Langven.com Forum

Full Version: Shostakovich và bản Giao hưởng số 7 lịch sử - Leningrad
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Âm nhạc - Hội họa
Pages: [1], 2, [>], [>>]
1dc7
Không biết là bác yuyu đã chuyển cho chú Bu cái Symphony No 7 của Shostakovich chưa nhể?

Nghe chiến không? Cuối tuần có cái này dịch ra cho các bác tham khảo thêm khi nghe giao hưởng này.
1dc7
Shostakovich - Một cuộc đời
(1906-1975)

L. Fay

(Cuối chương 7)

... Chủ nhật ngày 22 tháng Sáu năm 1941, khi thời gian huyền thoại ở Leningrad “Những đêm trắng” đang vào đỉnh điểm của nó, Shostakovich dự định đi xem một trận đấu bóng đá cùng Glikman sau đó đi ăn tối. Trên đường tới sân vận động, họ nghe trên đài phát thanh loan đi bản thông báo đặc biệt của Molotov (Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ và Bộ trưởng Ngoại giao Liên xô lúc đó - 1dc7) báo tin chiến tranh - cuộc xâm lược của Đức đối với Liên xô đã bắt đầu.

Chương 8 Những năm chiến tranh

Trong tuần tiếp theo sau khi tuyên chiến, mọi hoạt động ở Nhạc viện diễn ra bình thường như không có chuyện gì vừa xảy ra. Các cuộc thi hoàn thành, sinh viên tốt nghiệp, và những người sẽ có học bổng cho năm sau được lựa chọn. Shostakovich ngay lập tức tình nguyện vào quân đội nhưng được trả lời, “Chúng tôi sẽ gọi đồng chí khi có yêu cầu.” (chi tiết hơn của việc này: Shostakovich cận thị rất nặng và bị từ chối đưa ra tiền tuyến - 1dc7) Một lá đơn gia nhập quân đội nữa lại được gửi đi, đề ngày 2 tháng Bảy năm 1941, cũng kết cục bị từ chối. Nhạc sĩ không kiên nhẫn nữa và đăng ký vào lực lượng bảo vệ hậu phương, lúc đó đang hình thành: “Tôi sẽ bảo vệ đất nước tôi và tôi sẵn sàng, hy sinh toàn bộ sức lực và cuộc đời mình, để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao.” Những tuần sau đó Shostakovich - cùng một lữ đoàn tình nguyện của Nhạc viện - đào chiến hào và đắp ụ súng và các chướng ngại chống tăng xung quanh thành phố Leningrad. Trong tháng này sau đó ông được phân công vào lữ đoàn chống cháy và được phân công canh gác mái nhà của Nhạc viện chống các cuộc tấn công toà nhà bằng bom cháy. Ông đã chưa bao giờ phải thực sự dập tắt một đám cháy nào; Aron Ostrovsky, một lãnh đạo của Nhạc viện, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh đã nói thật với Shostakovich rằng mọi người đã cố tình nghĩ ra những kế để đưa nhạc sĩ khỏi nóc nhà đặc biệt khi hiểm hoạ tới gần, để dành nhạc sĩ cho những nhu cầu sáng tác đang rất cấp bách phục vụ tiền tuyến. Tuy nhiên bức ảnh của người nhạc sĩ trong chiếc mũ sắt đứng hiên ngang canh gác trên nóc Nhạc viện, được chụp vào ngày 29 tháng Bảy và sau đó được truyền đi khắp toàn cầu, đã trở thành một biểu tượng đầy thuyết phục của cuộc phòng thủ anh hùng của Leningrad.

1dc7 choẻn ngữ

(còn tiếp)
Hưng
Chưa được bác ạ. Thôi em ra làm cả bộ Shostakovich với Prokofiev cho tiện. Đằng nào về giao hưởng em có ít của các ông Nga quá. Có mỗi Tchaikovski là em có 4,5,6 do Furtwaengler chỉ huy thôi.
ex
Úi, mừng wá, tình yêu lớn của em đây rồi ;D. Anh 1dc7 dịch tiếp đi ạ, thankx nhiều nhiều.
yuyu
Nghe cái Shostakovich N.7 này phải trong một môi trường thật yên lặng mới có thể thấm được ( thực ra thì nghe cái nào chả thế) nhưng riêng cái này Shostakovich đã sử dụng rất rộng những biến thiên về cường độ và rất nhiều đoạn silence, ngắt nhịp, nghỉ giữa chừng...nên phải thật yên tĩnh mới thấy hết được khả năng biểu cảm của âm nhạc , nhất là của symphonie thật là ghê gớm đến mức độ nào
Cái số 7 này không phải là một cái dễ nghe. Nếu như cái số 3, số 9 của Beethoven hùng tráng, lộng lẫy, cao thượng, lý tưởng bao nhiêu thì cái số 7 của Shostakovich bi tráng, đanh lạnh, lầm lỳ, xót xa bấy nhiêu . Có lẽ cái làm nên sự khác nhau lớn nhất của mấy bản anh hùng ca này là Shostakovich đã sống và lấy cảm xúc trực tiếp từ hiện thực bi tráng trong nhũng ngày đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. 3 chương đầu của bản giao hưởng số 7 đã được viết trong vòng vây quân thù tại Leningrad trong mùa hè 1941. Sau khi vượt thoát về Moskova, ông mới viết tiếp chương cuối trong mùa thu-đông năm ấy cũng trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng khi quân thù cũng chỉ còn cách thủ đô vài chục dăm.
Thời đó là thời hiện thực XHCN, dưói triều đại Stalin, văn học nghệ thuật phải làm công cụ tuyên truyền, nhưng phải nói bác Shostakivich hơi bị giỏi và có lẽ cũng chủ yếu là tác phẩm được viết trong một trạng thái cảm xúc cao độ và chân thật ( cái này rất quan trọng ) nên bản nhạc đã thoát khỏi thứ văn chương minh hoạ, tuyên truyền, thăng hoa lên hàng một kiệt tác. Nghe bản này để sống lại một trong những khoảng khắc bi tráng nhất trong lịch sử nước Nga.
1dc7
Shostakovich viết những 15 bản giao hưởng cơ Bu ạ. Những bản quan trọng nghe dần dần... theo anh số 5, số 7, số 11 (còn có tên 1905).

Bác yuyu nói chính hợp ý em ở cái này (một số cái khác trước đây thì không nhưng những cái đó không quan trọng). Và còn mở rộng ra nữa... nghệ thuật không nên gói gọn trong chữ hiểu, trong một nghĩa hẹp, trong một hoàn cảnh cho dù nó ra đời trong đó... mà thôi chuyện cũ, bác Phó nhỉ. ;D Shostakovich không phản đối gì việc gọi số 7 là Leningrad, nhưng ông cho rằng cái ác, cái tà trong đó không chỉ là phát xít... Tin hay không tin, số 7 không chỉ viết về Hitler, không chỉ viết về Stalin, mà còn về các giá trị không mang tính thời đại khác... Về việc viết Giao hưởng số 7, Shostakovich nói rằng ý tưởng của nó đã hình thành từ trước đó, không chỉ là lúc chứng kiến cảnh Leningrad bị bao vây từ trong lòng nó và từ ngoài nhìn vào. Ý tưởng này thậm chí đã bắt nguồn từ bản số 5. À mà Shostakovich viết phần cuối tại Kubyshev bác yuyu ạ. Hẹ mấy hôm nghe lại nó, mở cửa sổ, vì có đoạn bé quá không nghe thấy phải cho to lên mới hết các giọng, đến đoạn trống kèn với cả dàn nó gầm lên, hẹ dân đi nhà thờ về qua nhìn lên tái mét.

Ếch nhiều tình iu thế, đọc tiếp nha. :-X
1dc7
(tiếp theo)

Những lúc không ở phiên gác, Shostakovich dành thời gian chuyển soạn hai mươi bảy bài hát nổi tiếng và các khúc aria - chủ yếu là cho giọng solo đệm violin hoặc cello - của các nhạc sĩ từ đương thời như Dunayevsky và Blanter cho đến Glinka, Dargomizhsky, Musorgsky, Beethoven, Rossini, và Bizet. Ông được giao nhiệm vụ giám đốc âm nhạc của lực lượng bảo vệ hậu phương, tổ chức một cách giản lược nhà hát và viết những tiểu phẩm kịch trào phúng cho nó. Ông viết nhạc cho một bài thơ của một người quen trong đơn vị, sau này nổi tiếng ngoài mặt trận với cái tên “Tiến lên những trung đoàn dũng cảm”, trở thành hành khúc của lực lượng bảo vệ.

Trong số những bài hát yêu nước nhiều nhạc sĩ Soviet lao vào sáng tác nắm bắt lấy những thời điểm kịch tính trong thời kỳ này, Shostakovich cũng sáng tác những bài hát khích lệ tinh thần quả cảm bảo vệ tổ quốc. Một trong số này, “Lời thề với Dân uỷ,” dựa trên lời của Vissarion Sayanov, nổi bật lên là bài hát hay nhất trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh. Thoạt tiên, bài hát không được phê duyệt một cách thống nhất. Khi nhạc sĩ chuyển bản hoà âm đơn giản của bài hát đến chi nhánh Leningrad của Muzgiz (Nhà xuất bản âm nhạc quốc gia Liên xô - 1dc7), các thành viên của ban tuyển chọn đã phê phán Shostakovich đã chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ chủ nghĩa hình thức sang chủ nghĩa thô sơ.

user posted image


(Thời kỳ 1936-37, Shostakovich khi ấy mới 29 tuổi và đang rất lên thì bị tập trung đánh bởi báo Pravda vì chủ nghĩa hình thức, lẫn lộn, khiến ông gần như sụp đổ; Maxim Gorky, lãnh đạo của nền văn nghệ Soviet sử dụng đặc quyền của mình tiếp xúc với Stalin để báo cáo phê phán xu hướng lẫn lộn của nhạc sĩ trẻ tuổi, tuy nhiên Stalin không phản ứng tích cực hay tiêu cực, sau đó Shostakovich được ủng hộ trong một phiên họp của các nhạc sĩ Soviet; nhưng phải đến thành công của bản Giao hưởng số 5, được coi như thành tựu của chủ nghĩa hiện thực XHCN (mặc dù cách đón nhận của phương Tây không như vậy), Shostakovich mới được phục hồi hoàn toàn - 1dc7).

Những đánh giá gay gắt của những thành viên trong uỷ ban tuyển chọn đã bị bác bỏ bởi giám đốc nhà xuất bản tại Leningrad - một bạn học cũ của nhạc sĩ - người đã ra lệnh xuất bản ngay lập tức với số tiền nhuận bút gấp mười lần thông thường. Shostakovich đã giải thích lý do thúc đẩy ông viết một bài hát quá đơn sơ một cách không cá tính như vậy, “Tôi muốn tất cả mọi người đều hát nó.” Cuối những năm 50 - sau khi Khrushchev lên án Stalin - Sayanov sửa lời và bài hát có tên mới, “Một ngày mới đã đến.” Chi tiết liên quan đến “vị dân uỷ” được sửa lại, nguyên bản “Thời khắc vĩ đại đã đến, Stalin lãnh đạo chúng ta vào cuộc chiến, mệnh lệnh của người là nghiêm luật! Hãy dũng cảm tiến lên xông vào cuộc chiến sinh tử này!”

(còn tiếp)
1dc7
Shostakovich bắt đầu một sáng tác đồ sộ cho các giọng độc tấu, hợp xướng và dàn nhạc trong Bản Thánh ca của chàng David. Ông bỏ dở nó sau vài ngày. Sau đó ông lại thử sức viết lời song không thoả mãn. Ngày 19 tháng Bảy 1941, ông bắt tay vào viết một tác phẩm mà sau đó đã chiếm một vị trí có một không hai trong lịch sử âm nhạc thế giới - Bản giao hưởng số 7. Ông viết nó căng thẳng không ngừng nghỉ như lên một cơn sốt; không gì có thể tách ông khỏi nó và thậm chí ông đã mang cả bản nhạc lên nóc Nhạc viện trong các phiên gác. Sau này ông nhớ lại: “Tôi viết Giao hưởng số 7 của tôi rất nhanh. Tôi không thể không viết nó. Chiến tranh hiện diện ở khắp nơi. Tôi phải cùng với nhân dân, tôi muốn viết về hình ảnh đất nước đang dàn trận, để khắc sâu nó vào âm nhạc.”

Vào đầu tháng Tám, gầy đi trông thấy, Shostakovich chơi và trình bày phần đầu của bản giao hưởng và chủ đề cho biến tấu trung tâm mô tả cuộc xâm lược của Quốc xã cho bạn mình Glikman. Tại thời điểm còn chưa chắc chắn về kết quả cuối cùng của tác phẩm của mình và tiên đoán những lời cáo buộc ông một cách không tránh khỏi về việc bắt chước Boléro của Ravel, ông nói: “Hãy để người ta buộc tội tôi, nhưng đó là tất cả những gì mà tôi đang nghe thấy.

Shostakovich hoàn thành bản thảo của phần đầu của Giao hưởng số 7 vào ngày 29 tháng Tám (bản nhạc nghiêm chỉnh được hoàn thành vào ngày 3 tháng Chín 1941) khi cuộc phong toả Leningrad đang được củng cố. Lúc này, nhân viên các viện nghệ thuật và nghiên cứu ở Leningrad đã được sơ tán khỏi đường tiến của quân đội Đức. Shostakovich tiễn gia đình Sollertinsky ở ga xe lửa vào ngày 22 tháng Tám, khi họ cùng với Dàn giao hưởng đi về Novosibirsk. Glikman đi cùng Nhạc viện về Tashkent. Trước sự kinh ngạc của bạn bè, Shostakovich chống lại việc đi sơ tán. Ngày 29 tháng Tám ông viết cho Sollertinsky thông báo ông cùng gia đình đang chuẩn bị sơ tán cùng xưởng Lenfilm tới Alma-Ata trong vòng 2 ngày. Shostakovich đã không đi. Vào ngày 4 tháng Chín, phát xít Đức bắt đầu nã pháo vào Leningrad.

(còn tiếp)
1dc7
Vào ngày 14 tháng Chín, cùng với nhiều nghệ sĩ biểu diễn ở lại thành phố, Shostakovich tham gia một cuộc biểu diễn quyên góp cho quỹ phòng thủ. Ba ngày sau, vào ngày 17 tháng Chín, giọng nói của Shostakovich được truyền đi trên Đài phát thanh Leningrad: “Một giờ trước đây, tôi đã hoàn thành bản nhạc của hai phần của một bản giao hưởng cỡ lớn. Nếu tôi thực hiện nó thành công, nếu tôi có thể hoàn thành nốt phần ba và phần bốn của nó, thì có lẽ tôi sẽ đặt tên cho nó là Bản giao hưởng số 7 của tôi. Tại sao tôi lại nói với các bạn điều này? Để các khán giả nghe đài đang nghe tôi nói đây hiểu rằng cuộc sống trong thành phố của chúng ta đang diễn ra bình thường.” Tối đó, một số đồng nghiệp đã tụ họp tại căn hộ của Shostakovich để nghe các phần đã hoàn thành. Một trong những người có mặt hôm đó đã ghi lại cảm giác căng thẳng xúc động không thể tin nổi mà bản nhạc tác động tới người nghe nó. Tại một thời điểm, khi tiếng còi báo động phòng không rú lên, Shostakovich đề nghị mọi người tiếp tục làm nhạc sau khi ngừng một lát để ông có thể đưa vợ và các con xuống hầm trú ẩn. Một tuần sau đó Shostakovich kỷ niệm sinh nhật thứ 35 của mình một cách xuềnh xoàng cùng vài người bạn, khi bóng ma của nạn đói đã bay lượn trên đầu thành phố.

Vào ngày 29 tháng Chín, Shostakovich hoàn thành bản nhạc của phần ba bản giao hưởng của mình. Tối hôm sau, điện thoại từ Đảng bộ địa phương ra lệnh cho Shostakovich đi sơ tán. Trước sự thở phào nhẹ nhõm của rất nhiều bạn bè, vào ngày 1 tháng Mười 1941 ông đã cùng vợ và hai con bay đi Moskva. Họ buộc phải đi cùng hành lý nhẹ nhàng: những bản nhạc duy nhất Shostakovich mang theo mình là Lady Macbeth, Giao hưởng số 7, và Giao hưởng Thánh ca của Stravinsky (gồm bản nhạc và bản chuyển soạn piano của Shostakovich). Sau này khi cuối cùng được quay lại Leningrad vào mùa thu 1944, Shostakovich đã xúc động khi thấy những bản thảo khác của mình đã được giữ gìn kỹ càng tại Dàn giao hưởng Leningrad. Những lo lắng đầu tiên của ông khi mới sơ tán là khi đi ông buộc phải để lại những thành viên khác trong gia đình, mẹ, chị gái, cháu, và họ hàng vợ. Ông chỉ rời sau khi hiểu rằng họ sẽ được sơ tán trực tiếp.

Tại thủ đô, Shostakovich cùng gia đình trú tại khách sạn Moskva. Boris Khaikin chạy tới khách sạn gặp nhạc sĩ ngay sau khi họ tới. Vào một lúc khi có còi báo động phòng không kéo liên tục, ông kể lại nhìn thấy nhạc sĩ bước đi bước lại nóng ruột dưới hầm, lẩm bẩm một mình: “Wright brothers, Wright brothers, what have you wrought, what have you wrought?” Lần trú tại Moskva của Shostakovich tràn ngập các lần phỏng vấn và xuất hiện. Câu chuyện hấp dẫn của ông, về một nhạc sĩ trẻ dũng cảm đã từ chối sơ tán để bảo vệ thành phố của mình không chỉ bằng những hành động cụ thể mà còn bằng một trong những cố gắng đáng tôn kính nhất của con người - vốn gắn liền và đối lập với sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh - sự sáng tạo nghệ thuật. Đó là một vũ khí tuyên truyền có sức nặng, khơi gợi trong lòng người niềm cảm xúc và sự bất chấp, được khai thác ngay từ những thời điểm đầu tiên khi tác phẩm hình thành.

Vào ngày 15 tháng Mười, Shostakovich được thông báo tới trình diện cùng gia đình tại ga xe lửa Kazan để sơ tán về phương đông. Họ được phân vào toa tàu dành cho Nhà hát Bolshoy. Quang cảnh ở ga xe lửa rất hỗn loạn; Shostakovich trông đau khổ tới mức bất cứ ai cũng cảm thấy cần phải giúp đỡ nhạc sĩ - một người chưa bao giờ tháo vát - để đưa vợ ông và hai con nhỏ lên tàu và tìm được chỗ trong một chuyến tàu đầy ắp người, khởi hành vào lúc 10 giờ đêm, trong bóng đêm của một Moskva không có ánh điện. Cùng đi trên chuyến tàu có những bạn bè và người quen - các nhạc sĩ có Vissarion Shebalin, Reinhold Glière, Dmitriy Kabalevsky, và Aram Khachaturyan, cũng như Lev Oborin, Boris Khaikin, rất đông các nghệ sĩ của Bolshoy, và các danh nhân trong các lĩnh vực văn hoá khác. Trong lúc khởi hành hỗn loạn, hai va-li quần áo và đồ dùng cá nhân của Shostakovich bị bỏ lại phía sau. Trong cuộc hành trình, Shostakovich nhút nhát và hàm ơn nhận lấy những quần áo quyên góp từ mọi người. Đã có nỗi lo sợ rằng tấm chăn quấn cẩn thận các bản nhạc của Giao hưởng số 7 cũng đã bị mất, nhưng trong cuộc hành trình dường như vô tận giữa các ga tàu cuối cùng nó đã được tìm thấy. (Nina Vasilyevna, người vợ đầu của nhạc sĩ - mất đột ngột năm 1954 - kể lại, tấm chăn gói bản thảo đã bị cẩu thả ném vào nhà vệ sinh trong lúc mọi người hỗn độn lên tàu; khi cuối cùng họ tìm thấy nó vài giờ sau, nó đang nằm trong vũng nước nhưng rất may họ đã lấy được ra trước khi nước ngấm vào làm hỏng bản thảo - chú thích trong sách). Trong số các chủ đề nói chuyện chính trên tàu là cuộc tranh luận xem tốt nhất là xuống ở ga nào: Sverdlovsk, Kuybishev, Tashkent, hay là ga nào khác. Tất cả mọi người cùng khuyên Shostakovich. Sau một hành trình gian khổ trên tàu dài 7 ngày, họ tới Kuybishev vào ngày 22 tháng Mười, Shostakovich xuống tàu cùng với gia đình mệt và đói của mình. Dự định của ông là cuối cùng sẽ chuyển đến Tashkent (nơi Nhạc viện Leningrad chuyển đến), nhưng ông đã bị nghẽn lại ở Kuybishev - địa điểm sơ tán của chính phủ, các cơ quan ngoại giao, và báo chí trung ương - và cuối cùng ổn định tại đây.

(còn tiếp)
1dc7
Thoạt tiên, gia đình Shostakovich ở tại một trường học được phân cho Nhà hát Bolshoy, ngủ trên sàn nhà của một lớp học tù túng. Vào đầu tháng Mười một, chủ tịch Uỷ ban Các vấn đề Nghệ thuật sắp xếp cho gia đình Shostakovich nhận một phòng riêng và cho nhạc sĩ một chiếc piano. Nhạc sĩ trầm ngâm về tình cảnh của mình với một đồng nghiệp:

Khi chúng tôi lên tàu cùng với bọn trẻ ở Moskva, tôi đã nghĩ tôi đang ở thiên đường! ... Nhưng sau bảy ngày trên đường tôi cảm thấy tôi đang ở địa ngục. Khi họ cho tôi trú tại một lớp học – trên một tấm mền không hơn, quây xung quanh bởi va-li - một lần nữa tôi lại cảm thấy mình đang trên thiên đường. Nhưng ba ngày sau mọi thứ trở nên tồi tệ; không thể thay quần áo trước mặt những người lạ ... Một lần nữa tôi nhìn thấy địa ngục. Và rồi người ta chuyển chúng tôi tới chiếc phòng riêng này, cấp cho chúng tôi những điều kiện tương đối ổn thoả... Và anh biết không? Ngay lập tức tôi thấy cần một chiếc piano. Tôi được cấp một chiếc piano. Mọi thứ diễn ra có vẻ tốt đẹp và một lần nữa tôi lại nghĩ, “Đây là thiên đường!” Nhưng tôi lập tức thấy rằng một phòng đơn thật bất tiện khủng khiếp để làm việc; bọn trẻ rất ầm ĩ và vào ra bừa bãi. Bọn chúng cần phải làm ồn, tất nhiên vì chúng là trẻ con, nhưng không may là nó khiến tôi không thể làm việc nổi.

Những gì trên thực tế sau những tuyên bố về sự bất ổn, đó là sau sự ngắt quãng của hai lần sơ tán, Shostakovich đã bị mất quán tính sáng tạo của mình, điều luôn làm ông khó chịu ngay cả ở những thời gian tốt nhất. Mặc dù đã tuyên bố ở Moskva rằng ít nhất là khái niệm, nếu không phải là âm nhạc thực sự, của phần 4 của Giao hưởng số 7 đã ở trong tầm tay, (“Hiện tại tôi đang hoàn thành phần cuối, phần 4. Tôi chưa bao giờ làm việc nhanh như bây giờ”; “Trong phần kết tôi muốn miêu tả một tương lai tươi đẹp khi quân thù bị đánh bại”), ngày 29 tháng Mười một, đúng 2 tháng sau khi hoàn thành phần ba, ông phàn nàn trong một bức thư gửi Sollertinsky rằng phần bốn không tiến triển được tốt. Một ngày sau đó, trong một bức thư cho Glikman, ông thú thực rằng thậm chí ông còn chưa bắt tay vào viết nó. Vào ngày 9 tháng Mười hai, gia đình Shostakovich được chuyển tới một căn hộ riêng hai phòng ở Kuybishev, cho nhạc sĩ một “thiên đường” của không gian sáng tạo mà ông cần. Ngay ngày hôm sau ông đã báo cáo rằng ông đã bắt tay vào viết nhạc cho phần kết của bản giao hưởng của mình. Tin tức từ những thắng lợi ý nghĩa đầu tiên của quân đội Soviet, việc giải phóng các thành phố Elets và Kalinin, chắc chắn cũng đã khích lệ tinh thần ông.

Vào thời điểm này, Shostakovich đã quyết định sẽ ở lại Kuybishev, một phần vì đang cố gắng sơ tán mẹ và chị mình từ Leningrad và nghĩ rằng ông có thể hoàn thiện được công việc tốt nhất tại đây. Một niềm khuây khoả lớn là ông đã liên lạc được với các bạn bè thân thiết nhất đang tha hương rải rác khắp các nơi cách xa và cũng tìm được cách bù đắp vào sự buồn chán và thiếu thốn cảm hứng âm nhạc bằng cách chơi các bản chuyển soạn piano bốn tay cùng Oborin và nghe các bộ sưu tập nhạc hạn chế của nhà hàng xóm. Vào đầu tháng Mười hai ông được giao việc tổ chức một chi nhánh của Công đoàn các Nhạc sĩ tại Kuybishev mà ông được bầu làm chủ tịch. Cứ vào thứ Tư, các thành viên tụ họp để nghe và thảo luận nhạc của nhau; vào lần tụ họp sáng tạo đầu tiên, ngày 10 tháng Mười hai, Shostakovich trình bày ba phần đã hoàn thành của Giao hưởng số 7.

(còn tiếp)
Pages: [1], 2, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Âm nhạc - Hội họa
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.