang đón chờ anh, và sau đấy anh đã trở ra Huế để dấn thân vào một cuộc sống mới đầy cam go, thử thách. Trải qua hai năm lao động, học tập ở Cồn Tiên - một vùng đất hoang vu đầy bom mìn chưa tháo gỡ, anh kể lại có lần ra đồng làm việc, một con trâu đi trước anh chỉ vài mét đã dẫm phải mìn và chính cái chết của nó đã cứu sống anh. Với anh, thời kỳ này là một dấu lặng dài đã giúp anh có thể điềm tĩnh nhìn lại mình qua những biến cố lịch sử.

Sau những sự kiện trên, anh đã trở về Sài Gòn vào năm 1979, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng cho đến thập kỷ của những năm 80 được xem là thời kỳ khởi sắc trở lại trong cuộc đời sáng tác của anh. Hàng loạt những ca khúc mới lại ra đời, tiêu biểu như: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Tuổi đời mênh mông, Huyền thoại mẹ, Đóa hoa vô thường, Lặng lẽ nơi này, Em còn nhớ hay em đã quên, Nhớ mùa Thu Hà Nội, Tôi ơi đừng tuyệt vọng v.v... Anh đã tỏ ra vui hơn trong nhiều ca khúc mới. Nhưng nhìn chung, vẫn là một Trịnh Công Sơn “triết gia” luôn cố tìm hiểu thân phận cái tôi còn đầy duyên nợ trần thế của anh.

“Tôi là ai mà còn trần gian thế?

Tôi là ai mà yêu quá đời này!”

(Trích ca khúc “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”).

Con người Trịnh Công Sơn được thể hiện rất rõ qua những ca khúc tiêu biểu của anh, chẳng hạn như Một cõi đi về là tác phẩm anh rất tâm đắc, nên đã dịch lời sang tiếng Anh với đầu đề My own lonely world (Cõi đơn độc riêng của tôi). Điều này cho thấy anh thường xuyên ở trong một tâm trạng cực kỳ cô đơn, và có nhiều nỗi buồn trong cuộc đời.

Tuy nhiên, nhờ ở căn cơ, tâm đạo, bản lĩnh và trình độ tu chứng nên anh đã hóa giải được những hệ lụy nhân sinh, để biến những nỗi buồn, sự cô đơn thành những khúc ca như một thứ phúc âm độ nhật cho đời và qua đó tìm ra Một cõi đi về cho riêng mình cũng như cho mọi người. Bởi vậy âm nhạc của anh bao giờ cũng mang tính triết lý, một thứ triết lý mang sắc thái Phật giáo Thiền tông đã hòa tan một cách tự nhiên trong mỗi ca từ, mỗi âm điệu của tác phẩm. Có thể vì vậy mà nhiều người xem anh như một thiền sư - một thiền sư hoằng pháp bằng lời ca tiếng hát, ứng với cái nghiệp của một thời ở chùa từ những ngày niên thiếu xa xưa của chính anh.

Trịnh Công Sơn thường khiêm tốn nói về mình: “Tôi chỉ là kẻ hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Qua câu nói tưởng như hư vô này là một thông điệp đầy minh triết mà anh muốn nhắn gửi với chúng ta rằng “Trong cái mong manh tạm bợ của cuộc sống trần gian, mọi danh lợi đều chỉ là phù du, hư ảo. Con người chớ nên vì nó mà tự đầy đọa mình trong những phi lý của hận thù, tranh chấp, của đố kỵ, ghét ghen!” Hôm nay anh đã giã từ miền đất vừa đi qua, nhưng tinh thần nhân bản của anh sẽ còn lại mãi mãi.

Trong những ngày diễn ra lễ tang anh, những tác phẩm nổi tiếng của anh đã trở thành những khúc Requiem (Khúc nguyện hồn) để cầu siêu cho chính anh. Đặc biệt là Cát bụi và Một cõi đi về đã được diễn tấu qua tiếng kèn saxo alto đầy xúc động của Trần Mạnh Tuấn. Và sự xúc động đã lên đến cao trào trong một khung cảnh thật ấn tượng, khi một đoàn các nhà sư xếp hàng dài trước linh cữu để thắp hương tưởng niệm anh, thay cho những lời cầu kinh, họ cùng cất tiếng đồng ca Một cõi đi về... Không khí bi thương của tang lễ bị dồn nén như bỗng òa vỡ. Hầu như mọi người đều bật khóc. Một tình thương mênh mang đã bao trùm lên tất cả! Qua tiếng hát nghẹn ngào của các nhà sư, giai điệu bi thiết của Một cõi đi về thực sự trở thành khúc nguyện hồn không chỉ cho người nhạc sĩ cô đơn vừa nằm xuống, mà còn cho tất thảy mọi chúng sinh mà anh hằng gắn bó, yêu thương! Có thể nói Trịnh Công Sơn đã phát Bồ đề tâm qua thơ ca và âm nhạc trong tác phẩm bất hủ của mình để độ cho tất cả mọi chúng ta - những ai còn lận đận trong Một cõi đi về.

Sau hết, nhân dịp giỗ đầu của nhạc sĩ (1-4-2001 - 1-4-2002), chúng tôi xin được qua bài viết còn sơ lược này để thắp lên một nén hương nguyện cầu cho vong linh anh tìm thấy sự yên tĩnh đời đời ở cái thế giới mà mọi chúng ta ai ai rồi cũng sẽ lần lượt tựu về. Với ý nghĩa đó, con người không vĩnh biệt nhau, mà chỉ tạm biệt.

Đâu đây vẳng lại dư âm những lời ca như từ một cõi giới xa xăm vọng về “Trên hai vai ta đôi vừng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về...”.
Trương Cả Hư
càng nghe càng hay, lúc nào cũng thấy hay :crazying:
sputnik
thỉnh thoảng lại tìm thấy một bài TCS mà chưa hề biết đến. Hay bác nào làm ra cái mục lục tất cả tác phẩm TCS rồi trao đổi.
Milou
Mượn của anh Học Trò:
Bài Ca Dành Cho Những Xác Người
Bài Ca Đường Tàu Thống Nhất #
Bay Đi Thầm Lặng
Bên đời hiu quạnh (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Bến Sông
Biển Nhớ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Biển Sáng (viết chung với Phạm Trọng Cầu) #
Biết Đâu Nguồn Cội (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Bốn Mùa Thay Lá (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Bống Bồng i! (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Bống Không Là Bống (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Buồn Từng Phút Giây # (Tiếng hát Khánh Ly 9 - Buồn từng phút giây / ấn hành trước 1975)
Ca Dao Mẹ (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Cát Bụi (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Cánh Đồng Hoà Bình (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Cánh Chim Cô Đơn #
Chỉ Có Ta Trong Cuộc Đời # (Tiếng hát Thiên Phượng - Trở Về Mái Nhà Xưa - PDC 2000)
Chiếc Lá Thu Phai (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Chiều Một Mình (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Chiều Một Mình Qua Phố
Chiều Trên Quê Hương Tôi
Chìm Dưới Cơn Mưa (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Chính Chúng Ta Phải Nói (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 10/1969)
Cho Đời Chút n (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Cho Một Người Nằm Xuống
Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Chuyện Đóa Quỳnh Hương (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Chưa Mòn Giấc Mơ (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Chưa Mất Niềm Tin
Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)

Có Một Lần Không Còn Bóng Dáng Con Người(tập nhạc Phụ Khúc Da Vàng 1972) - (theo Đặng Tiến - Văn Học số 186&187 - 2001) NEW
Có Một Ngày Như Thế (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Có Nghe Đời Nghiêng (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Có Những Con Đường (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Cỏ Xót Xa Đưa (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Cõi Tạm
Còn Ai Với Ai (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Còn Có Bao Ngày (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Còn Mãi Tìm Nhau
Con Mắt Còn Lại (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Còn Thấy Mặt Người(tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Còn Tuổi Nào Cho Em (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Cúi Xuống Thật Gần (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Cũng Sẽ Chìm Trôi (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu ( thơ Trịnh Cung) (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Dã Tràng Ca
Dân Ta Vẫn Sống (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Dấu Chân Địa Đàng (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Diễm Xưa (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Du Mục (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Dựng Lại Người, Dựng Lại Nhà (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Đại Bác Ru Đêm (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Để Gió Cuốn Đi (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Đêm Bây Giờ Đêm Mai # (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Đi Mãi Trên Đường (Bản viết tay trong "TCS - người hát rong qua nhiều thế hệ - NXB Trẻ / 2001))
Đi Tìm Quê Hương # (Tiếng hát Khánh Ly 9 - Buồn từng phút giây / ấn hành trước 1975)
Đóa hoa Vô Thường (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Đoản Khúc Thu Hà Nội (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Đời Cho Ta Thế (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Đời Gọi Em Biết Bao Lần (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Đợi Có Một Ngày # (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Đôi Mắt Nào Mở Ra (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Đồng Dao 2000
Đồng Dao Hoà Bình (tập nhạc Kinh Việt Nam)
Đừng Mong Ai Đừng Nghi Ngại (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Đường Xa Vạn Dặm #
Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Em Đã Cho Tôi Bầu Trời (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Em Đến Từ Nghìn Xưa (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Em Đi Bỏ Lại Con Đường (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Em Đi Trong Chiều (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Em Hãy Ngủ Đi (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Em Là Hoa Hồng Nhỏ
Em Ở Nông Trường Em Ra Biên Giới #
Gần Như Niềm Tuyệt Vọng (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ghế Đá Công Viên
Gia Tài Của Mẹ (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Giọt Lệ Thiên Thu
Gọi Tên Bốn Mùa (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Góp Lá Mùa Xuân (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Hạ trắng (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Hai Mươi Mùa Nắng Lạ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Hành Ca (tập nhạc Kinh Việt Nam)
Hành Hương Trên Đồi Cao #
Hát Cho Tôi #
Hát Trên Những Xác Người # (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Hãy Cố Chờ # (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày #
Hãy Đi Cùng Nhau (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Hãy Khóc Đi Em (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Hãy Nhìn Lại # (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Hãy Sống Dùm Tôi # (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Hãy Yêu Nhau Đi (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Hoa Vàng Mấy Độ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Hoa Xuân Ca
Hôm nay Tôi Nghe (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Huế Sài Gòn Hà Nội (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Huyền Thoại Mẹ #
Khói Trời Mênh Mông (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Im Lặng Thở Dài
Kinh Việt Nam #
Lại Gần Với Nhau (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Lặng Lẽ Nơi Này (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Lời Buồn Thánh (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Lời Của Dòng Sông (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Lời Mẹ Ru (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Lời Ở Phố Về # (Tiếng hát Khánh Ly 4 - Lời Mẹ Ru / ấn hành trước 1975)
Lời Ru Đêm # (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Lời Thiên Thu Gọi (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Mẹ Bỏ Con Đi (?) #
Mẹ Của Anh (?) #
Mẹ Đi Vắng (thơ Nguyễn Quang Dũng - 1982) NEW!
Môi Hồng Đào (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Một Cõi Đi Về (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Một Lần Thoáng Có (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Một Ngày Như Mọi Ngày (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Một Sáng Mùa Xuân (Tiếng hát Khánh Ly 9 - Buồn từng phút giây / ấn hành trước 1975)
Một Ngày Vinh Quang #
Một Ngày tuyệt Vọng (tập Phụ Khúc Da Vàng 1972, theo Đặng Tiến)
Mùa Áo Quan(tập nhạc Phụ Khúc Da Vàng 1972) - (theo Đặng Tiến - Văn Học số 186&187 - 2001)
Mùa Phục Hồi # (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Mưa Hồng (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Mưa Mùa Hạ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Muôn Trùng Biển i #
Nắng Thủy Tinh (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Này Em Có Nhớ (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Nhân danh ai anh bắn vào người (?)NEW
Ngẫu nhiên (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ngày Dài Trên Quê Hương # (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Ngày Nay Không Còn Bé (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ngày Mai Đây Bình Yên (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Ngày Về # (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Nghe Những Tàn Phai (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Nghe Tiếng Muôn Trùng (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Ngủ Đi Con # (Tiếng hát Khánh Ly 9 - Buồn từng phút giây / ấn hành trước 1975)
Ngụ Ngôn Mùa Đông # (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Người Con Gái Việt Nam Da Vàng (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Người Đi Hành Hương # (Tiếng hát Khánh Ly - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 2 / ấn hành trước 1975)
Người Mẹ Ô Lý (tập nhạc Phụ Khúc Da Vàng 1972) - (theo Đặng Tiến - Văn Học số 186&187 - 2001)
Người Về Bỗng Nhớ (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Người Già Em Bé (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Nguyệt Ca (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Nhìn Những Mùa Thu Đi (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Nhớ Mùa Thu Hà Nội (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Như Cánh Vạc Bay (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Như Chim Ưu Phiền (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Như Tiếng Thở Dài (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Như Một Lời Chia Tay (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Như Một Vết Thương (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Như Sóng Triền Miên (theo anh Chilli)
Nhưng Hôm Nay # (Tuyển tập Ca Khúc Da Vàng )
Những Con Mắt Trần Gian (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Những Ai Còn Là Việt Nam (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Những Giọt Máu Trổ Bông (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Níu Tay Nghìn Trùng (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Nối Vòng Tay Lớn (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Nước Mắt Cho Quê Hương (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Ở Trọ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Phôi Pha (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Phúc Âm Buồn (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Quê Hương Đau Nặng # (Tiếng hát Khánh Ly 9 - Buồn từng phút giây / ấn hành trước 1975)
Quỳnh Hương (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ra Chợ Ngày Thống Nhất #
Ra Đồng Giữa Ngọ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Rơi Lệ Ru Người (Thí Dụ)
Rồi Như Đá Ngây Ngô (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Ru Đời Đã Mất (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ru Đời Đi Nhé! (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ru Em (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Ru Ta Ngậm Ngùi (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Ru Tình (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Rừng Xưa Đã Khép (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Rừng Xanh Xanh Mãi (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Sao Mắt Mẹ Chưa Vui (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Sẽ Còn Ai # (Tiếng hát Khánh Ly 4 - Lời Mẹ Ru / ấn hành trước 1975)
Sóng Về Đâu? (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ta Đi Dựng Cờ (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Tạ n (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ta Phải Thấy Mặt Trời (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Ta Quyết Phải Sống (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Ta Thấy Gì Đêm Nay (tập nhạc Kinh Việt Nam 1968)
Tặng người Mẹ già đã gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế(tập nhạc Phụ Khúc Da Vàng 1972) - (theo Đặng Tiến - Văn Học số 186&187 - 2001) NEW

Tặng Những THành Phố Việt Nam(tập nhạc Phụ Khúc Da Vàng 1972) - (theo Đặng Tiến - Văn Học số 186&187 - 2001) NEW
Thành Phố mùa Xuân (Sài Gòn Mùa Xuân) (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Thuở Bống Là Người
Thương Một Người (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tiến Thoái Lưỡng Nan
Tiếng Hát Dạ Lan (Tiếng hát Khánh Ly - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 2 / ấn hành trước 1975)
Tình Ca Người Mất Trí #
Tình Nhớ (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Tình Khúc -Bai (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tình Sầu (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Tình Xa (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Tình Xót Xa Vừa (tập nhạc Như Cánh Vạc Bay)
Tình Yêu Tìm Thấy (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tôi Biết Tôi Yêu #
Tôi Đã Mất (Tiếng hát Khánh Ly 5 - Lời Ru Đêm / ấn hành trước 1975)
Tôi Đang Lắng Nghe (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tôi i Đừng Tuyệt Vọng (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tôi Ru Em Ngủ (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Tôi Sẽ Đi Thăm (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Trong Nỗi Đau Tình Cờ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tự Tình Khúc (Tiếng hát Khánh Ly 4 - Lời Mẹ Ru / ấn hành trước 1975)
Từng Ngày Qua (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Tuổi Đá Buồn (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Tuổi Đời Mênh Mông (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tuổi Trẻ Việt Nam (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Từng Ngày Qua (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Tưởng Rằng Đã Quên (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Ướt Mi (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Vết Lăn Trầm (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Vẫn Có Em Bên Đời (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Vẫn Nhớ Cuộc Đời (tập nhạc Cỏ Xót Xa Đưa)
Vàng Phai Trước Ngõ (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Về Giữa Đồng Hoang
Về Trong Suối Nguồn #
Về Thăm Mái Trường Xưa(Tự Tình Khúc - Nhạc Hoà Tấu TCS)
Vì Tôi Cần Thấy Em Yêu Đời (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Việt Nam i Hãy Vùng Lên (tập nhạc Ta Phải Thấy Mặt Trời 9/1969)
Vườn Xưa (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Xa Dấu Mặt Trời (tập nhạc Tình Khúc Trịnh Công Sơn)
Xác Ta Xác Thù (tập Phụ Khúc Da Vàng 1972, theo Đặng Tiến)
Xanh Lòng Phai Tàn # (Tiếng hát Khánh Ly 4 - Lời Mẹ Ru / ấn hành trước 1975)
Xin Cho Tôi # (Tiếng hát Khánh Ly 1 - Gia Tài Của Mẹ / ấn hành trước 1975)
Xin Cho Tôi Nói (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Xin Mặt Trời Ngủ Yên (tập nhạc Thần Thoại Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận)
Xin Trả Nợ Người (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
Yêu Dấu Tan Theo (Tuyển tập những bài ca không năm tháng)
sputnik
Xin cám ơn bác Milou.
Đếm được 221 bài, nhiều bài chưa nghe thật.
n/a
Em đọc ở một bài báo hồi ông ấy mất là có hơn 500 bài cơ.
n/a
just too much for one day. And u've just added the final drop which tastes... bitter.
Pages: [<<], [<], 2, 3, 4, [5], 6, 7, 8, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Thư viện làng Ven > Người Việt Nam
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.