Âm nhạc: "Thần dược" của tâm hồn

Từ lâu, Âm nhạc đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên,dường như khi nói đến Âm nhạc ,người ta chỉ thường nghĩ đến "đàn ca hát xướng"mà ít đi sâu tìm hiểu về những nét đặc trưng tiêu biểu của nó, đó là :

- Âm nhạc là môn nghệ thuật duy nhất được thưởng thức bằng thính giác với nhiều sự cảm nhận khác nhau. Ví dụ ,một bài hát hay một bản nhạc sẽ được coi là hay hoặc dở thường phụ thuộc vào tâm trạng và sự cảm nhận của người nghe.

-Âm nhạc luôn giữ được những bản sắc dân tộc riêng của từng vùng, từng địa phương hay mỗi quốc gia trên thế giới. Ví dụ, khi ta nghe một nét nhạc nào đó mà ta biết được đang đứng trước sa mạc cùng với những con lạc đà thồ hàng trên lưng của xứ sở" Một nghìn lẻ một đêm", hay một giai điệu vang lên, ta nhận thấy mình đang đắm chìm trong những vườn hoa anh đào xứ Nhật Bản, hoặc chỉ thoáng nghe một những tiết tấu sôi động cuồng nhiệt, ta có thể hình dung được vùng châu Mỹ xa xôi...

-Âm nhạc là một trong những cầu nối ngắn nhất về giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới. Ngày nay, xã hội càng văn minh hiện đại , khoa học kỹ thuật càng phát triển bao nhiêu thì nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng phong phú và đa dạng bấy nhiêu, thông qua những phương tiện hiện đại như máy nghe cassette, CD, DVD hoặc lên mạng internet để truy cập ...

-Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật có tính độc lập cao bởi nó luôn được dùng để minh họa cho các loại hình nghệ thuật khác mà không cần minh hoạ cho chính nó. Thật khó có thể hình dung được một bộ phim, một vở kịch hay một điệu múa mà không hề có âm nhạc (!?).
-Âm nhạc mang tính phổ cập rất lớn và nó phù hợp với mọi lứa tuổi. Trong chúng ta, một khi đã là người Việt Nam thì không thể không biết đến bài "Quốc ca", bản dân ca "Trống cơm ", hay bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng "...Tuy nhiên ,chúng ta khó mà chấp nhận khi một người thanh niên trưởng thành lại hát ê a bài "Con cò bé bé", hay một em bé lên 3 lại ư ử hát bài "Diễm xưa"...(!)

-Âm nhạc đóng một vai trò rất lớn trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người. Nó giúp cho con người luôn hướng thiện.

Tóm lại, Âm nhạc là một môn nghệ thuật của âm thanh, với những đặc trưng rất riêng như đã nêu ở trên, Âm nhạc còn là một "nhu cầu"không thể thiếu được đối với cuộc sống cộng đồng.

Như chúng ta đã biết, Âm nhạc không chỉ được coi như là một nhu cầu mà với nền khoa học tiên tiến của các nước phát triển,từ lâu, Âm nhạc đã được coi là "thần dược "để điều trị cho mọi lứa tuổi. Trong y học, Âm nhạc có ảnh hưởng rất lớn và có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, tinh thần và thể chất của con người, nó đã được dùng để điều trị một số căn bệnh cho người lớn và trẻ em như :bệnh trầm cảm, chứng ngây ngô, tinh thần dễ kích động...Ngoài ra, Âm nhạc còn có thể giúp cho các vận động viên thư giãn và giải tỏa những áp lực tâm lý căng thẳng trước giờ thi đấu...Hãy thử làm phép so sánh giữa "Liệu pháp Âm nhạc " và " Y dược học", có thể dễ dàng nhận thấy: Âm nhạc và Y dược đều có chung một mục đích là điều trị cho người bệnh, nhưng Âm nhạc có một ưu điểm lớn hơn là "không gây phản ứng phụ", có nghĩa là không gây tai biến trong điều trị.

Như vậy, có thể nói :Âm nhạc vừa là "nhu cầu", vừa là một thứ "thần dược "màu nhiệm, bảo vệ sự trong sáng của tâm hồn và thể lực cường tráng đối với cộng đồng xã hội mà phương tiện thể hiện của nó bao gồm " Thanh nhạc và Khí nhạc ". Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu hai phương tiện trên trong những kỳ tới...

Th.s -N.Tr Hoàng Điệp