Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trên giá sách
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25
Phó Thường Nhân
Những lời dịch ở trên là trang đầu của cuốn tiểu thuyết « những nguồn gốc » (Origines) của nhà văn Pháp gốc Liban Amin Maalouf. Điều đặc biệt là ông không sinh ở Pháp, mà chỉ là một người di cư.
Lần đầu tiên tôi nghe tới tên ông là trong một chương trình truyền hình có cái tên « Hai mặt » (Double Jeux). Đấy là một chương trình giới thiệu những trí thức nổi tiếng ở Pháp gốc dân nhập cư.
Hai mặt bởi vì họ mang trong mình hai nguồn văn hoá hay nhiều hơn nữa. Một phần là văn hoá của nơi sinh ra, một phần khác là do hoà nhập, phương Tây ? Pháp ?. Và tự nhiên con người ta có 2 identity, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Chính vì thế mà cuốn sách có cái tên số nhiều « những nguồn gốc » mà không phải là một nguồn gốc.

Trong cuốn tiểu thuyết này, Amin Maalouf đã kể lại gia phả của gia đình ông. Đặc biệt là số phận của 2 con người. Một người là ông nội và một người là ông trẻ. Một người ở lại Liban, một người di cư sang tận Cuba. Sự việc xẩy ra vào đầu thế kỷ XX, lúc Đế quốc Thổ đang vào giai đoạn tan rã. Một câu chuyện gia phả, nhưng nằm trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt. Một cuốn tiểu thuyết được viết như một dạng tự sự (recit), trong đó sự nối kết chính là tác giả, người kể. Còn các nhân vật khác không được thể hiện trực tiếp. Sự hấp dẫn của câu chuyện, chính là sự tìm tòi của tác giả, giống như một thám tử, đi ngược lại thời gian, tìm hiểu những bí mật, những huyền thọai, truyền thuyết của gia đình. Nó còn có một cái gì đó như một tài liệu điền dã lịch sử, thông qua các bức thư được giữ lại. Các nhân vật được tái tạo lại bằng tác giả, qua nhưng bức thư. Là tự truyện nhưng nó có một cái gì đó như ký sự. Là tiểu thuyết lịch sử, nhưng nó không giống như « chiến tranh và hoà bình », có các nhân vật lịch sử thật (Napoleone, Kutuzov, ...) mà như một tài liệu điền dã.

Người ta có thể yêu thích câu chuyện về nhiều thứ. Người ta có thể thích nó về cách tác giả hiểu về cội nguồn, như đoạn văn tôi dịch ở trên, và nó cũng là chủ điểm của tác phẩm. Cách hiểu cội nguồn đó là cach hiểu « du mục », của một nền văn hoá du mục. Trong đó tiếng nói, địa lý, lịch sử một vùng đất, không quan trọng bằng lịch sử một con người (ở đây là một cộng đồng gia tộc), bằng tôn giáo mà mỗi người mang trong mình.

Tôi còn yêu thích câu chuyện bởi người viết đã nhìn đế quốc Thổ, từ trong lòng của nó nhìn ra. Trong đó sự hiện đại hoá đã dẫn tới sự tan rã chứ không phải là sự hưng thịnh hùng mạnh. Bởi vì sao ? Bởi vì cái hiện đại hoá ấy từ phương Tây đưa tới dựa vào dân tộc, dựa vào tiếng nói, dựa vào sắc tộc đó là chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Trong khi Đế quốc Thổ (Ottoman) dựa vào tôn giáo (đạo Hồi). Kết quả, « tự do – bình đẳng – bác ái » đã làm tan rã nhà nứơc Ottoman, để tạo ra hàng loạt các nước hồi giáo bé nhỏ. Ở đây cái văn hoá bên ngoài đã không cấy vào được cái thân cây cũ. Ở đây đặt ra vấn đề ghép giống văn hoá. Một sự xung đột văn hoá mà những nước Á-Phi- Mỹ latin có thể cảm nhận. Đó là việc làm sao khớp văn hoá ngoại lai bên ngoài vốn không phát triển từ truyền thống văn hoá của chính mình để có thể phát triển, tạo ra cái mới, một sức sống mới, một văn hoá mới.

Nhưng cứ bỏ ra ngoài những suy nghĩ ấy,thì người ta cũng sẽ bị hấp dẫn bởi một cách kể chuyện rủ rỉ, thong thả. Một lối hành văn đơn giản, gần với văn nói, không bị đè nặng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ. Ngưòi ta sẽ bị dẫn theo các khám phá của tác giả đi từ ngạc nhiên đến ngạc nhiên khác. Những khám phá mà như tác giả nói « đó là truyền thuyết của gia đình, không phải là sự thật, nhưng người ta lại coi nó như một sự thật vĩnh hằng ».

Amin Maalouf đã từng được giải thưởng văn học Goncourt của Pháp. Quyển « Những cội nguồn » này cũng được giải văn học Địa trung hải. Nhưng giải thưởng sẽ chẳng có giá trị gì nếu người ta không cảm thấy thú vị và cảm nhận được.



Thị Anh
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Apr 7 2006, 09:09 PM)
Những lời dịch ở trên là trang đầu của cuốn tiểu thuyết « những nguồn gốc » (Origines) của nhà văn Pháp gốc Liban Amin Maalouf. Điều đặc biệt là ông không sinh ở Pháp, mà chỉ là một người di cư.




Giá bác có thể chia sẻ cả bìa cuốn sách nữa thì tốt.
grass
QUOTE(Thị Anh @ Apr 8 2006, 03:37 AM)
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Apr 7 2006, 09:09 PM)
Những lời dịch ở trên là trang đầu của cuốn tiểu thuyết « những nguồn gốc » (Origines) của nhà văn Pháp gốc Liban Amin Maalouf. Điều đặc biệt là ông không sinh ở Pháp, mà chỉ là một người di cư.




Giá bác có thể chia sẻ cả bìa cuốn sách nữa thì tốt.
*




user posted image
Phó Thường Nhân

Cuối cùng đã đọc xong « Origines » của Amin Maalouf, đáng lẽ theo trình tự tự mình đặt ra thì phải đọc Hoài nam tử trước. Nhưng Hoài Nam tử có một sự cuốn hút kiểu khác, và truyện có một sự cuốn hút kiểu khác. Nếu đọc triết, người ta bị cuốn hút vào tư duy, thì đọc truyện người ta có thể bị cuốn hút bào sự hấp dẫn của nó. Có nghĩa là người ta có thể đọc một cách hồn nhiên như một đứa trẻ, không cần biết đến ý nghĩ, đến tư duy , đến ý đồ của nó. Bản thân cuốn truyện có một sự hấp dẫn tự nhiên, cái duyên riêng của nó, cái mạch của nó. Cái duyên ngầm ấy, một tác phẩm triết học không có, ngoại trừ nó được viết dưới dạng văn học. Như Người Xa lạ (Etranger) của Albert Camus, hay « những bức thư Ba tư » (Lettres Persanes) của Montesquieu. chẳng hạn.

Người Xa Lạ (Etranger) là triết hay là văn. Thực ra thì đó là triết được viết theo dạng văn học. Sự cuốn hút của Người xa lạ với tôi lại không phải là mạch truyện mà chính là kỹ thuật văn và sự ngạc nhiên do mâu thuẫn giữa cách đáng giá một hành động của con người, trong triết người ta gọi là Phenomene (hiện tượng), với cái meaning(ý nghia) mà xã hội gán cho nó. Sự cuốn hút của nó với tôi không khác gì sự cuốn hút của Nam hoa kinh, khi đọc truyện Trang tử gẩy đàn ngồi hát khi có tang vậy. Cái cuốn hút của người xa lạ là nghịch lý.

Cái nghịch lý của Người Xa lạ là gì, đó là sự mâu thuẫn giữa sự việc, cái fact và ý nghĩa người ta gán cho nó. Hai điều này thực ra là tách biệt. Bởi người làm ra cái fact kia, thực hiện cái fact kia (trong truyện là nhân vật chính
Marsault, chẳng biết tôi viết có sai chính tả tên ông ta không) và những người đáng giá những cái fact đó (trong chuyện là thẩm phán, là luật sư, là những người ở trong nhà dưỡng lão), cho nó một cái ý nghĩa không phải là một.

Cuốn tiểu thuyết này nổi tiếng (ngoài kỹ thuật hành văn, cách tả theo ấn tượng của nhân vật) chính là vì nó là một ví dụ sinh động cho thuyết triết học « hiện tượng » của Husserrl, sau này được Sartres biến tướng thành hiện sinh. Chính vì thế mà người ta thường coi Albert Camus cùng ở trong trào lưu hiện sinh này, trong khi thực ra Sartres và Camus chỉ chung nhau cái gốc khởi thuỷ đó là thuyết hiện tượng học.

Từ trước tới nay, trong triết học phương Tây bao giờ người ta cũng đi tìm một cái chân lý khởi thuỷ. Nói rộng ra là không việc gì thực hiện mà không có ý nghĩa. Và cái ý nghĩa cuối cùng chính là Chúa. Chính cái ý nghĩa đã quyết định sự ra đời của sự việc (được gọi là hiện tượng). Ở đây có sự nhầm lẫn căn bản trong triết học phương Tây là đã nhầm ý nghĩa giá trị(meaning) gán cho một hiện tượng(phenomene) với điều kiện (condition)sinh ra nó. Bằng cách tách biệt hiện tượng và cái ý nghĩa người ta gán cho nó, Husserrl, rồi sau đó Heidegger đã mang lại cho triết học phương Tây một cái nhìn mới. Cái điều mà ở phương đông người ta đã nói tới từ lâu đó là việc vựơt lên trên sự nhận xét phải trái, đúng sai người ta vẫn thường thấy trong Phật giáo. Vì từ rất lâu trong phật giáo đã có khái niệm « điều kiện » và nó khác hẳn với « ý nghĩa » đánh giá đạo đức.

Sau khi spam như vậy rồi , tôi quay trở lại Cuốn người xa lạ. Ở đây Albert Camus đã tả một cách tỉ mỉ , tinh vi thông qua nhân vật chính những gì là điều kiện, xoay xung quanh những sự kiện (mẹ mất, tự nhiên giết người), và cái ý nghĩa mà xã hội xung quanh, qua các nhân vật thẩm phán, luật sư, cha cố...gán cho nó, tạo cho nó một lô gíc, một cái cause mà bản thân hiện tượng, sự việc không có. Cái hay của Người xa lạ là ở đó.

Do tình cờ mà tôi biết được là có rất nhiều bản dịch người xa lạ ở VN, chủ yếu thực hiện thời miền Nam cũ. Nhưng cũng có bản dịch mới do học giả Dương Tường thực hiện. Tôi không được đọc bản nào, và có lẽ cũng không có ý định đọc, vì nếu người ta có điều kiện thì nên đọc nguyên bản. Nhưng không ai có thể biết được mọi thứ tiếng trên đời, nên việc dịch thuật vẫn là cần thiết. Nhưng đã dịch thì bao giờ cũng có ý người dịch thêm vào không thể khác. Tác phẩm trở nên có nhiều tác giả.

Học giả Dương Tường đã dịch tựa đề cuốn sách là « Người dưng ». Điều này làm tôi vừa cảm phục về vốn từ vựng tiếng việt của tác giả, vừa cảm thấy nó có cái gì đó không đúng. Nếu dịch «Etranger » là người dưng thì về mặt ngôn ngữ tiếng việt là quá đẹp. Từ người dưng rất nuột và thuần việt. Nhưng nó làm hiểu sai ý của tác giả.
Bởi từ người dưng tự nó đã có một cái gì đó như sự đánh giá, cho một giá trị. Trong khi, đó là điều mà Camus không muốn. Vậy thì phải tìm một từ nào đó nó trung lập hơn, vì ở đây Camus đã đứng giữa. Đứng giữa sự gán ghép một giá trị và hiện tuợng xẩy ra. Tôi nghĩ từ « người xa lạ » đáp ứng được điều đó, thậm chí để cho nó thuần việt hơn, người ta có thể để tắt là « Xa lạ » vì tiếng việt danh từ không cần có chủ.
Phó Thường Nhân
"Không thể cởi quần áo" dịch thế cho nó hot quyển sách của François Julien vốn tên là
"Le nu impossible". Ở đây tác giả đã đặt một câu hỏi rất lạ lùng là tại sao trong nghệ thuật châu Âu người ta hay vẽ, tạc tượng "NU", trong khi đó ở truyền thống TQ hoàn toàn không có ?
Từ đây tác giả dẫn giải đến sự khác biệt của mô đen lý tưởng TQ và phương Tây.

Điều tôi tò mò là tác giả học kiểu viết của Heiddeger (tôi cảm tưởng thế) thường bẻ chữ ra, vậy không hiểu dịch ra tiếng việt thế nào. Vì hình như quyển này có được dịch ra tiếng việt.
Ví dụ từ exposer (phơi bầy, triển lãm) được tác giả viết thành "ex - poser", cái dấu "-" ở giữa là ý tác giả muốn nhấn mạnh khái niệm tư duy của người châu Âu : ex để chứng tỏ nó là một cái gì đó đến từ bên ngoài, còn "poser" có nghĩa là bầy ra. Bầy ra bên ngoài, để từ ngoài nhìn vào, đó là ý nghĩa của từ exposer, đồng thời nó cũng chỉ ra tư duy của châu Âu là hướng ngoại, không có cái nhân tiềm ẩn (immanent) ở bên trong.

Những kiểu bẻ chữ như vậy (giống như trong chữ Hán triết tự) có rất nhiều, vậy người dịch ra tiếng Việt không biết dịch như thế nào nhỉ ?


Thị Anh
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Apr 25 2006, 09:59 PM)
"Không thể cởi quần áo" dịch thế cho nó hot quyển sách của François Julien vốn tên là
"Le nu impossible". Ở đây tác giả đã đặt một câu hỏi rất lạ lùng là tại sao trong nghệ thuật châu Âu người ta hay vẽ, tạc tượng "NU", trong khi đó ở truyền thống TQ hoàn toàn không có ?
Từ đây tác giả dẫn giải đến sự khác biệt của mô đen lý tưởng TQ và phương Tây.




Cuốn này đã được dịch với tên: Cái Nu không thể có.

@ Xa lạ- hay Người xa lạ- hay Người Dưng
Em thích tên Kẻ xa lạ. Bản dịch của Lê Hoàng Dân.
Em tuyệt đối ko thích người dưng một chút nào. Chính vì từ Người Dưng,đã gây cho em nỗi hoài nghi về dịch của bác Dương Tường (đôi chút).
Tễu
QUOTE(Thị Anh @ Apr 26 2006, 05:46 AM)
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Apr 25 2006, 09:59 PM)
"Không thể cởi quần áo" dịch thế cho nó hot quyển sách của François Julien vốn tên là
"Le nu impossible". Ở đây tác giả đã đặt một câu hỏi rất lạ lùng là tại sao trong nghệ thuật châu Âu người ta hay vẽ, tạc tượng "NU", trong khi đó ở truyền thống TQ hoàn toàn không có ?
Từ đây tác giả dẫn giải đến sự khác biệt của mô đen lý tưởng TQ và phương Tây.




Cuốn này đã được dịch với tên: Cái Nu không thể có.

@ Xa lạ- hay Người xa lạ- hay Người Dưng
Em thích tên Kẻ xa lạ. Bản dịch của Lê Hoàng Dân.
Em tuyệt đối ko thích người dưng một chút nào. Chính vì từ Người Dưng,đã gây cho em nỗi hoài nghi về dịch của bác Dương Tường (đôi chút).
*



Tôi lại thích cái tiêu đề Người Dưng của bác Dương Tường, nó rất hay và hữu lý.

Bạn có thể không hài lòng với cái tiêu đề này nhưng liệu bạn có thể nói một cách cụ thể hơn cho tôi được rõ vì sao mà bạn cảm thấy hoài nghi (đôi chút) với trình độ dịch của ông Dương Tường khi mà bạn chưa đọc (hoặc không thể đọc được) nguyên tác rồi sau đó đọc bản Việt ngữ các tác phẩm do ông Dương Tường dịch.
Mr. Smith
Tớ lại thấy cái tên Người dưng không hề phản ánh được tinh thần cuốn sách của Camus. Nhân vật chính ở đây không dửng dưng như trong từ "người dưng" mà là "người xa lạ", xa lạ với những chuẩn mực và cách đánh giá sự việc, con người của xã hội. Nói chung hai cách dịch "người xa lạ" hay "kẻ xa lạ" đều đúng về mặt nghĩa, nhưng "kẻ xa lạ" có lẽ nghe có tính thơ và gợi hơn.
Thị Anh
QUOTE(Tễu @ Apr 26 2006, 10:21 AM)

Tôi lại thích cái tiêu đề Người Dưng của bác Dương Tường, nó rất hay và hữu lý.

Bạn có thể không hài lòng với cái tiêu đề này nhưng liệu bạn có thể nói một cách cụ thể hơn cho tôi được rõ vì sao mà bạn cảm thấy hoài nghi (đôi chút) với trình độ dịch của ông Dương Tường khi mà bạn chưa đọc (hoặc không thể đọc được) nguyên tác rồi sau đó đọc bản Việt ngữ các tác phẩm do ông Dương Tường dịch.
*



Bác hỏi đúng lắm. Em tuy một chữ tiếng Pháp bẻ đôi không biết, nhưng chỉ qua một từ "Dưng"- hay "xa lạ"... mọi thứ khác, em không biết, nên không dám nói, còn ở L'Etranger, mà dịch là dưng, thì nghe "chối".

Hẳn là bác Tễu đã đọc cuộc tranh luận về "Người dưng"- "kẻ xa lạ" trên evan rồi chứ? Em chỉ đọc lướt lướt qua qua nên cũng không nhớ rõ.



Nhưng cuốn KXL, là một trong cuốn thuộc sở thích, có thể nói là gối đầu giường của em. Cho nên nếu như bác đã đọc cuốn này rồi, thì em với bác tranh luận. Nếu bác chưa đọc, em chả tranh luận, mất thời gian.

Hoang Yen
Thi Anh ơi dạo này lười vãi
Xoay xuôi trở ngược mãi chưa xong cry1.gif


Người dưng trong cụm "người dưng nước lã" trong tiếng Việt có nghĩa là người ko có họ hàng gì, khác với người xa lạ (không quen không biết).

Dịch tên truyện theo nội dung cũng là ý hay, tuy thế nhiều trường hợp thấy ko lọt tai mấy, ví dụ cuốn "Phong nhũ phì đồn" được dịch thành "Báu vật của đời" có nhiều người phản đối.

Tễu
L’Étranger (có bản tiếng Anh dịch là The Outsider – Người Ngoài Cuộc) được xếp vào thể loại tiểu thuyết Hiện sinh, dựa trên học thuyết cơ bản absurdism của A. Camus. Nhân vật Meursault là một cá nhân kỳ lạ, không lo nghĩ, không suy tư. Anh ta chỉ hành động bằng các trải nghiệm giác quan của mình. A. Camus tập trung vào luận điểm rằng không hề có Chân lý, mà chỉ có những chân lý (tương đối) và đặc biệt, các chân lý đó nằm trong khoa học bao gồm kinh nghiệm chủ nghĩa (empiricism) hoặc tính hợp lý (rationality) cũng như tôn giáo thì cuối cùng thảy đều chỉ là vô nghĩa mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, chính bản thân Meursault không thể trực tiếp nhận thức được những điều này, nhận thức của anh ta về absurdism chính là tiềm thức tại điểm cao nhất của nó, điều này minh họa cho những hành động của Meursault. Tuy nhiên, điểm cơ bản của A.Camus vẫn được giữ nguyên, đó là: Những điều duy nhất có thực chính là những gì chúng ta trải nghiệm về mặt thân thể. Ý nghĩa hành động giết người của Meursault là phản ánh cuộc đời của anh ta cũng như ý nghĩa của của cuộc đời đó khi mà anh ta suy ngẫm về án tử hình đang chờ đợi mình. Chỉ có việc bị kết án tử hình mới khiến cho Meursault bắt buộc phải thừa nhận cái chết của mình cũng như trách nhiệm mà anh ta phải có với chính mạng sống đó.

Chủ đạo của tác phẩm chinh là việc nêu rõ rằng chúng ta tự tạo nên số phận của riêng mình, và chính chúng ta chứ không phải thượng đế, phải chịu trách nhiệm cho những hành động của chúng ta và những hậu quả của nó.

Do vậy, tiêu đề Người Dưng của cuốn sách này, hiểu là người không quen biết đến những chuẩn mực như phần lớn chúng ta vẫn thường sống. Nếu nói rằng tiêu đề Người Dưng không phản ánh đúng tinh thần của tác phẩm thì khi dịch tiêu đề của cuốn sách này là Kẻ Xa Lạ, Người Xa Lạ, Người Ngoài Cuộc v.v… thì chắc gì đã truyền tải được đúng ý đồ của A. Camus.

Tuy vậy, điều cơ bản tôi muốn nói ở đây là không nên chỉ xét đoán cách dịch tiêu đề cho một cuốn sách (mà theo mình tiêu đề ấy không được hay lắm) rồi dựa vào để đánh giá trình độ dịch thuật của dịch giả đó mà ta nên phải thực sự chú trọng vào phong cách chuyển ngữ của anh ta qua nội dung tác phẩm.
Tễu
QUOTE(Hoang Yen @ Apr 26 2006, 09:27 PM)
Dịch tên truyện theo nội dung cũng là ý hay, tuy thế nhiều trường hợp thấy ko lọt tai mấy, ví dụ cuốn "Phong nhũ phì đồn" được dịch thành "Báu vật của đời" có nhiều người phản đối.
*



Cùng một cuốn To Kill The Mocking Bird của Harper Lee nhưng trước năm 75 ở miền Nam người ta dịch là Cái Chết Của Con Chim Nhạn nhưng ở miền Bắc năm 73 cuốn này được Lương Minh Tâm và Phương Hiên dịch là Giết Chết Một Con Chim Mốc-King. Theo tôi thì cả hai tên đều có thể chấp nhận được, không nên quá câu nệ vào tiêu đề của nó miễn sao độc giả khi đọc bản Việt ngữ cảm nhận được nội dung và tinh thần mà tác phẩm muốn truyền tải và không cảm thấy quá khó chịu và tức anh ách như khi đọc một loạt các tiểu thuyết được Thanh Vân dịch và xuất bản gần đây.
Thị Anh
QUOTE(Tễu @ Apr 27 2006, 10:16 AM)
Do vậy, tiêu đề Người Dưng của cuốn sách này, hiểu là người không quen biết đến những chuẩn mực như phần lớn chúng ta vẫn thường sống. Nếu nói rằng tiêu đề Người Dưng không phản ánh đúng tinh thần của tác phẩm thì khi dịch tiêu đề của cuốn sách này là Kẻ Xa Lạ, Người Xa Lạ, Người Ngoài Cuộc v.v… thì chắc gì đã truyền tải được đúng ý đồ của A. Camus.

Tuy vậy, điều cơ bản tôi muốn nói ở đây là không nên chỉ xét đoán cách dịch tiêu đề cho một cuốn sách (mà theo mình tiêu đề ấy không được hay lắm) rồi dựa vào  để đánh giá trình độ dịch thuật của dịch giả đó mà ta nên phải thực sự chú trọng vào phong cách chuyển ngữ của anh ta qua nội dung tác phẩm.
*



Em càng đọc càng thích Kẻ xa lạ.
Tễu nhầm rồi. Meursault không dửng dưng trước cuộc sống. Meursault không phải con người bất hiếu, bạc tình bạc nghĩa.
Camus chỉ đơn giản chỉ cho ta thấy cái phi lí, tại sao anh ta lại ko được quyền sống như anh ta, là anh ta. Tại sao anh ta lại phải giống bất kì ai khác?

Meursault bị buộc tội là một kẻ chống Chúa, cái án tử hình của anh ta là do tội " đã chôn mẹ với trái tim một kẻ giết người" nhiều hơn tội giết người. Phiên toà xét xử Meursault, trở thành nơi phân tích, mổ xẻ tâm hồn Meurault, đến nỗi làm anh ta phát ngán.


Người ta xét xử một Meursault ít nói, khép kín, (điều này làm em nhớ đến triết gia Trần Đức Thảo, ông cũng "bị" người ta nhắc đến tật ít nói, khép kín, ko làm phiền, như một "cái tội"). Một Meursault bị bắt do bắn một người Arap. Hành động giết người của anh ta, là một phần diễn biến tâm lí. Phát đầu tiên. Xong. Nhưng... một lúc sau. Anh ta nã tiếp 4 phát nữa vào cái xác nằm thẳng đơ kia. Vì cái gì? Meurault trả lời: Vì nắng.

Một Meursault bị kết tội do không nuôi được má, phải đưa má vào Viện Dưỡng Lão. Ngày má chết, không biết đích xác là ngày nào, do bức điện báo tin quá ngắn. Nhưng nếu Meursault mà là một người dưng, có lẽ anh ta đã không chạy quáng quàng ra xe để đi đến chỗ mẹ.
Anh ta bị buộc tội do không biết tuổi chính xác của mẹ, không khóc khi mẹ chết, trả lời " không" 2 lần liền khi lão gác cổng hỏi "có nhìn lại mặt mẹ" hay không, anh ta thậm chí còn uống cafe do lão mời (hành động này theo các vị thẩm phán là ko được phép uống cafe bên quan tài của mẹ, phải biết từ chối), hút thuốc, không nói chuyện gì với những người đến trông xác mẹ. Trong đêm, chỉ còn những tiếng mút má bên trong của những người già, với sự im lặng mệt mỏi...

Hãy thử hình dung cuộc thẩm vấn khi Meursault bị bắt, (anh ta coi buổi truy xét như một trò chơi):
- Anh đã tỏ ra thờ ơ trong ngày chôn má anh, phải không? Anh là 1 người ít nói, khép kín?
Trả lời: Vì không có gì đáng nói lên tôi im lặng.

- Anh có thương má không?
Có.

- Anh có bắn liên tiếp 5 phát súng không?
Có.

-Tại sao anh lại chờ đợi giữa phát súng thứ 1 và thứ 2:
Không trả lời.

- Tại sao, tại sao...?
Im lặng.

Dự thẩm đưa ra một bức tượng Chúa, và la lớn:
- Anh có biết vật này là gì không?
Biết. Dĩ nhiên.

- Anh có tin Chúa không?
Không.

- Anh có muốn cuộc đời trở nên vô nghĩa không?
Không liên hệ gì tới tôi.

- Anh có hối tiếc không?
Không trả lời, mà chỉ nói đến một sự khó chịu nào đó.



Meusault ko xa lạ với mọi người, mà chính mọi người cảm thấy M xa lạ. M ko giống họ, M ko biểu lộ cảm xúc, hành động giống họ. M làm họ ngạc nhiên. M biết sự khó chịu của ông chủ khi M xin nghỉ làm, gọi điện thoại, nhưng M nói thực lòng mình là M ko muốn thay đỏi, ko có tham vọng cho dù ông chủ vô cùng thất vọng.

M thích làm tình với Maria, thậm chí kết hôn, nhưng M trả lời rõ ràng khi Maria hỏi: anh có yêu em không. M. đã trả lời 2lần" Anh không yêu em".


Bốn tiếng súng tiếp theo M bắn vào người Arạp, một người có dao, đe doạ M, cản trở M không đi tới đựơc bãi biển, tránh cái nắng đang kích thích M, đó là bốn tiếng gõ cộc lốc bên cánh cửa của niềm bất hạnh.

Tôi thì tâm hồn có vẻ trống không. Nhưng tôi tin chắc nơi mình, tin rằng tôi đang còn sống và cái chết sắp đến với tôi. Phải, tôi chỉ có niềm tin đó. Vâng. Tôi tin vào điều ấy và ít ra tôi cũng biết đó là một thực tế phũ phàng và tôi không hề có ý trốn chạy nó.
Tôi đã có lý, tôi vẫn có lý và sẽ luôn luôn có lý. Tôi đã sống một cách nào đó, và tôi cũng có thể sống một cách khác. Tôi đã làm điều này và không làm điều kia. Tôi đã không làm một điều nào đó, trong khi tôi lại làm điều khác. Và sau đó? Như thể lúc nào tôi cũng chờ đợi cái giây phút và buổi bình minh kia, ở đó, tôi sẽ được biện minh. Không có gì, không có gì là quan trọng hết và tôi biết rõ tại sao. Ông ta cũng biết rõ tại sao. Nơi tận cùng của tương lai tôi, trong suốt cuộc đời phi lí mà tôi đã sống, thổi tới tôi một nhọn gió mịt mờ xuyên qua những năm chưa trôi tới, và ngọn gió này san bằng trên lộ trình của nó tất cả những gì người ta đã đề nghị cho tôi trong những năm không lấy gì làm thực hơn những năm tôi đã sống qua. Cũng không có gì là quan trọng đối với tôi, cái chết của người khác, tình thương của mẹ, cũng không có gì là quan trọng đối với tôi, Chúa của ông ta, những cuộc đời mà người ta chọn lựa, đó là chính tôi và cùng với tôi hàng tỉ những con người được chọn, cũng giống như ông ta, tự cho là đồng hội đồng thuyền với tôi. ...


Em nghĩ câu giải đáp Người dưng, hay kẻ xa lạ là ở đoạn này. và cái kết luận M. tự dưng muốn cho thật nhiều người tới tham dự ngày tử hình của mình. Đó cũng là kết quả của sự "xa lạ".


@ Em đã nói rồi. Dương Tường là một đại gia trong dịch thuật. Nhưng cái trên, ko phải là lỗi dịch, mà là văn phong, cách lựa chọn nghĩa.

Ví dụ, trong Mặt trời nhà Scorta của Laurent Gaudé, bác Tường dịch. Nói một linh mục đang ở trai phòng. Trong nhà thờ, nơi ở của linh mục ngta cũng gọi là trai phòng à? Hay là đúng mà mình ko biết?
tao_lao
Trai phòng= phòng cho trai?
Mr. Smith
QUOTE(tao_lao @ Apr 28 2006, 05:48 AM)
Trai phòng= phòng cho trai?
*



Trai phòng là phòng để trai giới: tắm rửa, ăn chay, tụng kinh, không gần nữ sắc...
Tớ nghĩ thường trai phòng là những phòng dành riêng cho việc trai giới, nhất là ở trong đền chùa.
Nhưng gọi phòng linh mục ở trai phòng chắc cũng không sai lắm vì tính chất cũng như vậy, cũng tụng kinh, sống thanh tịnh...
Tớ cũng nghe danh bác Dương Tường đã lâu nhưng thực sự là chưa đọc tác phẩm nào do bác ấy dịch. À, nhầm, có đọc cuốn Zorba, tay chơi Hy Lạp. Cuốn đó thì bác ấy dịch hay. Nhưng nghe nói cuốn Cái trống thiếc của Grass, bác Tường dịch cũng bị nhiều người kêu là có vấn đề thì phải.
Ngay việc nhiều người dịch đi dịch lại vài cuốn sách mà đã được dịch rồi cũng có nhiều điều bất cập. Ví dụ như cuốn Người xa lạ của Camus, chắc phải có đến 3-4 bản dịch, thậm chí nhiều hơn. Trong khi đó kho tàng sách vở thế giới còn không biết bao nhiêu cuốn hay thì lại ít đưọc lưu ý. Ngay như Camus, còn bao nhiêu trước tác, ví dụ các vở kịch của Camus không biết đã được dịch chưa? Bao nhiêu tinh hoa dịch thuật cứ xoay vần một vài cuốn sách rồi lại châm bút phê phán nhau, vach ra câu này dịch sai, câu kia dịch không hay, đúng là cũng phí phạm. Người dịch có lẽ tìm nơi để thể hiện cái tôi bằng cách dịch những tác phẩm nổi tiếng đã được công chúng biết đến, cho dù những tác phẩm này từng được dịch trước đó rồi, hơn là thực sự ham muốn mang lại cái mới, cái hay vốn ít được biết đến ở Việt Nam.
Phó Thường Nhân
@Smith,
Đúng là như vậy. Nhưng hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Nếu dịch nhiều mà ẩu thì cũng vô ích mà thôi. Thậm chí tôi nghĩ không những cần phải dịch mà phải giới thiệu nữa. Ví dụ nếu dịch Andre Gide mà không giới thiệu tư tưởng của ông ta và cái môi trường thiên chúa giáo. Dịch "Người tình của Lady Charteley" mà không biết đến xã hội giai cấp ở Anh, chủ nghĩa tự nhiên của họ thì cũng không cảm thấy hết cái đẹp và ý nghĩa của nó. Tóm lại là "quân cốt tinh, không cốt nhiều"

Dịch cũng cần chính xác. Ví dụ cái phòng tu của đạo Thiên chúa mà dịch bằng từ đạo phật, thì đúng là việt hoá được nó, nhưng có khi lại mất ý nghĩa.
Mip
QUOTE(Thị Anh @ Apr 28 2006, 06:30 AM)

Ví dụ, trong Mặt trời nhà Scorta của Laurent Gaudé, bác Tường dịch. Nói một linh mục đang ở trai phòng. Trong nhà thờ, nơi ở của linh mục ngta cũng gọi là trai phòng à? Hay là đúng mà mình ko biết?
*



Ồ, "Mặt trời nhà Scorta" (Le soleil des Scorta) cũng được dịch sang tiếng Việt rồi à? Hay quá! Mình rất thích truyện này (giải Goncourt không nhớ năm bao nhiêu).
Mình có đọc thêm được "La mort du roi Tsongor" (Cái chết của quốc vương Tsongor), cũng rất hay (Giai Goncourt des lycéens 2002) nhưng không thể ấn tượng như "Scorta" được, có lẽ vì bối cảnh của "Scorta" gần gũi hơn.
xanh
QUOTE(Elephant @ Oct 26 2005, 06:24 PM)
tiện đây cho em xin cuốn mật mã của DaVinci, tiếng Việt or tiếng Anh đều được ạ , many thanks:X
*




Em cũng đang muốn đọc bản này mà tìm mãi chẳng ra. Có bác nào có, cho em xin cái link với.
dandumuc
Của chị bạn em scared.gif Xanh này : Dan Brown_The Davinci Code rose.gif rose.gif rose.gif

(Cái I send it của làng nhiều lúc trở chứng furious.gif )
soctettoc
QUOTE(dandumuc @ May 8 2006, 11:53 PM)
Của chị bạn em  scared.gif Xanh này : Dan Brown_The Davinci Code rose.gif  rose.gif  rose.gif

(Cái I send it của làng nhiều lúc trở chứng  furious.gif  )
*



Hì hục mãi up lên để đưa vào làng thì nhìn thấy cái này scared.gif devil2.gif boxing.gif cry1.gif cry1.gif
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.