Langven.com Forum

Full Version: Tiếp Cận Nhạc Cổ điển
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Âm nhạc - Hội họa
Pages: [<<], [<], 1, 2, [3], 4, 5, 6, [>], [>>]
cdtphuc
[quote author=yuyu link=board=2;threadid=951;start=10#10282 date=1036076075]
Các bác đừng khen vội ai là nhất , trong nghệ thuật ai cũng là nhất cả , mỗi người một vẻ , không có đẳng cấp , đấy là một trong những đặc tính của nghệ thuật . Mình chỉ có thể nói thích ai hơn thôi , mà cái thích cũng vô cùng lắm, nó thay đổi tuỳ nơi, tuỳ lúc , tuỳ người, ngay trong mỗi người cũng thay đổi luôn xoành xoạch. Nếu nói sang những khái niệm mỹ học thế nào là hay, thế nào là đẹp , thì dài dòng lắm mà cũng chẳng cần thiết. Vậy ta cứ nghe đi, cứ xem đi , cứ mở lòng ra mà đón nhận một cách hồn nhiên như trẻ nhỏ..." Yêu ai cứ bảo là yêu , ghét ai cứ bảo là ghét ..."
Nếu trong hầu hết mọi viêc ta nên để lý trí hướng dẫn, thì trong việc thưởng thức nghệ thuật ta hãy dành quyền ấy cho tình cảm . Xin bộ óc sáng suốt hãy nghỉ ngơi để con tim mù loà dẫn dắt bạn lãng du vào thế giới lung linh, huyền bí và vô cùng tuyệt vời của thẩm mỹ nghệ thuật ....
[/quote]

Bác Yuyu nói đúng lắm. sp_ike.gif Trong nghệ thuật nên để cho con tim hướng dẫn chứ đừng nên đem trí óc ra mà phân tích. Bổ sung thêm cái là trong tình yêu cũng cần thế ! ??? 8)

Hì, trưa nay mò ra ngoài Sài Gòn xem toà nhà ITC cháy đen thui như thế nào. Đã gần hai ngày trôi qua mà vẫn còn khá đông người tụ tập để coi, ai đi đường cũng phải ngoái nhìn tí. Đúng là dân VN mình tò mò kinh thật (tớ cũng ở trong số đó !). Đi về nắng chang chang thành thử nhức đầu đến giờ chưa hết, chả suy nghĩ được cái rì cả >:(. Thôi thì ngồi cặm cụi bin cái bài này lên cho các bạn yêu nhạc thưởng thức. Bài này trong quyển "Lược sử Âm nhạc thế giới" của các tác giả Nga, do bác Lê Đức Nga, GV LS_VH trường ĐH Văn Hoá dịch, cách đây cả gần 20 năm. (Hic, từ khi làm quen với Internet đến giờ chả mấy khi mò đến sách truyện ???). (Tác giả, có lẽ là một người rất nhiệt thành với chính thể Xô Viết, nên bài viết của ông hơi bị "đỏ").

Mong rằng Âm Nhạc, với tất cả vẻ đẹp và sự quyến rũ của nó, sẽ là đôi cánh đưa những tâm hồn đang chìm ngập dưới vực sâu của khổ đau, chán chường và tuyệt vọng đến với ánh sáng của lạc quan và hy vọng. :-X :-X :-X
cdtphuc
Vài lời với các bạn trẻ nghe nhạc


N.L.P'rôdenxkaia


Học nghe âm nhạc như thế nào ?

"Có một lần tôi ngẫu nhiên như bị lạc vào nhà hát giao hưởng. Cả một toà nhà lớn đầy người. Nhạc trưởng bước lên bục và bắt đầu khua đũa chỉ huy, dàn nhạc cũng bắt đầu lên tiếng. Thế rồi một nghệ sĩ Piano tấu cùng dàn nhạc. Ai nấy đều nín thở để nghe rồi họ rầm rộ vỗ tay hoan hô hồi lâu. Rõ ràng là âm nhạc đã gây xúc động lớn ở tất cả mọi người. Thế mà tôi, tôi hoàn toàn chẳng thấy gì cả, chẳng hiểu tại sao âm nhạc đã làm cho quần chúng phấn khởi đến nhường ấy ?

Xin đồng chí trả lời cho tôi biết, có thể học nghe nhạc được không và làm điều này như thế nào ?"

Những bức thư như thế này thường đến với các đài và toà soạn các báo. Vấn đề học nghe nhạc như thế nào quả đang làm bận tâm nhiều người.

Âm nhạc gây ấn tượng cho bất cứ ai biết nghe âm nhạc. "Nó chạm tới cõi sâu kín nhất của tâm hồn" (A.M.Gorơki). Âm nhạc làm nảy sinh những tình cảm lớn mạnh, trong sáng trong con người.

Ở nhiều người yêu thích nhạc, khu vực thưởng thức của họ thường khá chật chội. Có người chỉ thích nghe Opera; người khác lại chỉ ưng nhạc nhảy, hay nhạc nhẹ. Tuy nhiên đối với người được giáo dục tròn đầy về âm nhạc, thì nhất thiết phải biết giá trị phong phú của nền nhạc cổ điển châu Âu, Nga, Xô Viết, cả nền nhạc dân gian rộng lớn nữa.

Biết yêu và học hỏi âm nhạc là điều cần thiết với mọi người. Để có thể thu nhận được khá đầy đủ khả năng biểu cảm của âm nhạc, hãy thường xuyên nghe nhạc. Thoạt đầu, hãy làm quen với loại hình tác phẩm thanh nhạc nhỏ (ca khúc, khúc Romance, khúc đoạn trích từ các Opera) hay khiêu vũ, rồi đến loại tác phẩm có tiêu đề (các bức tranh giao hưởng của A. P. Bôrôđin "Ở Trung Á", của G'ric "Trong hang động sơn thần").

Hãy nghe vài lần một tác phẩm hoà tấu, bạn sẽ nắm được chắc hơn những đặc trưng và vẻ đẹp của nó, dần dần bạn sẽ thưởng thức được nó.

cdtphuc
Vậy, khi nghe một trình tấu khúc, bạn quan tâm đến cái gì nào, bạn ưng tìm điều gì nào ? Trước tiên, bạn hãy cố hình dung ra nội dung của nó đã. Thật vậy, âm nhạc, cũng như các nghệ thuật khác, đều truyền đạt những hiện tượng của cuộc sống, cảm nghĩ của nhân dân cũng là tâm trạng của họ. Những cái đó tạo nên nội dung của các tác phẩm thông qua hàng loạt những hình tượng âm nhạc mà thính giả có thể tiếp thu được. Quả nhiên, có ai là người không phân biệt được một khúc điệu cuồng nhiệt, gay cấn với một khúc điệu du dương, thánh thót, một bản nhạc nhí nhảnh, khôi hài với một bản não nề u uất, một đoạn nhạc khẩn trương với một đoạn khúc tĩnh mặc.

Nhạc sĩ sáng tác bao giờ cũng cố gắng phản ánh tư tưởng của mình trong những hình tượng, và để tạo nên chúng, họ thường sử dụng những biện pháp thể hiện khác nhau, trong đó quan trọng nhất là giai điệu. Giai điệu là "hồn của nhạc" được tạo dựng từ âm thanh và tiết tấu, lượng âm và điệu thức, qua đó biểu thị được một hình tượng nào đấy, một tư tưởng, một cảm xúc nào đấy (về vấn đề này, xin xem lại phần "Âm nhạc và những phương tiện biểu hiện của nó").

Chú ý theo dõi diễn trình của một bản hoà tấu, bạn hãy tập phân biệt từng phần, từng đoạn của nó. Hãy cố gắng nắm cho được vì sao tác giả đã chọn cách biểu hiện này chứ không phải cách kia. Chẳng hạn, phần đầu bản "Hành khúc thanh niên dân chủ" của A. Nôvicốp đã vang lên lời kêu gọi đấu tranh cho hoà bình. Điệp khúc của bài nhạc thật là trầm hùng được viết theo giọng thứ có tiết tấu khúc chiết, trong khi đó thì giai điệu phần bài hát lại vang lên trong giọng trưởng, cao hơn, vang hơn và do đó có màu sắc trong sáng và phấn khởi hơn. Ở đây, âm điệu căng thẳng và khốc liệt đã biến đi để chỉ còn lại chủ đề giai điệu phản ánh tình hữu nghị của tuổi trẻ các dân tộc.

Tìm hiểu tính năng của các nhạc cụ cũng là điều lý thú. Giá như các bạn nắm bắt được âm sắc đặc trưng của nhiều nhạc cụ khác nhau, các bạn có thể nhận biết được tác dụng của chúng trong âm vang tổng phổ của toàn dàn nhạc. Trong bức tranh giao hưởng "Ba phép màu" (Opera "Truyện Sa hoàng Xantan"), Rimxki Coócxacốp đã thể hiện mỗi phép màu bằng một nhạc cụ giao hưởng. Giai điệu thứ nhất cho phép màu số một lấy từ bài dân ca "Trong vườn quả, trong vườn rau" được sáo thể hiện song tấu với đàn Violon - giai điệu nhẹ, cao vút, có nhịp giật nhẹ nhàng vẽ lên hình ảnh một chú sóc nhỏ vừa "cắn những hạt dẻ vàng" vừa ca hát. Đám rước 33 nhà hiệp sĩ khổng lồ thì lại được viết ra theo cách khác. Trong tiếng biển gầm sóng vỗ, thấy âm vang nhịp quân hành trang trọng, mãnh liệt, quyết tâm. Những nhạc cụ thổi bằng đồng có tác dụng nhấn mạnh sự trầm hùng đó và làm bật vang âm thanh chiến thắng.

Dáng dấp của những cô nàng thiên nga thần lỳ được ký hoạ với nhiều màu âm sắc khác nhau. Giai điệu thể hiện chúng được đàn dây thực hành lúc mượt mà, lúc êm ả, lúc lại sôi động làm ta nhớ lại những bài ca kỳ diệu của bầy chim thần.

Mỗi nhạc cụ có âm thanh riêng. Giọng người cũng vậy, mỗi ai một khác. Vì vậy, bài ca khắc khổ của ngài Variagiơki chỉ có thể được ca sĩ giọng thật trầm (basso) thể hiện, còn bài ca du dương, uyển chuyển của người khách Ấn Độ lại phải để cho giọng nam cao (tenor) giải quyết (Opera "Xatkô" của Coócxacốp).

Tham gia vào các buổi hợp xướng, vào các hội tự học âm nhạc, hay chơi nghiệp dư một thứ đàn gì đó đều có lợi cho việc nâng cao kiến thức âm nhạc.

Các sách chuyên khảo về nhạc, các truyện kể về âm nhạc, về thân thế và sự nghiệp của các nhạc sĩ lớn hay của các nghệ sĩ biểu diễn trứ danh cũng làm cho ta hiểu hơn thứ nghệ thuật này. Chẳng hạn khi biết được rằng lúc còn thơ ấu, Glinca đã sống ở quê nhà, tại đó ông rất say mê những ca khúc dân gian, chúng ta hiểu được tại sao trong sáng tác của ông, ông lại đã thể hiện được cảm xúc và nguyện vọng của nhân dân hùng hồn và mãnh liệt đến thế.

Nếu biết được Bếttôven đã từng sống trong giai đoạn đại cách mạng Pháp, rằng ông luôn túng bấn và cô đơn đến bi thảm vì bệnh điếc, bạn mới đánh giá được hết cái vĩ đại, cái anh hùng của sự nghiệp Bếttôven: cao thượng, lạc quan, giàu tinh thần đấu tranh cho hạnh phúc của con người.
cdtphuc
Những câu chuyện về quá trình hình thành các tác phẩm cũng cho ta hay vô khối điều thú vị về các tác giả trong cuộc đời sáng tạo của họ. Nhà soạn nhạc kỳ tài Xô Viết Sốtxtakôvích đã viết bản giao hưởng số 7 lúc phát xít Đức đang bao vây Leningrat trong đó có ông, để phong tặng và ngợi ca thành phố anh hùng quê hương mình, trong tác phẩm có xung đột hai chủ đề giai điệu: một thật là trong sáng, dũng cảm thể hiện nhân dân Xô Viết, một âm u thâm độc thể hiện kẻ thù. Tác phẩm của Sốtxtakôvích đã khơi động lòng căm thù địch trong từng trái tim người chiến sĩ tiền tuyến cũng như từng quần chúng ở hậu phương.

Thính giả càng hiểu âm nhạc bao nhiêu, thì thị hiếu âm nhạc nơi mình càng minh bạch, tế nhị bấy nhiêu, và thị hiếu ấy tạo được ở nơi họ khả năng thưởng thức nghệ thuật những vẻ đẹp của các giai điệu cùng là sự phong phú của các tư tưởng và tình cảm lớn trong tác phẩm. Có nhiều sách vở đã viết về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của những tác phẩm âm nhạc đối với đông đảo người nghe. Hãy nhớ lại chuyện "Người ca sĩ" của I.S.Tuốcghênhép, đề cao sức mạnh của những tài năng dân gian. Những khách nghe bình dân trong các quán hàng nông thôn bao giờ cũng rưng rưng xúc động khi nghe Iakốp hát, các bài hát dù chỉ được cất lên khẽ nhẹ đủ nghe mà vẫn "thấm thía tận đáy lòng".

Quả nhiên, có nắm được tâm tư, ý đồ tác giả, mới đánh giá được đầy đủ nội dung diễn cảm của tác phẩm.

Trong tiểu thuyết "Người nhạc sĩ mù" của V.G.Kôrôlencô, tác giả đã đề cao tài gảy đàn Piano tuyệt vời của một nghệ sĩ tật nguyền. "Khi đoạn nhạc dứt, tiếng vỗ tay như sấm dậy từ đám đông đầy hứng khởi đang ngồi chất như nêm cối trong căn phòng lớn. Người mù vẫn ngồi yên trước đàn, đầu cúi thấp, ngạc nhiên trước làn sấm hoan hô đó. Rồi, chàng lại nâng đôi bàn tay và đánh mạnh xuống bàn phím. Cả gian phòng chật người lại im ắng trở lại. Những âm thanh cứ mọc lên, đanh lại, quyền uy của chúng to lớn mãi, chiếm lĩnh trái tim của đông đảo thính giả hàng trăm người như một muốn lịm đi, và mãi hồi lâu sau khi nghệ sĩ dừng tay, mà đám đông vẫn còn im ắng như tờ.

Lênin rất say mê nhạc. Người thường say sưa cùng hát những bài ca cách mạng với các đồng chí. Người yêu tha thiết những bản dân ca lẫn những tác phẩm cổ điển. Bạn hữu của người còn nhớ lại chuyện người thưởng thức nhạc Bếttôven, tác giả đặc biệt ưa mến của người. Bản giao hưởng Bi thương (Pathétique) và bản Appasionata là hai tác phẩm được Người nghe nhiều nhất, và bao giờ cũng để lại ở Người những ấn tượng khó quên. Gorơki, người đã chính tai mình được nghe Lênin thổ lộ lời này: "Tôi thật không biết còn có cái gì tuyệt vời hơn Appasionata nữa. Tôi sắn sang nghe bản nhạc này hàng ngày. Tôi thường tự hào nghĩ một cách ngây thơ là, đấy! con người đã có thể làm nên được những điều kỳ diệu đến như thế!"

Lênin rất yêu mến nhạc của Traicốpxki, đặc biệt là bản giao hưởng có tiêu đề "Bi thương".

Người nắm bắt được sức mạnh, vẻ đẹp của âm nhạc và say mê nó, bao giờ cũng tìm thấy ở nhạc cả một thế giới tư tưởng, tình cảm, xúc động sâu xa, phong phú luôn trải rộng ra. Âm nhạc hiến dâng cho cuộc sống biết bao nhiêu niềm vui thầm kín và khoái cảm ngây ngất.

ex
Anh Ubu, cái Sibelius nghe run lẩy bẩy hay nhỉ :-*, mấy ông người Bắc Âu lúc nào cũng có kiểu hoà âm lạ lạ khác khác (em đoán thế, tại em nghe mấy cái giao hưởng của ông này cũng thấy vậy).
BÁc MNP: Em iêu cái Sym số 6 Pathetique lắm nha (xin chia sẻ cảm xúc với bác Lê-nin ;D), nhưng mà giờ không muốn nghe lại, em nghe cái này em lại...sến nữa, ngại lắm ???.
Chị Rên mới nghe mà viết hay thế nhỉ, em chịu thua, chỉ biết diễn tả theo kiểu... trần trụi tả thực thôi à ;D, hic, vậy mà có lúc em còn muốn sau này làm critic đó.
Hưng
Lão bạn anh cũng mê Heifetz chơi Sibelius. Lão ấy bảo bản của Heifetz chơi Sibelius là bản lão ấy sửa lại nguyên tác nhiều nhất, đánh sai nhiều nhất nhưng mà hay nhất. Cho đến giờ cũng chưa có ai chơi Sibelius hay hơn Heifetz.
Anh có cả bản của Szeryng nữa, ngoài bản của Heifetz. Anh thì anh thích Serzyng hơn. Tiếng đàn của Srezyng trong như ngọc và thể hiện nhẹ nhàng ấm áp hơn nhiều. Nhưng mà tiếng đàn và cách thể hiện bản này của Heifetz đúng là rất ma quái. Cái đàn Guarneri's "David" 1742 của lão ấy tạo nên một âm thanh cực kỳ da diết, mãnh liệt đối với những bản Concerto kiểu bi thương, buồn, cộng thêm kiểu rung dây của Heifetz cũng đặc biệt; mà cái Arché lão ấy dùng là một cây mới làm của Kitte cũng đặc biệt phù hợp. ;D
Hoarkis
Ếch rách gom nhiều nhiều Heifetz về nhé .......tớ đang bị hớp hồn bởi phong cách đánh của bác này đây ........nghe cứ giống như Horowitz bên piano đấy ,........... :P :P
Hưng
Cảm nhận về đĩa Debut của Sarah Chang

Tôi chưa từng bao giờ ngạc nhiên đến như vậy trong đời mình đối với âm nhạc. Sarah Chang thu đĩa Debut khi 9 tuổi, đúng như thế, sau 4 năm kể từ khi bắt đầu đến với violin. Tôi đã không tin đó là một bé gái người Hàn Quốc mới có 9 tuổi bởi lẽ ngoài kỹ thuật siêu đẳng- thứ mà tôi không quan tâm cho lắm, cô bé ấy có một khả năng cảm thụ âm nhạc sâu sắc của một bậc thầy lớn tuổi. Điều đáng nói nhất là cảm thụ âm nhạc trưởng thành ấy được trộn lẫn với một tâm hồn ngây thơ, trong sáng và thánh thiện đến tột độ của một cô bé 9 tuổi luôn nhìn thế giới với một đôi mắt hoàn toàn màu hồng.
Những nghệ sĩ bậc thầy đã trưởng thành, lớn tuổi, những người mà kỹ thuật đã hoàn hảo, tiếng đàn đã đa dạng và tinh xảo, họ biểu diễn hay thật: gay cấn , kịch tính, sâu sắc, nhiều màu sắc triết lý, tư duy, cá tính .v.v. nhưng tôi tìm ra trong những nốt nhạc, những âm thanh ấy sự khôn ngoan của từng trải, sự dối trá của đào luyện, sự lọc lõi của va vấp, sự keo kiệt của mơ mộng. Đó là những điều càng nghe lâu trong khi càng phải đối mặt với cuộc đời, càng hiểu đời hơn tôi càng thấy chán ngán và khó chịu. Sarah Chang bất ngờ đến, cô ấy đem đến cho tôi một cảm giác hoàn toàn tự nhiên, bản năng, trong lành. Nó bản năng như là một dòng sông theo đà chảy ra biển, tự nhiên như một chiếc lá vàng gặp gió phải rụng khi mùa thu chuyển sang Đông và nó như là một luồng gió mát chợt tạt qua da thịt tôi giữa trưa hè gay gắt. Mọi thứ đều trong vắt, trôi chảy và đầy ăm ắp cảm xúc. Tôi tìm thấy trong từng nốt nhạc những cảm xúc của Chang về âm nhạc, đó quả là những cảm xúc thật sự tinh tế, sâu sắc- như thể âm nhạc và những giai điệu đã là những thứ có sẵn trong người cô bé và nó chỉ chờ cô cầm lấy cây đàn để phát ra mà thôi. Đồng thời tôi tìm thấy trong từng nốt nhạc đó tình cảm của Chang với cuộc sống, với con người, với vạn vật. Đó là một thứ tình cảm trong sáng và đẹp đẽ vô cùng, thứ tình cảm người ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong đôi mắt của những đứa trẻ lọt lòng mẹ, trong nụ cười của những đứa bé còn tuổi đi mẫu giáo.
Giữa cuộc sống ngày một nhiều đau đớn, vất vả mệt mỏi, nhiều cam go thử thách được nghe tiếng đàn Sarah Chang thật là một hạnh phúc tuyệt vời không dễ gì có được. Thật lòng, tôi phải cảm ơn Chang nhiều lắm, bởi vì cô ấy đã góp phần giúp tôi vượt qua những thời điểm tôi tưởng như không thể vượt qua. :-X :-*


------------
Đĩa nhạc hay nhất tớ đã từng nghe trong đời cũng chính là đĩa này. Mặc dù không thích Menuhin nhưng tớ cũng công nhận và đồng ý với ý kiến của ông ấy sau khi nghe đĩa Debut này của Sarah Chang.
yuyu
Cô bé Chang này có lẽ cũng là thần đồng như Mozart chăng ? Mozart cũng viết bản Symphonie N°3 lúc mới có 9 tuổi ! thật không ngờ tài năng của những đứa trẻ thần đồng. Chỉ mong cô Chang đừng có yểu thọ như Mozart, nhưng mà phải tiến lên chứ cứ đừng có ngoái cổ lại chiêm ngưỡng hồi 8 tuổi mà ước " bao giờ cho đến ngày xưa " nhỉ ;D
Hưng
Em rất tiếc rằng Sarah Chang khi lớn lại không được như khi bé. Bây giờ cô ấy vẫn còn một phần tâm hồn và cảm xúc trong sáng của mình với thế giới- điều khá dễ nhận ra khi nghe các đĩa cô ấy thu bây giờ [ chưa bán hết mình cho quỉ dữ là cuộc đời khắc nghiệt và dối trá này >:(] nhưng có một chút vẩn đục trong cô ấy là sự ưu tư, tâm tình của tuổi cần tình yêu và một sự yếu đuối về tâm lý. Em có cảm giác cô ấy có một tâm hồn rất mỏng manh, dễ bị tổn thương [ nghe thử đĩa Sweet Sorrow ]. Giá như cô ấy có thêm chút mạnh mẽ, vững vàng và tự tin hơn kiểu như Hilary Hahn thì cô ấy sẽ là một cây violinist hạng nhất, đáng được xếp vào danh sách cùng với các tiền nhân.
Pages: [<<], [<], 1, 2, [3], 4, 5, 6, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Âm nhạc - Hội họa
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.