Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trên giá sách
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25
mưa
QUOTE(grass @ Jul 10 2006, 03:34 PM)
Các kịch bản của Coelho có phần dễ dãi, đơn giản và Hollywood quá, người ta có thể thấy ở đó các giấc mơ của mình chứ khó thấy được chính mình.


Thế nên mình đọc 11 phút mới được giữa chừng thì bỏ dở.
Mr. Smith
Tớ thì nghĩ rằng một tác giả lớn không nhất thiết là có tác phẩm bán chạy, ít nhất là trong thời của ông ấy.

Với lại chắc chắn là không phải tác giả bán chạy nào cũng là tác giả lớn rồi, tất nhiên vẫn có thể coi là tác giả lớn trong dòng chảy của kiểu sách đó như Stephen King trong dòng thriller/mystery hay Rowling trong dòng Fantasy, nhưng cả King lẫn Rowling đều không được các nhà phê bình văn học đánh giá cao lắm theo tiêu chí văn học chính thống.

Cái Siddartha của Hesse công nhận đọc chán nhưng không hiểu sao bọn Tây lại thích, chắc là vì triết lý lạ lẫm so với đời sống tinh thần lý trí của phương Tây. Tớ thích Narciss and Goldmund. Sói đồng hoang thì đọc mệt, mình vẫn để nó trong tình trạng dang dở suốt cả 1 năm rồi. Coelho thì tớ thấy có thể coi như một người viết fairy tale cho thời hiện đại thôi, nhưng về độ rung cảm, sâu sắc và ám ảnh thì kém xa Andersen. Coelho viết sách như kiểu cung cấp cho người ta một thứ fast-food, một công thức gì đó fanciful, nhưng thật ra dễ được chấp nhận hay nói như em Grass có lần nói là ông ấy viết ra những cái gì độc giả muốn nghe. Không phải ngẫu nhiên mà sách của ông lại hay được bày bán ở các nhà ga, sân bay.. vì người ta dễ dàng có thể đọc hết nó trong vài tiếng đồng hồ ngồi trên tàu, máy bay. Trong khi đó, nếu đọc Sói đồng hoang của Hesse thì việc đó là không tưởng.

Văn học Brazil thì tớ cũng chẳng biết ai.
À, mà tớ vẫn thích Hoàng tử bé, cho dù đọc nó khi mình đã 26 tuổi. Cũng là một câu chuyện cổ tích nhưng có cảm giác là tác giả viết ra là để cho mình chứ không phải là những gì người khác muốn nghe. Cánh buồm đỏ thắm thì chưa từng đọc.
SyncMaster
QUOTE(Agent Smith @ Jul 11 2006, 12:38 AM)
À, mà tớ vẫn thích Hoàng tử bé, cho dù đọc nó khi mình đã 26 tuổi. Cũng là một câu chuyện cổ tích nhưng có cảm giác là tác giả viết ra là để cho mình chứ không phải là những gì người khác muốn nghe. Cánh buồm đỏ thắm thì chưa từng đọc.



Bác Xơ-mít cũng thích "Hoàng tử bé" à, bác đã đọc "Vol de nuit" cùng tác giả chưa, không biết quyển đó có hay không ?

Ở Việt Nam không biết chỗ nào bán "Hoàng tử bé" do Bùi Giáng dịch nhỉ, bác nào biết cho tôi xin cái địa chỉ với để tôi nhờ người mua hộ.
Hoang Yen
Trên mạng có thể đọc Hoàng Tử Bé do Bùi Giáng dịch ở đây:
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2141&rb=0204:


Nhân thể, Cánh buồm đỏ thắm, đọc ở đây:
http://ttvnol.com/tacphamvanhoc/615391/trang-1.ttvn
TươngGiang
QUOTE(SyncMaster @ Jul 11 2006, 01:52 AM)
Ở Việt Nam không biết chỗ nào bán "Hoàng tử bé" do Bùi Giáng dịch nhỉ, bác nào biết cho tôi xin cái địa chỉ với để tôi nhờ người mua hộ.
*



Ở Việt Nam mới ra lại rất nhiều sách do Bùi Giáng dịch, trình bày khá đẹp và nhìn dễ chịu, giá cũng mềm và chắc có gửi theo đường mailing post thì cũng không đắt vì trọng lượng nhẹ leuleu.gif . Bác có thể nhờ người mua giúp ở trên phố Nguyễn Xí hoặc Đinh Lễ.

Hôm qua em nói chuyện với một cậu bạn thân về O Zahir. Em được cái tính đàn bà, hay chú ý đến tiểu tiết nên một truyện như O Zahir rất rất thu hút em chỉ vì hai chi tiết nhỏ: khoảng cách giữa hai đường ray xe lửa và sợi dây nhóm piercings giăng trên vỉa hè. Em thường thích các câu chuyện hoặc các tiểu thuyết khai thác từ một chi tiết rất nhỏ và tưởng chừng chẳng có gì để nói nhưng lại ra một vấn đề lớn. Ngoài ra, O Zahir gắn với một kỷ niệm riêng khác hypocrite.gif

Có bác nào đọc Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust chưa? Em đang bắt đầu đọc nhưng đã nghe doạ là sẽ chẳng hiểu gì đâu. Thôi thì cứ chiến đấu đã, chấp nhận chuyện sau này sẽ hiểu (chả khác gì 18 tuổi bị bắt phải học Kinh dịch trong khi các thầy cứ lắc đầu quầy quậy nói là, phải ngoài 50 các em mới hiểu Kinh dịch thực sự thế nào - pótay ohmygod.gif )
SyncMaster
QUOTE(Hoang Yen @ Jul 11 2006, 01:02 AM)
Trên mạng có thể đọc Hoàng Tử Bé do Bùi Giáng dịch ở đây:
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2141&rb=0204:


QUOTE(TươngGiang @ Jul 11 2006, 10:40 AM)
Ở Việt Nam mới ra lại rất nhiều sách do Bùi Giáng dịch, trình bày khá đẹp và nhìn dễ chịu, giá cũng mềm và chắc có gửi theo đường mailing post thì cũng không đắt vì trọng lượng nhẹ  leuleu.gif . Bác có thể nhờ người mua giúp ở trên phố Nguyễn Xí hoặc Đinh Lễ.



Cảm ơn chị Yến và TV wub.gif
Phó Thường Nhân
Hoá ra Demian lại được dịch là "Tuổi trẻ băn khuăn". Kể cũng không sai lắm. Quyển Goldmun & Nazareth tôi không biết, chứ Damian với Sói đồng hoang thì có gì là thiên chúa đâu.
Damian, Sói đồng hoang, và Siddatha đều chung một chủ điểm, chỉ có vị trí nhìn khác nhau. Nó đều nói về "rupture" ( sự nổi loạn ) cả. Và nguyên nhân của nó đều là không chấp nhận hiện tại, mà đi tìm về một cái gì đó. Cái gì đó ấy của Herman Hess tôi cũng không rõ. Người ta hay lấy lý lich bản thân của Herman Hess, cuộc sống sinh thời của ông ta, là con một nhà mục sư người Đức, nhưng lại đi truyền đạo ở Ấn độ. Đến khi trở về, vẫn tiếp tục dịch kinh thánh ra các thứ tiếng Ấn độ. Rồi xung đột thế hệ giữa ông ta và gia đình dẫn đến cái chủ điểm "nổi loạn" của Herman Hess.
Sự nổi loạn của Hess không phải là kiểu "giác ngộ cách mạng" và đi tới hành động, nó chỉ là một kiểu tư duy khác lạ thôi.

Trong thực tế, ông ta cũng không thoát khỏi tin lành, giống như Tôn ngộ Không trong Tây du ký, biến hoá quay cuồng một hồi để "tự giải thoát" khỏi cái vòng kim cô trên đầu, những thực ra không vượt qua khỏi lòng bàn tay của Phật bà Quan Âm.
Cái dấu ấn tin lành của Hess vẫn thể hiện trong quan niệm về thiên nhiên của ông ta. Sói đồng hoang và Damian thì tôi không còn nhớ chi tiết, nhưng trong quyển Siddatha chẳng hạn, thì cách nhân vật chính ngắm nhìn chiêm ngưỡng thiên nhiên qua dòng sông, khi ông ta tự nguyện làm người lái đò. Nó không có cái cảm nhận vô thường hay luân hồi của phương đông, mà chỉ toát lên cái tuyệt đối "vĩ đại" của thiên nhiên, vốn vẫn được coi trong tin lành như sự thể hiện của thiên chúa mà thôi.

Còn chủ điểm của Coelho trong 3 quyển tôi đọc, nói ở trên thì có lẽ là định mệnh, số phận. Và những số phận này được hiểu theo kiểu "kinh thánh". Mỗi người đều phải trải qua những thăng trầm (pugatoire) rồi sẽ được cứu rỗi (grace) và sự cứu rỗi này là sự trở về với chính mình. Như cậu bé đi tìm kho báu, đến tận Kim tự tháp rồi lại trở về chính cái nhà thờ mục nát để tìm ra kho báu, hay cô gái đi tìm một miền đất hứa ( Thuỵ sĩ) , cuối cùng lại trở về điểm xuất phát (Brazil). Còn thăng trầm hoàn toàn do một sự tình cờ tạo nên, như có bàn tay thánh dẫn đường. Con ngưòi chỉ cần không mất lòng tin (cậu bé mất hết tiền bạc vì bị lừa, nhưng lại thành công trong bán hàng để tiếp tục cuộc viễn du. Cô gái rơi vào lầu xanh nhưng tiếp tục vươn lên về trí tuệ...) là sẽ thành công.
Chính vì thế Coelho hay dẫn chuyện bản thân của mình ra, đó là việc ông ta đang ở điểm cao của danh vọng trong một hãng sản xuất nhạc multinational của Mỹ, vào giờ phút hi vọng nhất, thì lại nhận đựơc lệnh bị đuổi việc. Nhưng chính vì có sự kiện đó mà ông chuyển sang viết văn và thành công như hiện tại.

Do chuyện tự sự của Coelho có happy end thì ông ta cũng theo đó mà viết sách "tuổi hồng", kết thúc tốt đẹp, làm cho người đọc cảm thấy nó dễ dãi thôi. Nhưng bỏ cái Happy End đi thì nó cũng có nhiều đoạn thú vị, và đặc biệt có hơi hướng kinh cựu ước.

Fedora
Em cần tìm lại tên một quyển truyện, không nhớ nó là của Anh hay Mỹ vì hồi đó đọc bản dịch chỉ ngấu nghiến nội dung chứ không để ý tới nhan đề và tác giả.

Nội dung câu truyện kể về số phận một cậu bé con nhà giàu, trên một chuyến đi qua đại dương cùng gia đình bị say và rơi xuống biển. Một chiếc tàu đánh cá đã vớt được cậu lên và kể từ đó cậu trở thành người học việc trên chiếc tầu cá đó.

Bác nào biết thông tin gì về cuốn tiểu thuyết này thì giúp em nhé.

Thanks.
Milou
Captains Courageous, by Rudyard Kipling.
A wonderful tale of the now defunct cod fishery, it pairs a young, privileged boy who falls off an ocean steamer, with a salty fisherman who helps shape him into the son his tycoon father always hoped he'd be. This story was adapted into a wonderful 1930s movie starring Spencer Tracy.
http://www.gutenberg.org/dirs/etext00/cptcr11a.txt
Fedora
QUOTE(Milou @ Jul 21 2006, 12:01 PM)
Captains Courageous, by Rudyard Kipling.
A wonderful tale of the now defunct cod fishery, it pairs a young, privileged boy who falls off an ocean steamer, with a salty fisherman who helps shape him into the son his tycoon father always hoped he'd be. This story was adapted into a wonderful 1930s movie starring Spencer Tracy.
http://www.gutenberg.org/dirs/etext00/cptcr11a.txt
*



Cảm ơn bác Milou, em đang download wub.gif
TươngGiang
Tuần qua:

Vừa đọc xong Tuyển tập Phùng Ký Tài, bao gồm 3 truyện vừa: Gót sen ba tấc, Roi thần và Âm dương bát quái.
Lâu lắm mới đọc một tác phẩm trong trạng thái phải "dè sẻn", vừa đọc vừa sợ... hết.
Một Phùng Ký Tài tài hoa, nhạy cảm, đầy tiết chế với lối viết thong dong, như người kể chuyện, tưởng là vu vơ mà hữu ý. Ngôn từ giản dị, trong sáng lại càng trở nên nhuần nhuyễn và đáng đọc hơn qua bản dịch của nữ dịch giả lớn tuổi Phạm Tú Châu.

Cảm giác như gặp lại hình dáng của Nguyễn Tuân. Cái tài hoa được đẩy lên đến tột đỉnh. Mỗi một sự vật, sự việc, con người đều ẩn chứa những giá trị nhất định. Cái tài hoa ấy, nào đâu phải ở chốn gấm hoa, lụa là, đẹp đẽ để đợi "trổ tài", đợi "bộc lộ" mà thể hiện ngay từ trong những thứ đời thường, dân gian, gần gũi thậm chí thô thiển nhất.

Một cuốn sách rất đáng đọc, nhất là với những người hoài cổ!

---------------

Thất vọng một chút với Bốn kiếp thùy liễu của Sơn Táp. Cảm tình với Thiếu nữ đánh cờ vây nhưng trong Bốn kiếp thùy liễu, cảm giác thứ mà Sơn Táp định nói dường như nói chưa được hết và hơi "tham". Ý tưởng với kết cấu truyện khá ổn nhưng các mối dây chưa rành mạch, liền mạch hoặc giả như người dịch có vấn đề?

Thị Anh
QUOTE(TươngGiang @ Aug 8 2006, 01:27 PM)
Tuần qua:

Vừa đọc xong Tuyển tập Phùng Ký Tài

Một cuốn sách rất đáng đọc, nhất là với những người hoài cổ!

---------------

Thất vọng một chút với Bốn kiếp thùy liễu của Sơn Táp.




---------------


1- Phùng Kỳ Tài, mình chửa có. Ai quý mình, thì tranh thủ tặng đi thôi.
2- Đã có Bốn kiếp thùy liễu. Chửa đọc. Để em Ngọc đọc trước.
3- Tiểu Long Nữ của Nguyễn Huy Thiệp đã chính thức bị 2 độc giả vô tư của nhà mình là em Ngọc và chị H. "chê" chán! :(
Phó Thường Nhân
Đang đọc James Joyces, "những người ở Dublin". Ông này có quyển Ulysse, nhưng nó dầy quá, đọc không tiện chút nào. Với lại cái thời đọc tiểu thuyết dài dòng văn tự với bản thân qua rồi. Sẵn sàng đọc một quyển sử hay triết thật dầy, những truyện thì quả thật nếu nhìn nó dầy sẽ rất nản.

Công nhận là quyển này hay thực. Mặc dù không đọc được bằng nguyên bản tiếng Anh, nhưng cách kẻ truyện của Joyces thật đặc biệt, hấp dẫn. Những truyện trong thực tế, nội dung chẳng có gì, những cách tả tinh tế, rất tỉ mẩn, như khắc họa từng đường nét, khiến cho những điều ông tả thông qua suy nghĩ của người kể truyện đóng vai "TÔI" thật tuyệt.

Joyces có được dịch ra tiếng Việt không nhỉ ?
Mr. Smith
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Aug 8 2006, 02:57 PM)
Joyces có được dịch ra tiếng Việt không nhỉ ?
*



Có cuốn "A Portrait of an artist as a young man" đã được dịch ra tiếng Việt, cũng là mới dịch thôi. Một vài truyện ngắn trong tập The Dubliners cũng được dịch và thấy rải rác trên Net.
TươngGiang
Dư Hoa là một trong những tác giả đương đại của Trung Quốc mà mình rất thích. Nếu như mọi người đọc Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện,... thì mình chọn Dư Hoa. Có thể vì tác giả... trẻ tuổi nên phần nào gần gũi hơn, trong cách nghĩ, cách hiểu.

Đọc Sống đầu tiên, sau đến phần I của Huynh đệ và mới đây là Hứa Tam Quan bán máu. Ba tác phẩm, là 3 câu chuyện kể mộc mạc, đều vẽ ra hoàn cảnh câu chuyện xoay xung quanh một gia đình. Trong Sống, ba thế hệ của một gia đình được kể lại tương ứng với các giai đoạn biến động trong lịch sử Trung Quốc với hình thức một lão nông và con trâu của mình. Trong Huynh đệ (phần I - phần II tác giả chưa viết xong thì phải), cũng là câu chuyện xảy ra trong một gia đình giữa hai anh em khác cha, khác mẹ nhưng vẫn là anh em vì mẹ và cha của hai người lấy nhau giữa những giai đoạn chấn động nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong Hứa Tam Quan bán máu, cũng là câu chuyện về một người cha với những đứa con của mình, đặc biệt là đứa con đầu lòng của vợ ông - với một người khác, không phải là ông.

Ba câu chuyện đều thấm đẫm tình người, cảm động, dễ khiến người đọc rơi vào trạng thái thương cảm (không chỉ đồng cảm) với nhân vật. Những nhân vật trong các câu chuyện, cho dù có những lời nói, lời chửi cay độc tới đâu, nhưng trong những hoàn cảnh bình thường nhất của cuộc sống, lại thể hiện bản chất cao đẹp, đầy tính nhân văn của một con người đúng nghĩa nhất.

Một điều cảm thấy chưa được ở Dư Hoa - hoặc giả tác giả đã nhận thức nhưng cố tình không khai thác theo chiều hướng đó. Ấy là các nhân vật thường đơn tuyến - đã đẹp thì cao đẹp vô cùng, có lúc cảm giác như nhân vật ấy giống như một vị thánh - hơn là một con người.

Cuối cùng thì, đang chờ tiếp phần II của Huynh đệ và mong rằng, thêm nhiều tác phẩm nữa của Dư Hoa sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc tại Việt Nam.

nicochiphai
QUOTE(grass @ Jul 10 2006, 10:12 AM)
Hic, đọc cái này bản tiếng Anh đến gần cuối, còn đâu 50 trang thì give up.


Chí phải !

Tháng trước em cũng mừng mừng rỡ rỡ ra nhà sách mua cuốn O Zahir về, nhưng đọc chán quá. Cái cách mà tác giả tiếp xúc với triết lý phương Đông có vẻ khiên cưỡng thế nào ấy. Cố đọc đến cuối truyện thì tự dưng thấy bực bực, vì nhân vật dường như vẫn chưa thực sự thoát khỏi những vấn đề của hắn, mà chỉ mới "tưởng" rằng mình đã thoát khỏi, đã vươn, đã tới được cái tình yêu cao cả mà hắn hình dung nó là...

Kết truyện thì, theo em, khá vô duyên.

Thế nhưng vẫn yêu Nhà Giả Kim (lần đầu tiên em đọc là bản Cuộc Phiêu Lưu Của Chàng Chăn Cừu, hình như do Huỳnh Phan Anh dịch !? Mãi sau này mới đọc bản NGK), có lẽ vì mang màu sắc thần thoại, bay bổng, gợi mở nhiều.

Đọc liền hai cuốn O Zahir, rồi tới Chuyện Dài Bất Tận. Dù phần dịch thuật có một số vấn đề, nhưng vẫn mê mẩn. Sau đó lục trong đống phim ở nhà mới thấy mình có phim này, mở lên coi --> cry1.gif thất vọng não nề. Phim của bọn Pháp làm, lược bỏ quá nhiều, đã thế lại chỉ dựng tới chỗ thằng nhóc Bastian gọi tên Nữ thiếu hoàng và cứu được vương quốc Tưởng Tượng. Sau đó còn cái kết rất buồn cười là, Bastian ước được cưỡi Phúc Long bay vào thế giới thực để dọa dẫm mấy thằng bạn cùng trường hay chọc ghẹo mình. Nhảm không thể tưởng. Đó là chưa kể đến con Phúc Long, theo như truyện tả thì rõ là con rồng trong thần thoại Châu Á, thế mà con Phúc Long trong phim thì ngắn cũn, cục mịch, lại còn... đầu chó, thích gãi tai nữa mới ghê chứ ! pirate.gif

Ơ mà nghe ThiAnh khoe mới kiếm được một Milarepa khác là Milarepa nào thế ? Có phải của Rechung viết không ?
Thị Anh
QUOTE(nicochiphai @ Aug 12 2006, 01:47 AM)

Ơ mà nghe ThiAnh khoe mới kiếm được một Milarepa khác là Milarepa nào thế ? Có phải của Rechung viết không ?




Nhớ mua nhé, nếu có thể.
Cảm ơn trước, cả KT nữa, nếu có thể.
Cảm ơn tiếp. laugh.gif
nicochiphai
QUOTE(Thị Anh @ Aug 13 2006, 01:19 AM)
QUOTE(nicochiphai @ Aug 12 2006, 01:47 AM)

Ơ mà nghe ThiAnh khoe mới kiếm được một Milarepa khác là Milarepa nào thế ? Có phải của Rechung viết không ?




Nhớ mua nhé, nếu có thể.
Cảm ơn trước, cả KT nữa, nếu có thể.
Cảm ơn tiếp. laugh.gif
*



KT thì chắc chắn sẽ có. Chị có muốn đọc những cuốn khác của Exupéry không ? Nhà em còn 3-4 cuốn khác của ông này, nhưng chỉ có thể tặng bản photo thôi lala.gif

Mai lãnh lương, sẽ chạy ra nhà sách cũ xem cuốn kia còn không, nếu còn sẽ gửi 2 cuốn nhờ Bến mang ra nhé.

Đọc loáng thoáng có người nhắc đến André Gide. Thích nhất là La Symphony Pastorale (Bùi Giáng dịch là Hòa Âm Điền Dã, một bản dịch khác là Khúc Nhạc Đồng Quê, không nhớ ai dịch). Nghe đâu cũng sắp tái bản loạt sách của ông này. Sau Khung Cửa Hẹp sẽ là Hòa Âm Điền Dã, Kẻ Vô Luân (L'immoraliste), và Trần Gian Muôn Màu (Les Nourritures Terestres) nhưng KVL và TGMM đọc hơi dài dòng, không thích mấy.

Sách của Gide chủ yếu là Bùi Giáng dịch. Cụ này phải cái tội là thích múa may trên giường của người khác w00t.gif , khi dịch thường chêm đủ thứ vần vèo thơ thẩn hoa hòe hoa sói , nếu đọc to lên không khéo líu lưỡi đọc nhầm, mà chữ nghĩa của cụ nếu đọc nhầm thì lại phải tội (như trong Nhà Sư Vướng Lụy của Tô Mạn Thù, sau khi đã ra sức hành hạ tác phẩm bằng giọng điệu cà rỡn của mình, cuối truyện cụ thản nhiên thêm vào 1 câu, đại ý : "cà rỡn để truyện bớt nặng nề" --> scared.gif ).

Nhưng, theo em, cách dịch của cụ Bùi, cũng phải tội, lại có hiệu quả đặc biệt về mặt chuyển tải tư tưởng. Đằng sau mớ ngôn ngữ loằng ngoằng giả ngây giả dại ấy, là sức cảm thụ mãnh liệt. Và cách cụ mang cái hơi thở, cái thần thái của văn bản đến với người đọc, không phải A ra A, B ra B, không nói thẳng cái cây này trồng ở chỗ nọ, mà nói đông tây trời biển để người đọc có thể biết cái cây nằm ở chỗ nọ. Nói như thể không nói, nhưng còn hơn chỉ là nói.

Thiển ý của em thì thế thôi.

summoner131
QUOTE(nicochiphai @ Aug 11 2006, 06:47 PM)
QUOTE(grass @ Jul 10 2006, 10:12 AM)
Hic, đọc cái này bản tiếng Anh đến gần cuối, còn đâu 50 trang thì give up.



Sau đó lục trong đống phim ở nhà mới thấy mình có phim này, mở lên coi --> cry1.gif thất vọng não nề. Phim của bọn Pháp làm, lược bỏ quá nhiều, đã thế lại chỉ dựng tới chỗ thằng nhóc Bastian gọi tên Nữ thiếu hoàng và cứu được vương quốc Tưởng Tượng. Sau đó còn cái kết rất buồn cười là, Bastian ước được cưỡi Phúc Long bay vào thế giới thực để dọa dẫm mấy thằng bạn cùng trường hay chọc ghẹo mình. Nhảm không thể tưởng. Đó là chưa kể đến con Phúc Long, theo như truyện tả thì rõ là con rồng trong thần thoại Châu Á, thế mà con Phúc Long trong phim thì ngắn cũn, cục mịch, lại còn... đầu chó, thích gãi tai nữa mới ghê chứ ! pirate.gif



Phim này do Đức /Mỹ sản xuất, đạo diễn là Wolfgang Peterson, quay chủ yếu tại Mỹ. Không nên so sánh tác phẩm văn học với phim này vì phim làm ra cho thiếu nhi nên câu chuyện chắc hản phải đơn giản hơn, đoạn kết cũng là phản ánh tâm lý trẻ em. Về mặt nội dung, phim cũng vẫn ổn vì có tuyến truyện chặt chẽ (và kết ở đấy không hề tồi) , gợi được không khí bí ẩn và cũng không hẳn là trẻ em (đôi khi người lớn) xem xong sẽ hiểu ngay . Không nhất thiết phải trung thành với tác phẩm văn học thì mới là phim tốt, các fan văn học nên chú ý điều này vì xem phim nó vẫn khác với đọc 1 cuốn sách , phim hay không phải để suy nghĩ cái gì sâu xa mà đơn giản là có 2 tiếng giải trí thỏa mãn về nghe nhìn và ko cảm thấy phí vì gặp phải một câu chuyện ngớ ngẩn. Phim nãy cũng có một vài sequel , chắc là để hoàn thành nội dung của cuốn sách nhưng không thành công như phần mà Wolfgang Peterson làm này.

Khi em nhà các bác còn bé, xem phim này rất ấn tượng vì kỹ xảo của nó với thời đó là rất hoành tráng (năm 1983-1984). Gần đây xem lại thì cái ấn tượng đó không thay đổi vì kỹ xảo tuy đã lỗi thời nhưng các đạo diễn hình ảnh (hình như tên là Herbert StrabelGötz Weidner) không làm theo kiểu khai thác kỹ xảo như phim bom tấn ngày nay mà tập trung vào xây dựng các hình ảnh fantasy đẹp , cho nên thấy rõ là kỹ xảo cũ nhưng vì bản thân hình ảnh vẽ quá đẹp và hợp với kỹ xảo nên không bao giờ thấy quê mùa . Con rồng, ngược lại với ý kiến của bác lại là một thành công về mặt hình ảnh, sự sáng tạo của người làm phim nằm ở chỗ đó, một con rồng Châu Á hoàn toàn thì quá bình thường và hoàn toàn không ăn nhập với phong cách thiết kế chung của toàn phim, một con rồng lai giữa Rồng châu Á và Chó thì vừa bất ngờ vì chưa ai nghĩ ra vừa thân thiện với trẻ em toàn thế giới lại vừa có phần hoạt kê, chắc chắn rằng nếu trẻ con chưa nhìn thấy một con rồng Châu Á thì con rồng này rất giống với con Phúc Long trong trí tưởng tượng của chúng, mà quan trọng nhất là nó ăn nhập với bối cảnh và các nhân vật khác. Một số con rồng trong nghệ thuật Trung Quốc thời Tần, Hán thân mình ngắn, nên con rồng trong phim không có tội gì khi nó ngắn người hơn con rồng mà chúng ta quen thuộc cả
nicochiphai
QUOTE(summoner131 @ Aug 16 2006, 01:45 PM)
...


Chắc tại mình già mịa nó rồi ! wacko1.gif Đúng là xét kỹ lại, nếu chưa đọc truyện, chỉ xem phim thôi thì đó là 1 bộ phim khá dễ thương cho trẻ em.

Mấy hôm rồi rỗi hơi quá, lục lại cuốn Tình Yêu Và Lý Tưởng (nguyên tác : Tonio Kroger) của Thomas Mann, Huỳnh Phan Anh dịch.

Cuốn sách kể về anh chàng Tonio Kroger (phần nào lấy nguyên mẫu từ chính tác giả), sinh ra trong một gia đình quyền thế. Cha cậu là một vị lãnh sự trầm tĩnh, ít nói, với đôi mắt suy tư và thói quen cài nơi khuy áo một đóa hoa đồng nội. Cậu nghiêng về mẹ nhiều hơn - một người đàn bà mỹ miều thuộc dòng họ Consuelo - nồng nàn, đa cảm và phóng khoáng. Tonio, một phần nào đó, chính là hiện thân của mối xung khắc về huyết thống trong gia đình, phần lớn còn lại, là sự mâu thuẫn trong tinh thần của cậu.

Sự mâu thuẫn với chính mình :

Ngay từ rất nhỏ, Tonio đã khép kín, ít nói, vụng về trong mọi chuyện, chỉ luôn say sưa với những gì thuộc về thế giới tinh thần, và khởi đầu công việc sáng tạo với những vần thơ (mà thày cô bạn bè thường chế giễu). Cậu không tìm được bất kỳ một mối đồng cảm nào từ những người xung quanh. Tonio yêu mến và ngưỡng vọng Hans Halsem - một thằng nhóc cùng lớp. Hans cũng được sinh ra từ một gia đình quyền quý. Ở Hans hội tụ tất cả những gì mà Tonio luôn khao khát : xinh đẹp, vui vẻ, tháo vát, xuất sắc trong mọi việc, được mọi người quý mến... Hans thì lại tìm thấy ở Tonio một con người khác biệt, mang chút gì đó siêu phàm so với những người xung quanh, nhưng tình cảm của cậu dành cho Tonio cũng chỉ dừng lại ở mức cùng nhau đi dạo, trong khi Tonio luôn muốn hai người gần nhau hơn nữa, với thứ tình cảm luôn bị dày vò bởi ước muốn chiếm hữu. Hai cậu khác nhau quá, không thể chia sẻ điều gì với nhau được, và cũng không hề muốn tự thay đổi mình. Tonio luôn muốn nói về những cuốn sách, về những vần thơ, về những cảm xúc của mình. Hans lại chỉ quan tâm đến các môn thể thao. Một cuộc đi dạo giữa 2 người với những câu chuyện lệch pha gây nhiều thương tổn cho tâm hồn nhạy cảm của Tonio. Nhưng, mặt khác, Tonio lại đón nhận tất cả những thương tổn ấy, suy gẫm về chúng, sống trọn vẹn trong chúng và trở nên yêu mến chúng.

Sự quý mến mà Tonio dành cho Hans, cũng như tình yêu âm thầm mà cậu dành cho Ingeborg Holm - cô con gái của một bác sĩ, đều phát xuất từ cái khát khao vươn tới những gì mình không thể có được : sự vui tươi, quý phái, nồng nhiệt và đáng mến... trong khi chính bản thân cậu lại không coi trọng những giá trị bề ngoài. Cái khao khát của Tonio là của một kẻ chỉ muốn ngắm nhìn và ngưỡng mộ một cách lười biếng, của một kẻ chỉ thích thú với những nỗi đau khổ êm đềm do sự mâu thuẫn của chính mình gây ra.

Sự mâu thuẫn trong đời sống :

Năm Tonio mười lăm tuổi, bà nội cậu mất. Không lâu sau cha cậu qua đời. Dòng tộc Kroger dần dà bị phân tán và thất lạc. Một năm sau đó, mẹ cậu cưới một nhạc sĩ người Ý và theo chồng phiêu bạt về phương Nam. Căn nhà cùng tài sản của gia đình cũng bị phát mãi. Cậu rời khỏi thành phố quê hương, bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, để dấn bước vào một đời sống khác hẳn.

...Cậu lăn xả vào thứ quyền năng mà cậu cho là cao nhất trên đời này, và cảm thấy mình được gọi đến để phục vụ cho nó, nó hứa hẹn với cậu sự cao cả và tiếng tăm : đó là quyền năng của trí tuệ và của lời nói vừa chế ngự vừa tươi cười trên cuộc sống vô thức và lặng câm. Cậu tự dâng hiến đời mình cho nó với trọn vẹn mối đam mê thời niên thiếu của cậu. Nó tưởng thưởng cậu bằng tất cả uy quyền của nó trong sự ban phát và nó tước đoạt không thương tiếc tất cả những gì nó có thói quen tước đoạt ngược lại.

Nó mài nhọn cái nhìn của cậu và nó giúp cậu xuyên thấu đúng lúc những chữ nghĩa lớn lao luôn làm cho những khung ngực của người ta phồng căng. Nó mở giùm cho cậu tâm hồn kẻ khác và tâm hồn của chính cậu. Nó giúp cậu được sáng suốt, chỉ cho cậu thấy phần bên trong của thế giới, cùng tất cả những gì nằm ở tận đáy sâu, dưới những hành động và những lời nói. Và điều cậu trông thấy được là đây : lố bịch và khốn khổ - khốn khổ và lố bịch...

Rồi thì với nỗi giày vò và niềm kiêu hãnh của tri thức, sự cô đơn tìm đến, bởi vì cậu không thể nào ở lại trong xã hội của những con người thơ ngây, với tâm hồn vô tư, hắc ám, và dấu hiệu cậu mang trên trán cậu đã làm cho họ bối rối...



Tonio sống trong những thành phố lớn ở miền Nam, bắt đầu đắm mình vào thế giới của tội lỗi và nhục dục, đồng thời lại vô cùng khổ sở về lối sống của mình. Trong cái xã hội hạ lưu đó, hình ảnh của người cha trầm tư, ăn mặc chỉnh tề với đóa hoa đồng nội cài trên khuy áo luôn trở đi trở lại, nhắc nhở về nguồn gốc của cậu, nhắc nhở về thế giới trưởng giả mà cậu đã được nuôi dạy trong đó. Cậu luôn cảm thấy một nỗi nhớ nhung mơ hồ về những niềm vui tinh thần, những niềm vui thanh cao của cha cậu xưa kia, mà cậu không bao giờ và không thể nào tìm được trong tất cả những khoái lạc hiện thời. Cậu trở nên chán chường và thù hận cảm giác, vẫn tiếp tục đắm mình vào nhục cảm, vẫn khát khao mãnh liệt về một điều gì đó thanh khiết, đầm ấm, dịu dàng... Cậu trở thành một kẻ lạc loài với chính cuộc sống hư hỏng, điên cuồng mà mình đang sống, bị giằng xé giữa một tâm - linh - tính lạnh lùng và một nhục cảm tàn khốc, cậu sống một cuộc sống mòn mỏi giữa những nỗi thống khổ của ý thức. Nỗi ám ảnh tự phụ "ta không phải là một tên bô-hê-miên, ra đời trong một chiếc xe màu xanh lá..." cũng thường xuyên trở đi trở lại, chứng tỏ sự ngạo mạn và sự yêu mến, hoài nhớ đến mãnh liệt của cậu với thế giới trưởng giả và những niềm vui tinh thần sang trọng.

Trong lúc sức khỏe ngày một giảm sút, trong chính những cơn khốn quẫn tinh thần không hứa hẹn một thỏa hiệp, thì cảm thức về nghệ thuật của cậu lại trở nên bén nhạy và nghiệt ngã, sắc sảo hơn bao giờ hết. Cậu lao vào làm việc, làm việc như thể không mong muốn một điều gì khác, và tác phẩm đầu tay của cậu đã đưa cậu lên đỉnh cao của danh vọng. "Cậu không tự kể mình là gì cả trong tư cách một sinh vật đang sống, cậu chỉ muốn được xem như một con người sáng tạo"...


(còn nữa mà mai viết tiếp, hết giờ làm rồi, đi café thôi hehehe)
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.