Langven.com Forum

Full Version: Luận Về Tam Giáo
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
NVT2002
Theo lời khuyên của bác yuyu, tôi đã kiếm mấy quyển Đạo Đức Kinh được dịch trực tiếp từ tiếng Hán về đọc. Đọc xong, quả nhiên thấy ngộ ra được nhiều điều. Nhân thể đọc được một chủ đề về Phật Giáo của bác Phó, tôi mới nảy ra ý nhân dịp này cùng các bác bàn về Tam Giáo một chút xem sao.

Về cái hay cái tốt của đạo Phật thì chúng ta đã nhắc đến rất nhiều rồi, nhưng tôi lại để ý đến một đoạn viết về những nhược điểm của đạo Phật do bác Phó nêu ra từ trước đây khá lâu:

1- Trong Phật giáo người ta chủ trương đứng trên Thiện Ác. Cái này về mặt lý thuyết thì rất hay, nó làm ta thoát ra được những cuộc tranh luận không bao giờ kết thúc rằng: con người ta sinh ra vốn có tính thiện(theo Mạnh Tử ), hay vốn có tính Ác (theo Tuân tử ). Vì đứng trên Thiện Ác, nên người theo đạo Phật dễ có tính "dĩ hoà vi quý", xuê xoa. Trong thực tế cuộc sống, điều Thiện điều Ác luôn tồn tại, có lẽ chỉ trên Niết Bàn nó mới bị thủ tiêu mà thôi. Cho nên ta không thể không bảo vệ điều thiện, phản kháng điều ác.
2- Trong Phật giáo cũng nói tới "diệt dục", và luôn đề cập tới nhiều vấn đề "sinh tử". Vì mục đích tu tập của nó là "hiểu được sự sống chết", "thoát khỏi luân hồi" (từ nhà Phật: liễu đoạn sinh tử). Trong cuộc sống mà chỉ có mấy vấn đề đó thì hạn hẹp quá. Nó làm cho người ta li khai với trần thế, với những việc thiết thực của cuộc sống.
3- Với thuyết "luân hồi nghiệp báo", vô hình chung nó khuyên người ta chấp nhận những bất công trong xã hội, mà đáng lẽ người ta phải tìm cách cải tạo nó.
4- Phật giáo chủ trương "Vô Ngã", tức là không có cái tôi. Như vậy theo Phật giáo là không có cá nhân. Không chấp nhận có cá nhân, thì khó có thể có luật pháp, tinh thần luật pháp. Vì luật pháp chính là sự quy trách nhiệm, nghĩa vụ. Không có cá nhân, thì luật pháp không có chỗ bám.
5- Phật giáo luôn đề cao cái "bản thể" (phật tính), đối lại với cái "hình thức" bên ngoài được coi là ảo mộng. Nhưng trong thực tế, có cái gì tồn tại mà không có "hình thức", không có một sự tổ chức. Chính vì sự yếu kém này mà nó chỉ có thể là một tôn giáo cá nhân, nhưng không tổ chức được xã hội. Người ta luôn phải kèm nó với một giáo lý khác, ở VN đó là đạo Nho. Trong tín ngưỡng nó cũng phải kết hợp với những nguồn khác, mới tồn tại được, cụ thể ở VN là đạo Mẫu, đạo Lão. Cho nên mới có hiện tượng trong chùa "Tiền Phật, Hậu Mẫu". Cho nên nhiều khi người ta đến với Phật là do mê tín

Chúng ta hãy thử bàn về 5 luận điểm này:

1. Vấn đề Thiện – Ác, đúng – sai, có – không … là những mâu thuẫn phổ biến nhất trong cuộc sống từ trước tới nay. Đạo Phật chủ trương giải quyết vấn đề này bằng cách hướng con người đến một nhận thức gọi là Niết Bàn. Khi đó, theo quan điểm của Phật Giáo, con người sẽ thấy được chân tướng mọi việc và sẽ chẳng còn phải bận tâm về những nhị nguyên nói trên nữa. Tuy nhiên, theo tôi, Phật tử không chủ trương “dĩ hoà vi quý”, mà cách sống của họ là rất tích cực. Trong quá trình phấn đấu để đạt tới Niết Bàn, Phật tử luôn phải tạo ra thiện nghiệp. Thiện nghiệp ở đây có nghĩa là những việc làm phù hợp với quy luật tự nhiên. Khi sống và tu tập theo thiện nghiệp thì Phật tử sẽ dần dần nhận thức được bản chất của cuộc sống và những quy luật của nó.

2. Vấn đề “liễu đạo sinh tử” là một chủ điểm chính của Đạo Phật. Phật Giáo không ôm đồm mà chỉ tập trung vào nghiên cứu vấn đề “khổ và diệt khổ”. Cuộc sống tất nhiên còn bao gồm nhiều vấn đề phải giải quyết nữa và đa số Phật tử sẽ không nhất thiết phải xuất gia mới đạt tới được Niết Bàn. Mục tiêu của những người này là vẫn vừa làm việc trần tục, song trong lòng của họ sẽ hướng tới việc tu tập để chứng ngộ Đạo. Đó có thể là một triết lý sống, điều mà mỗi người chúng ta đều có thể tự đặt ra cho mình. Ngay cả những người đã đắc đạo rồi thì họ cũng không xa rời trần thế, mà sẽ sống giữa nhân gian để tiếp tục giúp đỡ mọi người.

3. Về thuyết “luân hồi nghiệp báo” là một trong những vấn đề khó hiểu nhất của Đạo Phật. Tôi đã phải lập ra cả một chủ đề riêng để bàn về vấn đề này. Nghiệp chính là quy luật nhân quả tác động trong phạm vi của nhân sinh. Đạo Phật nói quả nào nhân ấy. Một khi quả chín mùi và xảy ra, thì chúng ta biết đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả hợp thành của những nhân duyên đã từng được tạo ra và nay chín mùi. Nhưng đạo Phật không nói một cách máy móc: nhân nào quả ấy. Vì sao? Vì hằng ngày chúng ta không ngừng tạo nghiệp bằng ý nghĩ, lời và thân hành động. Nghiệp này tiếp nối nghiệp kia, nghiệp sau tác động trở lại nghiệp trước v.v…Chính vì vậy mà đạo Phật không nói số mệnh hay số phận, mà nói bất định nghiệp và chuyển nghiệp. Điều này tạo cho Phật tử một lối sống năng động vì họ hiểu rằng, con người chính là chủ nhân của nghiệp.

4. Đúng là Phật giáo chủ trương “vô ngã”, nhưng ai mà tu tập đến mức hiểu được cái “vô ngã” thật thì người đó đã đắc đạo rồi. Số người này chắc chắn là cực hiếm. Hơn nữa, Phật Giáo là một tôn giáo cá nhân, không phải dùng để trị quốc như Nho Giáo, Lão Giáo, nên không lo chuyện “luật pháp không có chỗ bám”

5. Luận điểm thứ 5 này của bác Phó thì tôi cũng phải đồng tình. Đây mới chính là yếu điểm của Phật Giáo. Tôi cũng có quan niệm trong Phật ngoài Nho như bác. Gần đây mới đọc thêm được một ít về Lão và tôi sẽ trình bày ở bài tiếp theo. Không hiểu Lão giáo sẽ có vị trí thế nào trong nhận thức của mình đây?
NVT2002
Lần trước, lúc đăng chủ đề “Đạo đức kinh” tôi có thắc mắc là không hiểu tại sao Đạo Lão lại có một vị trí ngang hàng với đạo Phật và đạo Nho trong Tam Giáo như vậy. Sở dĩ có thắc mắc đó là vì tôi ít được thấy các quán đạo sĩ , cũng như các hoạt động của tôn giáo này ở VN. Có vẻ như trong Tam Giáo thì Đạo Lão là lép vế nhất. Cuối cùng tôi cũng quyết định đi kiếm một bản dịch Đạo Đức Kinh từ tiếng Hán về để đọc, hi vọng giải đáp được thắc mắc trên. Đọc xong cũng có mấy suy nghĩ thế này.

1. Lão Tử có sáng tác được 4 bộ sách :
- Hoàng Ðình Kinh dạy cách tu tập luyện khí trong cơ thể con người
- Thanh Tịnh Kinh dạy phép tịnh luyện vô vi, trong quyển này có nhiều chi tiết khá huyền bí nói về các kiếp của Lão Tử
- Cảm Ứng Kinh thì dạy về lẽ lành dữ trả vay, cũng có nhiều tình tiết thần tiên cổ tích.

Rất tiếc là 3 bộ sách trên tôi không kiếm được để đọc xem thực hư ra sao. Cũng may là quyển Đạo Đức Kinh nổi tiếng nhất, là căn bản của Đạo Giáo thì đã được dịch.

Nói đến các đạo sĩ thì người ta thường tưởng tượng ra những người mặc chiếc áo có vẽ hình âm dương, tay cầm phất trần, ở trên núi cao luyện linh đơn cầu phép trường sinh bất tử. Đọc DDK, tôi lại chẳng thấy hình ảnh đó xuất hiện một lần nào trong tác phẩm cả. Phải chăng những cách hành đạo mà chúng ta vẫn thường thấy không phải là của Lão Tử, mà do người đời sau thêm vào.

2. Đạo của Lão Tử có một vị trí khá thiệt thòi. Sinh thời, Lão Tử không có nhiều đồ đệ như Khổng Tử hoặc Phật Tổ. Chính vì vậy, khả năng truyền giáo của Đạo cũng theo đó mà kém đi. Có thể điểm qua một số mốc trong lịch sử của Đạo như sau:

Trang Tử có viết bộ Nam Hoa Kinh, có cùng một ý tưởng với DDK của Lão Tử nhưng Trang Tử cũng sống cuộc đời của một ẩn sĩ nên Đạo của ông cũng không được truyền bá rộng rãi. Đến thời vua Đường Cao Tôn thì Đạo mới được nhà vua coi trọng và cho truyền bá rộng rãi trong nước. Sau đó, đời Ðông Hán, nhờ Trương Thiên Sư (Trương Ðạo Lăng) Ðạo Giáo mới bắt đầu truyền rộng ra dân gian. Cuối cùng đến đời Tấn có Ngụy Bá Ðương và Cát Hồng (Bảo Phát Tử), hai ông nầy cố gắng chỉnh đốn Ðạo giáo lại để được có một học thuật hẳn hoi và đường hoàng, có tư cách một Tôn giáo. Kể từ ngày ấy thì Ðạo Giáo được nhiều người theo.

Tuy nhiên người đời sau đã thêm thắt quá nhiều chi tiết thần thoại mà theo tôi đã làm sai lạc đi tư tưởng ban đầu của Lão Tử. Thí dụ như việc Quan Vân Trường sáng tác ra 3 bộ kinh: Giác Thế Chân Kinh, Cửu Kiếp Vinh Mạng Kinh và Minh Thánh Kinh, để truyền bá Đạo Lão thì tôi thấy khó tin quá.

Tại Việt Nam, trong lúc Lão Giáo hay Ðạo Giáo được thịnh hành ở Trung Hoa thì chính lúc ấy nước Việt Nam ta lại bị đặt dưới quyền cai trị của Hán tộc.

Cuối đời Nhà Hán ( Ðông Hán) nước Trung Hoa có loạn Vương Mãng, nhiều bậc sĩ phu và tu sĩ chạy sang nước ta lánh nạn. Trong số nầy có Sĩ Nhiếp, người đầu tiên đã chánh thức truyền bá Tứ Thư, Ngũ Kinh ở nước ta. Tiếp theo Ðạo Khổng, Ðạo Phật và Ðạo Lão lần lượt đã du nhập vào nước ta.

Ðến thời kỳ tự chủ, với các Triều chính thống như : Ðinh, Tiền-Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn vv... ba Tôn Giáo nói trên đều được đối đãi ngang nhau, nhứt là dưới hai Triều Lý Trần. Ấy là ảnh hưởng của tư tưởng Tam Giáo Ðồng Nguyên.

Ðời nhà Lý,Vua Lý Thái Tôn rất trọng vọng các Ðạo sĩ Trần Tuệ Long và Trịnh Trí Không. Các vị nầy đều được giữ địa vị quan trọng trong Triều.
Dưới Triều Trần, Ðạo Lão vẫn được Triều Ðình liệt ngang hàng với Ðạo Phật và Ðạo Khổng nhưng không phát triển mạnh bằng hai mối Ðạo này.
Năm 1302 có Ðạo sĩ Hứa Tông Ðạo, người Tàu, vượt biển sang nước ta bày ra mọi khoa nghi trai đàn của phép phù thủy.

Hiện nay ở nước ta, có nhiều người tin vào thuật phù thủy chuyên việc làm trò mê tín (yểm bùa, lên đồng, xem mồ mả, bói toán…), khiến cho Lão Giáo bị giảm giá trị rất nhiều. Một di tích của Đạo Lão được nhiều người biết đến ở thủ đô Hà Nội chính là đền Trấn Võ bên bờ Hồ Tây.

3. Đạo Lão được phát triển ở Trung Quốc từ khi Đạo Phật chưa truyền vào. Tuy nhiên chính Lão Giáo lại có rất nhiều tư tưởng trùng hợp với triết lí của Phật Giáo. Thí dụ khái niệm Đạo là một lẽ rất mầu nhiệm không thể hình dung ra được, nên gọi là “Vô”, đồng nghĩa với chữ “Không” của nhà Phật. Triết lí của Đạo cũng là đứng trên nhị nguyên, không phân biệt thiện ác, đúng sai. Đạo học cũng chủ trương không thể truyền bằng lời để miêu tả, chỉ có thể cảm thông được thôi … (bất ngôn chi giáo). Điểm khác biệt lớn nhất giữa Phật và Lão chính là việc Lão Tử muốn đem Đạo của mình mình không chỉ dùng để rèn luyện bản thân mà còn để áp dụng vào việc trị quốc.

Lão Tử chủ trương Vô Vi, đối lập với Hữu Vi của Khổng Tử. Tuy nhiên, chính Khổng Tử cũng phải công nhận đạo của Lão Tử sâu sắc hơn đạo Nho. Tôi sẽ trình bày và so sánh các tư tưởng này trong phần tiếp theo.
Phó Thường Nhân
To NVT2002,
Tất cả 3 tôn giáo kể trên đều đã được dùng để "trị nước". Đạo Lão đã từng được dùng như là Quốc giáo thời nhà Đường. Nó cũng là tôn giáo hay gây "nội loạn" nhất. Hầu như trong các phong trào khởi nghĩa nông dân TQ từ ngày xưa, ví dụ như khởi nghĩa Khăn Vàng (Hoàng Cân) được nhắc đến trong Tam Quốc. Sau này thời nhà Thanh có Bạch Liên giáo (Giáo phái này còn liên quan đến cả Phật giáo Tịnh độ nữa), gần đây nhất thì có phong trào "Pháp luân đại Pháp" vừa bị chính quyền TQ triệt phá, nhưng vẫn còn tồn tại ở ngoài TQ, ở Pháp, Mỹ trong những cộng đồng hoa kiều.
Đạo Phật một thời gian dài là Quốc đạo ở Ấn Độ. Nó vẫn luôn là quốc đạo ở ĐNA. Ở VN Phật giáo là quốc đạo suốt thời Lý Trần. Các hành động, sử thế của nhà Lý và nhà Trần rất gần với những tấm gương trị nước trong "Lục độ tập kinh" của Khương tăng Hội hơn là Tứ thư của Nho giáo. Chỉ do tất cả các sách sử ở VN đều do nhà Nho viết, cho nên họ đã lái nó theo quan điểm nho giáo thôi.
Nhưng cách sử dụng nó khác nhau, Nếu như Phật Lão chỉ có thể sử dụng như một cách thức tư duy, một thế giới quan, một quan niệm đạo đức, thì Nho giáo quy định nó chặt chẽ hơn, ứng dụng tỉ mỉ hơn.

Lão Tử chỉ viết có cuốn "Đạo đức Kinh" thôi. Ngược lại "Đạo Tạng kinh" của đạo lão có đến 5 vạn cuốn. Kinh của đạo Lão cũng nhiều không kém đạo Phật. Nó bao trùm rất nhiều vấn đề: Y học (thờ thân thể con người, luyện đan để sống lâu, vệ sinh thân thể, tình dục, châm cứu...), khoa học tự nhiên (nguồn gốc vạn vật, phân loại sự vật : ngũ hành, âm dương..), tín ngưỡng, lễ bái ( bắt quyết, bùa chú, ...), thờ thần (Ngọc hoàng, Nam tào Bắc đẩu, Huyền võ, Văn Xương..), Chiêm tinh học ( quan hệ của con người và các vì sao được dùng trong tử vi, tướng số...). Với tôi thì Đạo lão là tất cả thành quả của văn minh TQ ngoài quy luật đạo đức Nho giáo. Nghiên cứu đạo Lão cũng có nghĩa là nghiên cứu văn minh Trung quốc cổ đại.
Ở Hà nội, ngoài đền Quan Thánh thờ Huyền Võ (Quan Võ) còn có Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương (Quan Văn) cũng là của đạo Lão. Ở Sầm Sơn, có ngôi đền thờ thần Độc Cước. Ở Lạng Sơn có chùa Tam Thanh, Nhị Thanh thực ra cũng là Quán thờ của đạo Lão.
yuyu
Tôi chưa có thời giờ viết cẩn thận về topic này , nhưng có mấy điều muôn nói :
1/ Nếu đạo Phật và Lão có nhiều tư tưởng giống nhau thì bởi vì chính đạo Phật, khi truyền vào Việt Nam qua ngả Trung Hoa đã bị Đạo giáo hoá qua nhiều .
2/Lão Tử và triết học của ông bị gán cho là giáo chủ đạo Lão là một sự oan uổng. Chính hậu thế đã tôn giáo hoá tư tưởng Lão Tử và biến nó thành một tôn giáo phù thuỷ, mê tín dị đoan
3/ ngay cuốn Đạo Đức kinh và chính bản thân Lão Tử cũng còn nhiều nghi vấn chưa lấy gì làm xác thực, húông hồ những thứ Kinh, Kinh ... khiếp đảm mà người đời sau này cứ gắn cho ông .
4/ Lão Tử chủ trương xuất thế , xa rời trần tục, khinh thế ngạo vật, đến cuộc sống còn chả màng, huống gì quyền lực trần gian ? Vì vậy , những chương bàn về trị quốc, tuy rất hay, không lấy gì làm chắc là tư tưởng Lão Tử mà không phải là tư tưởng các học giả thời Chiến Quốc thêm vào ?
Sẽ bàn tiếp ....
Phó Thường Nhân
Khi nghiên cứu đạo Lão tôi thấy có mấy điều cần để ý:
1. Quan hệ giữa Đạo Đức Kinh của Lão Tử và đạo Lão
2. Đạo lão được hiểu như một tôn giáo có tổ chức.

Quan hệ giữa Tư tưởng của Đạo đức kinh và đạo Lão nói chung là rất khó nắm bắt. Thường trong đạo Lão người ta hay gọi chính xác là đạo Hoàng Lão. Hoàng ở đây là Hoàng Đế, một trong Tam Hoàng, thủy tổ của Trung Quốc , hai vị kia là Phục Hi và Thần Nông thì phải. Tôi nhớ không chính xác. Người TQ vẫn quan niệm khởi thủy của họ có Tam Hoàng và Ngũ Đế. Hoàng Đế cũng được coi như một nhà "khai sáng văn hóa". Có nhiều kinh đạo Lão liên quan tới ông (theo truyền thuyết), ví dụ như Tố Nữ Kinh trình bầy những quan niệm về sinh lý, quan hệ nam nữ. Như vậy đạo Lão không phải hoàn toàn bắt nguồn từ Lão Tử. Sao này còn có thêm Trang Tử và Liệt Tử bổ xung vào nữa. Cái mà người ta thường rút ra từ Đạo đức Kinh là tư duy "VÔ VI", dịch nôm là không làm gì cả. Nhưng người ta không hiểu theo nghĩa lười biếng, mà hiểu theo nghĩa làm theo quy luật thiên nhiên. Đó là tư duy, thuận theo thiên nhiên thì tốt. Khi đạo Lão chê đạo Nho là chê ở điểm này. Họ coi nho sĩ cố tình tạo tác không theo ý trời đất, không theo quy luật của trời đất. Như vậy tư duy vô vi của đạo Lão thực ra lại là điểm khởi đầu để nghiên cứu các quy luật thiên nhiên, vũ trụ. Điều này giải thích tại sao đạo Lão lại rất quan tâm tới Y học, tới thiên nhiên, rồi giả kim thuật...
Cũng chính vì thế mà tôi quan niệm Đạo Lão chính là toàn bộ học thuật Trung Hoa cổ đại. Vì thế mà nó thấm ở khắp nơi, vào Phật vào Nho. Điều này giải thích tại sao, ở VN người ta quan niệm Tam giáo đồng nguyên, trong khi sự tồn tại của đạo Lão như một tôn giáo tách biệt rất mờ nhạt.

Đạo Lão tồn tại như một tôn giáo, có tăng đoàn, có tổ chức thì chỉ có tồn tại ở TQ. Hiện nay những tăng đoàn này vẫn còn tồn tại. Tổ chức của nó hơi giống tổ chức của đạo Phật. Nhưng Đạo Sĩ được phép uống rượu, ăn thịt, quan hệ Nam nữ. Bác nào đã đọc "Nhục Bồ Đoàn" thì thấy cuối cùng nhân vật nữ đi tu đạo Lão (do đạo Phật cấm dục, mà đã ..chót lỡ rồi nên không được chấp nhận), còn nhân vật Nam thì trở về tu Thiền. leuleu.gif
tao_lao
Cuối năm chơi Xì pam trước khi nghĩ ăn tết. Vài thứ linh tinh về Nho giáo: tứ thư, ngũ kinh, nhân,lễ, nghĩa, trí, tín, tam cương, ngũ thường tá lả

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nho_gi%C3%A1o

Chitto
Có người lôi chuyện của 5 năm trước lên được, kể cũng kì công !!!

Chủ đề này mà là mới mở thì chắc cũng viết vài dòng. Té ra lâu quá rồi.
Skywalker
Ở trên các bác mới chỉ đề cập đến nguồn gốc của tam giáo chứ chưa nói đến hiện tình pha trộn giữa tam giáo và "văn minh" phương Tây trong xã hội VN hiện tại. Mà cái sự trộn lẫn này đang có tính thời sự lắm nhé, nào là ứng dụng trong quản lý nhân sự, nào là ảnh hưởng tới cấu tạo của công luận, nào là tư tưỡng lãnh đạo đất nước ... toàn những việc nhớn cả! laugh.gif

Thô thiển thì thấy rằng tam giáo của các cụ nặng về hướng dẫn tu tập cho cá nhân, nhẹ về phương pháp trị quốc an dân (so với thể chế pháp quyền của phương Tây). Bây giờ đang có cơ hội để cái nọ bù cho cái kia - nhưng trước tiên phải nhận diện mục tiêu áp dụng.

Tu tập cá nhân thôi thì để ... thân ai người nấy lo! laugh.gif Xin tạm không nói đến.

Mặt xã hội - kinh tế - chính trị thì ảnh hưởng tới nhiều người, nên bàn kỹ hơn.

Tam giáo nói đến giai cấp: quân - thần, sĩ nông công thương .... nhưng cũng rất uyển chuyển. Về thiết chế xã hội thì "hình như" là phi dân chủ (tức là dân chỉ làm chủ bằng ... "bạo lực cách mạng" để lập ra vua mới? laugh.gif). Câu hỏi là phải chăng tính phi dân chủ này đã kìm hãm sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và xã hội nói chung? như hình ảnh đất nước Trung Hoa thế kỷ 19. Nếu câu hỏi này không thích đáng thì nó nên được đặt lại như thế nào?

Tam giáo nhấn mạnh tính cộng đồng (thương yêu, chia sẻ lẫn nhau trên cơ sở tự nguyện của mỗi cá nhân). Xã hội cổ truyền vì thế có tính bền vững trước những khó khăn (thiên tai, chiến tranh ...), dù sự bền vững ấy lại phụ thuộc vào ... ông Trời ban cho mùa màng tốt hay không. Cái tâm tưởng "ta là người Vũ Đại thôn, Việt Nam quốc" ấy cung cấp chỗ dựa tinh thần rất đáng kể - khéo khai thác thì thu lợi lớn mà không thì như đá tảng chặn đường.

Võ đoán như vậy, năm mới các bác vào tán thêm cho rôm rả! laugh.gif
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.